Uy quyền của vua chúa Pháp qua kiến trúc vườn

Uy quyền của vua chúa Pháp qua kiến trúc vườn – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Không phải là chỉ vì lười biếng trồng cây cho thẳng hàng, mà đối với tôi vườn cây thể hiện một sự tự nhiên của thiên nhiên, không ngay hàng thẳng lối, hoa không mọc từng cụm kết hợp, mà méo mó xẹo xọ, thứ này chen lẫn với thứ kia. Cái vườn của tôi là như thế. Thứ nào do chim chóc gieo hạt mọc lên tươi tốt thì để cho mọc, thứ nào tôi mua về trồng mà không hợp đất hay cây giống có thuốc, cứ nở hoa một lần thôi là ngủm thì thôi tôi không cố trồng nữa. Thiên nhiên cũng như con người, mạnh được yếu thua, cây nọ lấn cây kia, có những cây hoa được năm, sáu năm bỗng dưng chết mất, nó bị cây bên cạnh, khỏe hơn, vươn cao hơn, lấy mất sân chơi, có những cây hoa bỗng dưng xuất hiện tươi mơn mởn.

Vườn nhà tôi vì thế luôn thay đổi, cây sống, cây chết, cây mọc, cây di chuyển đi chỗ khác một cách tự nhiên trong thiên nhiên, hoàn toàn không sử dụng chất hóa học, chỉ có nước mưa và khí trời, ít có bàn tay con người, tôi và chồng tôi, can thiệp vào.

Khi còn sức lực để làm vườn, chúng tôi trồng 4, 5 năm luống khoai tây mỗi năm, rồi cà rốt, cà chua, ớt chuông, bí đỏ, dưa, ngò tây…hoàn toàn theo cách nhà nông truyền thống, không sử dụng phân bón hóa học, chất diệt cỏ dại hóa học, sới đất, làm đất, nhổ cỏ dại chúng tôi đều làm bằng sức lực tay chân, cuốc xẻng. Đất đen mịn, mầu mỡ, mỗi năm cho chúng tôi mấy trăm kí lô khoai tây, còn rau củ thì ăn không kịp, không hết.

Cây ăn trái, chúng tôi cũng chẳng mua cây giống gì nhiều. Có một lần một, tôi mua một cây lê giống và một cây táo giống còn nhỏ, lại không có lá hay hoa, rốt cục khi hoa nở, thì cây lê thành ra cây táo, và cây táo thì là giống táo khác tôi không muốn trồng, thì ra là nhà ươm giống dán nhãn sai bét, nhầm lẫn cây này với cây kia.

Chồng tôi gieo những hạt quả đã ăn, chờ cho chúng nó mọc lên, hạt nào khỏe thì mầm lên cao rồi thành cây con, sau tháng chín thì nhổ nó lên đem ra chỗ trồng. Anh cũng vào rừng, tìm cây ăn quả mọc dại, bứng lên đem về vườn nhà trồng. Bằng cách đó, những cây ăn quả vườn nhà đều khỏe mạnh, sau vài năm đã lớn và kể từ năm thứ năm trở đi cho nhiều trái khỏe. Chúng tôi có 7 cây mận các loại, 1 cây lê, 3 cây táo, 1 cây griottes và 2 cây mirabelles, cùng với 3 cây lá nguyệt quế (lauriers) chen lẫn với những cây hoa, hoa hồng, hoa dâm bụt, hoa xoan, hoa đào, hoa serenga, hoa boules de neige, hoa forthysia, hoa clématite …và cả chục loại cây khác làm hàng dậu quanh khu đất nhà. Thấm thoát vườn nhà đã được 20 năm tuổi, từ lúc mới gây dựng lên,

Nhiều người xem chuyện làm vườn như là thể thao thêm cho thân thể khỏe mạnh, tinh thần được sảng khoái, quên đi những nghĩ ngợi lo âu buồn phiền, ngoài việc có lợi về kinh tế gia đình, cho sức khỏe.

Tôi trồng cây theo phong thủy bao bọc quanh nhà, sườn bên phải nằm cạnh đường đi của làng thì tôi trồng một dãy cả chục gốc hoa hồng đủ mầu sắc, đủ giống, hồng vừa đẹp vừa thơm vừa có gai nhọn để bảo vệ. Nếu tin rằng mỗi cây có một thần trú ngụ thì nhà tôi được bảo vệ bằng bấy nhiêu thần cây. Chim chóc bay về tìm nơi làm tổ, đàn ong cũng bay đến tìm chỗ làm nhà, chẳng mấy chốc nhà có thêm nhiều khách trọ không tốn tiền trong vườn. Mỗi sáng sớm chim chóc hót vang lừng.

Áy vậy mà không vừa lòng hàng xóm, có ông thấy vườn nhà tôi thì khó chịu, bảo sao không trồng ngay hàng thẳng lối, có ông thì bảo hoa này thì phải chọn chỗ khác cho nó, có người lại bảo san phẳng hết đi, đốn hết cây ở vườn trước đi, mở lối vào nhà cho hoành tráng, có người lại bảo phải tỉa cây đi chứ, cắt bụi cho tròn, cho vuông vức….Nhưng cũng có người thích vườn nhà tôi, chăm sóc nhưng không kiêu kỳ, thơ mộng và không trưởng giả, rộng rãi mà không hoành tráng, mùa nào hoa nấy, hoa nở quanh năm suốt tháng.

Cái vườn này, nơi thiên nhiên ngự trị, dân ngu cu đen làm vườn có khác, không có một chút nào tính cách „vườn kiểu Pháp“ (jardin à la française) dù ở trên đất Pháp,

Khu vườn kiểu Pháp phải được thiết kế theo hình học, những đường kẻ thẳng tắp ngang dọc, đối xứng với nhau trên những mặt bằng phẳng, những hình thoi, bát giác, lục giác, tam giác, những trục đường dẫn cân xứng với lâu đài phòng ốc và sân, cân xứng với những điểm nhấn trong khu vườn như nhà hóng gió, một bức tượng làm cảnh, một cái hồ, một vòi nước, một thác nước…. làm chuẩn, phải phản ánh một tầm nhìn xa, một tầm nhìn chiến lược của người chủ.

„Vườn kiểu Pháp“ thể hiện quyền lực của vua chúa Pháp, cây phải trồng ngay hàng thẳng lối như binh lính đứng thẳng hàng, im lặng, sẵn sàng tuân lệnh vua, hoặc phải uốn éo theo hoa văn như ý thích của vua, không có cái lá cây nào được ra khỏi cái chỗ đã chỉ định, hễ lá nhú lên, ló đầu ra là bị cắt, không có cái hoa nào nở tự nhiên vô trật tự, hoa phải nở theo khung hình dáng, kỷ luật tuyệt đối.

Tóm lại, thiên nhiên trong thiết kế vườn kiểu Pháp là thiên nhiên phải quy phục luật vua, phải theo trật tự, kỷ luật của vua áp đặt, phải chịu nép mình trong khoa học thực tiễn tượng trưng cho sự tiến bộ của xã hội và chứa đựng sự phô trương về quân sự. Vườn kiểu Pháp tức là hệ thống trật tự, ký luật, cân bằng, tinh khiết, tầm nhìn chiến lược để chứng tỏ uy quyền, địa vị tầng lớp quý tộc, thượng tầng xã hội và quan điểm một nếp sống cao cấp của chủ vườn.

Chung quanh những lâu đài của Pháp là những khu vườn rộng mênh mông nhìn hút mắt để dạo chơi, còn vườn trồng cây trái, hoa quả, rau củ để ăn, vườn cây thuốc được tách ra riêng biệt, nhưng cả ba loại vườn đểu thể hiện phong cách đặc điểm vườn kiểu Pháp. Dần dà người quyền quý, người trưởng giả, người có của…trong dân chúng đều thích những đặc điểm ấy và áp dụng cho vườn tược của mình, họ chế nhạo những người nông dân làm vườn vì chỉ nghĩ đến ăn, không nghĩ đến việc nào „cao“ hơn.

Vì thế, người làm nghề „làm vườn“ đến nay vẫn được trọng dụng, và người chủ, phải giầu có lắm, thường có chút hãnh diện khi nói về „người làm vườn của tôi“.

Những người làm vườn nổi tiếng của vua chúa Pháp, đưa tầm mức người làm vườn lên thành kiến trúc sư vườn tược, được sách sử ghi lại từ thế kỷ thứ 16.

Những kiến trúc sư này ghi dấu ấn trong những công trình có nghệ thuật phối cảnh (perspective) với một không gian rộng mênh mông và với một sự hoàn hảo (perfection) tuyệt vời. Lâu đài càng có giá trị khi khu vườn càng rộng, càng hoành tráng.

Chỉ nội công việc san phẳng những địa hình đồi núi lấy đất làm vườn cũng nói lên công sức của những người làm vườn thời xưa. Họ đưa cả những hệ thống nước để nuôi dưỡng vườn tược thành một nghệ thuật phản ánh như tấm gương với các mạch nước ngầm, thang nước, hồ, ao như những công trình kiến trúc trong tổng thể cảnh quan vườn.

Người làm vườn nổi tiếng trong lịch sử kiến trúc vườn kiểu Pháp gần đây là ông André Le Nôtre (họ của ông còn được viết nguyên thủy là Le Nostre) mang chức danh „người làm vườn của vua“ (Jardinier du Roi). Le Notre sinh năm 1613 và qua đời năm 1700, trong một gia đình có truyền thống từ ba đời là người trồng rau cỏ và làm vườn, thời của ông là nửa sau của thế kỷ 17.

Ông là người làm vườn của vua Louis XIV, lãnh trách nhiệm kiến trúc các khu vườn của lâu đài Versailles, ngoài ra ông cũng kiến trúc lâu đài Vaux-le-Vicomte và lâu đài Chantilly.

Trên đường đến Paris là tâm điểm, ngay từ thời Charlemagne đã chọn địa điểm Compiègne là một nơi đóng đô, từ đó đến nay, trải qua gần hai ngàn năm lịch sử Compiègne luôn luôn có lâu đài của vua Pháp, hoàng đế Pháp, là nơi đã đón hai bà hoàng hậu, Marie-Antoinette của vua Louis XVI và Marie-Louise của hoàng đế Napoléon Ier, là nơi ký kết hiệp ước đầu hàng ngày 11.11.1918 của quân Đức kết thúc trận đại chiến thế giới lần thứ nhất. Lâu đài Compiègne hiện nay là kết quả xây dựng và sửa chữa của nhiều đời vua, mà trong đó Napoléon Ier đã để lại dấu ấn khi ông cho mở một đại lộ mang tên Allée des Beaux-Monts dài 4 cây số, rộng 60 thước xuyên thẳng qua rừng năm 1860, để từ phòng ngủ của mình hoàng hậu Marie-Louise có thể nhìn tới chân trời. Công trình này kéo dài đến 1823 mới hoàn tất thì Napoléon Ier đã mất trước đó vào năm 1821 trên đảo Sainte-Hélène.

Lâu đài nào cũng tương tựa nhau ở điểm kiến trúc nội thất, phòng rộng mênh mông, trần cao, cửa sổ nhiều, cao, hai cánh to, rèm cửa hai lớp nặng nề, các lò sưởi than củi cũng phải to khổng lồ mới đủ ấm. Khu vườn kiểu Pháp nào cũng giống nhau, mùa hè nắng chói chang không có một bóng râm, rất khác những kiểu vườn của Anh, của Nhật, của Việt Nam.

Khi được vua Louis XVI tặng cho lâu đài nhỏ Le petit Trianon, hoàng hậu Marie-Antoinette liền cho thiết kế lại khu vườn thuộc lâu đài này theo ý riêng của bà, dựa trên nền tảng triết lý của Jean-Jacques Rousseau, với một sự hoài niệm về thiên nhiên, dân dã, đối lập với ý tưởng „vườn kiểu Pháp“, như một nơi để bà ở ẩn, rút lui, quên đi, so với cuộc sống bon chen trục lợi, nhiều hiềm nghi, hiềm thù trong triều đình nước Pháp thời đó. Công việc này được giao cho kiến trúc sư Richard Mique và họa sĩ Hubert Robert thực hiện từ năm 1783 đến 1786. Công trình này để lại cho hậu thế một „hameau de la Reine“ (nông trại của nữ hoàng), mà ngày nay mọi người có thể đến Versailles để chiêm ngưỡng những gì còn lại.

Chung quanh một cái ao đào để nuôi cá, câu cá, Richard Mique dựng lên một khung cảnh nhân tạo của một cái làng nhỏ đẹp như tranh vẽ gồm 12 cái nhà lợp lá theo phong cách của vùng Normandie, một nông trại để nuôi súc vật bò, cừu, gà…lấy sữa và trứng cho hoàng hậu, một nhà xay lúa, một chuồng chim bồ câu, một nhà chứa rơm rạ, một khuê phòng, một ngọn tháp…cũng như vườn cây ăn trái, vườn rau củ, vườn nho và vườn hoa…., ngôi nhà đẹp nhất trong làng này là „ngôi nhà của hoàng hậu“ (Maison de la Reine) nằm bên cạnh một con sông nhân tạo, bắc qua một cái cầu bằng đá…

Chỉ những người thân cận với Hoàng hậu Marie-Antoinette mới được vời đến đây, bà tìm cách dậy dỗ con cái biết thế nào là thiên nhiên, những bữa ăn đơn giản, những buổi vui chơi tự nhiên, ăn mặc quần áo đơn giản…

Tuy thế, đương thời, hoàng hậu Marie-Antoinette cũng bị chỉ trích nhiều, chi phí thiết kế nông trại ước tính lên đến 500.000 quan tiền vàng Pháp, vì lối sống xa cách triều đình, trong một không gian nhà quê giả tạo mà không hề bị thiếu thốn vật chất, thiếu thốn cái ăn như nhà quê thật sự, vì khu vườn được thiết kế theo ảnh hưởng của Anh và Trung quốc…và vì kế hoạch này mà khu vườn thuốc thời vua Louis XV với 4.000 giống cây thuốc phải dọn đi ra ngoài Jardin des Plantes ở Paris… Đúng là sống làm sao cũng không vừa ý được thiên hạ.

Hoàng hậu Marie-Antoinette nhìn lại nông trại lần cuối cùng một buổi trưa ngày 05.10.1789 để rồi vĩnh viễn vĩnh biệt luôn.

Trải qua sự tàn phá và cướp bóc triệt để năm 1789, nông trại của hoàng hậu Maris- Antoinette suýt nữa bị lệnh triệt tiêu bởi Napoléon Ier, nhưng rồi được hoàng hậu Marie-Louise cứu, vợ của Napoléon Ier , sau khi đã ly dị với bà Josephine. Bà cũng là người gốc Áo, là cháu của hoàng hậu Marie-Antoinette, cho sửa chữa lại và bày biện với nội thất mới, nhưng một số kiến trúc, vườn tược của thời Marie-Antoinette đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Qua nhiều thay đổi với thời gian, nông trại của hoàng hậu Marie-Antoinette được Unesco công nhận là di sản thế giới năm 1979. Đến năm 2006, thì khu vực này được đổi tên thành „Domaine de Marie-Antoinette“ mở cửa cho người xem rộng hơn là giới hạn khi trước vì sợ bị phá hoại.

Bây giờ, nội thất được triển lãm là nội thất thế kỷ thứ 18-19 của thời nữ hoàng Marie-Louise (1791-1847). Người thăm lâu đài Versailles, khu vườn của lâu đài, rồi sang thăm khu vực của hoàng hậu Marie-Antoinette sẽ thấy sự khác biệt giữa hai ý tưởng kiến trúc vườn, dù đây là những khu vực được chăm sóc rất nhiều, sức người, sức của bỏ ra để hấp dẫn du khách khắp thế giới. MTT

Bassin de la Gerbe, jardins et château de Vaux-le-Vicomte – Maincy (Seine-et-Marne, France).
Khu vườn của Château de Vaux-le-Vicomte
Đại lộ Allée des Beaux-Monts trong khuôn viên Palais de Compiègne
Một góc của khu vườn lâu đài Versailles
Lâu đài Versailles
Lâu đài Le Petit Trianon trong khuôn viên của lâu đài Versailles
Khu vực Hameau de la Reine – Nông trại của hoàng hậu Marie-Antoinette – trong khuôn viên của lâu đài Versailles
Không ảnh chụp tổng quan của “Domaine de Marie-Antoinette”