Vai trò của Bạn trong đời

Vai trò của Bạn trong đời – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2020

Ai cũng biết trẻ nhỏ lớn lên là nhờ vào, là có được hạnh phúc trong vòng tay yêu thương, nâng niu, nuôi dưỡng của bố mẹ, và thêm nữa là nhờ có anh chị em quây quần, gia đình bình yên tốt đẹp. Gia đình là nền tảng cho sự lớn mạnh, sự phát triển về thân xác lẫn cả trí tuệ của một người, sau đó nhà trường và bạn bè là lò rèn luyện trong bước trưởng thành của mình. Nhưng trong hoàn cảnh sinh trưởng thực tế của mỗi người cộng với môi trường, điều kiện xã hội nơi mình sinh ra, mấy ai có được những điều kiện tối ưu để trở thành một người toàn diện, siêu việt, xuất chúng ?

« Cha mẹ sinh con, trời sinh tính », ngay cả khi bé thơ tính tình đặc biệt, cá tính của một con người dần dần lộ diện, và trong sự tương quan qua lại của môi trường, cái Tôi có một không hai dần dần hình thành. Đấy là đứng trên bình diện tâm lý học mà nói, không nói đến vấn đề tâm linh, đạo giáo của thuyết luân hồi. Người phương Tây là những người duy vật cơ bản, họ tin vào sự tiến bộ của trí óc, của nhân loại, của khoa học kỹ thuật, của khoa học nhân văn, của y khoa…không như người phương Đông thiên về tâm linh, đạo giáo, có thêm phần mê tín, huyền bí.

Ngay từ khi còn bé, chơi với bạn, bắt chước bạn… mỗi người vô hình chung đã có sự so sánh ta và bạn, bạn biết làm gì, ta biết làm gì. Sự so sánh đó, chưa hẳn là sự ghen tị, mà nó giúp trẻ con bắt chước, học hỏi, cố gắng hay chán nản vì mình không được như bạn. Cha mẹ dạy dỗ, đứa thì biết nghe, sợ cha sợ mẹ, đứa thì không biết nghe cha mẹ, chỉ nghe bạn, bạn là nhất, « bạn thân » nói gì cũng nghe, chẳng phân biệt phải trái, đúng sai, xấu tốt. Ảnh hưởng của bạn bè vì thế có một tầm mức rất lớn trong đời người, mà việc phân tích nguyên nhân đòi hỏi sự hiểu biết xâu sa về những điều kiện, chi tiết, tính tình, hoàn cảnh gia đình của mỗi cá nhân.

Trẻ con chưa biết trọng hình thức, mà thường là biết bắt chước theo khả năng. Hồi nhỏ, là trẻ con thành thị, sống trong từng khu phố, tôi hay lén cha mẹ chạy ra khỏi nhà theo mấy đứa bạn đi tắm mưa dưới những ống máng chảy xối xả khi trời mưa to, trời tối sầm, sấm sét đùng đùng. Phải đánh đòn mấy lần tôi mới thôi cái thú tắm mưa. Là con gái, nhưng tánh tôi ngầm ngầm bướng bỉnh, không biết sợ là gì, mặc dù người lớn hay dọa, dọa ma, dọa ông kẹ, dọa người lạ, dọa ăn mày bắt đi mất. Bạn chơi tạc hình, tôi cũng chơi, hòa cùng với lũ con trai trong xóm, thua, bị ký sưng cả đầu gối, sau này tôi biết chọi, mổ, chém, tạc hình ngang ngửa bọn con trai. Bạn chơi nút phéng, tôi cũng lê la lượm nút phéng ở những chỗ ăn uống, chọn những thứ « độc », đổi được nhiều, cả ngày mê mãi gõ nút phéng cho dẹp ra bằng một cục đá, cho thật tròn xoe, thật đẹp. Ba tôi làm cho tôi cái giường búp bê, má cho tiền đi mua con búp bê, đặt nó vào giường xong thì chán, vì chỉ chơi búp bê có một mình, không thích. Lại chạy đi chơi với trẻ con hàng xóm ngoài lề đường, đánh chuyền, nhảy dây, nhảy lò cò…món nào cũng thạo. Lúc bốn tuổi, tôi có em gái, nó nhỏ quá, mới sinh ra, không chơi với được, chỉ chơi với bạn.

Tùy theo tính tình của trẻ con, đứa thích chơi một mình, đứa thích chơi với một bạn, hai bạn hay nhiều bạn, nhưng chưa nói được tương lai phát triển của chúng, vì đường đời còn có nhiều thay đổi, làm thay đổi tính tình, sở thích.

Sự ganh đua học tập trong trường với bạn bè còn mang nhiều dấu ấn của con nhà giầu, con nhà nghèo, đứa đi dép cao su, mặc áo vá, đứa đi giầy da, mặc áo mới, đứa có tiền ăn vặt, đứa đói bụng đứng nhìn, đứa có bạn chơi, đứa bị tẩy chay không có bạn.

Cách đối xử của thầy cô với trò giỏi, trò ngoan cũng ảnh hưởng đến thái độ của bạn cùng lớp, những trẻ học xuất xắc, học giỏi thường bị trẻ cùng lớp né tránh, cô lập. Vì thế, nếu trẻ không có tính tình hòa đồng thì quan hệ với bạn bè sẽ gặp khó khăn.

Trong các trường ở châu Âu, hiện tượng học trò đánh nhau thường xảy ra. Chúng ăn hiếp nhau, kèn cựa nhau…khiến cho những trẻ bị ăn hiếp đâm ra sợ sân trường, sợ phải đi học mỗi ngày. Con trai tôi khi đi học, bị ăn hiếp trong giờ ra chơi đến độ nó nản, sợ, chán, bỏ học, phải đổi trường. Con gái tôi đang tuổi trưởng thành bị một lũ bạn dồn vào hành lang, dở áo lên xem nó có vú chưa !!! Đối với nạn ăn hiếp ở trường, nhà trường thường không có biện pháp, xử lý yếu kém, không công bằng, thì cha mẹ phải đổi trường cho con, nhưng việc đổi trường cũng mang lại vấn đề tương tự. Bạn học thành ra kẻ thù, đe dọa.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Một lúc nào đó, có trẻ sa ngã vì bị dụ dỗ tiêu thụ ma túy trong trường học. Trong sân trường giờ ra chơi, hay ngoài cửa trường lúc tan học, là những đứa buôn bán ma túy ra tay, dụ dỗ, dọa dẫm. Cha mẹ cho con đến trường học, tin vào cơ sở nhà trường có tăm có tiếng, bận bịu công ăn việc làm, không thể ngờ được là con mình hư hỏng ngay tại trường học. Những thanh thiếu niên sa ngã, kẻ thì tự tử, kẻ thì phải vào nhà thương cai nghiện, rồi hỏng cả một đời sau đó.

Ảnh hưởng xấu của môi trường chung quanh thì đa dạng và có tất cả nội dung bao gồm lấy cái Tôi to lớn của một người, từ quan niệm thẩm mỹ về cái đẹp, cho đến ăn uống, tạo dáng hay béo phì, nhảy múa, thể thao quá đáng, quần áo mốt miếc, tóc tai đủ kiểu…con nhà giầu thì khoe nhà, khoe xe hơi, khoe đi du lịch mua sắm ở nước ngoài…

Rồi thời đại smartphone kéo tới, mới chín, mười tuổi đã có cái smarphone trong tay. Ảnh hưởng của bạn bè thật, bằng xương bằng thịt và ở gần mình, nhân rộng ra nhanh chóng thành bạn « ảo » trong thế giới « ảo ». Có bao nhiêu cái « like » trở thành quan trọng trên hết. Ăn hiếp trong sân trường đột biến trở thành ăn hiếp trên mạng, đến nỗi có người trẻ chịu không nổi áp lực cũng phải tự tử chết.

Người trẻ, nếu sống không có mục đích để cố gắng tiến tới, trong khi đó bị môi trường bao vây qua bạn bè, quảng cáo, phim ảnh, báo chí, điện thoại, MXH (mạng xã hội), lên « phây » (facebook)…rất dễ sa ngã, cần tiền để thỏa mãn nhu cầu muốn sống nhanh, sống ảo của mình.

Bạn đồng tuổi không còn làm cho ta ganh đua học tập, bắt chước cái hay của bạn, không còn giúp đỡ nhau…mà bạn còn hiện ra là kẻ thù, là hiểm nguy đến tính mạng.

Trong những trường hợp bạn là mối hiểm nguy thì chỉ có gia đình gần gũi là chỗ dựa duy nhất, chỗ ẩn náu duy nhất. Nhưng có biết bao nhiêu trường hợp quá đà đã xẩy ra, làm cha mẹ buồn phiền, cãi vả, đổ lỗi cho nhau rồi đi đến tan vỡ cả gia đình.

Thế hệ tôi, lúc tôi còn trẻ, không phải là không có quyến rũ, dụ dỗ của môi trường mặc dù đang trong tình trạng chiến tranh. Thời ấy, hút thuốc lá, đi dancing, phòng trà, chơi khuya, cũng diện quần diện áo…là phản kháng lại gia đình, nhưng may mắn thay còn có cái lực của một xã hội thời chiến với những đêm pháo kích, những ngày bom nổ, những ngày biểu tình, luật tổng động viên…thực tế trước mắt đã kéo tuổi trẻ lại, bớt sa ngã. Tôi lớn lên, với một mục đích trước mắt, đi du học, bạn bè chung quanh nhiều người muốn đi, tôi cũng đi. Cha mẹ tôi không muốn cho tôi đi, con gái đầu lòng mà đi thì mất con. Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng, thế mà cha mẹ phải nhượng bước trước ý chí quyết tâm của đứa con, để cho nó ra đi tự lập cuộc đời.

Việc chọn ngành học cũng do bạn bè ảnh hưởng, trong lúc còn chưa mường tượng được cái công việc gắn với ngành học của mình, cứ đâm đầu vào học, vào thi, vào bằng cấp. Có bạn giúp đỡ nhau học tập là điều quý nhất trên đời. Bạn đọ sức với ta, ai giỏi xuất sắc, ai còn cần phải trau dồi nhiều thêm, chăm chỉ thêm. Học thầy không tày học bạn. Những ngày cùng nhau đến trường, cùng ôn thi, cùng ăn uống hà tần hà tiện, cùng nhau nghỉ hè….là những mối « keo kết dính » không thể quên. Cũng như thế, tình đồng đội, tình đồng chí hướng, tình đồng đạo, tình đồng nghiệp… cũng là những mối keo sơn gắn chặt tình bạn với nhau.

Cuộc đời bắt đầu ngã rẽ khi đã ra trường, khi đi làm, kẻ phải đi nam, người phải lên bắc, người phải đi nước khác…kiếm sống, lập gia đình, mỗi người mang theo cho mình một hành trang đầy ắp những kỷ niệm vui có, buồn có…Bạn cũ chia tay nhau bốn phương trời, mỗi người một cảnh sống cho mình. Bán anh em xa mua láng giềng gần, gia đình cha mẹ ở xa, không còn giúp đỡ được nhiều tất nhiên ảnh hưởng cũng giảm.

Phải nói, còn lại một mình, mới nhận ra ai là bạn tốt, ai là bạn xấu. Công thức để nhận diện thì chẳng có gì là khó, ấy vậy mà khi bị bao vây, tẩu hỏa nhập ma, ta mù mắt không thấy ra. Ai giúp ta là bạn tốt, ai chỉ nói xấu ta là bạn không tốt. Thế thôi.

Vì để giúp một người, hành động « giúp » có nhiều ý nghĩa lắm : bạn có cảm tình với ta, bạn bỏ thời giờ để giúp ta, bạn quan tâm đến cái cần của ta, bạn vui mừng khi ta có kết quả, tiến bộ…

Nói xấu ai lại là một việc rất dễ, không tốn kém chi cả, chỉ tốn có tí nước bọt. Hành động « nói » là một hành động đẩu tiên và « nhẹ nhàng » nhất, nhưng nó cũng là con dao sắc bén, giết người không gươm dáo, phá hoại tình cảm dài lâu. Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.

Trong nhiều trường hợp, người bạn thân nhất lại là người chia uyên rẽ thúy, nếu sự rạn nứt của một đôi vợ chồng không có từ trước, từ lâu, gây ra nhiều đổ vỡ, phản bội. Cảnh sát hình sự thường tìm kiếm tội phạm trong vòng vợ chồng, bạn bè thân mật. Người gần ta nhất lại là kẻ phản bội, kẻ thù ghê gớm nhất.

Những người tự cô lập, sống với bạn ảo qua mạng, không biết bạn mình có thật hay không, không phải là những người đáng trách, ai lại trách người mù đi lạc đường, mà người sáng mắt phải tìm mọi cách, dù là con đường còn nhiều chông gai, khó nhọc, dài lâu, để kéo họ ra ánh sáng dần dần, đó mới thật là bạn.

Đến tuổi về hưu, người ta có khuynh hướng tìm về bạn cũ, bạn của thời tuổi trẻ vì trong giai đoạn ấy chưa xuất hiện sự tranh giành nhau vì vụ lợi, tình bạn còn trong sáng, vô tư. Nhìn cuộc đời của bạn mình đã trải qua, tất nhiên không khỏi có so sánh, người thì thành đạt, giầu có, hạnh phúc, kẻ thì lận đận, bôn ba, lao đao, vất vả… Cha mẹ đã khuất núi, anh em chia tay nhau, thì đã đến lúc, con người cần một sự an ủi, cảm thông từ những bạn cũ, xa xôi ở bốn phương trời. Đó là những tình cảm quý giá nhất, ngoài tình yêu vợ chồng, cho một đời người. Con người là một sinh vật tập thể, chúng ta không thể sống mà không có bạn, cũng như không có gia đình, người thân, dẫu gần dẫu xa. MTT