Ấn tượng về một phim tài liệu : « Đối mặt với ong khổng lồ ở Himalaya »
Ấn tượng về một phim tài liệu : « Đối mặt với ong khổng lồ ở Himalaya » – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2020
Tinh cờ trong một cuộc dạo chơi trên mạng tôi gặp phải những thước phim tài liệu này, rất ấn tượng về nó, nên viết bài giới thiệu với bạn đọc.
Phim kể về cuộc đời của những người sinh sống trên rặng núi Himalaya ở Nepal, phong cảnh hùng vĩ, hiểm trở, cuộc đời họ đang trải qua sống rất thô sơ trong thiên nhiên rất tương phản với cuộc sống tiêu thụ, hưởng thụ, chạy đua với bằng cấp, đồng tiền, tiến bộ ….của chúng ta hiện tại.
Cũng là cuộc đời người trong cùng một thời gian của thế kỷ 21 mà khác nhau rất xa, khiến cho mình không có thế còn than van được điều gì với những điều kiện sống mà chúng ta có được, và đang có.
Họ là những người ở trên núi cao, mà thời gian xuống núi để đến một thị trấn là một ngày đường đi bộ dọc theo các vách núi cheo leo, hiểm trở, vực sâu thăm thẳm, sống quây quần năm sáu gia đình ít ỏi với nhau. Họ sống dựa nhờ vào thiên nhiên như thời cổ đại, đàn ông thì làm nghề hái tổ ong trên những vách đá thẳng đứng cheo leo, với những dụng cụ rất thô sơ bện bằng tre nứa, đàn bà lo việc gặt hái, chăn nuôi vài con bò núi để ăn thịt, lấy sữa uống. Ăn uống thì cực kỳ đơn giản, ăn bằng tay, không có chén đũa, đĩa, dao nĩa lôi thôi, món ăn thì chỉ có một.
Hai nhân vật chính trong phim là hai cha con, người cha bốn mươi tám tuổi, con trai độ 14 tuổi tên là Moti. Moti phải bỏ học, vì nhà không đủ tiền trả tiền học, cậu nhường chỗ học cho các em, ước mơ của cậu là trở thành bác sĩ hay phi công, phần thì phải theo cha làm ruộng và mùa xuân thì đi hái tổ ong bán lấy tiền nuôi gia đình.
Người mẹ than thở là gia đình, hai vợ chồng với 4 người con trai còn nhỏ tuổi, chúng ăn khỏe, đang cần sức lớn, mang công mắc nợ khắp nơi, nhà nghèo quá, kiếm miếng ăn khó khăn. Bà ao ước muốn mua lại căn nhà đang ở mà biết bao giờ mới có tiền. Bà lo sợ mỗi khi đàn ông trong làng kéo nhau đi hái tổ ong cả tuần lễ, mươi ngày bặt tin tức, nhất là lần này đem theo đứa con trai đầu lòng còn quá trẻ tuổi của bà, cả chồng và con đánh cuộc với mạng sống để kiếm ra tiền.
Người cha nhìn đứa con trai mình với ánh mắt trìu mến, thằng bé ngoan, biết kính trọng người già, không nghiện ma túy, xứng đáng theo bước chân của ông, trưởng thành để làm nghề hái tổ ong trên những vách núi vào mùa xuân, một nghề cha truyền con nối.
Cậu bé, mặt mũi đẹp trai, có đôi mắt sáng thông minh, dáng người rắn chắc, ăn nói điềm đạm, biết suy nghĩ dù em mới có 14 tuổi. Các bạn em đều ra nước ngoài kiếm tiền, em bảo, ai muốn đi thì cứ đi, em thì ở lại.
Họ đi, leo núi, bốn người đàn ông và cậu bé Moti, trên những đường mòn không có đường, có lối…thật xa, đến một hốc đá trên núi cao dùng làm chỗ trú ẩn quen thuộc. Họ vác theo thực phẩm, nồi niêu để nấu ăn, chăn mền để ngủ ngoài trời, vùng núi ban đêm, nhiệt độ xuống thấp, lạnh.
Công việc đầu tiên họ làm là tìm tre nứa để làm cái thang cho vừa với khổ người cậu bé. Họ đốn tre, chẻ tre, bện giây thừng bằng tre để làm giây thang, chặt lóng tre làm bực thang, chẳng mấy lúc họ đã làm xong cái thang tre dài lủng lẳng, cái thang tức là sinh mạng của cậu bé.
Ban đầu, cha và các bạn tập cho Moti leo thang lên một vách núi để học. Thoạt đầu cậu chọc một tổ ong rơi xuống, vỡ ra thành mảnh, mật chẩy ra, em bị rầy vì sự vụng về này.
Người cha và cậu bé, hai người xuống vực thẳm, trên núi cao hơn 3.000 mét, treo cheo leo trên hai thang giây đong đưa trong không khí ở một độ cao mà nhìn xuống thác nước bên dưới thấy bé tí mà sợ hút hồn. Người cha dạy cho con cách lấy tố ong rừng gắn trên vách đá, khi bầy ong bị khói hun bay tứ tung. Cậu bé thông cảm khi bị ong chích « tại vì mình phá nhà của chúng mà ».
Đến lượt cậu bé Moti phải chứng tỏ « sự trưởng thành » của mình bằng cách xuống vực một mình. Trước khi xuống, hai cha con làm lễ tạ ơn thần linh, tạ ơn cái thang giây tre. Cái thang giây cột một đầu vào một bụi cây, như thể bụi cây đó không bị bật rễ ( ! ) thả thòng đong đưa xuống vực sâu.
Cậu bé leo thang giây xuống, hai ngón chân trần kẹp vảo giây thừng tre để lấy sức, con dao nhọn bọc sau lưng, tay cầm gậy để chọc lấy tổ ong. Những con ong rừng đen, to, làm tổ ở vách núi cao, cho mật ong là loại thuốc quý.
Cảnh cậu bé cố sức bám gần vách đá, để chọc lấy tổ ong vào giỏ mây, cũng đòng đưa bên cạnh, bực mình, suýt ngã, và kéo theo người ghì thang giây ở phía trên suýt tụt xuống vực làm hút tim !
Lúc lên, cậu bị cha và những người cùng đi, rầy về sự nông nổi, khi xuống vực thì phải bình tĩnh, không được nổi nóng. Cậu bé bị ong đốt sưng húp một mắt và khắp người, có cảm giác lên cơn sốt.
Tổ ong hái được, đem về sân làng vắt ra lấy mật, chia đều cho dân làng mỗi người một phần, người đi hái mật được hai phần.
Hai cha con lên đường xuống núi, đi bộ suốt một ngày mới tới thị xã, để bán mật ong rừng. Ở thị xã có đường phố, nhà xây bằng bê tông, cửa hàng…một hình ảnh tương phản với làng trên núi và vách đá cheo leo dựng thẳng đứng hùng vĩ.
Cha và con, chỉ có 5 lít mật để bán, đựng trong vỏ chai nhựa, thâu hoạch được tương đương với 45 euros, tính ra một lít mật bán được 9 euros, cái giá của mạng sống.
Được hỏi về sự khác biệt giầu có giữa hai thái cực, người ở thị trấn có tiền của, giầu có, người cha của Moti bình tĩnh và vui vẻ, hãnh diện trả lời “Tôi cũng là một người giầu có, tôi có cái thang giây và giây thừng tre mà những người khác trong làng không có. Nếu ai muốn có mật ong thì họ phải hỏi tôi”. Thật là một bài học.
Tôi nhớ đến sản phẩm tổ yến của Việt Nam mọc trên những vách đá cheo leo, nhưng hiện nay tổ yến được « sản xuất » bằng yến nuôi trong nhà, nên việc hái tổ đã mất phần nguy hiểm đến tính mạng.
Nhìn cậu bé, tôi có niềm tin là cậu bé này sẽ có một tương lai tốt đẹp, chắc chắn là cậu sẽ không dừng lại ở công việc lấy tổ ong bán mật.
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.