Vinh – Cửa Lò, Nghệ An, sau 20 năm

Vinh – Cửa Lò, Nghệ An, sau 20 năm – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2019

Chúng tôi trở lại Vinh sau 20 năm, ấn tượng buồn bã tiêu điều của thành phố Vinh trong quá khứ đã nhường chỗ cho một không khí vui tươi nhộn nhịp. Mới đó mà 20 năm qua trong nháy mắt.

Nhà cửa mới mọc lên như nấm, thêm đường mới dọc ngang, phố xá sầm uất người mua bán, xe hơi nối đuôi nhau bóp còi trên đường, và những xe taxis Mai Linh sơn màu xanh ve chạy đầy thành phố. Thành phố Vinh lớn hẳn ra, có những đại lộ 6 lằn xe hơi ở giữa phân giải trồng dừa, hiện đại, khang trang. Vinh có những con đường trồng hai hàng cây xanh, gốc sơn trắng như thời Pháp, thành phố thấy xanh tươi, như quen thuộc. Cửa hàng mọc san sát nhau, không thiếu một thứ gì.

Quảng trường Hồ Chí Minh rất rộng, với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh to lớn. Làng Sen, làng Hoàng Trù ở cách Vinh chỉ độ 30 cây số.

Cuối thành phố Vinh, còn có đền vua Quang Trung mới được xây dựng từ năm 2004 trên đỉnh ngọn núi Dũng Quyết cao 95 mét trên mặt nước biển (gọi tắt là núi Quyết), dưới chân là dòng sông Lam nổi tiếng trong thi ca mềm mại uốn quanh.

Tôi thuê xe đi thăm lại một vòng làng Hoàng Trù xanh tươi tĩnh mịch với những bụi tre xanh dầy đặc, những hàng cau cao ngất trời xanh, những mái nhà tranh phên lá thuở xưa, rồi đến đền ông Hoàng Mười nhộn nhịp kẻ ra người vào cúng lễ, rồi quay về đền Quang Trung ở Vinh. Đền Quang Trung được xây rất quy mô, nằm trên đỉnh núi cây xanh bao bọc chung quanh, mát rượi, đường bậc thang lên rất đẹp, rất công phu.

Ở đền Quang Trung, tôi có cái thắc mắc về thiết kế, tại sao lại nhốt vua Quang Trung lại ? Tượng vua, bàn thờ của vua, đặt sau những cánh cửa đóng kín và có khóa bằng chìa. Trong lịch sử đã được kể rằng sau khi lên ngôi vua và thống nhất đất nước, vua Gia Long đã sai người đào mộ anh em nhà Tây Sơn lên, chặt đầu, lấy đầu làm bình tiểu, thân xác thì đem giam hãm, xiềng xích trong ngục tối, vì thế dân gọi là Ông Vò để chỉ ba anh em Tây Sơn. Vậy thì nay, sao lại thiết kế kiểu nhốt vua Quang Trung một lần nữa ? Thắc mắc của tôi được bác tài giải thích, chắc sợ dân rờ mó tượng làm hỏng tượng. Nếu như thế thì thiếu gì phương cách để giải thoát cho tượng khỏi bị nhốt. Tôi chợt nghĩ đến những cây xương rồng đầy gai nhọn được trồng trong lỗ âm dương của mộ để ám linh hồn người chết không được siêu thoát.

Trên đoạn đường quốc lộ 1A xuyên qua Vinh, những dãy nhà chung cư thời “Cộng Hòa Dân Chủ Đức” viện trợ xây dựng trong chiến tranh chống Mỹ những năm 1960, những trận bom đạn đổ xuống Vinh còn đó, cũ kỹ, xuống cấp, tôi nhìn thấy nó đã hai mươi năm rồi còn gì, nhưng lấp ló ẩn hiện sau những tán cây xanh và những nhà cao tầng mới mọc. Hình như một số nhà chung cư cũ đã bị phá dỡ, nhường chỗ cho xây dựng mới.

Chồng tôi cũng nhắc với tôi cái kỷ niệm của hai mươi năm về trước, đến Vinh mà không tìm được một chỗ ăn cơm. Hồi đó, Vinh chỉ có hai ba khách sạn nhỏ, lại nhằm mùa cưới trước Tết, tiết trời ảm đạm có mưa phùn, khách sạn nào cũng có tiệc cưới cho nên họ từ chối không tiếp vợ chồng tôi. Cuối đường, có một quán cơm bình dân vỉa hè, thế nên chúng tôi và bác tài ghé vào ăn bữa trưa, ăn cơm vỉa hè cũng là một kỷ niệm.

Bây giờ nhà hàng ở Vinh cũng không thiếu. Bác muốn ăn gì ? Hải sản ? Dê ? Gà ? Vịt ? Nghe nói “Vịt” chồng tôi sáng rỡ cả hai mắt, Vịt ! Chằng là dọc đường ông ấy thấy những đàn vịt trắng bơi lội tung tăng, nhởn nhơ trong ao trên ruộng. Ở tuổi tôi, về miền Bắc đã được gọi bằng bác, chưa lên tới chức cụ, ở miền Nam thì vẫn là chị, giỏi lắm là cô. Giọng xứ Nghệ giông giống giọng Huế, nhưng giọng Huế có âm hưởng miền Nam, còn giọng xứ Nghệ thì đặc biệt Bắc.

Bác tài taxis chở tôi đến nhà hàng Hải Sọt ở đường Trần Huy Liệu đặc biệt thịt vịt quay bằng than ngay trước cửa.

Hôm nay là trưa thứ sáu thế mà nhà hàng đông khách lắm, ngồi đầy tầng dưới. Vịt quay, vịt luộc, vịt rang muối, vịt chiên mắm, lẩu vịt, lòng vịt….nhiều món ăn được chế biến từ vịt, rất ngon và sạch sẽ. Đặc biệt là dân địa phương ăn vịt với khoai lang chiên và bánh mướt, tức là bánh cuốn không nhân giống như bánh ướt của miền Nam. Giá cả lại mềm, một đĩa vịt quay nửa con vịt chỉ có 100.000 đồng vn, bằng 4 euros, hai người ăn uống ba, bốn món chỉ tốn có 300.000 đồng.

Trên đường về chúng tôi ghé thăm nhà thờ thuộc họ đạo Cầu Rầm ở gần chợ Vinh. Nhà thờ cũ, xây dựng năm 1928 thay thế cho nhà thờ bằng gỗ cổ xưa, thì lại bị đánh sập hoàn toàn năm 1968 trong bom đạn. Nhà thờ hiện nay được xây dựng lại năm 1998, cách đây mới 20 năm với quy mô nhỏ hơn và đất chật hơn.

Ngôi nhà có gắn tượng chim đại bàng quặp quả cầu vàng ở Cửa Lò

Một điều ngạc nhiên nữa là tôi nhìn thấy ở Vinh một “ngôi” nhà mới mà trên nóc nó có gắn biểu tượng của nước Mỹ với con đại bàng xòe rộng cánh móng vuốt chụp lấy quả địa cầu ! Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy biểu tượng của nước Mỹ trên đất Việt Nam mà lại ngay tại Vinh, tại Nghệ An. Chồng tôi đã đi Mỹ nhiều lần bảo rằng ở Texas ông ấy thấy nhiều nhà trang trí với biểu tượng như thế.

Từ Vinh tôi đi taxis ra Cửa Lò, bãi biển nghỉ mát nổi tiếng sau bãi biển Sầm Sơn của người Hà Nội. Không khí ở Cửa Lò khác hẳn ở Vinh, trong tháng ba, như là thị trấn ngủ mùa đông chưa thức giấc, vắng lặng, mát mẻ, khí hậu rất thích hợp với người châu Âu. Khí hậu có đủ bốn mùa ở Cửa Lò dễ thở hơn cho du khách châu Âu hơn là khí hậu nắng nóng hai mùa mưa nắng trong miền Nam. Đối với du khách châu Âu thì Cửa Lò được săn sóc sức khỏe bởi bệnh viện đa khoa của Vinh, khá lớn và khá hiện đại, đó là một ưu thế.

Nhiều khách sạn đóng hẳn cửa, không nhận những người khách “lẻ” lạc bước đến đây. Thị xã trống vắng, các hàng quán trên bãi biển cũng đóng cửa, đường phố không một bóng người lại qua, một không khí lạ thường cho du khách lạc bước đến đây trái mùa du lịch của Cửa Lò.

Ở đây, như chính bác tài nói, người ta “mài dao cho sắc để chém cho đẹp”. Quả thực là như thế, ở Cửa Lò cái gì cũng đắt gấp ba, gấp hai ở Vinh, dù chỉ cách Vinh có 20 cây số. Một số khách sạn 4 sao vẫn mở cửa đón khách thì dọn bữa ăn sáng rất hạn chế, chỉ có trứng rán và bánh mì cho người nước ngoài, cơm chiên hoặc mì xào hoặc cháo lươn cho người Việt. Còn giá bữa ăn là giá mùa hè, một đĩa cơm chiên 120.000 đồng, 1 tô canh rau cũng 115.000 đồng, 1 khứa cá thu chiên 200.000 đồng, một đĩa thịt bò xào 225.000 đồng, cơm trắng 50.000 đồng… hai người ăn uống không phung phí cũng không dưới 500.000 vnd. (để so sánh: giá bình thường trong nhà hàng là cơm trắng 10-20.000, canh rau 30-60.000, cơm chiên 30-40.000, thịt cá 80-120.000). Món lươn, cháo lươn, canh lươn, lươn om…. cay nồng là món đặc sản ở xứ Nghệ.

Nguyên nhân sự chém đẹp ở Cửa Lò là một năm chỉ có một “vụ” mùa du lịch bắt đầu từ 30.04 cho đến hết tháng 7, cho nên trong vòng 4, 5 tháng mùa hè người ta phải kiếm đủ lợi nhuận cho cả năm, phải đội giá lên gấp hai, gấp ba lần. Mùa có bão mưa to gió lớn kéo dài hai tháng 8-9. Du khách về Cửa Lò nghỉ mát trong mùa hè đến từ Hà Nội, Lào, Thái Lan, Trung quốc, Đài Loan, một ít khách châu Âu, châu Mỹ….Trong những tháng này thì các khách sạn ở Cửa Lò “cháy” phòng, đẩy giá lên 2, 3 triệu, gần 4 triệu đồng một đêm trọ, mà khách vẫn chịu trả để tắm biển. Cộng với tiền ăn uống, một gia đình chi tiêu 4, 5 triệu một ngày ở Cửa Lò là chuyện bình thường. Du khách về tắm biển ở Cửa Lò phải chạy về Vinh tìm khách sạn, khiến cho Vinh cũng “cháy” cả phòng luôn, thường khi phải đặt trước cả tháng mới có phòng.

Bạn cũng nên cẩn thận hỏi giá trước khi sử dụng những chiếc xe điện xinh xắn chạy không có tiếng động, giá một cuốc chỉ từ 10 -20.000 đồng thôi, mà bác tài có thể vung kiếm chém bạn những 200.000 đồng nếu bạn không biết giá.

Nhưng tại sao không đưa được thêm du khách về đây, mở rộng thêm mùa du lịch ? Bãi biển Cửa Lò dài, đẹp, thoáng, thoai thoải thích hợp với trẻ con ngịch nước và sóng biển, không biết trong mùa du lịch ra sao, nhưng trong tháng ba thì rất dơ, đầy những rác, nhiều nhất là rác nhựa, để lại ấn tượng không hay và nuối tiếc cho du khách ghé thăm. Riêng chúng tôi sẽ chẳng còn sống được thêm 20 năm nữa để về thăm Vinh và Cửa Lò lần nữa.

Tôi ghé thăm thị trấn Thái Hòa của Nghệ An và khám phá một vùng đất mầu mỡ trù phú nằm trên những sườn núi. Thái Hòa rất xanh, nhiều ruộng lúa, ruộng hoa hướng dương, ruộng dứa, ruộng mía…người dân bán dứa ở hai ven đường, 7 ngàn một quả dứa to và thơm lựng, tôi không khi nào thấy một quả dứa thơm như thế ở siêu thị cả. Ở Thái Hòa có những trại bò sữa với 6.000 con bò của các trại chăn nuôi bò TH và Vinamilk.

Thái Hòa hiện nay còn mang tính cách nửa thành thị nửa thôn quê, nhưng còn nhiều khả năng phát triển thành một trung tâm của vùng núi. Đời sống của dân chúng nông thôn phát triển vì chính sách không thâu thuế từ mười năm nay, dân làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, vì thế dân chúng vùng nông thôn ở lại đất canh tác, cố gắng, dần dần phá bỏ những mái nhà tranh vách lá, xây dựng nhà mới bằng bê tông mái ngói có cả vườn hoa hồng, đường xá cũng không còn lầy lội như trước, được trải nhựa và mở rộng, có điện, có nước…, phụ nữ nông thôn đeo chuỗi vàng, bông tai vàng…sức người dần dần được thay bằng sức máy, máy cày, máy gặt, máy hái…Người nông dân vươn tới xuất khẩu sản phẩm của địa phương mình, trở nên có của ăn của để.

Những con số thống kê trễ nãi trở nên chỉ có tính cách tham khảo không nói được hết sức phát triển của một xã hội. Năm 2017 PIB của Việt Nam chỉ có khoảng 7.000 đô la một đầu người (tương đương với 161 triệu đồng vn bình quân người giầu cũng như người nghèo), sức tăng trưởng GDP 2018 là 7,08 %. Ở Việt Nam, một thành phần lớn của xã hội không bị đánh thuế như những người lái xe ôm, những người buôn gánh bán bưng, những bạn hàng ở chợ, những hàng quán ven đường, những người làm phục dịch trong gia đình, những người đi chợ dùm, những người săn sóc người già yếu bệnh tật…nói chung là những người có thu nhập thấp nhưng sống được và sức lao động, phục vụ, thương mại của họ có đóng góp tích cực cho mức sống kinh tế của toàn xã hội. Mỗi khi đi ăn sáng, tôi chỉ tưởng tượng ra là bao nhiêu bát phở, bát bún, đĩa bánh cuốn, đĩa xôi…hàng ngày được mua và bán mà không có dữ liệu thống kê nào được thu nhận.

Những điều này nói lên sức phát triển của xã hội Việt Nam, so sánh với Pháp thì sức nặng thuế má đang đè nặng lên đầu dân chúng, kìm hãm sức mua và sức tiêu thụ của đại đa số dân chúng. Nếu chỉ trông chờ vào sự tiêu thụ và sự đầu tư của thành phần đại giầu có ở Pháp, thì việc này ít có tác dụng, vì họ cũng tìm kiếm những nơi đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận ngoài Pháp và họ cũng ít ở Pháp để tiêu tiền. Người giầu cũng chỉ ăn một ngày ba bữa, và họ cũng chẳng ăn được vàng và kim cương, dù là đã có những thực đơn “Dát Vàng” cho giới siêu giầu, ăn vào mà tiêu hóa không được.

Chồng tôi thở dài, người nghèo nhất Việt Nam vẫn có cơ hội sống được vì khí hậu không khắc nghiệt, vì xã hội bác ái từ thiện, còn người nghèo nhất ở các nước khác, vô gia cư, thì chỉ còn cái chết trên những miệng hầm metro trong những đợt băng giá mùa đông.

Nhìn những cánh đồng mía có rải rác từ nam chí bắc, chồng tôi hỏi, sao mình không sản xuất ra rượu rhum như ở Martinique, hay Cuba ? MTT

Cô bán dứa ở Nghệ An – Photo MTT2019

Bãi biển Cửa Lò một ngày đẹp trời – Photo MTT2019

Kéo lưới đánh cá ở Cửa Lò – Photo MTT2019

Quảng trường Hồ Chủ tịch ở Vinh – Photo MTT2019

Đền vua Quang Trung tại Vinh – Photo MTT2019

Nhà thờ giáo xứ Cầu Rầm tại Vinh- Photo MTT2019

A homeless people sleeps on the pavement near the State Council in Paris, on December 28, 2017. (Photo by Eric FEFERBERG / AFP) – Ảnh chụp một người vô gia cư tại Paris của báo Le Figaro, đăng ngày 13.03.2019. Thống kê năm 2018 cho biết tại Pháp có 566 người chết vì lạnh, đói , bệnh tật trên vỉa hè, trong số này có 6 trẻ em dưới 5 tuổi, 2 trẻ em dưới 9 tuổi và 6 người dưới 18 tuổi. Họ còn trẻ, có tuổi thọ trung bình là 48 tuổi. Người ta ước tính trong khoảng từ 2012 đến 2016 có 13.000 người chết trên vỉa hè tại Pháp.