Đền Cuông, nơi Mỵ Châu hiện hình nguyên dáng

Đền Cuông, nơi Mỵ Châu hiện hình nguyên dáng – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2019

Tôi tìm đến Đền Cuông ở Nghệ An như tìm đến một cái kết cục tất yếu của một giai đoạn lịch sử Việt Nam đã được huyền thoại hóa thành chuyện cổ tích.

Đó là câu chuyện của An Dương Vương Thục Phán, vua nước Âu Lạc, sau khi bị con rể là Trọng Thủy phản bội niềm tin tưởng của vợ mình là công chủa Mỵ Châu đánh cắp nỏ thần của vua cha, Triệu Đà của nhà Tần mang quân đánh chiếm nước Nam.

An Dương Vương thua trận, thất thế, một mình một ngựa, đèo theo con gái ngồi sau lưng, không biết rằng nàng công chúa bứt lông ngỗng trên aó mình rải dọc đường đi, để làm dấu báo tin cho chồng là Trọng Thủy. Trọng Thủy đuổi theo nhà vua và Mỵ Châu. An Dương Vương chạy về đến núi Mộ Dạ, kêu cứu thần Kim Quy, người trước đây đã giúp cho An Dương Vương xây thành và tặng cho chiếc nỏ thần, bắn một phát giết cả ngàn tên giặc.

Thần Kim Quy hiện lên trong hình dạng một con rùa, bảo nhà vua “Giặc ngồi sau lưng nhà vua đó !”. An Dương Vương tức giận vì nước mất nhà tan vung kiếm chém đầu con gái rồi gieo mình xuống biển ở Cửa Hiền, cách sườn núi Mộ Dạ khoảng 3 cây số về phía Nam, tự tử, được thần Kim Quy đón về.

Tính ra, từ cung điện ở Cổ Loa cho đến núi Mộ Dạ ở Nghệ An, vua An Dương Vương đã tháo lui hơn 300 cây số về phía Nam. Điều này có thể hiểu là cuộc chiến đấu chống lại quân nhà Triệu Đà đã kéo dài nhiều tháng, cho đến khi sức cùng cạn kiệt.

Câu chuyện An Dương Vương, Trọng Thủy, Mỵ Châu được dân gian tìm cho một cái kết “mạng đổi mạng” rằng Trọng Thủy nhẩy xuống giếng ngọc tự vẫn sau khi chôn xác Mỵ Châu ở Loa Thành, cho cái chết của nàng Mỵ Châu đỡ uất.

Cổ Loa, nay thuộc huyện Đông Anh cách Hà Nội 20 cây số, nơi vua An Dương Vương đã xây thành trôn ốc bằng đất nung gọi là Loa Thành và có đền thờ nhà vua, tôi đã về thăm mấy bận. Cổ Loa thờ cả thần Kim Quy và có cả am Mỵ Châu và giếng Ngọc. Ở Cổ Loa Mỵ Châu được thờ là công chúa không đầu, không có hình tượng, chỉ là một tảng đá trôi dạt.

Nhưng đền Cuông ở Nghệ An thì tôi mới đến lần đầu tiên. Đền Cuông nằm ngay trên quốc lộ A1, cách thành phố Vinh 30 km về hướng Bắc, ai không biết cứ thong dong chạy qua. Địa danh chính xác ngày nay của Đền Cuông là xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Tên núi Mộ Dạ ghi trong sử sách thì ngày nay vẫn còn nguyên vẹn, khiến cho tôi đứng dưới chân núi Mộ Dạ mà tưởng rằng mình đã lùi vào sử sách. Tên Đền Cuông là đền Công (có nhiều chim công) và cũng là do phong thủy thế đất giống như hình con chim công soải cánh mà ngôi đền được đặt ở đầu con công, phát âm theo giọng địa phương. Cũng vì tên Đền Cuông mà nhiều người không biết đó là nơi thờ vua An Dương Vương và Mỵ Châu, Cao Lỗ. Phía sau Đền Cuông núi Mộ Dạ là bờ biển của Diễn Châu, và cửa Hiền là nơi có mộ của Mỵ Châu và miếu Mỵ Châu.

Tượng thờ An Dương Vương, Nghệ An . Photo: MTT2019

Chưa có xác định khoa học nào định rõ thời điểm lập đền, thượng điện có thể từ thời Lê, hạ điện và trung điện được xây dựng năm 1864, hiện nay quần thể Đền Cuông mang tính chất đế vương có cổng vào đền, cổng tam quan, hồ bán nguyệt, ba tầng cung điện, hậu cung thờ vua An Dương Vương, nhị cung thờ Mỵ Châu, đặt bên tay trái của tượng tướng Cao Lỗ, và các đồ thờ tự tiêu biểu cho bậc đế vương.

Đặc biệt ở đây công chúa Mỵ Châu được thờ nguyên dáng, tượng của bà có nét mỹ thuật cổ, hao hao giống các tượng nữ khác như tượng Hai Bà Trưng…ở miền Bắc, khuôn mặt tròn trĩnh như trăng rằm, đẹp đẽ đức hậu của nét đẹp cổ, rất quý phái thanh tao.

Tượng thờ Mỵ Châu, Nghệ An

Nằm ở ngay bên đường quốc lộ A1, xe chạy hàng ngày rầm rập như nước chảy, không khí đáng lẽ ra bị gọi là ô nhiễm nhưng Đền Cuông xanh tươi cây lá, ngay trước cổng đền là một cây đa tươi tốt, chung quanh đền và sau đền đều xanh um.

Tôi đến Đền Cuông đúng vào ngày trăng tròn đầu tháng hai âm lịch, nên người vào đền cúng lễ khá đông ngay từ sáng sớm, hương khói đã nghi ngút ngay từ ngoài cổng đền, của những người vái vọng. Nhiều người xếp hàng xin thẻ xâm chờ đến lượt mình, để cầu an, cầu phúc, người nào cũng đem một mâm lễ đến dâng. Ở Nghệ An thì “thứ nhất Đền Cờn, thứ nhì Đền Quả”, Đền Cuông xếp hạng tư trong thứ tự tâm linh trong lòng dân. Hàng năm lễ hội Đền Cuông được dân chúng địa phương tổ chức vào ngày 14-16 tháng 2 âm lịch.

Nhưng ngoài những chuyện tin tưởng linh thiêng về tâm linh, những truyền thuyết được lưu truyền lại, những tình tiết hư cấu không thể kiểm chứng, giá trị lịch sử của Đền Cuông chưa được nổi rõ, Nghệ An là địa điểm kết thúc của triều đại Thục An Dương Vương của nước Âu Lạc vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên với bài học lịch sử đầu tiên của thời sơ khai về chiến tranh gián điệp về hậu quả tất yếu của nó, giặc ngoài không bằng thù trong, sử dụng tình yêu, tin tưởng và lòng yếu mềm của phụ nữ cho mục đích quân sự.

Lẫy nỏ và mũi tên đồng ba cạnh, khuôn đúc mũi tên, rìu và trống đồng Cổ Loa…là những di vật đã được khảo cố tìm thấy hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Hả Nội.

Trong miền Nam, tượng đài vua An Dương Vương cầm cái nỏ thần được đặt ở vòng xoay nay là ngã sáu Nguyễn Tri Phương, điểm tiếp giáp giữa quận 5 và quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, vẫn đứng vững với thời gian. MTT

Đền Cuông Nghệ An thờ An Dương Vương, Mỵ Châu, Cao Lỗ . Photo MTT2019