Một ngày ở Cao nguyên tươi đẹp Kontum

Một ngày ở Cao nguyên tươi đẹp Kontum – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2019

Đã rất ấn tượng về một Pleiku xinh xắn và thơm phức trải mình trong ánh nắng với đồi cà phê và đồi trà tôi lại còn ấn tượng hơn khi đến thăm Kontum lần đầu tiên trong đời. Đất nước Việt Nam thật là đẹp, suốt từ Bắc chí Nam, những người đã chu du khắp thế giới có lẽ đều nhận thấy mảnh đất này như một thiếu nữ vừa độ xuân thì, còn nhiều tiềm năng cung ứng.

Người Pháp đã nhận ra điều đó từ nửa thế kỷ thứ 17. Chẳng những thế, tôi trích đoạn trong cuốn Dấu xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, tôi viết năm 2009, xuất bản năm 2010 tại Pháp cách đây đã đúng 10 năm, nhận định của người Pháp khi họ đến khai phá nước ta qua ngòi bút của người không đâu xa lạ với lịch sử của nước ta thời chúa Nguyễn: Đức giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), ngài trình lên vua Louis XVI các sản phẩm có thể xuất cảng của VN thời ấy, năm 1845:

Sản phẩm của nước Cochinchine và các nơi khác tùy thuộc vào Hoàng tử (Nguyễn Phúc Cảnh):

Vàng, tiêu, quế, đường, tơ lụa thô, tơ lụa chế biến, bông vải, vải , thuốc nhuộm xanh, sắt, trà, nghệ, sáp ong, ngà voi, mủ cao su, hàng sơn mài, dầu cây lô hội, gỗ muồng, gỗ vang (tô mộc), tinh dầu gỗ, gỗ làm giấy, gỗ cau, các loại gỗ quý…, sợi dứa, các loại gỗ dùng trong xây dựng nhà cửa, nhựa hắc ín và…nói chung, tất cả những gì cần thiết cho đời sống.

.Ở đây không có cừu và lừa, nhưng trong rừng thì đầy đặc những cọp, voi, sừng, gấu, nai, sơn dương, linh dương, xạ hương, khỉ, và nhà quê thì đầy kín những bò, trâu, heo sữa và gà vịt. “

Người dân Việt đã có một đời sống rất sung túc ở thế kỷ 18, điều này đã được người Pháp ghi chép trong sách sử nhiều lần khi họ đến nước ta.

Dài dòng như thế vì Kontum xinh đẹp nhắc nhở tôi trở về với quá khứ lịch sử, đến đây mới thấy sự giầu đẹp của đất nước. Kon Tum là ngôn ngữ Ba Na (Bahnar) của dân tộc thiểu số Ba Na tại đây, Kon là làng Tum là hồ. Kontum có một vị trí chiến lược, nằm ở cực bắc của Tây Nguyên và phần lớn trên sườn phía tây của dâỹ Trường Sơn, nên Kontum được gọi là Ngã ba Đông dương vì có đường ranh giởi tiếp giáp với Lào (142,4 cây số ) và Campuchia (138,3 cây số ). Cột mốc ba biên Việt Nam-Lào-Campuchia được đặt ở cửa khẩu xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi.

Từ nửa thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tôn chinh phạt Chiêm Thành năm 1471 và thu phục các bộ tộc ở Tây Nguyên, sát nhập vùng đất Tây Nguyên vào lãnh thổ Đại Việt. Các giáo sĩ người Pháp tìm đến Kontum để truyền đạo năm 1848 và lập cơ sở trung tâm truyền đạo Kon Ko Xâm và Kon Trang năm 1850.

Kontum có độ cao trung bình từ 500 mét đến 700 mét, phần phía bắc cao từ 800 mét – 1.200 mét với đỉnh Ngọc Linh cao 2.596 mét, vùng đất này nổi tiếng với sâm Ngọc Linh là thuốc bổ cường dương quý hiếm.

Tháng 1-2 vào mùa Tết nhiệt độ trung bình ở Kontum là 17-18 độ C. Nhiệt độ ở Kontum xuống rất nhanh vaò buổi chiều, mặc dù buổi trưa nắng nóng 29-30 độ thì chiều xuống lạnh đến 14-15 độ.

Đất Kontum có nhiều khoáng sản như sắt, crôm, vàng, plutonium, đá quý…Rừng Kontum có nhiều gỗ quý, động vật quý, thực vật quý.

Hiện nay, tỉnh Kontum với diện tích 9.674,2 cây số vuông và 507.800 dân (thống kê năm 2016) có thành phố Kontum và 9 huyện gồm 6 thị trấn, 10 phường và 86 xã. Người dân ở Kontum đa số theo đạo Công giáo và Tin Lành, chỉ có khoảng 25.012 người theo đạo Phật (thống kê 2009).

Tôi không phải là cưỡi ngựa xem hoa nữa mà là phải “chạy” như chạy giặc để “xem” Kontum trong một ngày, trước khi màn đêm buông xuống.

Bên trong nhà thờ Kontum. Photo MTT2019

Đến Kontum lúc 11 giờ sáng, đường đèo ngoằn nghèo uốn lượn, phong cảnh hai bên là núi thấp núi cao, núi xa núi gần trong ánh nắng và bầu trời trong xanh không một gợn mây tuyệt đẹp. Ăn xong bữa trưa vội vàng, cơm trưa đầy đủ, giá rẻ, chỉ khoảng 8 – 9 euros cho hai người, bác tài bảo sẽ đến nhà thờ và quả thật anh dành cho tôi một ngạc nhiên khi không báo trước.

Nhà thờ gỗ đẹp không tưởng. Tôi đã đến thăm nhà thờ bằng gỗ rất đẹp ở Phát Diệm, nhưng nhà thờ gỗ ở Kontum có nét độc đáo của nhiều nền văn hóa pha lẫn vào nhau Pháp, Việt và của nhiều dân tộc sở tại. Nhà thờ toát ra một nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ, mạnh mẽ của núi rừng Tây Nguyên trong một không gian im ắng, chỉ có tiếng lá cây rì rào trong gió ! Khuôn viên của nhà thờ vắng vẻ trong buổi trưa nóng, chỉ có bước chân của những du khách phương xa là chúng tôi, thế nên tha hồ chụp hình, ngắm cảnh. Nhà thờ gỗ ở Kontum được xây vào năm 1918 trên nền cũ, đã được đúng một trăm năm tuổi.

Nhà thờ gỗ Kontum dành cho Đức mẹ Maria. Photo MTT2019

Chồng tôi đi tìm cửa vào bên trong, là người công giáo nên ông ấy tin chắc rằng nhà thờ phải mở cửa cho con chiên tìm đến Chúa, không có nhà thờ nào lại khóa trái cửa cả. Quả thật, có một cánh cửa mở vào nhà thờ, dù là không thấy có ai trông.

Toàn nhà thờ xây bằng gỗ, rất mỹ thuật, nền nhà thờ được đặt trên cọc, cách mặt đất 1 mét, theo cách xây nhà mặt bằng thông thường bên Pháp, để cho ngôi nhà được thở, thoáng khí, không bị ẩm mốc, mục rữa. Điểm đặc biệt là nền nhà bằng gỗ nhưng đi không nghe tiếng gỗ kêu. Ngoài trời nắng gắt mà bên trong nhà thờ thì mát. Ngoài mé đường trước nhà thờ hai cây nêu cao ngất đong đưa trong gió.

Bên trong nhà thờ, đây là ngôi nhà thờ dành cho Đức Mẹ, bầy biện đơn giản mà cảm động, vẫn có sự pha trộn của các dòng mỹ thuật, cái lư hương, các hoa văn khắc gỗ, chiếc khăn thổ cẩm…

Rời nhà thờ gỗ Kontum, chúng tôi vội vàng chạy sang Tòa giám mục được xây dựng trong năm 1935-1938 do vị Giám mục tiên khởi Martial Pierre Marie Jannin Phước sáng lập. Con đường thẳng tắp trước tòa Giám mục thơ mộng và đẹp vì hai hàng cây hoa đại cổ thụ đang khẳng khiu chỉ có cành trơ và vài cái hoa mầu hồng nhạt hé nụ nở sớm. Tôi chợt nghĩ ngay đến khung cảnh một đám cưới, hai người yêu nhau mới cưới thơ thẩn dưới đường hoa. Đẹp quá. Tòa giám mục vừa có nét Art Deco của Pháp vừa có nét văn hóa Tây nguyên. Tôi không ngờ ở Kontum có những kiến trúc đẹp như vậy, trong trí tưởng tượng của tôi về miền đất này thì chỉ có nhà sàn và nhà Rông.

Photo: MTT2019

Bác tài dục chúng tôi lên xe rồi hối hả chạy đến khu rừng thông Măng Đen ở phía Bắc Kontum. Xe chạy xuyên rừng thông mát rượi, xanh um, không khí trong lành sảng khoái. Tôi nhớ hồi xưa cha tôi đi săn bắn thú rừng với bạn bè ở Cao Nguyên, ông đi cả tuần, mang về nào rượu cần, thịt nai, khô nai và cả mấy miếng da thú khô, tôi còn giữ một cái ví may bằng da nai của cha tôi, đặt trên bàn thờ.

Chúng tôi chạy cả gần hai giờ đồng hồ mới đến thác Pa Sỹ nằm ở độ cao khoảng 1.500 mét ở làng Kon Tu Rằng, xã Măng Cảnh, huyện Kon Plong cách Kontum đến 60 cây số đường rừng núi. Đường vắng, không xe, nhưng bác tài cẩn thận chạy theo tốc độ quy định. Nơi đây đã thành một khu du lịch có bán vé vaò cửa.

Thác Pa Sỹ, cao khoảng 45 mét, nằm lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ mầu xanh. Nếu không có bãi đậu xe, hàng quán, cửa thâu tiền thì bạn có thể tưởng tượng ra một mầu xanh tươi thắm của núi rừng Tây Nguyên chung quanh thác Pa Sỹ.

Một người khuyết tật không nói được tỏ vẻ rất tức giận khi một chiếc xe hai bánh ủi làm vỡ một chậu cây cảnh của anh bày ở ven đường làm đẹp cho khung cảnh của thác, rồi họ bỏ đi không nói một lời xin lỗi.

Khung cảnh dưới chân thác Pa Sỹ. Photo MTT2019

Có hai đường đến thác đã được làm ra, một đường đến chân thác, một đường trèo từ trên đỉnh để xuống thác. Nhìn những bậc thang đẽo bằng đất đá cao thấp hoàn toàn không đều nhau, tôi chịu thua, không xuống được thác. Chồng tôi hăm hở cầm cái máy ảnh của tôi xuống thác chụp cho tôi tấm hình. Trong lúc ấy, bác tài khám phá ra đường xe hơi đi được đến chân thác, bèn vội vàng chở tôi đến đấy. Tôi quay về đỉnh thác vừa đúng lúc chồng tôi đang đúng chờ tôi mặt đỏ bừng muốn xỉu vì tưởng bác tài phải chở tôi đi cấp cứu mà không kịp báo. Một kỷ niệm mà tôi không quên.

Từ thác Pa Sỹ bác tài chở chúng tôi đi ngang qua khu du lịch Măng Đen, nhiều nhà xây dở dang bỏ hoang, để đến chỗ Đức Mẹ Măng Đen, nhưng tôi mệt quá, đến nơi rồi mà “chạy” không nổi nữa, đành phải đi về.

Dọc đường, băng xuyên qua rừng thông trên con đường Trường Sơn Đông, là một đoạn của con đường Hồ Chí Minh, con đường rừng hẹp, hai bên đường cây cao xanh ngát, tôi có cảm giác như ở bên Pháp, nhất là khi nhiệt độ bên ngoài chỉ còn có 15 độ. Lời nhạc của một bài hát “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm…” vang lên trong trí nhớ, bây giờ tôi mới hiểu thấm thía tình cảnh của hai người yêu nhau, cùng ra trận, người ở sườn Đông, người ở sườn Tây, cách nhau một rặng núi, một rặng rừng. Đẹp quá.

Nếu bạn có muốn đi Kontum chơi, nên dự trù ít nhất là hai ngày, đừng chạy như chúng tôi. Cảm ơn bác tài đã nhiệt tình chở chúng tôi đi chơi suốt cả một ngày mà không mệt. Lúc về, màn đêm xuống rất nhanh, bỗng chốc không còn thấy cảnh bên ngoải nữa. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy có người đi bộ xuyên rừng khi màn đêm buông xuống, họ đi đâu, đi đến bao giờ mới ra được đường cái !

Dọc đường, bác tài gọi điện bảo vợ thổi cơm ăn muộn khi bác về đến nhà vì suốt mấy trăm cây số không có hàng quán gì để ăn uống, và bác mua cho chúng tôi nửa con vịt quay để ăn tối trong phòng khách sạn.MTT

Nhà Thờ bằng gỗ ở Kontum. Photo MTT2019

Tòa Giám Mục Kontum – Photo MTT2019

Đường vào tòa Giám Mục dưới nắng xuân. Photo: MTT2019

Thác Pa Sỹ, Kontum. Photo: MTT2019

Kiến trúc nhà rông đăc trưng của Kontum. Photo: MTT2019