Đọc “ Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời “ của Hoàng Lại Giang- © Mathilde Tuyết Trần, France 2018
Đọc “ Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời “ của Hoàng Lại Giang– © Mathilde Tuyết Trần, France 2018

Trương Vĩnh Ký (1837-1898, hưởng thọ 61 tuổi)
Một buổi trưa trời tháng mười một, nắng còn gắt, tôi và chồng tôi lang thang trên đường Trần Bình Trọng. Thấy có một nhà thờ lớn, nguy nga, có sân trước rất rộng chúng tôi rẽ vào thăm, mà không biết đó là nhà thờ Chợ Quán. Nhà thờ đang có thánh lễ nên chúng tôi chỉ đứng ngoài tần ngần rồi lại đi ra. Rẽ tay phải đi tiếp về hướng đường Trần Hưng Đạo, mục đích của tôi rất đỗi tầm thường là đi bộ để tìm một quán phở gọi là phở Lệ để ăn trưa. Bỗng đi ngang qua một cái nhà cất theo kiểu lăng mộ có nhiều ngôi mộ cổ nằm bên trái, nằm kế cận khuôn viên nhà thờ chỉ cách một tu viện, tôi ngạc nhiên, tò mò bước vào. Đó là cái duyên thứ nhất, không tìm mà gặp lăng mộ cùng ngôi nhà ở của Petrus Trương Vĩnh Ký.
Một buổi trưa trời nắng chang chang, khô queo vào tháng tư năm sau, tôi và chồng tôi lang thang trên đường sách bên canh Bưu điện thành phố. Tôi đi tìm mua hai cuốn sách được giải thưởng sách quốc gia mới đây của nhà xuất bản Tổng Hợp. Mua xong mấy cuốn sách nặng chình chịch, mà chồng tôi hay nói đùa là vũ khí tra tấn để đập lên đầu không dấu vết, trả tiền rồi, lấy gói sách rồi, bất chợt tôi ngẩng đầu lên, mắt nhìn thẳng vào một cuốn sách bày đứng trên kệ. Đó là cái duyên thứ hai để tôi viết bài này vì cuốn sách ấy mang tựa đề “Trương Vĩnh Ký-Bi kịch muôn đời”, của tác giả Hoàng Lại Giang, do nhà xuất bản Hồng Đức của hội Luật gia Viêt Nam, Hà Nội, xuất bản năm 2017 (giá bìa 174.000 đồng).
Jean-Baptiste Petrus Trương Vĩnh Ký sống ở thế kỷ thứ 19, ông sinh năm 1837 (Minh Mạng thứ 17) tại ấp Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long, mất năm 1898, đến thời đại của chúng ta ở hai thế kỷ sau ông vẫn còn là một nhân vật gây tranh cãi bên chê, bên khen.
Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Thanh Lãng, Nguyễn Huệ Chi, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Văn Tố…..là những người có sự thông cảm với ông, khen ông.
Những người lên án ông với những mức độ nặng nhẹ khác nhau có thể kể ra là Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Sinh Duy, Phạm Long Điền, Mẫn Quốc, Lê Trọng Văn, Nguyễn Đắc Xuân…(Tr. 11)
“Sở dĩ có tình hình đáng tiếc đó chính vì nhận định đánh giá một nhân vật lịch sử mà lại không gắn với thời đại lịch sử trong đó người ấy sống và hành động, lại nặng về suy diễn chủ quan một cách không thấu tình đạt lý…..Hoàng Lại Giang bằng con đường văn học đã dựng lại cuộc đời của Trương Vĩnh Ký từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, trong một bối cảnh lịch sử kịch liệt, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Việt Nam, triều đình Nguyễn đẩy mạnh chính sách sai lầm cấm, giết đạo, đất nước rối loạn, nhân dân ly tán.”
Trên thực tế tác giả Hoàng Lại Giang đã dành 189 trang trong tổng số 448 trang để diễn tả lại tuổi ấu thơ của Trương Vĩnh Ký từ lúc được mẹ sinh ra cho đến lúc trưởng thành.
Những dòng chữ đầu tiên mang tính chất nóng bỏng của thời cuộc, một tình huống kinh hoàng đẫm máu của lệnh từ triều đình nhà Nguyễn ở Huế dưới đời vua Minh Mạng tàn sát người có đạo Thiên chúa gọi là “Sát tả” kể từ năm 1833, một năm sau khi Tả quân Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt qua đời, của chính Trương Vĩnh Ký viết bằng tiếng La Tinh:
“Tôi ra đời, chưa kịp khóc, cả làng Cái Mơn đã chìm trong lửa mùa nắng. Lửa từ những căn nhà lá của dân nghèo bừng bừng dữ dội, lửa cao hơn những ngọn cây dừa cao nhất, lửa lan từ khu vườn này sang khu vườn khác. Mẹ túm tôi trong chiếc áo cũ của cha tôi, theo ông ngoại ra chiếc xuồng nhỏ đậu sẵn trong con xẻo. Mẹ nhìn về phía nhà thờ cầu Chúa, nhưng nơi linh thiêng nhất ấy lại là nơi ngọn lửa cháy cao nhất. Lửa và khói, máu và nước mắt, tiếng khóc của đứa trẻ con mới chào đời lẫn trong tiếng khóc của những người mẹ, của những cụ già.
Từ con rạch Cái Mơn, ngoại bơi xuồng len lỏi đưa mẹ con tôi đi thật xa, xa đến nỗi ngay cả tiếng gào thét man rợ nhất của quân lính triều đình cũng không thể nào vọng tới được.”
Sự mâu thuẫn nội tâm của cha ông, lãnh binh Trương Chánh Thi , cũng giống như sự mâu thuẫn nội tâm của Trương Vĩnh Ký sau này. Là lãnh binh, ngày đêm đi đánh giặc phụng sự cho triều đình Huế, cho vua nhà Nguyễn được yên ổn nơi chốn kinh kỳ, mở mang bờ cõi, vậy mà ông lãnh binh bất lực trước lệnh Sát tả của nhà vua.
“ …Và ông đã ra đi trong nỗi đau đớn khôn cùng khi biết trước cái họa sẽ giáng xuống cuộc đời vợ con ông mà ông thì bất lực ! Cái họa ấy lại do chính triều đình, do chính nhà vua mà ông là lãnh binh gây nên….
Ông trở về khi làng mạc đã thành tro than, 20 người bị chặt đầu, bị treo cổ, bị cột đá bỏ sông Cổ Chiên, 3 người bị lăng trì. Từng mảng thịt bị xẻo ra khỏi cơ thể và ném xuống rạch Cái Mơn. Ông trở về giữa túp lều có mười tấm lá dừa nước do dân làng Cái Mơn góp lại cho…”
Bây giờ nhớ lại, trong những lần đi tham khảo ở văn khố Hội Thừa Sai ở Paris (Missions Etrangeres Paris) tôi có dịp chiêm ngưỡng những tấm tranh vẽ những cảnh hành quyết giáo sĩ tử đạo thời nhà Nguyễn với tâm trạng của một người đứng trước một tác phẩm lịch sử, nghệ thuật, xa xôi mà không hình dung ra được nổi cả một tấm thảm kịch viết bằng máu và nước mắt trong đó. Bây giờ, một mái nhà tranh, một túp lều tranh giữa đồng ruộng bao la không còn là môt hình ảnh thơ mộng, lãng mạn đối với tôi, mà là những điều kiện sống rất thô sơ, nghèo nàn khốn khổ. Để châm biếm cái sự lãng mạn của tôi, má tôi thường nói “ Một túp lều tranh, hai quả tim vàng rồi thì cạp đất mà ăn !”
“Năm ấy Ký lên ba – cả nhà đều vui . Nhưng cậu bé ấy đã mang trên đầu ba chiếc khăn tang. Bà ngoại mất vào tháng hai vì kiết lỵ. Tháng sáu ông ngoại bị lính triều đình đập vồ vào đầu, óc phụt ra ngoài. Ông cụ đã chết quằn quại trên vũng máu, vậy mà chúng không cho gia đình đưa về chôn cất. Chúng kéo xác cụ ra ném ở rạch Cái Mơn, nơi mà trước đây từ sông Hàm Luông, ông cố đã đưa cả ông bà , cha mẹ vợ con theo con rạch này vào Cái Mơn…”
Triều đình Huế ở nơi kinh kỳ xa xôi giết dân mình trong vùng trời cuối đất ở miền Nam vì vấn đề tôn giáo ! Hiện nay tình hình thế giới cho thấy vấn đề thánh chiến giữa tôn giáo này và tôn giáo nọ chỉ là một cái cớ để che đậy những nguyên nhân sâu xa khác về kinh tế, về một đường ống dẫn dầu, một đường ống dẫn khí đốt xuyên qua nhiều quốc gia để ra biển chẳng hạn, hay về những ý thức hệ chính trị khác nhau, về trang bị quân sự, vũ khí.
Thời ấy, triều đình Huế ra lệnh giết chính dân mình là một cách thúc đẩy nhanh chóng sự xâm lăng của quân Pháp, tạo thêm một cái cớ cho họ hành động quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn, vì họ đã nhận lệnh của triều đình Pháp đi xâm chiếm thuộc địa, cạnh tranh với những thế lực khác như Anh quốc, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ngày nay, chúng ta học lịch sử thế giới đã biết, thế kỷ 19 là thế kỷ của những cuộc xâm lược chiếm hữu thuộc địa trên thế giới.
Đêm trước ngày lên đường đi Nam Vang, ông Thi đã tâm sự với bà rằng ông có tội với vợ với con. Ông không ngờ những thiếu phụ yếu ớt như bà, những đứa trẻ thơ như Sử và Ký lại là kẻ thù không đội trời chung của nhà vua !
Ông lãnh binh Thi chết vì bịnh trong khi thi hành nhiệm vụ ở Nam Vang. Còn lại người vợ góa phụ cô đơn Nguyễn thị Châu giữa đồng không mông quạnh và hai đứa con trai mồ côi cha còn nhỏ, Sử và Ký, làm gì mà ăn, lấy gì mà nuôi con ?
Cuộc đời cứ thế trôi đi, bà Châu được sự đùm bọc của hàng xóm, ông đồ Học dạy chữ thánh hiền, đạo Phật, thầy Tám, đạo Chúa. Rồi đứa bé Ký lúc được chín tuổi được gửi cho Thừa Hòa, tên Việt của một thừa sai người Pháp tên là Borelle, nhận vào tu viện nuôi cho ăn học. Khi Ký học xong ở chủng viện Penang sau bao nhiêu gian nan mới về được tận Cái Mơn năm 1858, thì mẹ đã chết.
Năm đó, ngày 01.09.1858 (năm Tự Đức thứ 11) tướng Rigault de Genouilly đem hơn 3.000 quân Pháp và Tây Ban Nha trên chiến thuyền nổ súng đánh Đà Nẵng, hạ thành An Hải và thành Tôn Hải, và Trương Vĩnh Ký học xong, về nước, được 21 tuổi.
Kể từ đây, “bi kịch” của Trương Vĩnh Ký rẽ qua một hướng mà suốt cuộc đời ông đã sống theo phương châm “ Ở với họ mà không theo họ, nhờ họ mà không quị lụy họ, lựa thời mà ra, tùy thời mà về, biết thế mà điều chỉnh ” , một bản lĩnh và một sự kiên trì không phải ai cũng có, và làm cho “đối phương” phải nể phục mình, tôn trọng mình.
Có những người chê trách Trương Vĩnh Ký vì đã làm thông ngôn cho thiếu tá Jaureguiberry, dịch các chỉ dụ trát, sớ tấu, soạn thảo các công văn từ phía Pháp gửi cho triều đình Huế, dạy ở trường thông ngôn do Charner thành lập năm 1861.
Năm 1860 Pháp sai tướng Charner đánh chiếm Nam Kỳ. Tháng 10 năm 1861 tướng Bonard sang thay Charner tiến quân đánh ngay thành Biên Hòa, đồn Bà Rịa. Tháng 3 năm 1862 tiến đánh đồn Vĩnh Long. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp (Hiệp) được vua Tự Đức sai vào Gia Định giảng hòa, hai ông thay mặt vua Tự Đức ký hòa ước năm Nhâm Tuất ngày 05.06.1862 với tướng Bonard.
“Cuối giờ dậu cả hai (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp) đã ngồi trước bàn hòa đàm trên tàu Duperre ở bến cảng Sài Gòn. Người thông ngôn cho Pháp là Aubaret. Trương Vĩnh Ký chỉ đóng vai phụ. Người thông ngôn cho phái bộ Phan Thanh Giản là Nguyễn Văn Tường.” (Tr.277).
Năm 1863, Phan Thanh Giản được vua Tự Đức cho dẫn đầu phái bộ sang Pháp để xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông, Aubaret vẫn là thông ngôn của phái bộ Pháp, Nguyễn Văn Tường là thông ngôn của phái bộ Việt Nam, Trương Vĩnh Ký được đi theo. Nhưng cụ Tường giữa đường bị bệnh mất, Trương Vĩnh Ký được Phan Thanh Giản và phía Pháp chấp nhận cho thay thế.
Hóa ra những câu hỏi ngây thơ của tôi trong cuốn Dấu Xưa-Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn xuất bản năm 2010 và 2011 đã tìm được câu trả lời trong cuốn sách này !
Về phần cụ Phan, ”Ông tuyệt thực 17 ngày, uống thuốc phiện hòa với giấm thanh để tự vẫn ngày 4/8 năm đó, gửi lại ấn tín, áo mão và tờ sớ tâu về triều đình. Vua Tự Đức xuống chiếu kết tội ông rất nặng và tuyên án: “Tuy đã đắc nhất tử, nhưng cái chết vẫn không đủ che được tội. Vậy Phan Thanh Giản (với Lâm Duy Hiệp) đã quá cố phải bị truy đoạt hết tước hàm, đục bỏ tên trên bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm hậu. Giết kẻ đã chết để răn người đời sau vậy”. (Bài báo Một công trình sử học mới: Phan Thanh Giản với bản án được tuyên sau cái chết, Giao Hưởng,Thanh Niên, 06/09/2006)
Về phần Trương Vĩnh Ký, với một quá khứ quan hệ Việt-Pháp thân thiết, ông đã từng gặp gỡ đại văn hào Victor Hugo, nhiều năm làm việc với người Pháp, ông lâm vào cái cảnh “ pris entre deux feux ”, một thành phần người Pháp không ưa ông, một thành phần người Việt ganh ghét ngay lúc ông lúc còn sinh thời, và mãi cho đến thế kỷ thứ 21 vẫn còn có người lên án ông.
Cụ Phan Thanh Giản đã nhắn nhủ ông “Cầm dao hai lưỡi là khó đấy!”. Biết là khó nhưng vẫn phải chịu đựng, vì hoàn cảnh đưa đẩy.
Cái kết luận của kẻ viết bài này, trông người lại nghĩ đến ta, không dám vô phép so sánh với ông, nhưng cũng cùng chung một “bi kịch muôn đời” như ông, có yếu tố nước ngoài, cho nên có cảm thông, hiểu được những sự khó xử trong cuộc đời ông. “Công và tội” của ông đành để cho thời gian đi qua và trả lời, cầu mong cho ông được bình an yên nghỉ nơi nước Chúa.
Cuốn sách của Hoàng Lại Giang, không viết theo kiểu tiểu sử một danh nhân, mà tác giả khiêm tốn đề là “Truyện danh nhân”, dễ đọc, cung cấp cho người đọc có thêm suy nghĩ mới về những nhân vật được nói đến. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc. MTT
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.