Vua Duy Tân, những ngày cuối cùng ở Paris
Vua Duy Tân, những ngày cuối cùng ở Paris ©Mathilde Tuyết Trần, France 2017

Vua Duy Tân, ngãy lên ngôi ở kinh thành Huế
Paris, tháng 12 năm 1945, mùa Giáng sinh. Bầu trời Paris mùa đông ảm đạm, tám chín giờ sáng thì ánh sáng ban ngày mới chịu ló ra khỏi màn đêm đen dày đặc và mới có bốn giờ chiều đã không còn ánh sáng, đêm đã về hiện lên một mầu xanh thẫm.
Nhiệt độ tháng 12 có ngày đã xuống -3°, tuyết rơi trắng xóa, vùng quê đã có cả băng giá. Ánh đèn điện vàng vọt sáng hiu hắt, lù mù, làm cho mùa đông dài lê thê, tưởng chừng như vô tận. Không khí lạnh tràn khắp không gian, cái lạnh ẩm ướt, khó chịu làm cho con người cảm thấy như lạnh thêm hơn nữa. Đến cái giường cũng lạnh ẩm, chăn, gối đều lạnh ngắt. Lạnh hơn là cái tủ lạnh ! Nhiều người đều phải cho một cục gạch đất nung vào lò sưởi cả ngày để trước khi đi ngủ nhét cục gạch ấy, bọc trong giấy báo, dưới lớp chăn, làm ấm giường. Người giầu có hơn thì sử dụng một loại chảo có nắp đậy và cán dài, để bỏ than tro vào đấy mà sưởi ấm chăn gối của giường ngủ. Ít ai có được cái tiện nghi sang trọng có một phòng ngủ sưởi ấm bằng than củi. Người ta thường thiếp đi trong cái lạnh của mùa đông.
Paris trong mùa đông thứ hai sau ngày giải phóng khỏi ách chiếm đóng của quân Đức Quốc Xã vào tháng 8 năm 1944 còn thiếu thốn về nhiều mặt, thực phẩm và chất đốt để sưởi ấm, dân chúng phải về vùng quê để mua con gà, con vịt…Ấy vậy mà những phụ nữ Pháp tất bật, lo lắng cho một bữa ăn đêm Giáng sinh theo truyền thống tươm tất cho những người thân được trọn vẹn.
Mãi đến ngày 05 tháng 5 năm 1945 lệnh của tướng De Gaulle mới được truyền đến đảo Réunion, cho phép vua Duy Tân lần đầu tiên kể từ khi đi đày vào năm vua 16 tuổi (năm 1916), sau 29 năm trời, được đặt chân lên nước Pháp, đến Paris.
Ngày 07.05.1945 chính quyền đảo Réunion nhận lệnh gởi hoàng tử Vĩnh San (tên của người Pháp gọi vua Duy Tân) đến Paris bằng đường biển. Lênh đênh trên biển hơn một tháng, từ đảo Réunion trên Ấn độ dương, tháng 6 năm 1945 vua Duy Tân được con rể của tướng De Gaulle là tướng Alain de Boissieu tiếp đón tại Paris.
Nhà vua có cơ hội trao đổi với tướng De Boissieu về quan điểm chính trị của mình. Trên cơ bản thì vua Duy Tân muốn thống nhất cả ba Kỳ, Bắc, Trung, Nam, dành lại độc lập và hợp tác chặt chẽ với Pháp. Nhà vua theo dõi tình hình thời sự qua đường giây liên lạc của mình. Cũng theo Alain de Boissieu, vua Duy Tân phê phán, chỉ trích “rue Odinot” (Bộ thuộc địa Pháp) còn mải mê trong đường lối chính trị cố hữu của mình với những từ ngữ “thuộc địa”, “đế quốc”, “chủ quyền nước Pháp” hay “cai trị trực tiếp”, mà không hề muốn nói đến các khái niệm “độc lập”, “tinh thần quốc gia”. Nhà vua cho rằng, họ, « rue Odinot », chối bỏ sự hiện hữu của một quốc gia, một tổ quốc Việt Nam, ” thật là một điều đáng lo ngại”. Tướng De Boissieu cho vua Duy Tân biết rằng, những điều ấy đã được bộ thuộc địa Pháp công bố trước khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9.3.1945, đến giờ thì tình hình đã thay đổi, có hy vọng thương lượng lại.
Ngày 20 tháng 7 năm 1945 vua Duy Tân được gởi sang nước Đức. Trong giai đoạn này nhà vua có dịp đi thăm các binh đoàn tiêu biểu của Pháp đã thắng trận tại Đức. Đến cuối tháng 10 năm 1945 lại có lệnh gọi hoàng tử Vĩnh San trở về Paris.
Trong khi đó, ngày 2.9.1945 chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, thành lập chính phủ lâm thời tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 9.9.1945 đạo quân Trung quốc của Tưởng Giới Thạch tràn vào miền Bắc để giải giới quân Nhật. Cũng khi ấy, tướng Leclerc theo chân quân Anh và quân Ấn trở lại Đông Dương, vào lại Saigon ngày 12.9.1945. Tình hình rối như mớ bòng bong, sự kiện tiếp nối sự kiện, mà khi ấy, De Gaulle vẫn còn lúng túng trong khi tìm kiếm một giải pháp có thể thực thi cho Đông Dương, các thế lực thuộc địa cũ còn mạnh, và lá bài Bảo Đại đã mất hiệu nghiệm, không được lòng dân. Pháp mắc nghẹn ở hai chữ “Độc Lập” của Việt Nam, sau này Mỹ cũng thế !

Tấm ảnh cuối cùng của vua Duy Tân, mặc quân phục quân đội Pháp La France Libre, đeo hàm thiếu tá, năm 1945
Vua Duy Tân, mới trở về sau một chuyến công vụ tại nước Đức, nhưng phòng trọ của vua không được sưởi ấm, cái lạnh thấm qua da thịt buốt thấu xương làm khó dỗ giấc ngủ. Nơi chốn đi đày của vua lại là một nơi quanh năm ấm áp. Ở Paris, nhà vua cảm thấy cô đơn, lạ lẫm, khác hẳn bầu không khí cởi mở, thân thiện trong gia đình và bạn bè ở đảo. Không khí lạnh giá, căn nhà trọ một mình vắng vẻ, càng làm tăng thêm cảm giác cô đơn ấy.
Vua Duy Tân phải chờ đợi ỏ Paris đến ngày 14.12.1945 thì một cuộc gặp gỡ lịch sử duy nhất giữa De Gaulle và vua Duy Tân tại Paris đã diễn ra. Nội dung của cuộc gặp gỡ này được giữ bí mật.
Tuy nhiên, có người cho rằng vì sự bất cẩn của chính vua Duy Tân, vì quá vui mừng trước khả năng được về lại Việt Nam mà đã để lộ ra tin tức. Duy Tân đã liên lạc với một số nhân vật Việt Nam có tên tuổi tại Paris trong mục đích thành lập một nội các tạm thời để ra mắt quốc dân khi trở về, nhưng Duy Tân thất vọng vì không tìm được sự giúp đỡ nào, sự ủng hộ nào như mong đợi.
Sau này, tướng Alain de Boissieu đã hoàn toàn đồng ý với ông Thebault khi ông viết về cuộc gặp gỡ này như sau:
“Đối với vua Duy Tân cũng như đối với tướng De Gaulle, thời gian không phải còn nhiều để cho những tranh luận ngoài đề và mặc cả. De Gaulle muốn tự mình thẩm định con người mà vòng thân cận của ông đã giới thiệu với ông là có khả năng giải quyết vấn đề khó khăn nan giải ở Đông Dương. Vua Duy Tân thì muốn trở về địa vị của mình mà nhà vua không hề từ bỏ. Cả hai đều hy vọng là sẽ thuyết phục được nhau hay ít ra là hòa hợp, hiểu được nhau, vấn đề cốt yếu không phải nằm ở chỗ là nước Pháp chiếm lại vị trí của nó ở Đông Dương vả đối với Vĩnh San chưa phải là đem đến hòa bình và thịnh vượng cho đất nước mình, một nước đã oằn oại kiệt sức vì chiến tranh, vì vô tổ chức, vì thiếu thốn khả năng…Vấn đề cấp bách nhất theo ý của nhà vua là đem lại một trật tự trong nhà, cho xã hội, đem người nông dân về với ruộng vườn, đem người công nhân về những nhà máy…nói vắn tắt là phải xây dựng lại một nền kinh tế cho đất nước đó. Sau đó thì hai bên sẽ tìm một giải pháp hòa hợp cho thể chế chính phủ, vai trò mỗi bên, quyền lợi và bổn phận mỗi bên. De Gaulle viết trong hồi ký của ông rất rõ ràng : “Tôi tiếp ông để tìm kiếm với ông, một cách bình đẳng, ngang hàng, những gì ta có thể làm chung với nhau. “”
Vua Duy Tân đã khẳng định với tướng De Boissieu: “Nhưng tôi chẳng cần phải ai đưa lên ngai vàng. Chính tôi là Hoàng đế. Tôi không có thoái vị. Tôi trở về đất nước tôi với tướng De Gaulle. Giống y hệt như ông đã trở về đất nước ông ở Bayeux. Nhưng đối với tôi thật là một hân hạnh được thực hiện điều đó bên cạnh ông. Vả lại, tất cả những điều ấy sẽ được trưng cầu ý dân, nếu người dân Đông Dương không muốn chấp nhận nhà vua hay phải thay đổi Hiến pháp“.
Trong một lá thư gửi cho ông Thebault vua Duy Tân viết rằng, sau cuộc gặp gỡ với những cộng sự viên thân cận của tướng De Gaulle ” Đã xong rồi, đã quyết định rồi. Chính phủ Pháp đặt tôi trở lại ngai vàng An Nam, tướng De Gaulle sẽ cùng tôi trở về nơi ấy. Khi nào ? De Gaulle dự tính là những ngày đầu tháng ba (1946)…. »
Eugène-Pierre Thebault là một người bạn trung thành của vua Duy Tân, cựu giám đốc văn phòng của thống đốc Capagory ở đảo La Réunion, cũng có mặt tại Paris và còn gặp vua Duy Tân lần cuối cùng vào ngày 17.12.1945.
Tâm sự trĩu nặng vì năm đứa con bỏ lại trên đảo, đứa bé nhất, vua mới được biết cách đó vài hôm, là một đứa bé gái, sinh ở Saint-Denis ngày 01.12.1945, đặt tên là Marie Gisèle Andrée, vua thường đặt câu hỏi với ông Thebault ” Bao giờ và bằng cách nào tôi sẽ có thể gặp lại chúng ? tôi muốn sắp xếp lại việc gia đình trước khi tôi về An Nam. “
“Ngài nói với tôi về cái gia đình nhỏ của Ngài bỏ lại trên đảo và năm đứa con, Ngài muốn trông thấy mặt con mới sinh, gặp lại người bạn đường (bà Ernestine Maillot), luôn cả bốn đứa con của bà Fernande Antier, trước khi trở về An Nam, thăm bạn bè thân hữu, những người đã an ủi, khuyến khích và kề cận Ngài trong những ngày tăm tối… Văn phòng tướng De Gaulle đã ra chỉ thị chi tiêu cho mọi phí tổn cho chuyến về thăm gia đình, ngày bay được ấn định là ngày 24.12.1945. «
Những tháng ngày cuối năm ở Paris là những ngày đầy nhung nhở, hy vọng và lo âu cho tương lai của vua Duy Tân. Trong hai lá thư viết từ Paris gửi cho con gái đầu, bà Suzy Vĩnh San, vua Duy Tân dặn dò con gái phải bảo bọc các em, gìn giữ đức tính không dối trá…
“Cha viết cho con mà không biết là lá thư này có đến tay con hay không. Người cha khốn khổ của con luôn luôn nhớ đến con trong bất hạnh. Người đau khổ vì phải xa lìa các con bởi vì không có công lý và sự độc ác của con người…Khi còn nhỏ, người ta nói dối vì muốn dấu diếm một điều gì. Khi lớn, người ta bỏ tù người khác để che dấu sự thật. Vì vậy, con gái của cha, không bao giờ được nói dối bởi vì một sự nói dối nhỏ bé thời thơ ấu sẽ trở thành một sự độc ác sau này…Và phải biết tha thứ, bởi vì không biết tha thứ thì con người thèm khát trả thù, và trong sự trả thù con người luôn luôn bất công, vô lý…. »
Con gái yêu quí của cha, chính từ văn phòng của cha ở đại lộ Champs Elysées mà cha viết thư này cho con. Ngoài trời thì băng giá, và ở đây thì lạnh cũng như thế vì không một nơi nào được sưởi ấm. Với hai tay lạnh cóng cha viết cho con. Mới có năm giờ chiều mà người ta bắt buột phải bật đèn điện để nhìn cho rõ vì màn đêm buông xuống lúc ba giờ chiều…Con biết không, con gái của cha, cha đã phải làm một sự hy sinh lớn để mua quà cho các con …Đến đây, cha viết tiếp lá thư dở dang vì quá lạnh, không viết nổi, bây giờ thì cha đang ngổi ở nhà một người bạn có lò sưởi than… »
Lá thư cuối cùng trong tuồng chữ vội vã của vua Duy Tân viết cho con gái đề ngày 28 tháng 11 năm 1945.

Bài báo trên tờ L’ Actualité Réunionnaise ngày 24.8.1945 kể lại cuộc đời và hoài bão của vua Duy Tân
Một người dáng nhỏ bé, gầy gò, co ro, vội vã lên chiếc máy bay của hãng hàng không Air France cất cánh tại phi trường Le Bourget ngay trong đêm Giáng sinh 24.12.1945, hy vọng vượt bao nhiêu là đường dài, qua bao nhiêu là quốc gia để về thăm gia đình, bạn hữu và nhìn mặt đứa con gái mới vừa sinh ra đời. Hành lý mang theo chỉ là những món quà Giáng sinh nho nhỏ, ít tốn kém và gọn nhẹ cho việc di chuyển bằng máy bay. Xa gia đình và các con mới chỉ có bẩy tháng mà vua đã thấy dài đằng đẵng, nhớ nhung khôn xiết, và nhớ nhất là người vợ mang thai khi vua ra đi. Đảo La Réunion nơi vua muốn trở về, cách Paris 9.400 cây số đường chim bay.
Đêm Giáng sinh tại Pháp là thời khắc xum họp gia đình, mấy ai lại di chuyển đường dài, vì thế chuyến máy bay định mệnh ấy, với 21 chỗ ngồi, chỉ có 5 hành khách và 3 nhân viên phi hành đoàn: ông Guy Porte, phi công, ông Lucien Coulomb, truyền thanh và ông Louis Rebout, kỹ sư phi hành.
Chiếc máy bay bất hạnh rơi xuống tại một khu rừng rậm trong địa phận M’Baiki – Oubanghi Chari, Bassako, nước Cộng hòa Trung Phi ngày 26 tháng 12 năm 1945. Tất cả mọi người trên máy bay đều tử nạn, luôn cả vua Duy Tân.
Tướng De Gaulle rời khỏi chính quyền ngày 20 tháng 1 năm 1946, chưa đầy một tháng sau cái chết của vua Duy Tân. MTT
(Trích Dấu xưa II – Tản mạn lịch sử nước Pháp)

Vua Duy Tân phát biểu trong Hội nghị của đảng Cộng sản Pháp trên đảo Réunion, nhân dịp Mặt trận Bình dân Pháp nắm chính quyền năm 1936, tấm ảnh dùng làm thiếp chúc mừng năm mới của nhà vua.
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.