Một kiểu mẫu lý tưởng xã hội của Godin tại Guise: Le Familistère
Một kiểu mẫu lý tưởng xã hội của Godin tại Guise: Le Familistère
©Mathilde Tuyet Tran, France 2017
Vào nửa cuối thế kỷ thứ 19, Jean-Baptiste André Godin cho xây dựng một khu tập thể lao động cho công nhân của ông tại thành phố Guise, Pháp, đặt tên là Le Familistère, từ năm 1859 đến năm 1884 là thời gian xây dựng, được xem là một kiểu mẫu lý (ảo) tưởng xã hội thời bấy giờ, đối lập vởi chủ nghĩa tư bản đang phát triển song song theo cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang được khởi đầu cùng thời gian. Thế kỷ thứ 19 còn được biết đến là thời đại huy hoàng của công cuộc kỹ nghệ hóa tại châu Âu, đã bắt đầu từ nửa sau của thế kỷ thứ 18 và đã làm cho xã hội phân hóa trầm trọng, một bên là người chủ tư bản, một bên là thành phần công nhân vô sản, dốt nát, nghèo đói.

Le Palais Social trong quần thể Le Familistère tại Guise và tượng Godin. Photo: MTT2017
Cuộc mua bán nô lệ trong thế kỷ 19 còn chưa bị bãi bỏ. Mãi đến ngày 27.04.1848 Victor Schoelcher mới thay mặt chính phủ Pháp ký sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ.
Thời đại bắt đầu cuộc đời của Godin là năm 1817 mà nhà đại văn hào Victor Hugo (1802-1885) khi viết tiếp cuổn thứ ba của cuổn đầu tiên « Les Misésrables » (Những kẻ khốn cùng), xuất bản năm 1862, trong đó những dòng chữ đầu tiên của Victor Hugo là « 1817 là năm mà Louis XVIII, với một sự tự tin trân tráo vương giả nào đó mà không thiếu lấy một sự kiêu căng, đã cho là đánh dấu hai mươi hai năm trị vì của ông… », chứng tỏ Victor Hugo ghét vua chúa đến mức nào. Đó là năm của những nạn đói kém, mất mùa lúa mì, bệnh dịch hoành hành trong dân chúng. Trong xã hội Pháp năm ấy chỉ có dưới 90.000 người Pháp có quyền bầu cử, mà quyền ấy được dựa trên một số tiền đóng thuế tối thiểu.
Bối cảnh lịch sử
Vài dòng trở lại lịch sử nước Pháp, giai đoạn giao thời khi Cách mạng dân chủ Pháp nhiều phen cố gắng thoát khỏi chế độ quân chủ, mà tất cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều qui về tay một người, đó là Vua, giai đoạn này đã ghi dấu ấn lên cuộc đời của Godin từ năm sinh ra 1817 cho tới năm chết 1885. Godin vẫy vùng trong phạm vi đó, con người không thể thoát ra được thời thế, nhưng Godin là người mà lời nói đi đôi với việc làm, dù là trong vòng « ảo tưởng », một cuộc « thí nghiệm », và để lại cho đời sau công cuộc thực nghiệm đó.
Trong đời của Godin, trải qua 3 triều vua, 1 triều đế và 4 vị tổng thống, đã chứng kiến nhiều xáo động của buổi giao thời giữa chế độ quân chủ và nền cộng hòa dân chủ, của sự nảy sinh ra tư bản và cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Người cùng thời với Godin là …Karl Max, sinh năm 1818, nhỏ hơn Godin một tuổi.
Vua Louis XVIII, là em kế tiếp của vua Louis XVI, đi trốn cùng ngày với gia đình người anh, đã may mắn trốn thoát ra khỏi nước Pháp, trong khi gia đình người anh bị cách mạng Pháp 1789 bắt lại ở Varennes và Louis XVI bị chém đầu năm 1793.
Louis XVIII sau đó trốn lánh ở Đức và ở Anh trong suốt 23 năm, là người kế thừa ngai vàng Pháp, vì Louis XVII đã chết trong ngục khi còn là một đứa trẻ 11 tuổi.
Thế lực bảo hoàng còn rất mạnh sau cách mạng Pháp 1789 và tìm mọi cách tái lập lại chế độ quân chủ như cũ, đó là khoảng thời gian được sử sách gọi là La Restauration (Phục hoàng của dòng Bourbon), tức là hai thời kỳ 1814 đến 1815, rồi bị gián đoạn bởi Napoléon1er trong « Đế triều 100 ngày » đến khi Napoléon1er thua trận Waterloo ngày 18.06.1815 rồi bị đày đi đảo Saint Hélène, và tiếp nối từ 1815 đến 1830.
Trong hai thời kỳ ấy, dòng Bourbon dành lại ngai vàng đã mất từ Cách mạng 1789, lập lên ngôi hai vua, vua Louis XVIII và vua Charles X, lên ngôi vua 1824-1830, là vị vua cuối cùng của nước Pháp « Roi de France et de Navarre ».
Có lại uy quyền như trước, thế lực phục hoàng trả thù bằng cuộc « khủng bố trắng » (Terreur blanche, lá cờ mầu trắng là biểu tượng cho vua chúa Pháp, chế độ quân chủ), sa thải, truy lùng và giết những người Cộng hòa (Répulicains), những người đã biểu quyết chém đầu vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette và ra lệnh cho thợ hồ và thợ sơn có nhiệm vụ chính thức phải xóa bỏ ba giá trị nêu lên bởi nền Cộng hòa : Liberté, Egalité và Fraternité trong tất cả các làng mạc.
Kể từ năm 1820 những người Cộng hòa tìm cách nổi dậy, nhưng nhiều cuộc sửa soạn nổi dậy bị lộ, một số người bị chém đầu công khai trước dân chúng, nhưng từ đó phát sinh ra một đường lối chính trị mới, đường lối chính trị xã hội (le socialisme).
Sau đó, cuộc « Cách mạng tháng 7 » diễn ra trong ba ngày 27,28,29.07.1830 chỉ tại Paris (vì thế còn có tên là « Ba ngày vinh quang », les Trois Glorieuses ) với sự hỗ trợ của hầu tước de la Fayette và dưới lá cờ ba mầu xanh, trắng, đỏ của nền cộng hòa, lật đổ Charles X, nhưng không lật đổ chế độ quân chủ, đưa Louis-Philippe lên ngôi vua, ông tuyên bố là vua của người Pháp « Roi des Français ».
Bên cạnh những biến động chính trị đó, chuyển đổi từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang chế độ cộng hòa, xuất hiện hình thành một tầng lớp trưởng giả, tư bản trong công cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cũng để chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, thủ công sang sản xuất kỹ nghệ với số lượng lớn, tiêu thụ lớn.
Năm 1847-1848 cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trên khắp châu Âu, con số thất nghiệp tăng cao, lương bị giảm, nhiều nạn đói xẩy ra, dân chúng bất mãn cùng cực, xã hội phân chia xa cách giầu nghèo khiến cho dân chúng nổi loạn, tràn cả vào cung điện Tuileries cướp bóc ngày 23.02.1848. Trước sự kiện ấy, vua Louis-Philippe thoái vị ngày 24.02.1848, nhường ngôi lại cho cháu nội của mình Louis-Philippe II, rồi trốn cùng với gia đình sang tỵ nạn ở Anh quốc.
Tiếp theo vua Louis-Philippe là triều đại của Napoléon III kéo dài từ 10.12.1848 đến 04.09.1870, được lịch sử nước Pháp xem là giai đoạn của Đệ nhị Cộng hòa với gián đoạn.
Sau nhiều lần cố gắng chiếm lại uy quyền mà không thành, hoàng tử Louis-Napoléon Bonaparte (1808-1873) cuối cùng thành công trong việc đoạt được quyền hành với sự ủng hộ của phe bảo hoàng và phe nhà thờ, ông đắc cử tổng thống dưới chế độ cộng hòa dân chủ ngày 10.12.1848, được mệnh danh là « Prince Président » (Hoàng tử tổng thống). Đó là giai đoạn được xem là Đệ nhị Cộng hòa Pháp.
Nhưng ngày 02.12.1851, ba năm sau, với sự ủng hộ của một số tướng lãnh quân đội và công việc sửa soạn của Charles Auguste de Morny, anh em cùng mẹ khác cha, Louis-Napoléon đã làm một cuộc đảo chánh ngoạn mục, bắt giam những người chống đối, kể cả dân biểu quốc hội và cho họ đi đày ở những đảo châu Phi.
Đệ nhị Cộng hòa bị chết, đế chế thứ hai Napoléon (Second Empire) ra đời, Louis-Napoléon xưng đế lấy danh hiệu là Napoléon III, Hoàng đế của dân Pháp (Empereur des Français), tái lập lại thể chế quân chủ trong vòng hơn 18 năm.
Nếu Napoléon III không thua trận, sau khi chính mình đã tuyên chiến với Phổ (Đức), bị vua Phổ và thủ tướng Đức Otto von Bismarck bắt sống trong trận đánh Sedan ngày 02.09.1870 và cho sang Anh quốc sống lưu vong suốt cuộc đời còn lại, thì đế chế Second Empire của Napoleon III còn tồn tại đến bao giờ !
Cũng dưới triều đại Napoléon III, hải quân Pháp dưới quyền chỉ huy của đô đốc Charles Rigault de Genouilly đã nổ súng tấn công cảng Touranne (Đà Nẵng) ngày 30.7.1857, mở đầu cho tham vọng bành trướng lãnh thổ bằng việc chiếm hữu các nước yếu thế hơn, kém phát triển hơn làm thuộc địa.
Mặc dù thế lực bảo hoàng muốn cứu vãn tình thế bằng cách đồng ý sửa đổi Hiến pháp của Đệ nhị đế chế, nhưng ngày 04.09.1870 Gambetta tuyên bố sự tái sinh của nền Cộng hòa, trước mắt là bảo vệ độc lập cho nước Pháp, mở đầu cho nền Đệ tam Cộng hòa Pháp.
Vị tổng thống đầu tiên của Đệ tam Cộng hòa là Adolphe Thiers, nhưng ông từ chức sau hai năm (1871-1873), kế tiếp là Patrice de Mac Mahon (1873-1879), Jules Grevy (1879-1887).
Thân thế
Jean-Baptiste André Godin sanh ngày 26-01-1817 tại Esquehéries, thuộc địa phận Vervins, con của một người thợ làm khóa tên là Jean-Baptiste André Godin (cùng tên), quê quán ở làng Boué và bà Marie Josephe Florentine Degon. Godin qua đời ngày 15-01-1888, bốn năm sau khi xây dựng xong Le Familistère.
Godin được đi học cho đến năm 11 tuổi. Cha ông truyền nghề và lòng yêu nghề làm thợ kim loại lại cho ông.
Godin kết hôn lần thứ nhất với bà Sophie Esther Lemaire ngày 19.02.1840 tại làng Esquehéries, hai vợ chồng có một người con trai đặt tên là Emile Caïus Godin. Bà Lemaire qua đời năm 1881 ở Flavigny Le Petit, hưởng thọ được 61 tuổi. Người con trai duy nhất này của ông qua đời vào ngày 02.01.1888, chỉ sau khi Godin qua đời được đúng 15 ngày cùng năm, hưởng thọ được 47 tuổi.
Hai năm trước khi qua đời, Godin kết hôn lần thứ hai với Marie-Adèle Moret ngày 14-07-1886 tại Guise. Bà Moret sinh năm 1840, nhỏ hơn Godin 23 tuổi, đã làm việc trong Le Familistère gần 25 năm khi kết hôn, quản lý công việc nuôi dậy trẻ, chăm sóc trẻ, giáo dục và bảo hiểm sức khỏe cho công nhân. Sau khi Godin chết, bà Marie-Adele tận tụy lo lắng xuất bản tác phẩm của Godin, cũng như tạm thời quản lý công việc thay chồng cho Le Familistère.
Mô hình xã hội của Godin

Khu nhà tập thể chinh của công nhân tại Familistère, Guise, có sân giữa mái lợp bằng kính. Photo:MTT2017
Bởi tình hình chính trị thời ấy là như thế, nên mô hình xã hội kiểu mẫu của Godin sáng lập ra trong khung cảnh ấy cũng bị người đương thời phê phán theo hai chiều hướng khen và chê. Người đồng thời chê lý tưởng của Godin là ảo tưởng xã hội, là chế độ độc tài toàn trị, chê Le Familistère là một quần thể giam hãm, bóc lột và là vật chứng cho một xã hội ảo tưởng. Những người khen Godin thường là những kẻ nghèo khó, không biết chữ, không được đi học, không biết gì đến bình đẳng nam nữ, bám lấy cơ hội để mà tiến lên trên nấc thang xã hội.
Ngày nay, địa chỉ của khu tập thể Le Familistère vẫn là La rue des Prés, thành phố Guise thuộc địa phận vùng Aisne, phía Bắc nước Pháp, về phía biên giới nước Bỉ, trở thành bảo tàng và khu dân cư.
Tôi đã có dịp đến Guise nhiều lần, lần sau cùng ráng mua một cái nồi gang nhỏ Godin làm kỷ niệm, dù là nồi gang rất đắt tiền vì dùng cả đời không hư hỏng.
Godin bắt đầu làm việc từ năm 17 tuổi. Từ năm 1835 đến năm 1837 Godin đi học nghề ở Bordeaux và nhiều nơi trên nước Pháp, ông có dịp chứng kiến sự phát triển của tư bàn, bất công, sự đói nghèo và đời sống cực khổ của công nhân, thợ thuyền. Cho đến năm 1848 nước Pháp ở trong tình trạng đói nghèo, dơ bẩn, chỗ ăn ở rất thiếu thốn, ngày làm việc rất dài, lương thấp, trẻ con phải đi làm lúc chưa được 8 tuổi, đói ăn, bệnh tật không thuốc men.
Năm 23 tuổi (1840) Godin thành lập một xưởng chế tạo lò sưởi làm bằng đồng ở Esquehéries, thay vì bằng tôn. Sự thành công về sản phẩm của mình, vừa dùng làm lò sưởi vừa dùng làm bếp với nhiệt liệu là than, và nhu cầu tăng cao khiến cho Godin phải chuyển từ sản xuất nhỏ, thủ công sang sản xuất lớn, kỹ nghệ. Godin cho dời phân xưởng sản xuất và công ty về thành phố Guise năm 1846. Lúc này, Godin đã có 36 người thợ. Được bạn bè thúc đẩy, Godin đứng vào hàng ngũ những người « phalantériens » (những người cổ võ xây dựng các khu vực tập thể, cải thiện đời sống cho công nhân) tranh cử thành lập quốc hội năm 1848 thời Prince Président Louis Napoléon. Cuộc Khủng bố trắng của thế lực phục hoàng ba năm sau đó làm cho nhiều nhà lãnh đạo cộng hòa bị chém đầu hay bị đi đày, khiến Godin phải chạy sang Forest-les-Bruxelles, Bỉ.

Bếp sưởi của Godin, thế kỷ thứ 19. Photo: MTT2017
Mãi đến giờ, khi tôi viết những dòng chữ này năm 2017, nhiều gia đình ở vùng quê miền Bắc nước Pháp còn dùng loại bếp này. Bếp có hình chữ nhật, to như một cái bàn nhỏ có độ cao trung bình, đốt bằng than, kết nối với một ống khói để dẫn khói lên trời. Hình ảnh khói trắng bay lên cuồn cuộn toát ra từ cải ống khói trên mái nhà đã từ lâu đời là tượng trưng cho sự ấm cúng của một gia đình, sự sống trong thiên nhiên. Nơi nào có khói trắng bay lên, nơi ấy có con người sinh sống.
Thật vậy, cái bếp than được đốt cháy từ sáng tinh sương đến suốt ngày tỏa hơi ấm cho cả nhà, có ngăn để nướng, bên trên phân chia làm khu vực từ nóng rực cho đến nóng ít dành cho việc nấu ăn, ban đêm chỉ giữ lửa bằng một thanh củi để hạ nhiệt độ trong nhà, để ngủ và tiết kiệm than củi. Bếp làm bằng gang, tỏa nhiệt rất tốt và nóng rất lâu.
Mùi khói, mùi lửa và mùi than làm cho trong nhà có một mùi rất đặc biệt. Đến giờ nấu ăn, mùi thức ăn chín dần thơm nức cả nhà, cả quần áo mặc trên người. Cái nóng lại nóng khô, gần bếp thì ấm ơi là ấm, xa bếp thì cảm thấy lạnh. Bên ngoài trời lạnh giá, bước vào nhà, hưởng cải ấm trong nhà, thấy sướng làm sao. Gia đình chồng tôi thuộc hàng phú nông, nhưng tán gia bại sản vì Đệ nhị thế chiến, đến nỗi trong phòng anh ngủ, cho đến những năm 1960, không có lò sưởi, ngay cả trong suốt những mùa đông lạnh băng giá.
Lần tôi về Hà Giang, rồi đi khắp nơi trên miền cực Bắc nước mình từ Đông sang Tây, thấy trong những cái lán, nhà sàn bằng tre nứa của đồng bào dân tộc có một vuông bếp lửa đặt trong một góc nhà, trống trơn, cả gia đình ngồi quây quần chung quanh sưởi ấm, tôi thầm nghĩ ước gì mình có được những cái bếp sưởi của Godin, đem về đây !
Tôi làm quen với loại bếp này từ khi trở về sống trong gia đình ở Pháp, nên khá thông thạo cách nấu nướng, xử dụng mặt bếp. Bếp này dùng để hầm thức ăn là tiện nhất, vì thế cách nấu « ragout » là món ăn phổ biến ở trong những gia đình làng quê bên Pháp. Cứ cho tất cả vào một cái nồi gang, đặt vào một góc bếp buổi sáng, nóng âm ỉ, đến trưa là chín nhừ, trong thời gian đó bà nội trợ rảnh tay làm việc khác.

Các kiểu mẫu lò sưởi của Godin trong thế kỷ thứ 19. Photo: MTT2017
Cách sưởi than cũng không lạ với tôi gì lắm. Năm tôi đậu tú tài, má tôi bắt lên Đà Lạt học ở Viện Đại học Đà Lạt vì không muốn cho tôi xuất ngoại du học. Nghe lời má, tôi khăn gói lên Đà Lạt và xin được một phòng trọ trong tu viện ở Đà Lạt. Mỗi chiều, lúc bốn giờ, một người công nhân đem củi đốt lò sưởi phát cho các phòng trọ và châm lửa hộ. Mùi củi thông cháy rực tỏa ra thơm phức, phòng trở nên ấm áp, tôi ngủ say mê.
Gia đình nhà quê bình thường bên Pháp thì dùng bếp sưởi than, củi. Nước Pháp có nhiều rừng, nhất là khu vực miền Bắc nên củi để sưởi giá rẻ. Nhà giầu có hơn thì xài bếp điện, bếp gaz, và sưởi bằng dầu, bằng gaz lỏng hay gaz của thành phố. Tuy vậy, nhiều nhà hiện nay vẫn giữ phong cách lò sưởi than củi, ấm cúng, và họ cho là sang trọng, quý phái. Lửa cháy bập bùng trong lò sưởi, tiếng than củi nổ kêu lách tách, mùi thơm của gỗ tỏa ra, hơi ấm tràn lan, vợ chồng con cái xum vầy quanh lò sưởi…mặc bên ngoài mưa gió lạnh hay tuyết rơi !
Chừng ấy để diễn tả rằng tại sao Godin đã thành công vì đã cho ra đời một sản phẩm cần thiết, có ích cho mọi người với thời đại của ông, của thế kỷ 19, và cho cả đời sau nữa.
Ở Guise, Godin, xuất thân là một người thợ cha truyền con nối, có một đời sống công nhân lao động bình dị đơn giản, sống bằng sức của mình, trở thành chủ nhân điều khiển khoảng 1.500 người công nhân, trong một phương thức kỹ nghệ mới mẻ.
Đồng hành với sự phát triển của kỹ nghệ là sự phát triển tư bản, Godin đi ngược lại với công thức đó, tìm cách tái phân phối lại sự giầu có của cải. Cuối thế kỷ 19 điều kiện sống của công nhân lao động cực khổ còn rất thô sơ, di chuyển thì bằng đôi chân, đi xe ngựa, họ phải tìm cách sống chung quanh, không xa các khu kỹ nghệ sản xuất.
Năm 1968 chồng tôi tìm được việc làm đầu tiên, chủ lại cung cấp cho một phòng trọ không tốn tiền, anh ấy thở ra nhẹ nhõm. Ai cũng vậy, muốn đi làm lao động kiếm sống, phải tìm cho ra một chỗ ăn chỗ ở trước, đó là điều kiện cần tối thiểu.
Bắt đầu từ năm 1859 Godin cho xây dựng chung quanh khu vực sản xuất của mình một thế giới mới đặt tên là Le Familistère, có nghĩa là một gia đình lớn, hoạt động theo phương thức gần giống như phương thức sản xuất của các hợp tác xã sản xuất công nghiệp. Song song với cơ xưởng sản xuất ở Guise, Godin cho triển khai tương tự sự phát triển của Guise đối với khu vực nhà máy thuộc sở hữu của ông ở Bỉ, ở thành phố Laeken, để có cơ sở rút về khi ở Pháp gặp nạn.

Một góc của khu nhà tập thể công nhân ở Familistère, Guise, bên bờ sông Oise. Photo: MTT2017
Le Familistère là một quần thể rộng 18 mẫu đất bên bờ sông Oise, gồm có nhà ở, chợ có hợp tác xã tham gia, bán những vật dụng cần thiết với giá vốn, nhà trẻ, trường học cho cả trẻ nam lẫn trẻ nữ, bắt buộc theo học cho đến năm 14 tuổi (ở cái thời mà luật pháp cho phép trẻ em 10 tuổi được đi làm việc), thư viện, nhà hát kịch, nhà tắm, hồ bơi, nhà giặt giũ, nhà bếp, khu vực xanh đi dạo, vườn cây ăn trái, vườn trồng rau…chung quanh một cơ sở chính mà Godin đặt tên là « Palais social » (Lâu đài xã hội). Đầu tiên gồm có 119 đơn vị nhà ở. Mặt tiền của Lâu đài xã hội rộng 180 mét.
Ngày nay, tất cả đều còn đó, mở cửa cho dân chúng tham quan, nhưng người đi xem phải nhớ rằng, khung cảnh này phải đặt nó vào thời điểm của thế kỷ thứ 19 mới thấy được tầm quan trọng của nó.
Theo ý muốn của Godin, nhà ở phải có đủ 3 điều kiện biểu dương cho sự giầu có thời bấy giờ (và cả thời nay!) đó là Không khí, Ánh sáng và Nước sạch.
Godin rất chú trọng đến điều kiện sống « sạch sẽ » trong môi trường của mình, sạch sẽ trong vật chất và sạch sẽ trong tinh thần. Khác với Charles Fourier, Godin quan niệm rằng « Sự tự do tình dục không được làm tổn hại đến con cái, kể cả những đứa trẻ chưa sinh ra ». Xã hội của Fourier là xã hội trưởng giả và trí thức mà những con người ấy muốn « sống hưởng thụ, ăn ngon, tự do tình dục, lựa chọn nghề nghiệp và thỏa mãn » , trong khi tại Guise, xã hội Familistère gồm những con người phải « vượt sống, ăn đủ chống đói, kiếm ra tiền, thoát vòng nợ nần, thoát khỏi nghiện rượu, và một ngày nào đó, có thể học đọc và học viết. »
Ở tầng trệt và tầng 1 trần nhà cao đến 3,15 mét, và tầng 2 cao đến 2,60 mét. Điều kiện sống này quả là « trưởng giả », khác hẳn với những nhà thấp xủm, cửa sổ nhỏ, tối tăm để tiết kiệm than củi sưởi,
Godin cải thiện đời sống công nhân bằng cách cung cấp nhà ở rộng rãi và những điều kiện căn bản tối thiểu cho họ, cho công nhân « tham gia vào sự giầu có, trưởng giả », gìn giữ sự sạch sẽ, vệ sinh thân thể. Nhà ở thoáng mát, nhiều ánh sáng, có chỗ treo áo quần mặc ngoài, tắm đứng bằng vòi nước chảy xuống, và bể bơi có nước ấm, hoàn toàn an toàn cho trẻ con.

Bể bơi có đáy di động cho trẻ con bơi lội, Familistère, Guise. Photo: MTT2017
Godin thành lập một chế độ bảo hiểm an toàn xã hội có quỹ bảo hiểm sức khỏe, tai nạn lao động, trẻ mồ côi và bảo đảm lương hưu 60 tuổi.
Song song với những điều kiện vật chất, Godin đặc biệt chú trọng đến vấn đề giáo dục, là chìa khóa của Le Familistère. Giáo dục là mấu chốt của tiến bộ, của bình đẳng. Một xã hội có nhiều người mù chữ, trình độ dân trí và văn hóa thấp kém thì xã hội đó không thể có một mức độ bình đẳng cao. Godin đích thân mở lớp học tối dạy cho những công nhân nào hiếu học.
Ông thiết lập một hệ thống giáo dục 7 tầng, dạy cho trẻ có quan hệ xã hội, kèm theo những kiến thức về văn hóa và thể tháo, gồm có trẻ thơ đến 28 tháng, trẻ nhỏ đến 4 tuổi, trẻ lớn đến 6 tuổi, trẻ mẫu giáo đến 8 tuổi, trẻ đi học đến 10 tuổi, trẻ học lớp 1 đến 13 tuổi, và có lớp học thêm cho những trò xuất sắc. Ngoài ra, Le Familistère nhận chịu phí tổn ăn học cho trẻ học lớp cao hơn, ở trường nghề Ecole nationale des arts et metiers tại Chalon-sur-Marne hay Armentières và ở trường Ecole normale de Laon. Chính bà Marie Moret, sau này là vợ ông, quản lý hệ thống giáo dục đã gây tiếng vang trong vùng là được công nhận. Tại Familistère, sức khỏe của trẻ con tăng lên và tỷ lệ tử vong của trẻ giảm xuống dưới mức trung bình của xã hội.
Có tiếng chỉ trích cho rằng, Le Familistère chỉ là một cái nhà tù bằng kính, nhưng người ta có quyền tham dự hay không tham dự vào ý tưởng đó. Ý tưởng của Godin tuy chịu ảnh hưởng của Charles Fourier (1772-1837), triết gia của thế kỷ 19, được xem là nhân vật chính của trường phái Xã hội ảo tưởng, nhưng Godin cho rằng, ông đã thiết lập một quan hệ xã hội theo giá trị cộng hòa lý tưởng : tương trợ, đoàn kết và bình đẳng.
Hãy xem Godin định nghĩa trong thời đại « tiền tư bản » ở châu Âu của ông là : « Hai người có mặt – có thể nói rộng ra là hình ảnh của xã hội toàn diện : một người có tiền có vốn nhưng ông ta không khai thác số vốn đó bởi chính mình, cái vốn đó là công cụ lợi nhuận của ông ta ; người kia là một người lao động khéo léo mà sự giầu có chính là những khả năng của ông ta….. » . Vì thế, nên Godin muốn « tái phân phối « lại lợi nhuận ông thâu được qua kết quả của nhà máy.
Năm 1880 Godin sáng lập ra « Société du Familistère de Guise – Association coopérative du capital et du travail » (Công ty Familistère tại Guise – Hội kết hợp giữa tư sản và lao động). Một tổ chức phân chia thành phần hội viên tham gia và có quyền bầu cử được thí nghiệm nhiều lần và chi li.
Năm 1883, nhà máy của Godin có 1.400 người thợ, 1.200 người có chỗ ở trong Familistère (với gia đình), khu Cambrai đang xây dựng có thể chứa đựng thêm 600 người (gia đình) nữa. Trong số này có 900 người có cổ phần trong Familistère, tổng số vốn của họ lên đến 1.200.000 quan, và Hội có 460.000 quan dự trữ.

Nhà máy Godin ở Familistère, Guise. Photo: MTT2017
Nhưng đến cuối đời Godin than van không có người nối tiếp lý tưởng và sự nghiệp của ông vì con người quá « ích kỷ », không biết nghĩ đến người khác.
Sau khi Godin qua đời ngày 15.01.1888 Le Familistère đứng vững thêm được một thế kỷ nữa, trải qua năm người quản lý Marie Moret, François Dequenne, Louis Victor Colin, René Rabaux và người cuối cùng Raymond Anstell từ năm 1888 đến năm 1968 thì bị công ty Le Creuset, trong cơn sốt toàn cầu hóa đã bắt đầu , mua lại. Le Creuset giữ nhà máy và bán lại tất cả các nhà ở cho…những người đã có cổ phần của Familistère. Hiện nay, tại Pháp người ta vẫn bán sản phẩm cao cấp mang thương hiệu Godin, một cái bếp có giá từ 2.000 đến trên 10.000 euro. Nhưng sau nửa thế kỷ ngưng hoạt động, trong thời đại toàn cầu hóa tư bản, Guise chỉ còn là một thành phố thiếu vắng hoạt động, buồn bã. MTT
Tài liệu tham khảo :
Tư liệu văn khố Aisne (Merci Pierre pour les recherches !)
Jean-Francois Draperi, Godin, Inventeur de l´ Economie Sociale, Editions REPAS 2010
Jean-Baptiste André Godin, La politique du travail et la politique des privilèges, Editions La Digitale 2009

Công nhân Familistère, Guise, cuối thế kỷ 19. Photo: MTT2017

Mộ Godin trong một góc vườn cây ăn trái ở Familistère, Guise. Photo: MTT2017
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.