Cầu Mống Sài Gòn

Cầu Mống màu xanh – Photo MTT

Cầu Mống Sài Gòn – Mathilde Tuyết Trần, France 2017

Con đường Pasteur chạy dài từ chân cầu Mống một chiều thẳng tắp cho đến đường Trần Quốc Toản, thế mà tôi “không biết” ! Kỷ niệm thuở nhỏ của tôi chỉ làm cho tôi nhớ có một khúc đường Pasteur, từ đại lộ Lê Lợi lên thẳng đến ngang Hồ con rùa, chỗ có trường Trần Quý Cáp cũ, đi ngang qua vườn hoa Dinh Độc Lập. Từ đường Hàm Nghi xe chạy lên cầu Khánh Hội, để qua bên quận 7 Phú Mỹ Hưng,  đoạn đường này thay đổi nhiều quá khiến cho tôi bỡ ngỡ không nhận ra, cũng như ngạc nhiên thấy phía tay phải có một cái cầu mầu xanh như ngọc mà không nhớ nó tên gì. Chồng tôi giục đi đến chỗ ấy xem hàng ngày, ngày nọ qua ngày kia đến sốt cả ruột, Một hôm ăn sáng xong, nghĩ là sáng sớm trời mát, tôi “dắt” ông ấy đi xem cái cầu mầu xanh. Mà tôi lại quên đường ! Đi nhầm đường, vì anh taxi trẻ quá cũng không biết cách chạy. Đến lúc xuống xe đi bộ một quãng thì tôi mới hiểu là phải bảo anh tài chạy đến Ngân hàng quốc gia cũ, từ đường Hàm Nghi rẽ sát tay phải vào là đúng chóc, tội vạ gì đi lòng vòng cho mất công tốn tiền. Đến cái cầu mang tên là cầu Mống, ngày xưa đây có một cái chợ gọi là chợ cầu Mống tấp nập đông vui, và ai được mang tên là dân anh chị chợ cầu Mống thì chẳng có thua kém gì dân anh chị chợ cầu Ông Lãnh, bắt đầu con đường Pasteur mà tôi lại quên ! Phải nói, lúc nhỏ, tôi đâu có được đi chợ, đó là công việc của chị Cúc, rồi đến bà Tư lùn, chạy ra chợ cho mau rồi chạy về, không cà kê dê ngỗng, hễ đi chợ lâu là má tôi sốt ruột, đi ra đi vào má tôi lẩm bẩm, quái, sao nó đi đâu lâu thế, rồi về nhà thế nào cũng bị mắng cho một trận. Thời ấy, dân anh chị “chơi” nhau bằng dao, đâm người như nghóe, thế nên má tôi chỉ lo “mình” vô tội nhỡ bị vạ lây.

Đứng ở chân cầu Mống, tôi ngạc nhiên vì sự đổi thay của nó. Cây cầu Mống hiện ra rất đẹp, được bảo quản rất tốt, sơn mầu xanh ngọc bích như mới. Câu cầu được đặt trên hai bệ bê tông ở hai đầu, xây theo hình cầu thang cách điệu lên cao.  Bệ chân cầu được sơn mới, nhưng những con người ngu xuẩn đã vẽ bậy lên tường những hình ảnh vô nghĩa phản cảm. Cả những đám rác còn lại trên cầu chứng tỏ nơi đây là chỗ chiếm ngự của người buôn bán hàng rong, chỗ ăn vặt của người trẻ, ăn chỗ nào xả rác chỗ đó, vì cây cầu hiện nay chỉ được dùng cho người đi bộ, không có xe hơi chạy qua cũng chẳng có xe hai bánh. Bao giờ thì người Việt Nam mới ý thức được việc mình xả rác ra để cho người khác hốt !

Ba cây cầu cổ lịch sử bằng sắt hiện nay còn sót lại ở Saigon, Huế, Hà Nội đều do kiến trúc sư Gustav Eiffel thiết kế, cùng thời với việc xây dựng tháp Eiifel ở thủ đô Paris 1887-1889, mà hiện nay tháp Eiffel đã trở thành một biểu tượng của nước Pháp. Cầu Mống, lớn tuổi nhất, được người Pháp xây dựng năm 1893-1894, sau đó tới cầu Trường Tiền (Huế) xây dựng trong hai năm 1897-1899, rồi cuổi cùng đến cầu Long Biên (Hà Nội) 1898-1902. Cầu Mống bắc ngang qua con kênh đào tên là Bến Nghé, thông với sông Sài Gòn, bây giờ nối liền quận 1 với quận 4, dài 128 mét, rộng 5,2 mét, hoàn toàn bằng sắt, thiết kế rất mỹ thuật của thế kỷ thứ 19, do công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes xây dựng. Người Nam nói trại ra thành “Cầu móng”, hiện nay biển để viết tên “Cầu móng”. Thực ra, vì cây cầu Mống có kích thước nhỏ, chỉ bắc ngang qua một con kênh, nên chỉ có một mống, trong khi cầu Trường Tiền Huế dài hơn, 401,10 mét, gồm 6 nhịp dầm thép hình bán nguyệt, gọi là sáu mống cầu. Nhưng ai hơi đâu tranh cãi Móng hay Mống cho mất công !

May thay, trong giai đoạn làm đường đại lộ Đông-Tây và đường hầm sông Thủ Thiêm, người ta đã tháo gỡ chiếc cầu, không bỏ đi bán sắt vụn, mà lại lắp ráp lại theo nguyên bản, sơn mới mầu xanh ngọc bích. Sài Gòn phải cảm ơn người nào đó đã giữ lại chiếc cầu cổ nhất nước cho những đời sau.

Chồng tôi hỉ hả xem được chiếc cầu cổ của Pháp, tuy vẫn hậm hực về rác rưởi trên cầu và những sự bôi bác dơ bẩn. Lúc chúng tôi đến thăm cầu thì người ta đang làm một hệ thống thoát nước thải cho thành phố bớt ngập lụt ngay bên cạnh cây cầu Mống. Một đôi vợ chồng trẻ mới cưới cũng đang chụp ảnh trên cầu làm kỷ niệm. Hóa ra còn có người biết giá trị của chiếc cầu, một bảo vật. MTT

Đầu đường Pasteur một chiều, bên cạnh là Ngân hàng quốc gia Việt Nam

Chụp ảnh cưới trên cầu Mống, giữa rác rưởi và vẽ bậy…Photo MTT

Dưới chân cầu Mống –  Photo MTT

Cầu Mống được xây dựng hoàn toàn bằng sắt, như cầu Long Biên và cầu Trường Tiền

Hôn nhau tình tứ trên cầu – Photo MTT