Cảm nghĩ đi đường

Cảm nghĩ đi đường – Mathilde Tuyết Trần, France 2017

Tôi về lại nhà vào đúng vào buổi đầu xuân. Xuống máy bay trong trạng thái ngất ngư con tàu đi, mệt lử. Tiết xuân lạnh nhiệt độ 8° C, có gió lạnh run. Ra phi trường Tân Sơn Nhất trong nhiệt độ 32°C  lúc tám giờ tối ngày hôm trước, bay về đến nhà thì là ba giờ chiều ngày hôm sau, giờ Sàigòn trên chiếc đồng hồ đeo tay của tôi.  Tổng cộng thời gian di chuyển là 19 giờ đồng hồ, vậy là còn ít ỏi so với những người ở xa Paris, còn phải đi tiếp tục những chặng đường mới về được đến nhà.

Trên máy bay đầy những du khách, cũng mệt mỏi không kém, sau hai tuần lễ chạy đua với thời gian để thăm viếng Việt Nam, chắt chiu đem về nhà những cái nón lá, thật là dễ thương đến tội nghiệp. Một người du khách lâm bệnh, mửa thốc mửa tháo làm phi hành đoàn phải kêu gọi đến một người bác sĩ trong đám hành khách đến cứu. May mà có một ông bác sĩ thật.

Bây giờ giá rẻ giá đắt gì cũng ngồi cạnh nhau trên máy bay. Có những người nhờ quan hệ được “lên hạng” mà không phải trả thêm tiền. Thường thường các hãng hàng không trong một liên kết nhập hai chuyến bay vào làm một, nếu có rủi ro thì ráng chịu. Hầu hết, ngoài hai bữa ăn với một sự hà tiện tối thiểu, sâm banh không phải sâm banh, chỉ là “rượu bọt”, vang trắng vang đỏ thì chát ứ, chua lè, tiếp viên chào mời chẳng ai thèm uống, rồi chỉ có mì gói khi hành khách ăn không đủ no còn đói, họ cố dỗ giấc ngủ trên chiếc ghế chật chội, không cục cựa được.  Bởi thế, nên phải quý khách đi từ xa xôi đến thăm Việt Nam !

Chuyến này, máy bay của tôi đánh vòng xa tắp, thay vì xuyên qua nước Thổ Nhĩ Kỳ, thì bay tuốt lên phía nam của nước Nga, xuyên qua các nước Đông Âu rồi đâm xuống Paris. Cũng bay cao hơn độ bay khi trước, bay cao hơn là 12 ngàn cây số thay vì 11 ngàn cây trước đây, để tránh tầm tên lửa. Chắc là tránh cái ông tổng thống ương ngạnh đang khiêu khích, biết đâu đó !  Cái phi trường Charles-de-Gaulle lười biếng, bắt con chim sắt của Việt Nam đậu xa cả hàng mấy cây số, hành khách phải lốc tha lốc thếch xuống máy bay bằng cầu thang, rồi nhồi nhét vào mấy chuyến xe bus để chạy vào phi trường. Một người nào đó than thở “Lại đình công !”.  Chân thấp chân cao, tôi leo lên xe bus, ngoảnh lại nhìn con chim sắt to khổng lồ A350, mới thấy phục những người lái máy bay trên không, vượt qua vạn dặm, đưa hành khách đến nơi đến chốn an toàn. Tôi nhớ ngày xưa đi máy bay, sau khi đáp xuống, phi hành trưởng cất tiếng chào tạm biệt và được hành khách vỗ tay khen ngợi, cảm ơn, bây giờ không ai nhớ đến thói quen lịch sự đó. Gớm, về gần đến nhà mới thấy nhớ nhà !

Lần này, tôi chợt nhận thức ra được rằng, cái sự ồn ào đó, không phải tại môi trường đông xe đông người, đó chính là cái đặc tính của người Việt. Phi trường Charles de Gaulle đông đúc người qua lại, mà chẳng thấy ồn. Ở Tân Sơn Nhất, mới tấp xe vào đậu, mở cửa xe ra, là đã thấy ồn như ong vỡ tổ. Người Việt mình ồn ào, mà lại thích thêm sự ồn ào theo cấp số nhân. Nói to, cười to, hét to, thích hát ka rao kê thật to. Thảo nào các cụ đã chẳng bảo, cứ ba người là họp thành một cái chợ. Đám cưới ồn ào đã đành, nhạc nhiếc xập xình, đám ma cũng ồn ào không kém, nào chuông trống, nào kèn đồng ỉ ôi, nào đờn cò ai oán, nào tụng kinh gõ mõ tha thiết, người đến phúng viếng trò chuyện rôm rả…Ngồi đây, trong cái tĩnh mịch làng quê ở Pháp, tôi như còn nghe vẳng trong tai mọi tiếng động của Saigon. Kể cũng lạ, chồng tôi ra đường, bình thản trước mọi sự kẹt xe của thành phố, chấp nhận nó như một chuyện đã rồi, chắc có lẽ tại vì ông ấy đầu hàng vô điều kiện không dám lái xe ở Saigon. Ở Pháp, ông ấy cũng là một “tay giang hồ” lái xe rất bay bướm, không thua kém ai chứ có phải vừa đâu.

Ông hàng xóm tử tế đi đón chúng tôi, báo tin vui, vườn nhà tôi đẹp lắm, hoa xuân đã nở. Hôm nay lại có nắng lên. Thêm một mùa xuân là thêm yêu đời, thêm vui . Cuộc đời vẫn đẹp sao ! MTT