Tôi quên cây me có hoa vàng
Tôi quên cây me có hoa vàng – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2017
Một buổi sáng đi trên đường, chợt nhìn thấy người bảo vệ già cầm cái chổi chà quét những lá me và hoa me vàng rơi vung vãi trên mặt đường sau những làn gió, tôi ngẩng đầu lên nhìn những tán cây, thì ra là cây me đang ra hoa, hoa me mầu vàng đậm như mầu hoa mai, đẹp không kém. Suốt một con đường trồng toàn cây me, có cây già cao ngất ngưởng, có cây non thâm thấp, mới trồng sau này thay thế cây đã gẫy đổ. Tháng ba mùa cây me ra hoa, đưa tôi về lại tuổi ấu thơ trên thành phố. Đi ngang qua hai căn nhà cũ của cha mẹ tôi, trước nhà là những cây me xòe tán lá xanh, lúc nào tôi cũng thấy buồn. Thế mà tôi lại quên đi, cây me có hoa vàng.
Thời gian, ôi thời gian. Lúc mười tám, mười chín tuổi tôi thấy đời dài vô tận. Cứ sống hòai mà không bao giờ nghĩ đến ngày mai mình có thể chết, hăm hở lao đầu vào phía trước, ngày qua ngày, năm lại qua năm. Lo ăn, lo mặc, lo chồng, lo con. Cuộc đời nghĩ lại, thấy nó gắn liền với một chữ „ lo „. Bây giờ, bạn tôi bảo „ bớt lo đi mà sống „, tôi vẫn chưa tỉnh ngộ, thấy mình vẫn còn cứ lo mãi, lo hoài. Cuộc đời tôi rồi qua đi, sống có ích gì cho ai ?!
Thành phố còn nhiều cây xanh. Máy bay lượn lờ trên thành phố, sát cả những mái nhà lổn nhổn cái cao cái thấp cái mầu xanh cái mầu đỏ để đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, những hàng cây xanh như chìm ngập trong biển mái nhà vì cây còn thấp hơn những nhà đã mọc cao hơn. Những người trồng cây, trồng hoa ngày hôm nay có nghĩ là mình trồng cây cho hôm nay và ngày mai, một công việc đang phải làm dưới ánh nắng chang chang, tưởng như là một „cọt vê“ nhưng thật là ích lợi.
Đi ngang qua một trường học, nhằm giờ ra chơi, tôi đứng lại. Một số em bé gái, không đủ chỗ trong sân trường, ra hẳn ngoài vỉa hè, chơi nhẩy dây. Các em thách nhau ai nhẩy được bao nhiêu bận. Tôi nhìn các em mà lòng rất cảm động. Các em còn biết chơi nhẩy dây, đánh bóng chuyền hồn nhiên như tôi ngày xưa, cách đây cả nửa thế kỷ, chưa bị ai pát, ai phôn xâm chiếm. Nhìn các em bé gái đang vui đùa trên sân trường, tôi như nhìn lại hình ảnh ngày tôi bằng tuổi các em.
Trường cũ của tôi, thì một trường đã bị phá sập, trường mới mọc lên trên nền cũ với cái tên mới, chỉ có trường nữ trung học Gia Long là còn tồn tại, được sửa sang bảo trì thật đẹp và hầu như mỗi ngày một lớn thêm ra, nhưng cũng mang tên mới.
Nói chuyện với một vài người trẻ, thế hệ 8x trở lên, tôi thất vọng vì cái hiểu biết về lịch sử cận đại của Việt Nam quá yếu kém. Các em cũng chẳng tha thiết gì đến môn học „ Sử“ mà các em cảm thấy quá khô khan, nào ngày nào tháng nào năm và những câu kinh điển. Những trang báo về Sử cũng không thu hút được tuổi trẻ. Vậy thì làm cách nào cho các em học Sử một cách hấp dẫn và ích lợi ?
Có người nói phải „đi“, và đi nhiều thì học Sử mới hấp dẫn. Nhưng phải có điều kiện mới đi được, và đi đâu ?
Thành phố ngày một mới hơn. Tôi lại không thích cái mới ấy. Làm mới thì dễ, cứ đập nát ra trong vài ngày là tiêu tan hết cả, rồi xây mới lại, những cái nhà cao tầng hình cột chĩa thẳng lên trời mà người ta thường cho đó là một biểu tuợng của phalus. Bảo tồn cái cũ mới là khó. Nói về mặt bảo tồn cảnh quan thì thành phố Hà Nội còn nhiều may mắn hơn là Sài gòn. Mới trong tuần này một khu câu lạc bộ thể tháo trên đường Công Lý cũ bị đập nát để xây mới một cái gì không biết. Người Saigon thích trồng nhà cao tầng ngay trong trung tâm thành phố. Rồi đường métro mới chạy ngang qua trung tâm. Một lúc nào đó, những tâm trạng hoài cổ có trở lại để con người nuối tiếc những kỷ niệm cũ ? Như tôi có lúc đã quên cây me có hoa vàng. May mà nó còn đó, trong đời tôi và có thể những đời sau. MTT
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.