Nỗi đau thế hệ

Nỗi đau thế hệ – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2016

„Con hơn cha là nhà có phúc“, tiền nhân của chúng ta đã có những nhận định xác đáng về sự tiến triển của xã hội. Xã hội phải phát triển, tạo dựng môi trường cho cá nhân phát triển, cá nhân phát triển cuốn theo cơn lốc làm cho xã hội phát triển. Trong cái chung có cái riêng, nhiều cái riêng gộp lại thành cái chung. Trong một xã hội kìm hãm mọi sự phát triển của cá nhân thì xã hội đó không thể phát triển được, có khuynh hướng lụn bại. Điều này, chẳng cần những người gọi là chuyên gia xã hội học phân tích, mà „mắt thường“ cũng nhìn thấy và đánh giá được.

Có gì đâu mà khó hiểu, khi thế hệ con mình, nói chung, lại sống trong một hoàn cảnh, một môi trường xã hội tệ hại hơn thế hệ của mình. Thất nghiệp ở châu Âu, một tình trạng chung cho cả những xã hội châu Âu, là nguyên do của nhiều nỗi đau thế hệ.

Từ tình trạng thất nghiệp đẻ ra nhiều vấn đề mà những bậc cha mẹ, thiếu đoàn kết xã hội, riêng lẻ, không có một phương cách nào để cứu vãn tình thế, chỉ biết nhìn đám trẻ lụn bại dần. Từ thất nghiệp, sinh ra bệnh hoạn, phá hủy sức khỏe, thay đổi tính tình, thay đổi nhân cách: cáu gắt, bực tức, nóng giận hay u buồn, trầm cảm, dễ chịu biến thành khó chịu, hiền lành biến thành hung dữ… Từ thất nghiệp sinh ra tị nạnh, ghen ghét những người „hơn“ mình, thậm chí ghen ghét với đấng sinh thành ra mình.

Từ thất nghiệp, sinh ra nhiều mặc cảm vì người có việc, „được chọn“, người không có việc, „không được chọn“ vào làm việc. Từ thất nghiệp, mất tự tin trong đời sống tình cảm cá nhân, không lấy vợ được, không lấy chồng được, không đẻ con, đẻ con ra lấy gì nuôi ? Từ thất nghiệp, không có một đời sống an bình, bấp bênh, thậm chí không có nhà ở, không có „tiêu thụ“. Mỗi vấn đề cá nhân gộp lại thành những vấn đề xã hội về lao động, sức khỏe, dân số, tiêu thụ…cả đến bất an, lay chuyển hòa bình xã hội.

Trước kia, chỉ có những công việc rất đơn giản được tự động hóa. Dần dà, máy móc tự động ngày càng phát triển để thay thế sức người trong dây chuyền sản xuất. Tự động hóa càng cao, „có máy làm hết mà“, thì con người càng mất công ăn việc làm. Tầng lớp công nhân bị thu nhỏ lại. Những việc đơn giản như quét đường cũng không còn bằng sức người, có máy thổi lá, máy hốt lá, máy nghiền lá ! Trong các siêu thị châu Âu, những người thiếu ý thức, cho rằng mình „tiến bộ“ hơn người đi mua sắm khác, họ dùng máy của siêu thị cung cấp để tự „tính tiền“ lấy cho mỗi một món hàng họ mua, mà rồi còn bị kiểm soát lại một lần nữa xem họ có „ăn gian“ hay không, hay trả tiền qua các két tự động: khách hàng làm hết phần việc của người nhân viên thu ngân, thế mà họ không nhận ra là tự họ „tiêu diệt“ công việc cho người khác.

Trong các xã hội châu Âu, tiếng nói của các đảng cực hữu đánh vào tầng lớp này như một con dao hai lưỡi: phải đuổi những người nước ngoài ra vì họ đến để „ăn cắp“ công ăn việc làm của người sở tại, và, người thất nghiệp là người lười biếng, ăn bám trợ cấp xã hội 400 euros/tháng mà không chịu đi làm. Như thể, họ có thể tạo ra một xã hội thuần chủng là có ngay công ăn việc làm cho tất cả mọi người, thật là một điều hoang tưởng, nhưng những luận điệu như thế dễ câu những người suy nghĩ đơn giản.

Trong khi đó, các thế lực chóp bu xã hội dùng mọi cách để đánh lạc hướng suy nghĩ của người dân. Họ mở những mặt trận bên lề, thí dụ như giảm mức trợ cấp sức khỏe để “cứu” ngân sách chi của chính phủ trong lãnh vực y tế, hay tung hỏa mù với hàng ngàn vấn đề phụ thuộc khác, thí dụ như đi học mặc đồng phục cho trẻ con nhà giầu có, thuận hay chống. Đánh xuống, đánh người yếu kém sống nhờ vào trợ cấp xã hội dễ hơn nhiều lần đánh lên chóp bu, vì họ thiếu điều kiện chống đỡ. Vừa cho một ít tiền sống qua ngày, vừa đánh phủ đầu bằng mọi hình thức kiểm soát, gây mặc cảm, đám chóp bu giữ vững „an bình xã hội“, không thì nổi loạn, „chúng nó“ làm cách mạng, đánh lên ! Người nghèo bao giờ cũng chiếm số đông, và khoảng cách giầu nghèo không ai là không thấy. Bằng một cách nào đó, người đã nghèo lại còn nghiện một thứ gì, thuốc lá, rượu, ma túy…nghiện để quên đi thực tế !

Thêm vào đó, trên bình diện triết lý song song với hiện tượng kinh tế toàn cầu hóa, xã hội châu Âu lý tưởng hóa phong trào „Cá Nhân“ với hiện tượng „68“ làm cho mỗi người cắt dần những mối quan hệ xã hội cần thiết cho sự sống còn, làm cho tàn phá thêm, chia rẽ thêm một cách „vô hình“, không nhận ra. Mỗi người, trở thành một „ốc đảo“ trong suy nghĩ, trong phong cách sống. „Cái Tôi“ được đề cao, phủ nhận vai trò hướng dẫn, chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình của các bậc cha mẹ, phủ nhận sự kế thừa kinh nghiệm của thế hệ đi trước, phủ nhận truyền thống gia đình, quê hương. Thế hệ „68“ lớn lên không cần cha mẹ dẫn dắt, các vấn đề tình dục được đề cao, như tự do tình dục, đồng tính luyến ái trong những cái „vỏ bọc“ mị dân mang vẻ tích cực, như tự do kết hôn, tự do quyết định giới tính, mà họ không nhận ra rằng đó là những cạm bẫy.

Rồi với những phát minh mới trong kỹ nghệ thông tin/truyền tin multimedia: Internet, điện thoại di động, máy tính cá nhân…những người trẻ tuổi lại càng bị kỹ nghệ thông tin chi phối, đắm chìm vào trò chơi, tình dục, phim ảnh mà không biết đường ra, đường thoát, vì có „ai“ khuyên bảo thì cũng chỉ là nước đổ đầu vịt. Bây giờ, trẻ con hai ba tuổi, mới vừa học nói bập bẹ, đã học chơi „games“ !

Đế ý sự biến chuyển của xã hội châu Âu người ta còn nhận ra những đề tài liên quan như vấn đề như Euthanasie (an tử chủ động). Thế hệ người già, nay khoảng 70 tuổi trở lên, sau khi đã cống hiến hết đời mình lao động xây dựng xã hội sau thế chiến thứ hai, thì bị các thế hệ đời sau cho là „sống lâu quá, làm tiêu hao tiền của xã hội“ phải được „an tử chủ động“ cho chết bớt đi. Nhưng người ta che dấu một đề tài khác cũng liên quan đến cái chết của thế hệ đi trước, đó là việc lãnh và chia gia tài, thừa kế. Thế hệ sau, phải đạt được thừa kế, trong đó có phần „lấy lại“ của „xã hội“ qua sự việc đánh thuế thừa kế rất cao. Sự „moi tiền“ của người già còn được hỗ trợ thêm bởi các biện pháp „cho trước“ khi chết !

Các chính trị, chính sách không nhằm mục đích tạo ra được công ăn việc làm cho dân là tiên quyết, thì chỉ là mị dân, không giải quyết thực chất vấn đề sống còn của xã hội, mà lại còn làm sinh sản thêm những khó khăn, tệ nạn. Giải quyết được gì, khi các chính khách mở ra những “mặt trận giả tạo” chỉ nhắm vào giảm thiểu phí tổn sức khỏe ? giảm thiểu trợ cấp lao động ? giảm thiểu ngân sách công nhân ? tăng tuổi về hưu, dù biết rằng chỉ có một thiểu số mới thực hiện được việc này, giảm thiểu các phí tổn lao động bằng cách “cực đoan” hơn là tiêu diệt luôn lao động ? Trong khi lợi nhuận kinh tế tư nhân, thị trường chứng khoán “vắt chẩy nước” ra vẫn ở mức lãi từ 10%-25% ?

Bởi thế, nói là sự đắc cử của Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ là một sự „thay đổi thời đại“ còn quá sớm, nhưng người Mỹ thì mong rằng ông sẽ đem lại cho người Mỹ công ăn việc làm, ổn định quốc gia và ổn định thế giới. MTT