Ký hiệu FR8VX của Vua Duy Tân
Ký hiệu FR8VX của Vua Duy Tân – Mathilde Tuyết Trần, France 2016
Tháng 11 tại Pháp thời tiết thất thường, vào cuối thu. Cây cối đã trút lá theo những cơn gió mạnh, để dần dần lộ cành trơ. Buổi sáng mặt trời thức muộn, có khi đến trưa chưa buồn ló ra khỏi màn sương trắng đục. Nhiệt độ khoảng 3° sáng sớm, sương mù dày dặt. Trong cái màn trời âm u đó, năm nay là năm tưởng niệm 100 năm (1916-2016) ngày vua Duy Tân bị thực dân Pháp với sự đồng lõa của Tôn Nhơn Phủ và Cơ Mật Viện giáng xuống làm Prince d`Annam và đi đày biệt xứ sang đảo Ile de la Réunion.
Phải nói, chưa có một cuốn sách nào viết đầy đủ về cuộc đời và đóng góp lịch sử vua Duy Tân. Mọi cố gắng từ những bài viết, sách đã xuất bản chỉ là những mảnh lịch sử góp nhặt, chưa xứng đáng với tầm vóc của nhân vật. Vua Duy Tân tử nạn máy bay ngày 26.12.1945 trên bầu trời Trung Phi, tính đến nay đã 71 năm, một đời người, nhưng còn quá sớm đối với thời gian của lịch sử để có thể kết luận một điều gì.
Một lá thư cuối cùng của vua Duy Tân viết cho con gái vào cuối tháng 11, ba tuần trước khi tử nạn nói lên tấm thảm kịch của vua Duy Tân, vừa là bằng chứng cho sự trong sạch của vua, không bị mua chuộc bằng đồng tiền, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Tư liệu này tôi sẽ công bố một ngày gần đây.
Khác với vua Hàm Nghi, cũng bị Pháp đày đi Alger (Algérie), nhưng vua Hàm Nghi được xã hội Pháp ở Algerie trọng vọng. Vua Hàm Nghi sống trong nhung lụa, có tài sản, chủ lâu đài, có kẻ hầu người hạ, không có lo lắng về vật chất, thảnh thơi dành thì giờ cho nghệ thuật như vẽ tranh, tạc tượng. Trong khi đó, vua Duy Tân bị Pháp ngược đãi trên đảo, sống cuộc đời thiếu thốn, hạn chế, nếu không muốn nói là „nghèo“, và mặc dù vậy, vua vẫn khẳng khái từ chối mọi „ơn huệ“ của nước Pháp. Không có một chút tài sản cá nhân, nhà vua vẫn ở nhà thuê như dân nghèo của đảo. Khi chết, vua Duy Tân không có của cải vật chất để lại cho các con, nhưng một tài sản tinh thần quý giá của một vì vua xứng đáng nhất nhà Nguyễn.
Sau đây, gởi đến bạn đọc một trích đoạn „Ký hiệu FR8VX“ của cuốn „Dấu xưa, Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn“ đã được xuất bản tại Pháp và Việt Nam:

Danh thiếp truyền tin vô tuyến của vua Duy Tân với ký hiệu FR8VX
Sự tìm hiểu về tấm thiếp FR8VX đem lại cho tôi một sự hồi hộp vui thích như đang hành nghề „thám tử tư“, sau những giờ đọc sách và viết lách mệt mỏi.
Trong cuốn „Hồ sơ Duy Tân“, tác giả Hoàng Trọng Thược đã nhầm lẫn rất tai hại và sai lầm cơ bản khi chú thích dưới hình tấm thiếp rằng, tấm thiếp này là „Giấy phép hoạt động của đài phát thanh F3LG cấp cho vua Duy Tân“.
Cùng tìm hiểu với tôi, chồng tôi, Pierre, cũng đi từ khám phá này sang khám phá khác, và anh giải thích cho tôi biết từng chi tiết một trên tấm thiếp như sau:
Tấm thiếp này của Hoàng tử Vĩnh San (vua Duy Tân) gởi cho người phát thanh mang trên trạm F3LG, xác nhận cuộc điện đàm (viết tắt là QSO) vào ngày 10.03.1938 lúc 21.45 giờ đêm trên làn sóng điện tần số 14 megacycles.
Mỗi người phát và truyền thanh nghiệp dư đều được cấp một ký hiệu để liên lạc vô tuyến, và mỗi người đều tự sáng tạo cho mình một tấm thiếp để xác nhận tông tích, địa chỉ và liên lạc với nhau, gởi qua bưu điện thông thường.
Ký hiệu vô tuyến của vua Duy Tân là „FR8VX“.
Hiện nay có nhiều cá nhân, hội đoàn sưu tập các tấm thiếp rất quí giá này và đưa vào bảo tàng viện của những người truyền và phát thanh nghiệp dư.
Tấm thiếp do Hoàng tử Bảo Ngọc (Georges Vinh San) cung cấp, trong tư liệu của gia đình, là do chính tay vua Duy Tân sáng tạo ra, mang chữ viết, nét vẽ, tên họ, địa chỉ và chữ ký của nhà vua, thật một kỷ vật rất quí giá.
Georges Vinh San:
„ Cha tôi có cả một thùng cạc tông đầy nhóc những tấm thiếp
này, để gởi đi khắp nơi…“
Ngoài hình chân dung của Hoàng tử Vĩnh San, một hình ngọn núi, một hình bãi biển, một hình một người đang múa trong dáng điệu chim xòa cánh bay, trên tấm thiếp còn có vẽ bằng tay một bản đồ đơn sơ với những tọa điểm địa lý của các trạm truyền sóng điện (radio) mang tên tắt FR8, V18, FB8, CR7, ZE1, ZS, ZT, ZU.
Ký hiệu truyền tin FR8VX mang số 8, con số chỉ trinh độ chuyên viên vô tuyến của người phát (thấp nhất là cấp 1, cao nhất là cấp 9), VX có thể là tên tắt của Vĩnh San (vì một lý do nào đó không thể chọn VS được).
Còn người nhận mang ký hiệu F3LG là ai ? Tôi tìm ra một tấm thiếp của F3LG gởi cho một người thâu và phát thanh khác. F3LG là ký hiệu của một người Pháp tên Ch. Guilbert, địa chỉ 35, rue Jean Mermoz, Deauville, vùng Calvados Pháp.
Trên tấm thiếp của mình, vua Duy Tân xác nhận cho ông Guilbert biết chất lượng cuộc điện đàm như sau:
RST 337
Có nghĩa là: hiểu được với khó khăn, sóng yếu, nhưng âm thanh khá rõ ràng dù bị tạp sóng. (RST, viết tắt của 3 tính chất truyền tin: readability, strength, tone)
QRM: très
Có nghĩa là có nhiều sóng nhiễu
QRN: aussi
Có nghĩa là ảnh hưởng thời tiết cũng xấu
Người gởi (viết tắt là QRA) là Prince VINH-SAN, 67 rue Ste Anne, St. Denis, Ile de la Réunion.
Các thông tin khác trên tấm thiếp cho biết hệ thống thông tin của vua Duy Tân gồm có máy mang tên hiệu Super Skyrider SX-9 (SX9), thâu thanh, và máy 6L6 pa 6L6 ´s phát thanh. Chồng tôi nói là máy phát thanh do chính vua Duy Tân tự lắp ráp.
Máy Super Skyrider SX-9 (SX9) được sản xuất tại Hoa Kỳ vào năm 1936, bán với giá nguyên thủy là chín mươi đô la thời ấy, đặt trong một thùng bằng kim loại h.nh chữ nhật nằm ngang. Máy hoạt động trên các tần số ngắn và tần số trung bình, có hai loa phóng thanh với công sức 3,5 Watt,
Cột truyền tin (antenne) của Hoàng tử Vĩnh San mang hiệu ZEPP hai làn sóng có hai công suất khác biệt, công suất truyền tín hiệu là 30 Watts, công suất truyền tiếng nói là 20 Watts.
Nằm trong vòng tròn bên dưới của con số 8 là ba ký hiệu: fone, WAC, cw
fone có nghĩa là truyền thanh bằng tiếng nói.
WAC có nghĩa là Work all continents, có khả năng liên lục địa
Cw có nghĩa là truyền thanh bằng tín hiệu Morse
Bên cạnh sơ đồ vẽ hòn đảo Réunion, vua Duy Tân viết bốn chữ tắt A.R.R.L. tức là „American Radio Relay League“, bên cạnh chữ F nhà vua viết thêm ba chữ tắt REF, tức là R.E.F. Réseau des Emetteurs Francais (Hội những người truyền tin Pháp, thành viên của Liên hội quốc tế truyền tin nghiệp dư (Section Francaise de l‘Union Internationale des Radio Amateurs), tức là nhà vua là hội viên của hai tổ chức này, có thẻ hội viên, cũng như có bằng cấp vô tuyến điện.
Điều này có gì lạ chăng ? Ngoài khả năng nói và viết tiếng Pháp rất lưu loát, vua Duy Tân còn biết thông thạo tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, tức là vua Duy Tân có trao đổi với các trạm thông tin Anh, Mỹ, Pháp…
Nếu ngày nào, nhà vua cũng mê mải với các máy phát thanh đến hai, ba giờ sáng chưa muốn đi ngủ, như Hoàng tử Bảo Ngọc kể lại, thì hẳn là vua Duy Tân đã có nhiều cuộc điện đàm quan trọng mỗi ngày với nhiều trạm phát thanh trên thế giới.
Trên một tấm hình tôi thấy vua Duy Tân một tay cầm điếu thuốc lá, còn tay kia đánh tín hiệu Morse.
Georges Vinh San:
„Cha tôi hút thuốc nhiều. Ngài nói một cách ý nhị tự châm biếm: Người ta có thể mua tôi bằng những điếu thuốc lá !“
Duy Tân có tiếng là một người rất thông minh, ham học hỏi, nhất là tự học. Cần phải nhớ rằng, phương tiện truyền tin đem lại cho nhà vua một sự tự do đáng kể, vì thời ấy, các trạm truyền tin đều chịu sự kiểm soát của Bộ Bưu Điện, Điện Tín và Điện Thoại (Ministère des Postes, Télégraphes et Téléphones, PTT), cơ quan này cấp giấy phép và ký hiệu hoạt động cho từng trạm, và Bộ Nội Vụ – Cơ quan Cảnh sát Truyền Tin Vô Tuyến Điện theo dõi các hoạt động phát thanh. Nhất là trong suốt thời gian Đại chiến thứ hai, nhiều trạm phát thanh bị cảnh sát mật vụ nghi ngờ, theo dõi và thẩm vấn, cấm đoán.
Vua Duy Tân là một chuyên viên kỹ thuật thực tiễn, vì nhà vua biết tháo ráp, sửa chữa, thiết lập hệ thống truyền tin, truyền thanh, phát thanh. Vua có đến ba máy thâu và phát thanh khá mạnh, so với mức độ thiết bị thời ấy. Nhà vua cũng đã nói với người bạn đường, bà Antier, rằng trong một thời gian sắp đến, bà có thể ngồi đây xem những hình ảnh của thủ đô Paris chẳng hạn, tức là vua Duy Tân đã nói đến sự thực hiện và phát triển hệ thống truyền hình (télévision) cho vợ nghe (theo lời kể của Hoàng tử Bảo Ngọc).
Là một chuyên viên vô tuyến điện, có liên lạc tin tức hàng ngày trên sóng truyền thanh khắp thế giới, chính ra vua Duy Tân có một phương tiện thông tin rất hữu hiệu, vừa để thông hiểu tình hình, vừa để thoát khỏi đảo, như ngày nay chúng ta sử dụng thơ thông tin điện tử (email) qua mạng truyền tin Internet.
Chồng tôi nói, nếu anh là vua Duy Tân trong hoàn cảnh ấy thì anh đã trốn khỏi đảo từ lâu. Nhưng vua Duy Tân không muốn đi trốn lén lút, mà muốn trở về Việt Nam đường hoàng chính chính, trên một con đường danh dự, vì nhà vua không bao giờ thoái vị.
Pháp đưa vua đi thì Pháp phải đưa vua về. Điều này là động lực chính cho mọi hoạt động của nhà vua trong suốt thời gian đi đày trên đảo.MTT
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.