Sầm Sơn phố biển

Sầm Sơn phố biển – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2016

Ở miền Bắc có ít nhất ba bãi biển nổi tiếng „thuần Việt“, có nghĩa là đến 99% du khách Việt và 1% du khách nước ngoài tới những nơi này vui chơi giải trí, đó là Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Cửa Lò (Nghệ An). Người miền Bắc muốn đi xa hơn nữa, vượt qua vĩ tuyến 17 để xuống đến khu vực Đà Nẵng-Hội An, hay Nha Trang, thì phải đi máy bay, vì thế vào mùa nghỉ hè các gia đình có con nhỏ thích về Sầm Sơn một, hai tuần cho trẻ con đùa vui với sóng biển. Nhìn tấm ảnh hơn 70.000 người chen chúc nhau trên bãi biển Sầm Sơn trong mùa hè, tôi nghĩ rằng cái thị xã nhỏ ấy bỗng chốc phình ra chứa đựng thêm ngần ấy người và xe cộ. Sầm Sơn cách Hà Nội không xa, khoảng trên dưới 170 cây số, di chuyển bằng xe hơi trong 4 tiếng đồng hồ, một độ dài lý tưởng cho những người ở Hà Nội. Nếu so sánh Deauville, bãi biển nghỉ mát của vùng Normandie nối tiếng cho dân thành thị khu vực Paris, thì có thể so sánh Sầm Sơn như thế cho Hà Nội.
Tôi đến Sầm Sơn vào một ngày còn nắng nóng vào cuối tháng 8, cuối hè, học sinh khắp nơi đang chuẩn bị vào trường cho một niên học mới, bãi biển vắng vẻ. Con đường vào thị xã Sầm Sơn cũng như nhiều nơi khác, nhưng đây là phố biển, nên hàng hóa bán ra mang tính chất nghỉ hè biển: đồ chơi con nít trên cát, quần áo tắm sặc sỡ màu mè cho phụ nữ và trẻ em, đàn ông thì quần sọt….và đặc biệt là đã thấy bóng dáng của xe điện, loại xe thường thấy trong những sân golf, lác đác chạy. Phía tay phải của đường vào phố biển là đền Độc Cước, phía tay trái của phố biển là khu FLC, một khu du lịch hạng sang khép kín của Sầm Sơn, ai không có việc không dám bén mảng tới. Chỉ đi từ đầu này đến đầu kia là hết bãi biển. Thế mà, khách sạn mọc lên như nấm, san sát nhau, cũng không đủ để cho Sầm Sơn đón gần 4 triệu lượt khách trong mùa hè, gấp nhiều lần dân số của Sầm Sơn chỉ có 100.000 người theo thống kê năm 2015 !
Vài năm trước đây Sầm Sơn nổi tiếng về nạn „chặt chém“, nhưng dân thì đổ thừa cho quan, phải làm như thế mới thỏa mãn nổi yêu cầu của quan, trăm dâu đổ xuống đầu tằm, mà con tằm cuối cùng là du khách. Bây giờ, tình trạng chặt chém đã bớt, còn lại là tình trạng đắt đỏ. Sầm Sơn chỉ „cháy“ một năm có mấy tháng, rải rác từ tháng ba, tư, năm, đông nghịt từ tháng năm, sáu, bảy, rồi lại yếu dần cho đến hết mùa đông. Mùa thu, tháng 9, 10 thường hay có bão, mùa đông, lạnh đến 5 độ, mặc „hai lần áo len“, có ai thích ra biển chơi. Kinh doanh theo „vụ mùa“ nên giá cả phải „vọt“ lên mới đủ ăn.
Người dân Sầm Sơn ăn chắc mặc bền, có của ăn của để. Một anh lái xe điện kể rằng, mỗi năm anh để dành được một số tiền khoảng 60, 70 triệu, ngoài công việc lái xe điện cho hợp tác xã, hết vụ mùa du lịch thì anh „đi biển“. Mỗi lần ra khơi, anh đi hai, ba tháng mới về, „tất cả để lại cho vợ“. Thuyền đánh cá „đánh bắt xa bờ“ của anh, vì tiết kiệm xăng dầu, một khi đã ra khơi thì neo lại ngoài khơi hai ba tháng, một con tàu khác làm mối dây liên lạc chở cá về. Lúc nào chán biển, anh theo tàu cá liên lạc về đất liền gần nhất, Cát Bà, Hạ Long…., rồi lại theo ra.
Như thường lệ tôi đi tìm một khách sạn không sao để nghỉ chân. Giữa trưa nắng nóng, hình như mọi người rúc ở trong nhà, bãi biển là một dãi cát hẹp, dài cả cây số, con đường dài hai chiều bốn lằn xe hình như vừa mới được làm, các ô để trồng cây thì chưa có cây, một đàn bò thong thả ngậm cỏ trồng trên giải ngăn chặn giữa đường.
Mãi khoảng 5 giờ chiều mới thấy dân chúng ra tắm biển. Nước biển thì…ấm như trong bồn tắm ở nhà.
Sầm Sơn có ba làng chài, bến đậu của họ chen lẫn với bãi tắm, xem rất vui mắt. Có những con thuyền làm bằng bọt pô-ly-e-ti-len để đánh bắt gần bờ. Ở đây họ không dùng thuyền thúng như miền Trung. Sáng mai chưa rõ mặt người thuyền đánh cá „gần bờ“ đã bắt đầu giăng lưới, hai toán phụ nữ nắm hai đầu lưới, mỗi toán độ 5, 6 người, họ kéo lưới vào, quần áo ướt sũng nước. Cá thu hoạch được, bán ngay tại chỗ, năm sáu chiếc xe máy chạy ngay ra chợ để bán lại cá cho người tiêu dùng. Chỉ đến 6 giờ sáng là họ đã cuộn lưới, gánh lưới về, trả lại bãi biển cho những người chạy, tập thể thao buổi sáng. Cảng cá Sầm Sơn sầm uất, nhộn nhịp người tải người khuân. Biển là kho tàng vô tận, biển nuôi sống con người qua ngày nọ tháng kia.
Mức độ xây dựng khách sạn của Sầm Sơn đang tiến nhanh, nhiều khách sạn đang được xây dựng. Giá đất ở Sầm Sơn hiện nay khoảng 60 tỷ cho một mảnh đất 1.000 mét vuông. Nếu một năm chỉ „cháy“ phòng chừng ba tháng thì cũng đủ để sống cả năm. MTT

Mặt trờ lên ở Sầm Sơn

Mặt trời lên ở Sầm Sơn – Photo: MTT, 2016

Một ngôi nhà cổ từ đầu thế kỷ thứ 18 còn sót lại ở Sầm Sơn, bỏ hoang, nhưng sẽ bị quy hoạch lấy đất xây mới

Một ngôi nhà cổ từ đầu thế kỷ thứ 18 còn sót lại ở Sầm Sơn, bỏ hoang, nhưng sẽ bị quy hoạch lấy đất xây mới

Bãi biển Sầm Sơn chiều cuối hè. Photo: MTT

Bãi biển Sầm Sơn chiều cuối hè. Photo: MTT

Một làng chài ở Sầm Sơn . Photo: MTT, 2016

Một làng chài ở Sầm Sơn . Photo: MTT, 2016

Tải cá lên xe - Photo: MTT, 2016

Tải cá lên xe – Photo: MTT, 2016