Quét lá trong Dinh Độc Lập
Quét lá trong Dinh Độc Lập – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2016 – http//:mttuyet.fr
Ở Sài gòn có một cái dinh mà tôi quen gọi là Dinh Độc Lập dù nó đã bị đổi tên thành Hội trường Thống Nhất sau 1975. Ngày 30.04.1975, cách đây 41 năm, chiếc xe tăng T54 do Vũ Đăng Toàn chỉ huy đă húc sụp cổng chính tiến vào dinh, chấm dứt 20 năm chiến tranh 1954-1975 trên toàn lãnh thổ.
Lịch sử Dinh Độc Lập bắt nguồn từ thời kỳ Pháp thuộc. Sau khi chiếm đóng lục tỉnh Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) vào năm 1858, Pháp thiết lập nền móng cai trị trên mảnh đất gọi là Cochinchine. Nam Kỳ trở thành lãnh thổ của Pháp theo hai hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 giữa Phan Thanh Giản làm chánh sứ với thiếu tướng Bonard, và hòa ước Giáp Thân 1884 (còn gọi là hòa ước Patenôtre) giữa Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, Nguyễn văn Tường và Jules Patenôtre), triều đình nhà Nguyễn đã mất sáu tỉnh miền Nam cho Pháp kế từ thời gian đó.
Ngày 23.02.1868 thống đốc Nam Kỳ Lagrandière đặt viên đá đầu tiên cho xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ, do kiến trúc sư Achille Antoine L´Hermite thực hiện.
Công trình được xây dựng trong vòng bốn năm mới xong (1868-1871), rộng 12 ha, chung quanh trồng cây xanh. Dinh được đặt tên là dinh Norodom, tên của quốc vương Campuchia, và được sử dụng liên tiếp làm nơi ở và làm việc cho các Thống đốc Nam Kỳ và Toàn Quyền Đông Dương từ 1871 cho đến 1954, suốt 83 năm.
Ngày 07.09.1954 dinh được bàn giao cho thủ tướng Ngô Đình Diệm. Năm 1955 Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại, lên làm tổng thống, đổi tên dinh thành Dinh Độc Lập.
Năm 1962, lấy lý do Dinh Độc Lập bị hư hại nặng do hai phi công của quân lực Việt Nam Cộng Hòa là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom làm sập dinh cánh trái, Ngô Đình Diệm cho san bằng kiến trúc cổ của Pháp để xây dựng lại theo mô hình tân tiến Âu Mỹ. Gia đình họ Ngô về tạm trú ở Dinh Gia Long trong thời gian xây dựng. Nhưng Ngô Đình Diệm không sống sót đến năm khánh thành dinh 1966. Người chủ mới là Nguyễn văn Thiệu chiếm giữ dinh từ năm 1967 đến 1975.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người thiết kế dinh mới, ý định của ông là trang trí mặt tiền dinh bằng hình ảnh những lóng trúc, bụi trúc là biểu tượng của Ngô Đình Diệm, nhưng người ta lại thấy sau khi xây xong thì nó lại giống những lóng xương, thót vào ở giữa, không giống những lóng trúc, báo điềm bất lành. Đứng về mặt phong thổ thì dinh được xây trên đầu con rồng, những tấm biển trang trí cửa sổ được chạm trỗ hình đầu rồng, nên còn được gọi là Phủ đầu rồng.
Hiện nay, dinh Độc Lập trở thành Hội trường Thống Nhất, mở cửa cho du khách tham quan và cho các công ty tư nhân thuê phòng ốc, quan liêu, để tổ chức các sự kiện. Tiếc rằng phần tư thất của tổng thống và các phòng tầng 3 được trang trí quá sơ sài không đáp ứng được sự chờ đợi của khách tham quan. Phòng ngủ, phòng ăn của tổng thống VNCH được trưng bày sơ sài, khu vực này được xây dựng giống như kiến trúc Patio của miền Nam châu Âu, các phòng đều được nối liền với nhau bằng một hành lang rộng có mái che, chung quanh tâm điểm chính là một hòn non bộ lộ thiên, rất mát và sáng sủa.
Từ tầng ba, du khách được ngắm chiếc máy bay trực thăng túc trực sẵn sàng.
Bên cạnh đó, ít ai chú ý đến vườn cây trong dinh, trên một diện tích rộng 12 ha, như một ốc đảo xanh, khá yên tĩnh giữa lòng thành phố đầy bụi bặm và tiếng động xe cộ. Vườn cây này là cả một công trình gìn giữ, mỗi cây đều được đánh số thứ tự, mang tên, giống, quê quán và công dụng.
Các loại cây trồng trên diện tích 12 ha của dinh là những cây dầu con rái, sao đen, ngọc lan, dáng hưong, xoài rừng, xoài, lý, viết, xi xanh, me rừng, trúc, tre, bằng lăng trắng, bằng lăng nước, bồ đề, nhãn, sứ hồng, sứ trắng, cau vua, gỗ mật, gỗ đỏ, sộp, phượng vĩ, nhãn, tếch, lim xẹt, mạt võng… tượng trưng một phần nhỏ của sự giầu có thiên nhiên của rừng Việt Nam.
Những người nhân viên cây xanh chăm sóc cho cây không có một cành khô cành chết, thảm cỏ luôn xanh, kiên nhẫn quét từng chiếc lá rơi mỗi ngày…Điều này khiến tôi bật cười nhớ đến ông hàng xóm của tôi, ông ta không thể chịu đựng được một chiếc lá rơi trên thảm cỏ xanh của ông, chắt chiu cắt xén mỗi ngày. Nhất là mùa thu lá bay đầy trời, lá rụng như mưa làm cho ông như điên như cuồng hối hả hốt lá, thu gom từng đống lá úa ướt chèm nhẹp, rồi đốt lá, làn khói trắng loang nhẹ trong trời lạnh mùa thu.
Ở đây, những người công nhân bình thản quét lá như thể „quét chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em“…, như thiền. Họ sống vì quét lá, lá rụng mỗi ngày, mới quét lá lại rụng xuống như mưa. Họ nhổ cả mảng cỏ xanh lên để thay cỏ mới, họ trồng thêm cây non, chiết thêm cây kiểng…Trời tháng tám, cận rằm tháng bẩy, thì hay có mưa rào, ngày nào cũng mưa. Tuần vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số hai đổ vào miền bắc, trong nam cũng mưa bão sấm sét đùng đùng mỗi ngày, vườn cây xanh cũng được tưới nước của trời. Nắng vừa lên, mưa vừa hết thì người ta đã hối hả đặt vòi tự động tưới cỏ tưới cây. Các nhánh cây kiểng xanh mọc nhú lên sau cơn mưa và cơn nắng chưa kịp tươi cừoi lâu với gió thì đã bị một bàn tay công nhân chăm chỉ cắt đầu, cho bằng thiên hạ. Trong vườn có nhiều con sóc, chim mào trắng, chim bồ câu đưa thư… tự do bay nhảy. Những con ve sầu hát đều đều một nhạc điệu quen thuộc, inh ỏi, át cả tiếng nhạc của một quán cà phê dành riêng cho du khách ở gần đấy.
Nhìn những cây xanh cao cả 20 thước, cây khỏe, tán khỏe xòe rộng trên cao, tỏa bóng mát xuống thảm cỏ lúc nào cũng xanh mươn mướt, thật không khỏi nghĩ đến công lao chăm sóc của những người làm vườn. MTT
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.