Ghi chép một chuyến về quê
Ghi chép một chuyến về quê – ©Mathide Tuyết Trần, France 2016, http//:mttuyet.fr
Năm 2016 tôi có cảm giác là đang đi chậm thời cuộc. Mà quả thật vậy. Tình hình xã hội ở cả ba miền đều có thay đổi mắt nhìn không kịp. Nhiều nhất ở thành phố Hồ Chí Minh tuyến đầu kinh tế của cả nước.
Sáng thứ bẩy và chủ nhật các hàng quán đông nghẹt thực khách. Họ đi ăn sáng, phần đông với bạn bè, các bà các cô diện đẹp hơn ngày thường. Chỉ cần nhìn những cánh áo phụ nữ ôm sát người, kiểu dáng rất lịch sự, là biết thành phần thượng lưu của xã hội. Họ xuống xe, những chiếc xe sang trọng đã từ mấy năm nay „hội nhập“ vào đường phố, làm thay đổi hẳn bộ mặt thành phố, không khác gì giới thượng lưu ở đâu đó, như ở Paris chẳng hạn.
Người Sàigòn có thói quen ăn sáng, nhất là buổi sáng chủ nhật, hò hẹn nhau gia đình và bạn bè, già trẻ lớn bé, rủ nhau đi ăn sáng. Các „nhà vườn“ rất đông thực khách, phải bầy thêm bàn ghế, chiếm đóng lối đi. Ăn chơi, thì chữ „ăn“ đứng đầu. Nhưng cái ăn thực ra không quan trọng lắm, người ta thích gặp nhau trò chuyện, trao đổi, cứ ba người là một cái chợ, ồn ào, ầm ĩ. Đàn ông cũng “to mồm, lắm chuyện” ra phết, toàn chuyện làm ăn, tiền bạc, chẳng hạn khoe con du học mỗi năm tốn 30.000 oi rô, khoe mua xe mới…, chuyện tiền triệu, tiền tỷ.
Nếu cho rằng trang phục của phái nữ là biểu hiện phát triển kinh tế của một xã hội thì người ta có thể nói rằng Việt Nam là một nước phát triển không thua gì nước Pháp. Hàng ngày, từ trong một góc bàn của một quán cà phê, tôi quan sát người qua lại, đặc biệt là phụ nữ. Bình thường thôi, chưa phải là những nơi tột cùng cao sang quyền quý. Tôi nhìn họ lõ con mắt, thèm cái tuổi trẻ mơn mởn của họ, mái tóc đen dầy óng ả mượt mà, đôi mắt không một vết nhăn, đôi môi bôi son đỏ chét, hàm răng đều đặn trắng tinh…Bây giờ, các cô có cái mốt bôi son kiểu Đại Hàn, đỏ thật đỏ ở giữa và nhạt ở phía vành môi. Ngày xưa, khi tôi bôi môi son đỏ thì đã bị các bạn học người Việt xúm lại „phê bình“ là lẳng lơ, không dám bôi nữa.
Cô thì mặc áo kiểu, quần tây, cô thì quần jean áo polo, cô thì đầm đỏm dáng, juppe mini đến nỗi chồng tôi bảo là một cái thắt lưng rộng, khoe hai chân trắng nõn, trắng nà, chị bán gánh cũng mặc jean, xài điện thoại di động. Các kiểu áo quần may bằng đủ mọi chất liệu, từ lụa, vải coton sang trọng cho đến po-ly-et-te, bằng đủ mầu sắc, không có mầu nào buồn. Mầu đen phổ biến ở Âu châu thì bẳt nhiệt, nóng quá, làm cho cuộc đời tươi vui thêm, không ai rách rưới, từ người sang trọng nhất, đài các nhất cho đến những người buôn thúng bán bưng trong bộ quần áo bà ba quen thuộc giản dị. Các em học sinh thì mặc mỗi trường một loại đồng phục khác nhau. Những phụ nữ đi làm thì xúng xính trong các bộ đồng phục, juppe ngắn hay quần tây dài, áo sơ mi thắt nơ xanh nơ vàng ở cổ, mỗi ngày một kiểu, mỗi nghề một kiểu. Cái áo dài Việt Nam không còn chỗ đứng trong trang phục hàng ngày.
Dạo tôi còn bé, ngoài cái áo dài, quần trắng của người có nhiều tiền của và cái áo bà ba, quần đen của người lao động, thì chẳng còn điều gì khác phân biệt. Con gái nhỏ thì còn được mặc đầm, con gái lớn đến tuổi trưởng thành thì phải mặc áo dài cho ra vẻ con nhà nề nểp. Bây giờ nhìn các cô đủ kiểu đủ mầu, cầm cái điện thoại di động, làm điệu, cười một mình, ngồi đâu chụp đó, mà chụp ai ? các cô chụp mình, bằng selfie ! tôi thấy tuổi trẻ ngày nay như mắc bệnh tâm thần, lúc nào cũng muốn hỏi gương xem người đẹp nhất là ai.
Đã quần là áo lượt, các bà các cô còn khoe sắc đầm hàng hiệu, áo mầu xanh, sắc mầu xanh, áo mầu hồng, sắc mầu hồng…đi kèm với những đôi giầy cao gót ngất ngưởng. Từng ấy, lại thêm với bộ mặt son phấn trang điểm tỉ mỉ kỹ càng. Để cho các ông ngó ? Các ông như bình thản trước cuộc thi đua sắc đẹp hàng ngày đó, như là đã quen mắt với các xảo thuật, của những bộ lông mi giả chớp lên chớp xuống như đèn pha ô-tô ra tín hiệu, những con mắt tô xanh tô hồng, của điệu bộ. Chỉ có sự tươi mát và tự nhiên là quyến rũ. Vậy thì họ làm đẹp cho ai ?
Phụ nữ ăn diện nhất, hợp thời trang quốc tế nhất là phụ nữ „Sài Thành hoa lệ“. Sáu mươi vẫn còn đẹp. Phụ nữ ở thành thị miền Bắc thích diện, đỏm dáng nhưng so với về cái „gu“ (goût) thời trang thì chỉ bằng được một nừa các cô Sàigòn. Miền Trung và miền Bắc vùng quê còn nếp nề quê thói hơn, nơi đời sống còn yên lành, giản dị.
Những người du khách mới đến Việt Nam lần đầu, mặc quần sọt áo thung, đơn giản, nhầu nát, bỡ ngỡ trước sự giầu sang trông thấy của thành phố. Thành phố Sàigòn khi xưa như con tằm lột vỏ thành con bướm xinh đẹp trong đầu thế kỷ thứ 21.
Người Sàigòn bây giờ có tiền cũng đi du lịch, sang các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Miến Điện như đi chợ…Bạn tôi kể, đi rẻ lắm mà, đi chơi cho biết. Đi chơi Paris cũng chỉ tốn có một trăm triệu đồng, hai chục triệu là tiền vé, phần còn lại là đi chơi, ăn uống, mua sắm.
Còn tuần trăng mật ? Hồi xưa, tuần trăng mật ở Đà Lạt, Nha Trang là hết cỡ. Giờ thì đi Bali thơ mộng, hay đi Paris lãng mạn…đi về chín tháng sau đẻ ra ngay một thằng cu. Tôi ngỡ ngàng trước cái hạnh phúc ấy. Những ai chê nền giáo dục đào tạo trong nước, cho con đi học từ nhỏ ở nước ngoài, vợ phải đi kèm, rồi lại phải mua nhà cho vợ con ở, đến thật là khổ.
Còn các ông ? Giới mày râu không diện nhiều bằng quần áo. Sang trọng nhất cũng chỉ trong chiếc áo chemise trắng, cái quần tây. Hình như các ông không để ỳ mấy đến đôi giầy cho lắm. Nhưng cái đồng hồ đeo ở cổ tay thường là vật trang điểm đáng giá, hợp người. Và hơn thế nữa là các ông chơi….xe.
Úi trời, về nước mà nhìn các loại xe….khủng chạy ngang chạy dọc trên đường phố. Mercedes, BMW, Lamborghini, Porsche, Bentley, Land Rover, Toyota, Kia, Volvo, Nissan….đặc biệt, toàn là loại xe cao cấp, xe 4×4…, bên trong là ghế da, màn hình video, máy định vị…, rất ít loại xe nhỏ dành cho túi tiền có hạn như ớ châu Âu.
Một người như tay „Cường đô la“ sở hữu một „cò lếch tiông“ làm cho những tay tư bản nước ngoài phải lé mắt thèm thuồng: Maybach 62S, Lamborghini Huracan, mới đây lại tậu thêm chiếc Ferrari 488 GTB Bianco Avus trị giá 15 tỷ đồng, tương đương với hơn 600.000 đô la. Làm cách nào cắt nghĩa được cho người nước ngoài hiểu hiện tượng giầu có cùng cực này ở Việt Nam, khi BIP trung bình mỗi năm của người Việt Nam là 2.800 usd ?
Thảo nào một người bạn bên nhà sang thăm đã thốt lên khi chui vào trong chiếc xe của tôi: „ Xe bên này ít features nhỉ ! „ . Các hãng bán xe phài thay đổi chiến lược cho thích hợp với thị trường tại Việt Nam, thay vì bán xe rẻ thì bán xe mắc. Các hãng xe BMW, Mercedes chưng toàn là những „mô đen“ đắt tiền, cả 100.000 đô la trở lên. Hình như, các hãng xe Pháp như Peugeot, Citroën không thông hiểu qui luật thị trường, cạnh tranh không nổi với các hãng xe khác, tại sao họ không đưa sang những kiêủ xe đắt tiền như C6, Peugeot 6++ trở lên ?
Các cuộc biểu diễn marketing với các loại xe ngày càng nhiều thêm. Khối lượng xe hơi ngày càng phình ra, chiếm đóng bộ mặt đường phố.
Không thể không quên kể rằng, nam nữ bình quyền, nhiều phụ nữ giầu có, dư sức để mua nhà mua xe mà không phải nhờ đến quý ông.
Tuổi trẻ lớn lên trong khung cảnh hào nháng. Mới đây, tôi phải „rầy“ một cậu thanh niên, học đại học, khoảng đôi mươi, sinh sau 1975 đến cả hai mươi năm, thuộc thế hệ 9x, nói về „nội chiến hai miền Nam Bắc cho tới năm 1975“. Cậu ta trả lời „Anh cháu dạy sử mà !“. Anh ta tuởng tôi già, xa nhà đã lâu, lấy chồng tây, không biết gì về lịch sử Việt Nam. Học lịch sử cận đại của Việt Nam mà học méo mó sai lạc kiểu đó ! Từ 1975 đến giờ là đã hơn 40 năm trôi qua, những người sinh ra năm 1975 ngày nay đã trên 40 tuổi, nửa đời người, là thành phần đang xây dựng đất nước, hiểu lịch sử Việt Nam như thế nào ? Hy vọng là họ hiểu đúng con đường họ đang đi.
Thành phố thì phát triển bên quận hai, về hướng đông, qua cầu Sài Gòn, chỗ sông uốn lượn gập khúc, chỗ nào cũng là bờ sông, là khu sang trọng của thành phố. Các biệt thự đẹp lộng lẫy, nhiều nhà có hồ bơi. Cách đây trên 10 năm, tôi đã được một người bạn học cũ cho xem nhà ở trong khu An Phú, nhà có vườn con nít chơi, cầu thang gỗ qúy, mỗi phòng ngủ có một phòng tắm rộng lớn mà cái bồn tắm xây ngang bằng với mặt đất như piscine. Chỗ nào cũng có một cái tivi bự tổ chảng gắn dính với tường, với tủ, trong phòng khách, phòng ngủ. Rồi tới cái nhà bếp liền với phòng ăn ! Hoành tráng, phong cách châu Âu, bếp điện, lò nướng, tủ lớp trên lớp dưới. Tôi nhớ đến gian nhà bếp với ba cái ông lò, một táo bà hai táo ông, đặt trên một bệ xi măng, bên dưới là chỗ để than củi, bên cạnh là sàn nước, rộng 3 mét vuông, có một hồ lúc nào cũng trữ đầy nước, nhỡ khi bị cúp nước, nồi niêu xoong chảo trên mấy cái đinh đóng lên tường, cái „gạc-măng-dê“ đựng thức ăn, của má tôi. Chị Tư nấu bếp rửa bát bằng tro và sà phòng „cô Ba“.
Vào nhà thì phải đi ngang qua một cái sân rộng lót đá trồng cây. Nhà tôi bây giờ nom hoang dã, đơn sơ hơn nhiều và kém „lịch sự“ hơn. Một người bạn khác phán „Nhà chị chỉ thuộc loại hotel hạng ba !“. Nhà tôi cũng không có tivi. Nói như thế để thấy mức độ khác biệt giữa „ở Việt Nam“ và „ở nước ngoài“. Ở nhà có tiền sống sướng.
Nhưng phải nói, trong những cái nhất ở Sài gòn có cái nhất về lường gạt, lừa đảo. Mải mê chạy theo đồng tiền, cướp giật tài sản bằng mồ hôi nước mắt của người khác một cách tinh vi, lại được hỗ trợ bới những người có chức có quyền. Kể cả việc sẵn sàng ra tay. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, một quan chức đa nói như thế, chỉ có nói bằng „nước bọt“ không, thì chẳng được việc gì. Nhưng phái có tiền mới „chạy“ được chứ. Không tiền thì việc cứ ì ra, ai mà làm cho. Về Sài gòn bây giờ, thấy mình nghèo đi. Buồn năm phút ! Nhưng còn một cái buồn lớn hơn là tình chị em ruột thịt bị đem bán rẻ cho kẻ lợi dụng nước đục thả câu, chứng tỏ là một cái nhà vô phúc.
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.