Chùa Ngọc Hoàng một ngày nắng nóng
Chùa Ngọc Hoàng một ngày nắng nóng – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2016 – https://mttuyet.fr
Sau chuyến đến thăm Việt Nam, Hà Nội và đến thành phố Hồ Chí Minh (Saigon), tổng thống Mỹ Barack Obama để lại hai hiện tượng: dân chúng kéo nhau đi ăn bún chả Hà Nội hậu Obama trong tinh thần hồ hởi, vui vẻ, và kéo nhau đi thăm chùa Ngọc Hoàng.
Địa chỉ của chùa Ngọc Hoàng, nay đề biển là chùa Phước Hải, nằm trên một con đường nhỏ và ngắn, đường Mai thị Lựu thuộc quận 1, có hai chiều xe, nên thường bị kẹt xe ra vào, nhất là vì gần chợ Đa Kao và gần Cầu Bông. Ngã tư Cầu Bông bây giờ có mấy hàng bán vịt quay tụ tập nổi tiếng. Ngày xưa, bắt chước con nit hàng xóm, tôi nghêu ngao hát „ Ai đi ngang qua Cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần ni lông, vô đây em, dù trời khuya anh sẽ đưa em dzìa…“ và bị má tôi la rầy là hát tầm bậy. Vậy mà đến giờ tôi vẫn không quên cái chuyện con nít ấy.
Các tiệm bán bún chả không kịp có bàn có chỗ cho khách ăn, người ăn vội vàng hấp tấp vì người đứng chờ có bàn trống, thì chùa Ngọc Hoàng cũng nườm nượp người ra vào.
Một buổi sáng sớm, đi sớm cho mát, chúng tôi đi thăm chùa Ngọc Hoàng và đi về với một sự thất vọng. Các đền, chùa cổ ở miền Trung và miền Bắc còn cổ kính hơn, đẹp uy nghiêm hơn nhiều. Chùa nhỏ nhắn, kiến trúc, trang trí, tượng thờ đều có âm hưởng Trung hoa. Sân chùa có ao cá, ao rùa…và người đem rùa, cá làm lễ vật đến thả nhiều quá, khiến cho chúng lúc nhúc, không đủ môi trường sống.
Cảm tượng đầu tiên là có lẽ khách thập phương đến đông quá, người làm phận sự trong chùa có lẽ vì mệt mỏi nên đâm ra cáu ngắt, nóng nẩy, hà tiện lời nói, nhất là đối với du khách nước ngoài, vì họ đến viếng cảnh chùa trong ý thức đến thăm một di tích văn hóa lịch sử, không phải đến để cúng bái với lễ vật và cúng tiền. Mới mười giờ sáng, mà bên trong điện thờ đã đầy ắp hoa, quả, tiền cúng, nhang khói nghi ngút đến khó thở, và nóng hơn bên ngoài vì ánh đèn và nến đốt.
Mấy cái quạt máy trên trần không đủ mạnh để làm thoát nhanh sự ngột ngạt. Những bó hoa, những nén hương của người vừa đem lễ vật đến thì đã vội vã bị nhổ ra, gạt sang một bên…rất là thiếu tế nhị. Trong chùa góc nào cũng có máy camera thâu hình, đặc biệt những cái két sắt đựng tiền cúng khá to lớn và rất kiên cố đều có người đứng gác bên cạnh.
Nhiều người bảo tôi là chùa Ngọc Hoàng rất linh thiêng, cầu gì được nấy, nhất là cầu con và cầu tiền. Muốn có con trai thì được con trai, muốn xin tài lộc thì được tài lộc. Quả thật, phía bên trái của chính điện, là điện thờ Thần Tài uy nghi, có quan tướng đứng hầu, hai con ngựa và người dắt ngựa tạc khá tinh xảo. Người đến cầu lộc, dâng lễ vật, khấn vái xong, thì rung cái chuông đeo ở cổ con ngựa gỗ để cầu tài cho mình.
Nối tiếp điện thờ Thần tài là gian thờ Thập điện Diêm vương với 10 bức gỗ chạm cảnh 10 cửa địa ngục, chia làm hai bên, mỗi bên năm bức theo truyền thống, để răn dạy người đời khi sinh thời nên ăn ở cho có trước có sau, có phúc đức, làm điều lành tránh điều ác. Bước ra khỏi gian này là người du khách bị „kẹt người“ tụ tập trong một gian thờ rất nhỏ để cầu tự. Cả nam lẫn nữ, mọi người đều kiên nhẫn, im lặng đứng chờ đến phiên mình được hỏi, cầu con gái hay cầu con trai, trước điện thờ bà Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ.
Thực ra, gọi là „chùa“ thì không chính xác, dù chính điện và ngay cửa ra vào là bàn thờ Phật, nhưng trên thực tế, chùa Ngọc Hoàng là một cái lăng chôn người sáng lập ra nó thì đúng hơn. Lớp đá nắp đậy hầm mộ nằm ngay trong chùa trước khi bước vào nơi có đặt bàn thờ Phật, hai bên là hai cái quầy được dựng lên để bán nhang, vàng mã, nến đỏ, sách kinh…
„ Ngôi chùa vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người tên Lưu Minh (pháp danh là Lưu Đạo Nguyên, người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20 (có lẽ vào năm 1900 hay 1906). Theo học giả Vương Hồng Sển, thì Lưu Minh là người “ăn chay ròng, giữ đạo Minh Sư, lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền tạo lập chùa vừa để thờ phượng vừa để làm nơi hội kín”… .Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là “Phước Hải Tự”. Có lẽ từ thời gian này mới có thêm bàn thờ Phật, án phía ngoài cùng, nhưng chính điện thì thờ Ngọc Hoàng thượng đế. 1)
„…Đứng hầu Ngọc Hoàng có các Thiên Binh Thiên Tướng. Ngoài ra còn có các pho tượng của Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà tiên sư, Tề Thiên Đại Thánh, Quan Thánh Đế Quân, thần Nhật-Nguyệt, Long Mẫu nương nương, Tứ Đại kim quang, Thái Ất Chân Nhân… Bên trái trang thờ Ngọc Hoàng là trang thờ Bắc Đế (vua trấn giữ phương Bắc) còn gọi là Bắc Phương Trấn Võ. Tượng tạc ông trong tư thế ngồi, chân đạp lên hai con vật: chân phải là rùa, chân trái là rắn – tượng trưng cho tà ma, yêu quái. Bên phải trang thờ là cung Thủy Nguyệt, thờ Phật Chuẩn Đề. 2)
Ngày xưa, khi tôi quy y, các thầy chú trọng đến việc thuyết giảng triết lý và đạo lý nhà Phật hơn là ép phải học tụng kinh ê a tiếng Phạn, mà không biết đọc có đúng hay không, cũng không bắt phải quỳ lạy một cách máy móc những bức tượng sơn xanh xanh đỏ đỏ…Các phương thức ngồi thiền, chắp tay cầu nguyện, dâng hương, dâng hoa, tụng kinh là những động tác giúp đỡ tập trung tâm trí, an ủi…để tỏ lòng kính trọng Phật pháp và các thầy giảng đạo, truyền đạo. Phật ở Tâm mình, Phật dẫn dắt Trí mình. Còn ở đời, thì ai gieo gió gặt bão. Đó là điều tôi tâm niệm. À, còn việc cầu tự con trai, cũng như tổng thống Mỹ, tôi thích con gái, „I like daughters“. Ngày xưa, ba tôi thích con trai, má tôi đẻ ra tôi là con gái, con cầu tự mới khổ, thế là tôi bị giả làm con trai, tóc cắt ngắn chải 7/3 kiểu con trai, mặc quần áo con trai…cho đến khi tôi đi học, mới được trở lại thành con gái. MTT28052016

Cửa vào chính điện, hai bên là quầy hàng bán nhang, đèn, vàng mã, kinh sách, lồng đèn…Photo: MTT 2016

Các tượng âm binh đứng chầu hai bên trong diện Ngọc Hoàng đều đầy sát khí, họ cầm vũ khí như gươm, kiếm, đao trong tư thế sẵn sàng chém giết…Photo: MTT2016
Chú thích:
1) trích Chùa Ngọc Hoàng, Wikipedia
2) Bài viết của Châu Kha „Chùa Ngọc Hoàng ngày trở lại“ – Ve dep Viet Nam, Việt Báo
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.