Tiểu sử Jean Sainteny
Tiểu sử Jean Sainteny – ©Mathilde Tuyết Trần – France 2016 – https://mttuyet.fr
Jean Sainteny tên thật là Jean ROGER, sinh ngày 29-05-1907 tại Vésinet (Seine-et-Oise), qua đời tại Paris ngày 25-02-1978, là một nhân vật quân sự – chính trị đã có nhiều gắn bó với lịch sử cận đại của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh Pháp Việt từ 1945 cho đến 1954 và trong chiến tranh chống Mỹ giai đoạn từ 1966 đến 1973.
Sau khi theo học tại các trường trung học Condorcet và Janson de Sailly tại Paris, Sainteny bước sớm vào lãnh vực nghề nghiệp, cụ thể là ngành ngân hàng, bảo hiểm. Kể từ năm 1929, mới 22 tuổi, Sainteny đã đến Đông dương và làm việc ba năm trong ngành ngân hàng tại Hà Nội, rồi trở về Pháp vào năm 1932.
Năm 1933, 26 tuổi, Sainteny kết hôn với bà Lydie Sarrault, con gái đầu tiên của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarrault, và có một người con trai trong cuộc hôn nhân này. Đến năm 1948, Sainteny ly dị với bà Lydie Sarrault. Mãi đến năm 1946, ông mới được chính thức đổi tên từ tên khai sinh là Jean Roger thành Jean Sainteny. 1)
Năm 1955 Jean Sainteny, 48 tuổi, kết hôn với bà Claude Badalo-Dulong, nhà văn với bút danh là Claude Dulong, và có thêm hai người con.
Năm 1939, trước thềm mở đầu của Đại chiến thế giới lần thứ hai, Sainteny, 32 tuổi, được động viên trong quân đội và tình nguyện học một khóa trinh sát bằng máy bay. Nhưng khi chính phủ của tướng Pétain của nước Pháp đầu hàng Đức Quốc Xã năm 1940, Sainteny quyết định đi vào kháng chiến, và thành lập một nhóm người thu thập tin tức ở khu vực Cotentin (địa danh của bán đảo thuộc vùng Normandie).
Vào tháng 10 năm 1940, ông đổi tên thành Jean Sainteny (không chính thức), liên lạc được với người sáng lập ra hệ thống tình báo “Alliance”, mang bí danh Navarre (tức Loustaunau-Lacau). Sainteny bị bắt lần đầu tiên bởi quân đội Đức Quốc Xã vào tháng 11 năm 1941 tại Colleville-sur-Mer và bị giam giữ tại thành phố Caen. Nhưng một tháng sau Sainteny được thả ra vì thiếu bằng chứng. Sainteny tiếp tục công việc thu thập tin tức và vượt đường ranh giữa hai khu vực chiếm đóng (ligne de démarcation) tổng cộng 13 lần. Vào đầu năm 1942 ông sát nhập nhóm kháng chiến của ông vào tổ chức Alliance, tổ chức vượt ngục cho Claude Hettier de Boislambert và Antoine Bissagnet vào tháng 12 năm 1942 và đưa nhiều người tình nguyện thoát ly gia nhập lực lượng kháng chiến France Libre. Sainteny trở thành lãnh đạo của nhánh Alliance trên toàn khu vực Normandie và Tây-Bắc của Pháp.
Bị lộ, Sainteny bị cơ quan mật vụ của Đức Quốc Xã Gestapo bắt ngày 16 tháng 9 năm 1943, nhưng ông trốn thoát được chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, rồi đi hẳn vào hoạt động bí mật, mang mật danh “Dragon”, với chức vụ thiếu tá quân đội. Vào tháng 3 năm 1944 bị Gestapo theo dõi sát nút, Sainteny phải đi Anh tỵ nạn. Nhưng trong hai ngày 16-17.03.1944 nhiều người kháng chiến và cả ông Paul Bernard, chỉ huy cơ sở Alliance bị Gestapo bắt, khiến cho Sainteny phải trở lại Pháp chỉ ba tuần sau đó để gây dựng lại cơ sở. Bị phản bội và tố giác, Sainteny bị bắt ngày 07 tháng 6 năm 1944 cùng với một người bạn tại Paris. Bị cơ quan mật vụ Đức Gestapo tra tấn tại đường rue des Saussaises đến nỗi phải đưa vào nhà thương Hôpital de la Pitié-Salpêtrière cứu chữa, rồi bị đưa về tra tấn tiếp tục tại rue des Saussaises.
Biết là lần này sẽ không thoát chết, nên trong đêm ngày 04-05.07.1944, nhờ sự giúp đỡ của một người cai ngục, Sainteny cưa song sắt cửa sổ vượt ngục. Đến ngày 16 tháng 8 thì Sainteny tìm đến được binh đoàn thứ ba Hoa Kỳ của tướng Patton, thông báo tin tức thu thập được. Ba ngày sau, 19 tháng 8 thì Sainteny lại trở về Paris tiếp tục công việc.
Sau khi Paris được giải phóng vào cuối mùa hè năm 1944, vào tháng 3 năm 1945 Sainteny được Paris kêu gọi nhận nhiệm vụ ở Đông Dương 2) và được phân bổ về cơ quan tinh báo D.G.E.R. và C.L.I. 3) dưới quyền chỉ huy của tướng Blaizot. Dưới cái tên Jean Sainteny, vào tháng 4 năm 1945 ông được cử làm chỉ huy nhiệm vụ phái bộ quân sự Pháp MI5 (Mission 5) tại Côn Minh, Trung Quốc, nhiệm vụ này được đặt dưới quyền chỉ huy của phái bộ quân sự Pháp S.L.F.E.O. 4) tại Calcutta, Ấn Độ 5) , như thế ông là sĩ quan tình báo Pháp đầu tiên vào Hà Nội sau khi Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương ngày 09.03.1945.
Côn Minh là nơi đóng Bộ chỉ huy quân đội Trung Hoa Dân Quốc của tướng Ho Ying-Chinh và có trụ sở của bốn phái bộ lực lượng quân sự Hoa Kỳ: C.C.C. (Chinese Combat Command), A.G.A.S. (Air Ground Aid Service), O.S.S. (Office Strategic Services) và binh đoàn không quân thứ 14 Hoa Kỳ U.S. Air Force 6) , cũng như lực lượng của Anh Quốc dưới quyền chỉ huy của Lord Louis Mountbatten. Nhóm MI5 gồm có tùy theo giai đoạn, khoảng từ 30 đến gần 50 nhân viên quân sự, liên lạc trực tiếp với Đại sứ Pháp và Phái bộ quân sự Pháp tại Trùng Khánh (Trung Quốc). Trong những chiến dịch của MI5 trong thời điểm đó có hai chiến dịch về hướng biên giới Bắc bộ được đặt tên là chiến dịch Picardie, hoạt động ở Cao Bằng, và chiến dịch Berry, hoạt động ở Lào Cai. Sau khi rút lui ra khỏi Bắc bộ thì tướng Alessandri đồng ý hỗ trợ hoàn toàn nhiệm vụ của MI5, nên MI5 được tăng cường thêm đáng kể với bộ phận tình báo S.E. của quân đội Pháp tại Đông Dương.
Lực lượng quân đội Pháp tại Bắc bộ khi ấy chỉ gồm có khoảng 7.500 người, cộng thêm với lính bản xứ có tổng cộng 38.000 người, trong khi đó quân Nhật đổ vào Bắc bộ đến 60.000 người, chiếm đóng tất cả mọi đường xá và các cơ sở quan trọng.
Ngày 26 tháng 7 năm 1945, tại Paris, Sainteny nhận được điện tín báo tin ba cường quốc Nga, Anh và Hoa Kỳ đã quyết định tại hội nghị Postdam 7) , không có sự tham dự của Pháp, cắt Đông Dương làm hai mảnh tại vĩ tuyến thứ 16 8) và quân đội Trung Quốc sẽ tiến vào Bắc bộ.
Qua trung gian của một sĩ quan người Việt trong quân đội Pháp tên là Phác, Sainteny được nối kết với Nguyễn Tường Tam, một trong những người lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà vào ngày 24.03.1945 Sainteny đã giới thiệu Nguyễn Tường Tam với đô đốc Thierry d’Argenlieu trong cuộc gặp gỡ tại Vịnh Hạ Long. Nguyễn Tường Tam khi ấy là Bộ trưởng bộ Ngoại giao của chính phủ Hồ Chí Minh thành lập ngày 02-03-1945.
Trong khi đó, Sainteny chỉ gặp Hồ Chí Minh lần thứ nhất vào cuối tháng 10-1945, cho dù tướng Alessandri và ông Pignon đã nối kết liên hệ với Hồ Chí Minh từ ngày 28 tháng 9 năm 1945. Cũng trong khoảng thời gian đó Sainteny nhận được, do O.S.S. chuyển, một bản yêu cầu của “Viet-Minh League” đòi hỏi chủ quyền độc lập. Trước đó, vào ngày 02 tháng 7 năm 1945, người chỉ huy chiến dịch Picardie tại Cao Bằng, ông Revol, gặp một đại diện của Việt Minh tên là “Vang”, đi cùng với một người “thông dịch” nói hoàn toàn thông thạo tiếng Pháp, Việt và Trung, họ đề nghị một cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Việt Minh và Phái bộ quân sự Pháp. Một cuộc kết nối liên lạc thứ ba giữa Sainteny và Việt Minh được một người Mỹ tên là Gordon, đề nghị làm trung gian cho một cuộc gặp gỡ giữa Sainteny và Hồ Chí Minh, hoặc là tại Vân Nam hay tại Cao Bằng.
Quả bom nguyên tử rơi xuống tại Hiroshima vào ngày 07-08-1945 đã làm thay đổi tất cả mọi tình huống tại Đông Dương. Ngày 15-08-1945 tin thông báo chấm dứt Đệ nhị thế chiến tại Đông Dương loan ra như sấm sét, phái bộ quân sự Pháp quyết định phải trở về Hà Nội. Sau nhiều ngày giằng co với O.S.S., cuối cùng, trên một chiếc Dakota 908, vào ngày 22-08-1945, Sainteny được hộ tống bởi thiếu tá Patti của O.S.S. Hoa Kỳ, cùng với 2 người lính Hoa Kỳ và hai người lính Pháp, tất cả đều mặc quân phục, và có vũ trang, nhảy dù xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội, và được quân Nhật canh gác ở đó “đón tiếp”. Hà Nội đã ngập cờ đỏ sao vàng. Họ được đưa về khách sạn Metropole. Sau đó, người sĩ quan Nhật Ogoshi đồng ý cho Sainteny được đưa về tiếp quản Dinh Toàn quyền, sự việc đã đem đến một hậu quả tai hại cho Ogoshi. 9). Đây là lần thứ nhất Sainteny thành công trong nhiệm vụ đến được Hà Nội.
Qua sự trung gian của thiếu tá người Mỹ Patti, sáng ngày 27-08-1945, Sainteny đã tiếp ông Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Dương Đức Hiền, bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ngày 02-09-1945 Sainteny chứng kiến buổi mít tinh tuyên bố độc lập của Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Rồi ngày 10 tháng 9-1945 Sainteny bị quân đội của Tưởng Giới Thạch gây áp lực “mời” ra khỏi Dinh Toàn Quyền. Đạo quân của Tưởng Giới Thạch lên đến gần 200.000 người tại miền Bắc.
Trong nhiệm vụ thứ hai, Sainteny trở lại Hà Nội trong chức vụ chính thức “Cao ủy Cộng Hòa Pháp tại Bắc bộ (Tonkin) và miền Bắc Trung bộ (Nord-Annam)” 10) vào ngày 05-10-1945, ông được hỗ trợ bởi ba bộ phận chính là văn phòng Cao ủy, hành chính và tình báo.
Sau sáu tháng thương thuyết bí mật với Hồ Chí Minh, Sainteny và Hồ Chí Minh đồng ý ký Hiệp định Sơ bộ ngày 06 tháng 3 năm 1946. Tướng Leclerc và binh đoàn của ông vào Hà Nội ngày 18 tháng 3 năm 1946. Tiếp nối theo đó là sự kiện Hồ Chí Minh chính thức nhận lời mời là khách quốc gia sang thăm nước Pháp, do Sainteny tổ chức đón tiếp. Đồng thời, hội nghị Fontainebleau được mở ra ngày 06 tháng 7 năm 1946 để thảo luận tiếp tục trên tinh thần của Hiệp định Sơ bộ 06-03, nhưng hội nghị này bị thất bại vì trên thực tế, một số thế lực của Pháp không muốn đi đến thỏa thuận. Phái đoàn Việt Nam tại Fontainebleau do thủ tướng Phạm Văn Đồng lãnh đạo quyết định đình chỉ cuộc thương thuyết. Do đó, Hồ Chí Minh và Marius Moutet ký bản Tạm Ước (modus vivendi) ngày 14-09-1946 tại Paris. Hồ Chí Minh lên đường trở về Hà Nội vào ngày 19-09-1946.
Nhiệm vụ thứ ba của Sainteny ở Đông Dương được bắt đầu ngày 26 tháng 11 năm 1946, với tư cách là Toàn quyền Đông dương có quyền lực về cả dân sự lẫn quân sự, nhưng Sainteny chỉ đến được Hà Nội vào ngày 02-12-1946 11). Nhưng tình hình xấu đi vì sự kiện Hải Phòng xảy ra vào ngày 20-22.11.1946, dẫn đến việc Tổng khởi nghĩa ngày 19-12-1946. Xe chở Sainteny tại Hà Nội bị trúng mìn, nổ, cháy, Sainteny bị thương nặng với 20 mảnh đạn. Vào tháng 3 năm 1947 Sainteny được triệu hồi về Pháp để điều trần trước Quốc hội Pháp về tình hình Đông Dương, ông được bổ nhiệm phụ tá bộ trưởng bộ nước Pháp hải ngoại trong chức vụ Cao ủy Chính phủ.
Dưới ảnh hưởng của Léon Pignon, cựu cộng tác viên của Sainteny trong giai đoạn Hiệp ước Sơ bộ năm 1946, nhưng được xem là rất gần gũi với đô đốc Thierry d’Argenlieu, Pignon đã trở thành Cao Ủy Đông Dương kể từ ngày 20-10-1948 cho đến tháng 12 năm 1950 và chủ trương “giải pháp Bảo Đại”, đạo luật ngày 02 tháng 02 năm 1950 do Quốc hội Pháp thông qua chấp thuận những văn kiện đã được ký kết bởi Cao Ủy Đông Dương Émile Bollaert với tướng Nguyễn Văn Xuân tại Vịnh Hạ Long vào ngày 05-06-1948 và những văn kiện trao đổi ngày 08-03-1949 của Bảo Đại với tổng thống Pháp Vincent Auriol là những văn kiện nền tảng cho quan hệ của Pháp với nước “thành viên” Việt Nam (État associé, như Lào và Cam Bốt trong Liên Hiệp Pháp), có nghĩa là chỉ công nhận “giải pháp Bảo Đại” tại Việt Nam. 12) Các Cao ủy Đông Dương tiếp theo Pignon là Jean de Lattre de Tassigny từ 17-12-1950 đến 11-01-1952 và Jean Letourneau từ 01-04-1952 đến 27-04-1953.
Năm 1953 Sainteny xuất bản tác phẩm ” Histoire d’une paix manquée” (Lịch sử một nền Hòa bình bị bỏ lỡ) với nhiều thông tin và hình ảnh quý giá về tình hình miền Bắc trong khoảng thời gian quân Nhật đảo chánh quân Pháp và miền Bắc oằn oại dưới ba lực lượng quân sự nước ngoài của Pháp, Nhật và quân Tưởng, cũng như cuộc thương thuyết kéo dài suốt 6 tháng với Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ thứ tư của Sainteny được giao phó bởi Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Pierre Mendès-France vào ngày 25 tháng 7 năm 1954 với nhiệm vụ là Đại diện của nước Pháp tại Hà Nội để giải quyết các công việc liên quan đến Hiệp định Genève vừa được ký kết vào ngày 21-07-1954. Sau bốn năm thi hành nhiệm vụ Sainteny trở về Pháp vào năm 1958. Sainteny là một cộng sự viên tích cực và được tin cậy của tướng Charles-de-Gaulle.
Năm 1958 Sainteny được bổ nhiệm là thành viên của Conseil de l’Ordre de la Libération. Từ năm 1959 đến 1962, Sainteny là Tổng ủy viên về Du lịch (Commissaire général au Tourisme).
Trong tư cách dân biểu của thành phố Paris (nhiệm kỳ 25-11-1962 đến 06-01-1963), Sainteny được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng bộ Cựu chiến binh và nạn nhân chiến tranh trong chính phủ của tổng thống Pompidou từ tháng 12-1962 cho đến 01-1966.

Henry Kissinger bước ra khỏi biệt thự số 11, đường Darthé ở Choisy-Le-Roi thuộc ngoại ô Paris sau những lần thương thuyết bí mật với Lê Đức Thọ, Xuân Thủy…trước khi ký kết Hiệp định Paris 1973
Nhiệm vụ thứ năm của Sainteny vào tháng 7 năm 1966 được giao phó bởi tướng Charles-de-Gaulle đến Hà Nội gặp chủ tịch Hồ Chí Minh trong mục đích tìm một giải pháp thương thuyết để giải quyết tình trạng chiến tranh và oanh tạc miền Bắc của lực lượng quân đội Hoa Kỳ. Kể từ thời điểm này thì Sainteny chính là người đã nối mối dây liên lạc giữa tổng thống Nixon và Henry Kissinger với những nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam để tổ chức những cuộc thương thuyết bí mật giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ tại Paris, sửa soạn cho công việc thương thuyết và kết thúc chính thức Hiệp định Paris giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào năm 1973. Ông Lê Đức Thọ sau đó đã từ chối nhận giải Nobel cho Hòa Bình cùng với Henry Kissinger.
Kể từ năm 1967 cho đến 1972 Sainteny là thành viên của hội đồng quản trị của Air France, mà ông trở thành chủ tịch của conseil d’administration de l’Office général de l’Air kể từ năm 1969.
Năm 1968 Jean Sainteny sáng lập Institut international bouddhique (Học viện quốc tế Phật giáo) và từ đó sáng lập ra chùa Phật giáo trong rừng Vincennes, nơi đã cử hành lễ cầu siêu cho vua Duy Tân vào ngày 28.03.1987 13) trước khi đưa di hài của nhà vua về Huế.
Nhiệm vụ thứ sáu của Sainteny là đại diện chính phủ Pháp đến tham dự tang lễ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 09-09-1969 tại Hà Nội, mà sau đó, trong tác phẩm Face à Hô Chi Minh (Đối diện với Hồ Chí Minh) Sainteny viết bài mở đầu “Vĩnh biệt” một cách xúc động.
Năm 1970 nhà xuất bản Editions Seghers Paris xuất bản tác phẩm với tựa đề nguyên tác “Au Vietnam, face à Ho Chi Minh” của Jean Sainteny, 216 trang. Tác phẩm này sau đó được xuất bản lại dưới đề tựa “Face à Hô Chi Minh” bởi nhà xuất bản Editions Atlanta, Kontich-Anvers.
Kể từ tháng 3 năm 1968 đến tháng 3 năm 1977, Sainteny là thành viên của Conseil constitutionnel (Hội đồng Hiến pháp, thành viên được bổ nhiệm bởi quyết định của tổng thống Pháp hay của Chủ tịch quốc hội Pháp).
Jean Sainteny được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý của nước Pháp:
• Grand Officier de la Légion d’Honneur
• Compagnon de la Libération – décret du 22 décembre 1945
• Croix de Guerre 39/45 (4 citations)
• Croix de Guerre des TOE
• Médaille de la Résistance avec rosette
• Médaille Coloniale avec agrafe “Extrême-Orient”. Jean Sainteny đột ngột qua đời vào ngày 25 tháng 2 năm 1978 tại Paris, hưởng thọ 70 tuổi. Tang lễ của ông được cử hành trọng thể tại nhà thờ trong khuôn viên bảo tàng quân đội, nơi vinh danh những người có công trạng với tổ quốc Pháp l’Eglise Saint-Louis des Invalides à Paris. Phần mộ của Jean Sainteny đặt tại Aignerville thuộc khu vực Calvados vùng Normandie nước Pháp. MTT26042016
Tài liệu tham khảo:
1. Biographie de l’Ordre de la Liberation
2. Biographie de l’Assemblée Nationale
3. Histoire d’une paix manquée – Indochine 1945-1947, Jean Sainteny, Edition Amiot-Dumont, Paris 1953
4. Face à Hô Chi Minh, Jean Sainteny, 1970, Editions Atlanta, Kontich-Anvers.
5. Dấu Xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, Mathilde Tuyết Trần, nhà xuất bản Trẻ, TPHCM 2011
Chú thích:
1 Histoire d’une paix manquée – Indochine 1945-1947, Jean Sainteny, Edition Amiot-Dumont, Paris 1953, p 23
2 Face à Ho Chi Minh, p. 64
3 D.G.E.R. là viết tắt của Direction générale des Études et Recherches, cơ quan tình báo Pháp được sáng lập vào năm 1944, và C.L.I. là viết tắt của Corps Leger d’Intervention
4 Histoire d’une paix manquée, S.L.F.E.O. là viết tắt của Section de Liaison Française en Extrême-Orient, p. 24
5 Histoire d’une paix manquée, p. 18
6 Histoire d’une paix manquée, p. 20
7 Xem Dấu Xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, Mathilde Tuyết Trần, nhà xuất bản Trẻ, TPHCM 2011, trang 241
8 Histoire d’une paix manquée, p. 49
9 Histoire d’une paix manquée, p. 74
10 Có nghĩa là cho đến vĩ tuyến thứ 16, nằm ở phía Nam Đà Nẵng, cách Đà Nẵng 16 cây số.
11 Face à Ho Chi Minh, p. 118
12 Xem thêm tác giả Varga Daniel với bài viết “Léon Pignon, l’homme-clé de la solution Bao Dai et de l’implication des États-Unis dans la Guerre d’Indochine“. Trong: Outre-mers, tome 96, n°364-365, 2e semestre 2009
13 Xem Dấu Xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, Mathilde Tuyết Trần, nhà xuất bản Trẻ, TPHCM 2011, trang 205
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.