Những kỷ niệm Paris, métro, boulot, dodo…

Những kỷ niệm Paris, métro, boulot, dodo…©Mathilde Tuyết Trần – France 2016, https://mttuyet.fr

Một trong những cái thú vui sinh viên thời trẻ ở Paris là đi métro. Những năm 50, 60 đó thì métro còn rất là hiện đại với mọi người, tiện, vui và rẻ. Còn rẻ hơn nữa khi đám trẻ tìm đủ mọi cách để đi không tốn tiền như đi vào bằng ngõ người ta đi ra, chui rào, nhẩy rào…mà nghe văng vẳng trong tai bài hát của Serge Gainsbourg …” Je suis le poinçonneurs des Lilas…” của năm 1958/1959.

Trời lạnh mùa đông chui xuống métro thì ấm hẳn lại, hơi sưởi và hơi ấm của hàng vạn người di chuyển dưới lòng đất, sưởi ấm nền của cả thành phố Paris. Trời nóng bức mùa hè thì những luồng gió dưới hầm khiến cho métro mát hơn bên trên, thậm chí, nếu không biết tránh gió luồng lại dễ bị cảm cúm ngay.

Thời xưa, các anh thuộc thế hệ sang du học trước thường hãnh diện là thuộc bản đồ métro như thuộc lòng bàn tay của mình, thích dắt đứa em gái mới qua bỡ ngỡ là tôi đi khắp các tuyến métro để chỉ cho đường đi nước bước.

Xem vậy mà phải “học” trong suốt một tuần lễ, vì cứ chui lên chui xuống hai, ba địa điểm trong một ngày là mệt đừ. Tôi còn nhớ như in những điểm nóng nhất là khu quận 5 với các trạm thường xuống là trạm Monge, Jussieu, Cardinal Lemoine và Maubert Mutualité vừa đi học…vừa hò hẹn nhau. Đi ăn thì gặp nhau ở Monge, đi ăn tết Việt thì tụ họp ở Maubert, đi học thì khỏi cần phải nói, ai cũng phải tự biết, nhưng còn hò hẹn nhau thì…phải giấu…trong vườn hoa Jardin du Luxembourg hay Jardin des Plantes (ít hơn), nhưng nếu muốn kiểu “lãng mạn cách mạng” thì phải hẹn gặp nhau ở vòi nước Saint-Michel ở đầu đường ” Boul’Saint-Mich’ “, hay đứng chờ nhau thẩn thơ bên dòng sông Seine ngay dưới chân nhà thờ Đức Bà Notre-Dame, vừa lững lờ nhìn dòng nước cứ trôi vừa tự nghĩ, lâu quá chưa đọc lại Victor Hugo, lỡ có ai hỏi mà quên ấm ứ thì là “quê một cục”. Kiểu nói này có lẽ không ai còn nhớ. Hầu như đa số kỷ niệm của những tuổi trẻ Việt Nam mài đũng quần tại Paris đều gắn bó với khu vực đại học, quartier latin.

Đôi khi dắt bạn đi thăm, tôi trở về với những kỷ niệm mà không nói hết được những ngày lang thang ở các tiệm sách, hay trên đường rue des Écoles. Tôi mê sách, thường ghé vào các tiệm sách, thấy cuốn nào cũng muốn mua, cứ đứng tần ngần đếm tiền trong túi, mua sách thì hết tiền ăn, thời ấy, làm gì có “thẻ tín dụng ngân hàng” tha hồ mà chìa thẻ ra ăn xài vượt mức, chỉ có bấy nhiêu đó tiền bỏ túi cho cả một tháng.

Dạo ấy, hễ sang được đến Paris thì cái đánh giá nhau chỉ nằm ở có một chữ: học giỏi (hay không giỏi). Các anh khoe nhau khiến cho bọn đàn em lé mắt: anh thì đã học ở Lycée Henri IV, anh thì đang làm 3ème cycle (tiến sĩ), anh thì thủ khoa (bọn Tây cùng lớp không đứa nào địch lại nổi !), anh thì đã ra bác sĩ, anh thì đã kỹ sư vừa đi làm vừa học lên….những niềm “hãnh diện” của Việt Nam. Tiếc là phái nữ Việt Nam có ít người theo kịp, không phải vì thiếu khả năng trí tuệ, mà phần lớn là do hoàn cảnh.

Nhưng nói chung, thời ấy các anh có cùng một cái khó khăn là kiếm vợ. Tôi nhớ mãi chuyện nhà anh D. vì tôi được trọ nhà anh. Khi ấy, khu vực cité (université) ít có phòng trống, nhiều người trẻ Việt Nam đã phải “lánh” qua khu vực Ivry-sur-Seine, phía bên kia vành đai xa lộ, để thuê nhà ở cho rẻ hơn. Ba người bạn, các anh D., X., H. thuê chung nhau một appart có ba phòng. Anh H. nhường phòng cho tôi tạm trú, tìm “cách” có lý do đi tạm trú ở nhà bạn gái. Anh D. đang làm chuyên khoa trong bệnh viện và sắp cưới vợ, nghe nói vợ anh nhà giầu lắm, mua nguyên cả một khúc đường của Paris. Bất ngờ một hôm có một cô đầm, xông vào nhà, ném lung tung đồ đạc xuống đường, từ trên lầu 11 xuống…Hóa ra cô ấy là y tá và đã có với anh D. một đứa con. Gia đình vợ sắp cưới tuyên bố từ hôn…, bà đầm đánh ghen có hiệu quả đấy chứ. Còn cái giường của anh H. thì trời ơi, đêm đầu tiên nằm lên ngủ thiếp vì quá mệt, đến nửa đêm tôi giật bắn dậy, ngứa như điên cuồng: rệp ! Phải vào phòng tắm ngâm mình trong nước nóng cho đỡ ngứa, rệp cắn suốt nguyên cả một bên sườn, rồi ngồi chong ngóc thức luôn cho đến sáng…Buổi sáng thì, các anh chạy ra đường mua baguette, bữa điểm tâm chỉ có bánh mì quét bơ và cà phê sữa, rồi mạnh ai nấy úa nhau ra đường, lấy métro, đi học đi làm. Những ngày đầu không quen, không ăn uống gì cả (chưa biết uống cà phê, ở nhà chỉ được uống trà), trời thì lạnh, đến khoảng 9, 10 giờ là đói lả, phải ăn, phải uống, thế là dần dà quen với kiểu bánh mì cà phê buổi sáng “như Tây”.

Các cụ cứ sợ, cho con gái một thân một mình đi du học ra nước ngoài thì thể nào cũng “hư”, xa gia đình cha mẹ, không ai răn bảo. Thế mà đúng như in, tôi “hư” thật đấy ạ (ngần tuổi này thì dám nhìn nhận là mình hư thật, chứ còn sợ gì ai nữa, phải không). Các món như tập hút thuốc lá, tập nhẩy đầm, tập uống rượu, tập uống cà phê, tập chơi “lắc tin” ở quán…toàn là những món “hư” mà tôi đã học ở Paris. Cuối tuần rảnh rỗi, các anh dắt đi métro những chỗ “đi chơi”, như đi trạm Étoile hay Concorde, đi lên đi xuống đại lộ Champs-Élysées, vào Pub Renault nhẩy đầm, nghe nhạc sống, nhất là trong dịp Quốc khánh Pháp “cắt tóc phi dê” 14 tháng 7. Đi trạm Louvre vào xem bảo tàng Louvre. Đi trạm Invalides vào viện Bảo tàng quân đội xem những kỷ vật của Đông dương. Đi trạm Porte de Charenton ngồi dưới chân cầu Pont Napoléon III trong quận 12 xem nước sông Seine chảy chán thì đi về…Đi Trocadéro xem tháp Eiffel, chụp hình gửi về cho gia đình rằng con đang ở Paris !

Còn bạn gái ? chủ yếu là khoe sắc đẹp, kiểu tóc, quần áo, thời trang, giầy dép, sắc tay và nhất là khoe chồng, phân chia giai cấp “trường Tây/trường Việt” nên những trạm métro của bạn gái thì khác. Những con đường bán quần áo rất đắt tiền như rue du Faubourg Saint-Honoré, rue de Rivoli, Champs- Élysées, hay một cấp bực thấp hơn là Galleries Lafayette ở trạm Chaussée D’ Antin, những cửa hàng ở Chatelet-Les Halles hay ở Montparnasse…Ôi chao, quần áo và tất cả những thứ sản phẩm xa xỉ thì không thể mua hết được ở Paris ! nhất là trong thời gian tôi chỉ dám cầm lên những cái quần jean giá 30 quan ở Tati, Bon Marché hay ở rue de Rennes… Quần áo may ở Việt Nam mà má tôi chất đầy hai cái va li lúc đi thì không dám mặc ở Paris vì ngượng, nó “cổ lỗ xĩ” làm sao, thiếu sự trẻ trung đang hiện diện ở Paris, đó là cái quần jean xanh và cái áo T-shirt trắng, hay cái mini-jupe yéyé và đôi giầy ballerines !

Sáng sớm, métro đầy ắp, chen chúc nhau những người đi làm, đi học. Sau chín giờ thì là các bà nội trợ đi chợ, người già đi bác sĩ, các bà mẹ đẩy trẻ con…sử dụng métro…nên trong ngày có ba đợt sóng người rõ rệt trong métro, sáng sớm, trưa và sau 17 giờ chiều, giờ tan tầm, tan sở. Bởi thế mới có câu “métro, boulot, dodo” (đi métro, đi làm, đi ngủ) để nói lên đời sống hàng ngày của thành phần công nhân viên lao động phục dịch cho đời sống sang trọng tại Paris, những người giầu có sang trọng chỉ di chuyển bằng xe hơi trên mặt đất, chỉ có thành phần nghèo và tiểu trung lưu mới phải sáng chui xuống, chiều chui lên từ những cái miệng hầm métro, không nhìn thấy được ánh sáng mặt trời.

Gần nửa thế kỷ đã trải qua kể từ khi tôi nếm mùi métro, các tấm lót bằng nhựa đen của các toa tầu cũ kỹ đã bóng loáng, trơn tuột do vết chân người, métro ngày hôm nay, 2016, không thấy thay đổi chi mấy, cũng những con đường nối các trạm như xưa, cũng những cầu thang dốc cao ngất, cũng cái mùi không khí như 50 năm về trước. Có những giai đoạn, métro vui hẳn lên vì nhiều nhạc sĩ tứ xứ đàn hát kiếm tiền của khách qua lại trong những đường hầm, nhưng bây giờ lại ít đi, vì cũng ít người có tiền để cho, họ cũng cần 1 euro để mua 1 cái baguette cho chính họ. Sau giờ người đi làm, thì trong métro là khuôn mặt của những người thất nghiệp, buồn nản, và của những du khách ba lô thế giới, hấp tấp kéo những cái va li nặng chịch đi về hướng Gare du Nord, Gare de l’Est…, du khách giầu có thì di chuyển bằng xe bus, xe taxi…trên mặt đất. Dạo này, những người không cửa không nhà không thấy còn nằm lê la trong métro nữa, những đám thanh niên ăn không ngồi rồi kéo nhau đi hà hiếp thiếu nữ cũng không thấy nữa, con gái tôi đã từng bị một bọn thanh niên tám người tấn công, may mà cháu đã có học võ biết tự bảo vệ chút ít, tình trạng chống khủng bố cũng khiến cho tình hình an ninh trong métro được canh gác nhiều hơn trước.

Các trạm métro của thành phần châu Á, của người Việt thì đã chuyển hướng dần dần kể từ thập niên 1970 về quận 13, trạm Place d’Italie, Tolbiac đến Porte de Choisy, hay trạm Belleville, tiếp giáp với quận 19, đó là hai khu vực tập trung người châu Á đông nhất, buôn bán sầm uất, khiến cho giá thuê nhà, bán nhà ở đó tăng vọt.

Bạn sang chơi Paris, tôi đều dắt đi métro cho biết mùi vị, để nghe những tiếng chân bước rần rật, hối hả của những người lao động phải chạy theo cho kịp cái đồng hồ, trong lo sợ bị chủ đuổi mất việc. Hễ métro vắng vẻ, buồn bã thì đó là cả một dấu hiệu không tốt cho Paris và cho nước Pháp, dù ít nhiều, dù không phải là thước đo khoa học kinh tế, nhưng métro phản ánh âm thầm tình trạng tâm lý của đời sống bình dân Paris. Métro buồn vắng thì Paris cũng buồn vắng. Nhiều người Pháp, những người ở trên khắp nước Pháp rộng lớn, không thích Paris, thậm chí còn oán ghét Paris như trước cách mạng 1789 vì Paris là nơi tập trung tất cả mọi quyền lực, tất cả mọi sự giầu có của nước Pháp, thể hiện một sự bất bình đẳng, nên những người dân “parisien” hợm hĩnh có thêm tên là les “parigo” một cách mỉa mai…(a le look coco…!).

Thế hệ những người Việt thời cha mẹ tôi, các bậc đàn anh đàn chị của tôi, có lẽ ít ai quên câu hát ” J’ai deux amours, mon pays et Paris…” nhưng Paris được ngợi ca đó, được yêu mến đó là Paris đẹp tuyệt vời, Paris của cái nôi văn hóa, của ký ức văn hóa, của tinh thần cách mạng tư sản dân chủ 1789, của lãng mạn mỹ thuật, của tinh hoa văn minh tiến bộ, cúa chiến thắng kháng chiến chống phát xít quân phiệt, của Tự Do, Công Bằng, Tương Trợ… của cả nhân loại. Nhưng thật tình mà nói, có cần thiết phải khen một Paris của những thói giả tạo, mầu mè, hợm hĩnh, khoe khoang, mù quáng, ngoan cố, đần độn, kiêu ngạo…? Yêu và ghét, luôn là hai mặt của cuộc đời. C’est la vie ! MTT 22-04-2016

PS: trong những bài hát về Paris….

Lời nhạc bài hát của Serge Gainsbourg, 1959

Je suis le poinçonneur des lilas
Le gars qu’on croise et qu’on ne regarde pas
Y a pas de soleil sous la terre, drôle de croisière
Pour tuer l’ennui, j’ai dans ma veste
Les extraits du Reader’s Digest
Et dans ce bouquin y a ecrit
Que des gars se la coulent douce à Miami
Pendant ce temps que j’fais le zouave
Au fond de la cave
Parait qu’il y a pas de sots métiers
Moi je fais des trous dans les billets

J’fais des trous, des p’tits trous, encore des p’tits trous
Des p’tits trous, des p’tits trous, toujours des p’tits trous
Des trous de seconde classe, des trous de premiere classe.

J’fais des trous, des p’tits trous, encore des p’tits
Des p’tits trous, des p’tits trous, toujours des p’tits trous
Des petits trous, des petits trous, des petits trous, des petits trous

Je suis le poinçonneur des lilas,
Pour Invalides changer à l’Opéra,
Je vis au coeur de la planète
J’ai dans la tête un carnaval de confettis
J’en ammene jusque dans mon lit.
Et sous mon ciel de faïence
Je ne vois briller que les correspondances

Parfois je rêve, je divague, je vois des vagues
Et dans la brume au bout du quai
Je vois un bateau qui vient m’chercher

Pour sortir de ce trou, je fais des trous
Des p’tits trous, des p’tits trous, toujours des p’tits trous

Mais le bateau se taille
Et je vois que je déraille
Et je reste dans mon trou à faire des p’tits trous
Des petits trous, des petits trous, des petits trous, des petits trous

Je suis le poinçonneur des lilas,
Arts et Métiers direct par Levallois
J’en ai marre, j’en ai ma claque de ce cloaque.
Je voudrais jouer la fille de l’air
Laisser ma casquette au vestiaire.

Un jour viendra, j’en suis sur
Où je pourrai m’évader dans la nature
J’partirai sur la grand route
Et coute que coute
Et si pour moi il est plus temps
Je partirai les pieds devant.

J’fais des trous, des p’tits trous, encore des p’tits trous
Des p’tits trous, des p’tits trous, toujours des p’tits trous

Y a d’quoi devenir dingue
De quoi prendre un flingue.
S’faire un trou, un p’tit trou, un dernier p’tit trou.
Un p’tit trou, un p’tit trou, un dernier p’tit trou

Et on me mettra dans un grand trou.
Et j’n’entendrais plus parler de trous
Des petits trous, des petits trous
Des petits trous, des petits trous