Martinique, ảo ảnh một thiên đường

Martinique, ảo ảnh một thiên đường ©Mathilde Tuyết Trần, France 2016 https://mttuyet.fr

Martinique là một trong những điểm hẹn du lịch của thế giới. Hòn đảo xinh đẹp đầy hoa này thu hút du khách bốn phương, nhất là khi các điểm du lịch khác bị xáo trộn bởi tình hình an ninh, khủng bố thời sự.

MTT_Balata2

Một loài hoa đặc biệt của đảo Martinique, mọc trên cành hoa thẳng từ đất, cành cao khoảng 1-1,2 mét. Ảnh chụp trong vườn hoa Balata, là một vườn treo trên sườn núi, có cả một đoạn cầu chăng dây trên cây như ở Buôn Đôn, Ban Mê Thuột Việt Nam. Giá vé vào cửa khá đắt, 12 euros/người. Photo: MTT2016

Martinique và Việt Nam
Cảm giác đầu tiên khi đến Martinique là từ khí hậu cho đến hoa lá, phong cảnh đều có vẻ quen thuộc, rất giống một nơi du lịch biển, một thành phố của Việt Nam, nhưng sạch sẽ, hiện đại hơn một chút. Hoa bông giấy đủ mọi mầu sắc, hoa đại…cả cây tha la, cây bàng, cây đước, cây me, cây ổi, cây xoài, cây dừa, cây cọ, cây đa, cây phượng, cây mía, cây chuối…ở đây gợi nhớ Việt Nam. Phi trường quốc tế Fort-de-France nhỏ như phi trường của một thành phố tầm trung bình của Việt Nam, đường bay nằm sát bờ biển, nên khi máy bay sắp hạ cánh, đã bay lượn một vòng chờ gió rất thấp, 350 mét trên mặt nước biển, nhưng vẫn bị gió thổi ngang thì chao đảo như cánh chim bơ vơ trong bão biển, khiến hành khách ai nấy đều thót bụng, sợ chuyến này sẽ rơi xuống biển xanh. Bay xuống Huế, Qui Nhơn, Điện Biên Phủ hay Phú Quốc tôi lại không sợ bằng.
Điều làm cho tôi cảm động ngay là trên hòn đảo giữa biển xa xôi ngàn dặm này, khi lái xe đến một vòng quay trên đường từ phi trường Fort-de-France chạy về hướng thành phố Schoelcher, người đón tôi bảo là „Đây là vòng quay Việt Nam Anh Hùng !“ (Le rondpoint Vietnam Héroïque). Không thể xuống xe để chụp hình vì xe cộ chạy liên tục chung quanh trục quay lưu thông ấy, nhưng địa chỉ „Rondpoint Vietnam Héroïque“ là một địa chỉ quen thuộc tại Fort-de-France. Một nhà thơ của đảo, ông Marc Alexandre Oho Bambe, đã viết một bài thơ dài mở đầu bằng những câu thơ:

Bienvenue
Au Rond-point du Vietnam Héroïque
Rond-point de tous les possibles
Ici Césaire souriant
Apostrophe Senghor, Damas et Alioune Diop
Ils boivent Black Label et refont notre monde
Avec Breton, Neruda, Genet, Fanon, et Glissant…

MTT_Clément-20

Cây phượng vĩ đang nở hoa đỏ thắm trong khuôn viên của trang trại Habitation Clément

MTT_Carbet2016

Bãi biển Le Carbet thuộc về hướng biển caribique – Photo: MTT2016

Hàng năm vào ngày 22-05 đã thành thông lệ thì những tiếng trống nổi lên ở đây, rất nhiều người của đảo đến tụ tập biểu tình tại Rondpoint Vietnam Heroiïque trong ý nghĩa biểu dương mầu da và mầu sắc dân tộc của họ, ngoài sự than van về số phận nô lệ đã trải qua. Đặc biệt, phụ nữ Martinique cũng biểu dương tinh thần tranh đấu cho bình đẳng và tự do bằng lời ca, tiếng nhạc và những điệu múa ngay tại vòng quay bên dưới đường xa lộ cao tốc.

MTT_croisieresFdF2016

Du thuyền đang về cảng Fort-de-France

 Martinique và du lịch
Vào mùa lễ Phục sinh 2016, có thể nói không còn một chỗ trống trong các khách sạn, nhà trọ…họ tha hồ đẩy giá lên cao, vì ai đã đến đây rồi thì bị bắt buộc phải tìm cho ra một chỗ tạm trú. Các khu du khách nghẹt kín người như ruồi bu kiến đậu. Một số nhân viên khách sạn không buồn chào hỏi cười mời khách, họ chỉ cần nhếch mép buông ra hai chữ „complet !“, đầy rồi, là xong chuyện. Cũng cảm giác đầu tiên là một số người phục vụ trong ngành du lịch có lẽ đã chán ngán nghề nghiệp của họ, hay bị chủ bóc lột quá sức nên thiếu hẳn một sự vui vẻ lịch sự tối thiếu, hiếu khách, không nói chi đến việc „chiều khách“, trả lời theo kiểu „quân sự“, có, không, lạnh lùng, miễn cưỡng.
Như hàng năm thường lệ, dọc bãi biển ở khu vực làng Carbet, nơi Christoph Columbus đã khám phá ra hòn đảo cập bến vào Carbet đầu tiên vào ngày 15-06-1502 và đặt tên cho hòn đảo là Maridina, kể từ thứ năm trước lễ Phục sinh, những „làng lều“ mọc lên ngay trên bãi cát làm chỗ nghỉ chân. Đông đến thế. Lại đang mùa rùa đẻ, nên những người bảo vệ môi trường phải cắm biển lưu ý du khách không nên dẫm đạp lên những ổ trứng rùa đào trên bãi biển.
Ngủ trong lều trên cát ngay sát bờ biển cũng có cái thú vị của nó, nếu không sợ động đất hay sóng thần. Chỉ trong tuần lễ vừa qua, đã có hai lần động đất được cảm thấy rõ rệt, nhất là lần thứ hai, những tiếng „boòong boòong boòong…“ của sóng đất nghe thấy rõ, khiến cho người đang ngủ phải thức dậy, hồi hộp.
Đảo Martinique cách bờ biển Venezuela 440 km, New York 3.150 km và Paris 6.850 km đường chim bay.
Tự do ? Không có tiền thì làm gì có tự do di chuyển ? Chung quanh hòn đảo thì tứ phía bốn bề là nước ! Chạy đi đâu với hai cái chân ? Có phải như ở lục địa, chỉ cần leo lên xe hơi, xe bus, xe điện, xe lửa…thậm chí đi bộ, đi autostop cũng thoát thân, cũng di chuyển được từ A đến B.

MTT_clement33

Tại khu vực “Habitation Clément”, Martinique, tổng thống Hoa Kỳ George Bush và tổng thống Pháp François Mitterand đã gặp nhau song phương vào ngày 14-03-1991 để bàn thảo về “tình hình thế giới, sự chiến thắng của Đồng Minh tại khu vực Golfe và sự giúp đỡ nước Kuwait được độc lập” – Photo:MTT2016

MTT_Marti105

Chợ trung tâm của cảng Fort-de-France bán nhiều sản phẩm kỷ niệm cho du khách, đặc biệt có cả một loại cây thuốc (Bois bondé) để kích thích dương vật – Photo: MTT2016

MTT_Marti115

Trời trong xanh, biển cũng trong xanh, nhưng buổi trưa thì nóng cháy da oi bức, không khí rất ẩm vì hơi nước chung quanh đảo bốc lên, nên tất cả đều “ngủ” trong bóng mát cho đến ít nhất 15.00 giờ trưa. Photo: MTT2016

MTT_Marti116

Tòa án Sơ thẩm của Martinique tại cảng Fort-de-France với tượng của Schoelcher. Photo:MTT2016

Du khách có tiền thì vừa bước xuống máy bay là đã thuê ngay một chiếc xe hơi, giao xe tận khách sạn, để di chuyển trên đảo, vì nếu không có một chiếc xe hơi thì không đi đâu được hết. Vài chiếc xe bus ì ạch chuyên chở dân nghèo của đảo, không phải để đáp ứng nhu cầu của du khách. Giá một cuốc taxi rất đắt, lại cũng không có „xe ôm“, không có hướng dẫn du lịch, nên dịch vụ cho thuê xe tự lái theo kiểu „Système D“ nở hoa.
Mặc dù, người dân caribique nổi tiếng trên thế giới là thích vui chơi, nhẩy múa…nhưng có đến tận thiên đường mới thấy những giới hạn của tai và tiếng.

Martinique chia hai thế giới, người thì cho rằng đây là „Martinique c‘est le beau pays“ thiên đường trời xanh mây trắng cát trắng cát đen nước biển trong vắt nắng lên mỗi ngày ấm áp quanh năm gió núi gió biển lồng lộng, cuộc sống mỗi ngày là một ngày đi chơi nghỉ dưỡng, đi bộ dạo rừng dạo núi, lặn ngụp xem san hô xem tôm cá dưới đáy biển, hay lấy tàu thủy đi dạo các hòn đảo chung quanh, hay nằm ườn phơi nắng ăn, uống, nghe nhạc…, người thì cho rằng, thiên đường nơi đây chỉ là ảo ảnh, mà chính đồng tiền tạo ra cái ảo ảnh đó.

Không có tiền thì cứ nằm bãi cát, nhìn những con chim sắt khổng lồ bay lên bay xuống ở phi trường Fort-de-France mà mình thì không có đủ tiền để mua một tấm vé máy bay, bay về lục địa. Không có tiền thì cứ ngồi trên lề đường nhìn những con tầu cao 14 tầng như một khu nhà vĩ đại nuốt hàng ngàn du khách giầu có, mỗi người trả khoảng 1.000 € để đi chơi một tuần lễ trên biển, mà mình thì không thò được nửa cái chân lên mé cầu tầu.

Các hãng hàng không tất nhiên biết điểm yếu của những du khách dại dột đến đây một lần. Nếu có việc gì khẩn cấp phải trở về lục địa, thì nào, phải có ít nhất từ 1.200 euros trở lên, thậm chí gần 3.000 euros, để mua một chỗ hạng économique trên máy bay trở về châu Âu. Hoặc là người cần bay về lục địa nhanh chóng phải mua vé khứ hồi, rẻ hơn là vé một chiều, dù nếu không muốn quay lại Martinique thì bỏ đi vé đó. Vì, duy nhất chỉ có đường hàng không là cầu nối giữa đảo Martinique và những lục địa chung quanh. Con đuờng đi tầu thủy sang những đảo khác để lấy máy bay còn tốn kém hơn, bất lợi hơn.
Một hãng hàng không có tên của một khổ áo rộng, thực hiện chiến lược kinh tế tàu chợ, họ bán vé tương đối rẻ hơn những đối thủ cạnh tranh, nhưng họ tăng thu bằng nhiều biện pháp như đòi thêm cước phí hành lý, bán nước uống, bán thức ăn trên máy bay, vì bữa ăn duy nhất của họ cung cấp cho hành khách trên một chuyến bay đường dài 8, 9 tiếng đồng hồ thì rất tệ và rất ít ỏi. Nếu bạn mua vé máy bay của hãng này thì bạn phải tuyệt đối để ý về vấn đề hành lý khi check-in ở phi trường Paris-CDG. Họ sẽ bắt chẹt bạn là mỗi va li chỉ được nặng 23 kí lô, dù bạn đi với vợ, chồng…nhưng họ bắt chẹt ở chỗ là một người là một người, không thể cộng chung hành lý. Sau đó họ sẽ bắt chẹt bạn về hành lý xách tay chỉ được họ cho phép nặng 5 kí lô, họ cân từng hành lý xách tay một, nếu hành lý xách tay của bạn nặng quá 5 kí lô, thì hoặc là bạn phải bỏ bớt ra (!) hay họ tính thêm 100€ (một trăm euros) cho một hành lý xách tay bị họ bắt buộc phải gửi thành hành lý ký gửi extra.

Bản đồ vị trí Martinique trên biển

Nếu máy bay của họ trễ giờ, ngồi chờ mệt mỏi 4, 5 tiếng đồng hồ thì bạn cũng ráng chịu. Máy bay của họ không có màn hình cá nhân, vì họ cho thuê táp lét nếu bạn muốn xem những chương trình giải trí trong chuyến bay. Họ bán “gói” thuê chăn, hay gói vật dụng linh tinh che mắt, che tai…, tóm lại chỉ trừ một bữa ăn rất tệ, tất cả mọi dịch vụ đều tốn thêm tiền cho hành khách. Nhiều hành khách lần đầu tiên xử dụng đường bay của hãng này bị bóc lột than trời và thề rằng lần đầu cũng là lần cuối. 1)

Các khách sạn tất nhiên biết điểm yếu của du khách bị kẹt vì những ngày giờ bay cố định, đập thêm cho một cú. Phòng 140 euros một đêm, không có được một chai nước lã mỗi ngày, nói chi đến trà và cà phê, một cái bông tăm ngoáy tai, bàn chải đánh răng rẻ tiền, hay một sợi chỉ đơm cúc áo cũng không có, nhân viên khách sạn chỉ ra phía ngoài đường, bà qua bên siêu thị mà mua những thứ ấy. Cả khách sạn to lớn hàng trăm phòng mà chỉ có mỗi một tờ nhật báo, khách phải chờ nhau chuyền báo đọc, hay tự đi mua lấy một tờ. Bữa ăn sáng bình thường giá là 17 euros một người. Đừng có than mắc. Có khối người sẵn sàng bỏ ra 230 euros cho một đêm trọ.

MTT_Marti17

Những ngôi nhà giầu có mọc lên trên triền núi Morne Vert. Các biệt thự thường có một khoảng sân rất rộng có mái che mưa, nắng, gió…nhưng thoáng mát. Photo:MTT2016

Việc khai thác du lịch ở Martinique có thể nói là đã đi vào „quy củ“, các hạ tầng cơ sở như khách sạn, khu thương mại buôn bán lẻ, siêu thị, đường xá, nhà thương, bác sĩ, nhà thuốc tây, phi trường, bến cảng, quán ăn…mọc lên san sát nhau trên một diện tích nhỏ, khiến cho du khách an tâm vui chơi giải trí. Và, khiến cho tôi nhớ đến Phú Quốc. Phú Quốc của Việt Nam có nhiều ưu thế, cũng cát trắng nước xanh trong vắt, nhưng có những trại sản xuất ngọc trai tuyệt vời, những cơ sở trồng tiêu, làm nước mắm hấp dẫn, một khu di tích nhà tù Phú Quốc rất ấn tượng, nhưng khổ cái là trình độ „làm“ du lịch thì còn cần phải trau dồi thêm. Vài cô em tiếp tân trong những khách sạn bốn năm sao ở Phú Quốc, hay ở những quán ăn cũng chảnh chọe không kém gì người ta. Nói chung, điểm yếu nhất trong ngành du lịch thế giới không thuộc về hạ tầng cơ sở vật chất mà nằm ở sự tiếp đón, đối xử với những người khách phương xa đem công ăn việc làm và lợi nhuận lại cho kinh tế, miếng cơm manh áo của mình. Hễ không ý thức được điều đó thì còn xem du khách là người đến „làm phiền“, „quấy rầy“… mình trong những ngày đẹp trời.

Nguồn lợi kính tế của ngành du lịch Martinique là 299 triệu euros (2013), tỷ xuất lợi nhuận đầu tư của mảng khách sạn-nhà hàng là 18,4% ( tại Pháp lục địa là 18,9%). Đặc biệt, dù có nhiều người thất nghiệp nhưng ngành nghề hướng dẫn du lịch không phát triển được, vì sự chiếm lĩnh thị trường của ngành cho thuê xe du lịch, mà tỷ lệ lợi nhuận đầu tư của nó lên đến gần 80% giá cho thuê xe. Tỷ lệ lợi nhuận của các ngành khác nằm vào khoảng 45%.

MTT_Marti118

Một cây tha la cao ngất ngưởng trên đảo. Photo:MTT2016

Nhưng bản báo cáo số 307 „Eclairage tourisme Martinique“ của Ledom.fr vào tháng 01-2015 báo động một tình trạng đáng lo ngại đang trên đường thoái hóa chậm từ hai muơi năm nay, kể từ thập niên 90, với nhiều nguyên do, mà trong đó các công ty khách sạn-nhà hàng bị phá sản đến gần một nửa. Năm 2013 đảo Martinique còn lại 64 khách sạn với tổng cộng 3.388 phòng từ năm sao trở xuống, so với năm 2000 thì đã bị mất đi 1.900 phòng khách sạn. Con số du khách hàng năm chỉ còn 647.000, trong số này có 490.000 du khách trọ khách sạn và 104.000 du khách du thuyền. Thấp nhất là năm 2009 với tổng số du khách dưới 600.000 người. Đại đa số là người Pháp lục địa đi du lịch ở Martinique (391.708), kế đến là dân Pháp ở các đảo lân cận (51.196), các nước châu Âu (27.345), Hoa Kỳ (2.983), Canada (8.010). Đặc biệt ngành du thuyền xuống dốc thê thảm, từ hơn 400.000 du khách của thập niên 90, xuống còn khoảng 100.000 du khách năm 2013. Tỷ lệ thuê phòng khách sạn chỉ đạt được trung bình 59% trong năm 2013, và con số đêm thuê phòng trung bình là 4,2 đêm.
Như đã đề cập ở trên, nguyên do chính yếu cho sự suy sụp hay đòn bẩy cho kinh tế du lịch của đảo Martinique năm ở vấn đề vận chuyển hàng không qua việc ấn định và thực hiện chính sách giá vé và các điều kiện bán vé cho du khách. Người ta có cảm tưởng, các công ty hàng không theo đuổi hai chiến lược giá vé: giá vé cao, đắt tiền cho những người bị bắt buộc phải di chuyển hay chỉ đem du khách giầu, có nhiều tiền ăn xài đến đảo, hay giá vé rẻ trong một thời hạn cố định. Cho dù với chiến lược nào thì người cần di chuyển vào hay ra khỏi đảo đều có cảm tưởng mình là con bò sữa, hay tệ hơn nữa, bị bắt chẹt là „con tin kinh tế“ của các hãng hàng không.
Các ý tưởng được khêu lên nhu giảm giá vé máy bay, bớt khe khắt hà hiếp bớt bóp chẹt hành khách bằng các điều kiện chuyên chở, hay giảm giá phòng khách sạn chỉ là bong bóng xà bông, vì ngành du lịch Martinique lọc lựa qua chính sách giá cả, nhắm vào mảng du khách giầu có tiền của, hay những công ty to lớn tổ chức “sinh hoạt bồi dưỡng” cho nhân viên bằng một cuộc “họp”, “hội nghị” trên đảo. Việc khe khắt về vận chuyển hành lý cũng gây ảnh hưởng cho sức mua của khách du lịch, người đi du lịch sẽ mua ít quà cáp, sản phẩm địa phương vì ngại số tiền kí lô phải nộp cho các hãng hàng không.
Cũng theo báo cáo năm 2013 ngành du lịch cung ứng 8.942 công ăn việc làm cho 3.244 công ty, tương đương với 7,2 % tổng số công việc và 9,8% tổng số các công ty, trong ba mùa du lịch cao điểm rõ rệt của đảo, đó là mùa lễ Phục sinh tháng ba, mùa nghỉ hè tháng tám và mùa Giáng sinh tháng 12.

Martinique và dân số
Tổng diện tích đảo Martinique là 1.128 km², chiều dài của đảo là 73 cây số và bề ngang là 39 cây số, đường vòng quanh đảo dài 350 cây số, mật độ dân chúng là 342 người/km². Theo thống kê gần nhất thì chỉ có 9,4% diện tích đảo được xử dụng đô thị hóa, và 11,3% diện tích đảo được dùng làm đất canh tác, phần còn lại là núi non hiểm trở. Dân cư tập trung đông đúc khu vực phía Nam của đảo và chung quanh cảng Fort-de-France.

Bản đồ khu vực tàn phá của ngọn núi lửa Montagne Pelée, phun lửa vào năm 1902, khiến cho khoảng 48.000 người thiệt mạng. Tại thành phố Saint Pierre còn di tích các nhà cháy nám đen…

Martinique không có bãi biển rộng, dài như những nơi khác mà đặc tính là nhiều bãi cát nhỏ, tương đối hẹp, những nơi cát đen, đá đen là khu vực đã bị núi lửa thiêu hủy như ở Saint Pierre, Le Carbet thuộc phía Bắc của đảo. Vào ngày 08-05-1902 ngọn núi lửa Pelée đã bắt đầu phun lửa, kéo dài cho đến 30-08-1902 trào dung nham xuống triền núi và thiêu hủy chỉ trong vòng 2 phút đồng hồ khu vực dân cư gồm có khoảng 30.000 người tại Saint Pierre và Le Carbet, con số tổng cộng người thiệt mạng được phỏng đoán lên đến 48.000 người. Hiện nay, một số dân chúng, vì lý do giá đất, giá thuê nhà rẻ, lại trở về khu vực núi lửa nơi đó định cư.
Ngọn núi lửa của đảo Mont Pelée cao 1.397 mét trên mặt nước biển. Martinique nằm trong khu vực động đất thường xuyên của khu vực phân giới giữa biển Caribique và biển Đại Tây Dương. Vào ngày 29-11-2007 đã có một cuộc động đất cấp 7,4 trong vùng biển của Martinique.
Con đường quốc lộ, có nơi rộng bốn lằn xe, chạy vòng quanh hòn đảo, lên dốc xuống đèo, chỗ nào cũng bên là biển bên là núi, không thể nói là không đẹp. Nhưng ít ai thường xuyên ý thức rằng, hòn đảo là phần của rặng núi lửa từ đáy biển nhô lên mặt nước, sống trên đảo có nghĩa là sống trên núi, cào từng mảnh núi đá để xây dựng thành phố, nhà ở, đường xá. Nhà cửa vì thế mọc lên khắp nơi, dù đường rất dốc, dốc chúc mũi, hay nằm trong hẻm núi, lũng núi ngột ngạt, không có gió, ẩm ướt, hay nằm trên một mỏm núi quanh năm gió hú lồng lộng.
Hầu như mọi nhà đều có phần „hầm nhà“ của nhà chính, vì chỗ cao, chỗ thấp, để cho người nghèo thuê rẻ một chút. Khung cảnh nhà trên núi vì thế có thể gây ra bệnh trầm cảm, dựa lưng vào núi, trước mặt là núi, hai bên không có đường đi, chỉ là vực sâu. Có khi gió thổi, xe đậu trong sân mà không gài thắng tay thì gió đẩy xe lăn rơi xuống vực, không phải là chuyện hy hữu. Nhiều nhà thì hoặc là trước nhà, hay sau nhà là vực thẳm, nhìn xuống chóng cả mặt.
Cũng không phải là một việc ngẫu nhiên mà các hòn đảo đều được sử dụng để làm nhà tù, một sự mất tự do vì điều kiện địa lý thiên nhiên một cách rất hữu hiệu. Ở chính giữa trung tâm của Martinique cũng là một nhà tù, sơn toàn trắng, đồ sộ chiếm ngự không gian của quận Ducos. Nhà tù Ducos, xây mới từ năm 1996, có sức chứa 490 phạm nhân, nhưng thống kê năm 2013 cho biết là có 998 người bị giam giữ tại đây, chen chúc nhau trong những điều kiện vật chất tối thiểu, mà hơn một nửa số tù nhân phải ở tù dài hạn 5, 10 năm trời.

MTT_Balata1

Gặp nhau trong vườn hoa Balata ! Photo:MTT2016

Ở Martinique cái gì cũng đắt hơn lục địa ít nhất từ 20% trở lên, vì hầu như tất cả mọi thứ đều phải được chuyên chở bằng tầu thủy hay máy bay đến. Thực phẩm trên đảo sản xuất có (tất nhiên) chuối, dứa (thơm), mía, các loại khoai, củ, xoài, ổi, đường mía, rượu rum. Người dân ở đây ăn nhiều cơm trắng, khoai lang, chuối luộc, ít ăn khoai tây. Các món ăn đặc sản đều có nhiều gia vị như đinh hương, gừng, hồi, quế, cà ri…nhưng không cay lắm. Ở đảo nên cá biển là rẻ nhất, khoảng 10 euros một kí, đắt nhất là thịt bò và thịt bê, nên dân chúng ăn nhiều thịt gà, cừu. Nhưng món đặc biệt mùa Phục sinh là món cua đất.

MTT_Marti119

Thế hệ tương lai cho Martinique. Photo: MTT2016

Nền kinh tế của đảo tất nhiên là một vòng tròn kinh tế khép kín, xuất cảng gồm có chuối, dứa, rượu rum, đường mía, nhập cảng hầu hết tất cả mọi thứ. Thị trường lao động cho con người lựa chọn giữa các công việc lao động nhà nông, phục vụ du lịch hay các dịch vụ hành chánh, thương mại. Quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu khả năng có công ăn việc làm, nên người lao động phải chấp nhận mọi sự chèn ép, lừa đảo của thành phần chủ nhân, vì ở đảo, thì ai cũng bắt buộc phải có làm mới có lương để ăn, để sống.
Một gia đình trẻ ở Martinique, mỗi đứa trẻ nhận trợ cấp xã hội từ căn bản 65 đến 125 euros/tháng, thì ăn gì ? sống ra sao ở đây ? Người cha trẻ, chủ gia đình, phải nhận việc này một tuần, việc kia một tháng…cứ thế, để kiếm sống cho cả vợ, con. Trong khi một hộp sữa bột giá là 20 euros, một món ăn một bữa đóng hộp kỹ nghệ cho trẻ con giá từ 2,5 euros đến 3 euros, một gói tã dùng để vứt đi cũng tốn từ 15 đến 18 euros ?
Paris ? Paris với những mức lương 5.000, 10.000, 15.000 euros/tháng hay nhiều hơn nữa…có cần gì biết đến những người chỉ sống với 500 euros/tháng ? Đó không phải là bất công ? Đó chỉ là một sự khác biệt giầu nghèo ? một sự thiếu may mắn thăng hoa ? Có thể gọi sự sống bằng 125 euros trợ cấp cho một đứa trẻ – tương lai của xã hội – trong khi tiền trả nhà trẻ công lập của chính phủ đã là 80 euros/tháng – là một sự „ăn bám“, một sự „lợi dụng trắng trợn“ cái xã hội xa hoa giầu có của Paris, của nước (đại) Pháp ?
Tờ France-Antilles, nhật báo của Martinique, đưa tin ngày 12-03-2016 một người đàn ông 75 tuổi không có gì ăn từ 18 ngày rồi, một phụ nữ 50 tuổi, cựu giáo viên nợ tiền thuê nhà lên đến 13.500 euros không trả nổi, một gia đình khác với 5 đứa con bị hăm dọa đuổi nhà vì nhà của quá sức xuống cấp, dơ bẩn, tiền sửa nhà lên đến 18.000 euros, lấy đâu ra ?
Hai thế giới, thế giới du khách và thế giới người dân địa phương là hai hoàn cảnh đối nghịch hoàn toàn, bảo sao họ không cười được với du khách. Lợi nhuận thu từ du lịch và những ngành nghề khác có được phân phát lại cho họ một chút nào không ?
Đó là chưa nói đến sự phân biệt giầu nghèo trong phạm vi giáo dục của người dân trên đảo.

Martinique và Joséphine
Thống kê mới nhất của năm 2013 cho biết Martinique có 391.837 dân sống trên 34 địa phương hành chánh, khoảng 80% là người gốc châu Phi, 10% gốc Ấn độ, 10% gốc châu Âu, 0,5% là người thuộc các gia đình da trắng đô hộ cũ (gọi là les békés) và một số ít người Trung Đông, châu Á như Trung Hoa, Việt Nam, thổ dân indo-caribeen (gọi là coolies).
Theo thống kê của INSEE về tình hình dân số thì sự giảm dân số rõ rệt từ năm 2008 khiến cho trong 5 năm từ 2008 đến 2013 Martinique đã bị giảm mất 22.500 dân qua hai hiện tượng: người trẻ di dân về lục địa để đi học, đi làm và số tử người già nhiều hơn số sinh đẻ tại Martinique (số sinh trung bình là 2.100/năm, số tử 2.800/năm) gây ra một sự mất thăng bằng về thành phần người nam và người nữ trong xã hội (nhiều nữ hơn nam: 117 nữ trên 100 nam).

Hoàng hậu Joséphine Bonaparte.

Hoàng hậu Joséphine Bonaparte trong đại triều phục

Trên đảo đã có thổ dân sống từ 4.000 năm trước Thiên chúa. Năm 1635 đảo Martinique được Pierre Belain d‘Esnambuc theo lệnh của Hồng y Richelieu chiếm hữu làm thuộc địa của Pháp. Jacqué Dyel du Parquet cho xây dựng cảng Fort de France năm 1648 và thành lập những đồn điền trồng cây mía trên đảo, nhờ đó mà đảo khởi sắc với nguồn lợi kinh tế mới.

Joséphine, hoàng hậu của Napoléon đệ nhất, là người nổi tiếng nhất của đảo Martinique. Joséphine là tên của Napoléon đặt ra cho vợ (vì thế nếu viết tên bà là Joséphine de Beauharnais là sai), tên khai sinh chính của bà là Marie Josèphe Rose de Tascher de la Pagerie, sinh ngày 23-06-1763 (có nguồn viết là ngày 24-06-1768, trẻ hơn 5 tuổi) tại Les Trois-Îlets Martinique, qua đời vì một cơn bệnh sưng phổi tại lâu đài Malmaison vào ngày 29-05-1814 và được chôn cất trong nhà thờ Saint Pierre-Saint Paul, hiện nay là Rueil-Malmaison.
Bà là con đầu của một viên sĩ quan hải quân hoàng gia Pháp tên là Joseph-Gaspard de Tascher (1735–1790) và mẹ là Rose-Claire des Vergers de Sannois (1736–1807), gia đình họ lập nghiệp trên đảo bằng việc xây dựng một đồn điền trồng mía đặt tên là La Pagerie. Cái tên Pagerie trở thành một địa danh làng của đảo, thuộc khu vực Les Trois-Îlets nằm ngay bên cạnh cảng Fort-de-France, nơi gia đình cha mẹ bà sở hữu 500 nô lệ. Năm 1783 trên đảo có khoảng 60.000 nô lệ sinh sống.
Năm 16 tuổi, vào ngày 13-12-1779, bà được gia đình xếp đặt cưới một sĩ quan quân đội Pháp tên là Alexandre, Vicomte de Beauharnais (nên được gọi là Rose de Beauharnais), sau đó sinh ra hai người con, một trai là Eugène de Beauharnais và một gái là Hortense de Beauharnais. Nhưng cuộc sống chung không hạnh phúc, họ ly dị nhau vào ngày 04-05-1785. Tướng Alexandre de Beauharnais bị Cách mạng Pháp chém đầu vào năm 1794 trong giai đoạn khủng bố (La Terreur). Joséphine cũng bị bắt giam vài tháng nhưng nhờ được người bạn tù là bà Thérésia Cabarrus cứu ra khỏi ngục, và sau đó Joséphine lấy lại một phần tài sản bị cách mạng tịch thu nhờ có nhiều quan hệ trong tầng lớp trưởng giả và sĩ quan hoàng gia Pháp.

Jacques-Louis_David_019

Lễ lên ngôi hoàng đế của Napoléon đệ nhất và phong hoàng hậu cho bà Joséphine tại Paris. Tranh vẽ của Jacques-Louis-David

Mãi cho đến năm 1796, Joséphine mới kết hôn với viên sĩ quan Napoléon Bonaparte vào ngày 09-03-1796, bà khai hạ xuống 4 tuổi (33 tuổi) còn Napoléon khai tăng lên 2 tuổi (27 tuổi). Ba năm sau 1799 bà sở hữu lâu đài Malmaison. Năm 1804, vào ngày 02-12, Napoléon phong ngôi nữ hoàng (impératrice) cho bà tại lễ xưng đế trong nhà thờ Notre-Dame de Paris, cùng nhiều chức tước vương giả khác.

Tuy nhiên vì bà không sinh nở được nữa, Napoléon bất ngờ tuyên bố ly dị Jóephine vào ngày 15-12-1809 trong một buổi tiếp tân của triều đình, khiến bà ngã xuống bất tỉnh. Hôn lễ nhà thờ bị chính thức hủy bỏ vào đầu năm 1810. Tương truyền Josephine có sức khỏe yếu và hàm răng xấu, nên bà không cười lộ răng, chỉ cười mỉm một cách huyền bí.

800px-Le_divorce_de_l'Impératrice_Joséphine_15_décembre_1809_(Henri-Frederic_Schopin)

Tranh vẽ cảnh hoàng đế Napoléon đệ nhất tuyên bố ly dị bà Joséphine trước triều đình của Henri-Frederic Schopin

Nhưng Napoléon rất rộng rãi đối với Joséphine, cho giữ danh hiệu cựu hoàng hậu, phong chức mới là nữ quận tước de Navarre, tặng cho bà ba lâu đài gồm có lâu đài L‘Élysée, lâu đài Malmaison với 800 mẫu đất và lâu đài Navarre, cấp cho bà gần 30 triệu quan tiền vàng trong khoảng 10 năm. Joséphine phung phí tiền của trong việc mua sắm nữ trang, quần áo, mà các vương miện, nữ trang của bà hiện nay một phần lớn được các gia đình hoàng gia Bắc Âu như gia đình hoàng gia Thụy Điển thường xử dụng.

MTT_Marti121

Tượng bà Josephine bị cắt đầu, áo thắmm máu, tại cảng Fort-de-France, Martinique. Photo: MTT2016

Người dân Martinique không ưa thích Joséphine, vì chính theo lời yêu cầu của bà mà Napoléon đã cho thiết lập lại chế độ nô lệ vào năm 1802, để gia đình bà, thuộc thành phần thực dân chiếm hữu, tiếp tục xử dụng nô lệ trong nông trại trồng mía ở đảo Martinique. Chính ra chế độ nô lệ tại các thuộc địa của Pháp đã được hủy bỏ vào năm 1794 sau Cách mạng dân chủ Pháp 1789, và sau giai đoạn Napoléon thi chế độ nô lệ nhờ những cố gắng của Victor Schoelcher được bãi bỏ vĩnh viễn vào ngày 22-05-1848, những gia đình nô lệ khi xưa nay là công dân bình đẳng bình quyền của nước Pháp. Thành phố bên cạnh cảng Fort-de-France được đặt tên là Schoelcher. Tại cảng Fort-de-France còn một bức tượng của Joséphine nhưng bị dân chúng cắt đầu tượng, trở thành tượng Joséphine không đầu đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Nơi ở cũ của gia đình bà đã bị thời gian tàn phá, một nền nhà cũ xưa kia là nhà bếp được xây cất lại mới để làm „bảo tàng“ Musée de la Pagerie nhưng không có gì đặc sắc của lịch sử cũ.
Điều không làm ngạc nhiên là hai vĩ nhân khác của lịch sử nước Pháp và lịch sử đảo rất được người dân ở đảo quý trọng, đó là tổng thống Charles-De-Gaulle và ông Aimé Césaire (1913-2008), nhà văn và chính khách thuộc đảng Xã hội Pháp, chống lại chế độ thực dân đế quốc, cổ võ hội nhập, mà phi trường quốc tế tại Fort-de-France mang tên ông.

Martinique và rượu rhum
Khi thấy người dân trên đảo trồng mía, rồi từ mía cất thành rượu rhum thơm ngon nổi tiếng, thì tại sao ở Việt Nam có sẵn cây mía lại không chế biến thành rượu rhum ? Rượu rhum trên thị trường Việt Nam không được ưa chuộng vì loại rượu giả ấy làm bằng cồn trộn với những thứ chất hóa học nào đó, hoàn toàn nhạt nhẽo, bốc mùi hôi đáng lo ngại. Thật ra, rượu rhum có thể được đặt ngang hàng với rượu cognac.

Ruộng mía trên khắp mọi triền núi....Photo: MTT2016

Ruộng mía trên khắp mọi triền núi….Photo: MTT2016

Năm 2012 đảo Marinique chế tạo 85.366 hecto lít rượu rhum, và xuất cảng đến 74% (nhưng rất ít cho thị trường châu Á). Hiện nay có 7 cơ sở chưng cất rượu rhum, chế tạo những thương hiệu nổi tiếng. Rượu rhum Martinique được công nhận là “rhum agricole”, tức là đạt mức sản phẩm thượng hạng nhất thế giới so với các loại rhum sản xuất kỹ nghệ “rhum industriel” của các khu vực sản xuất rượu rhum khác. Công thức chế tạo rượu rhum là một điều bí mật, cha truyền con nối. Trên cơ bản thì kể từ thế kỷ thứ 17 rượu rhum là nước mía được chưng cất, để lên men tại chỗ.

Nếu đã đến Martinique mà không đi thăm một di tích sản xuất rượu rhum thì thật là uổng phí một cơ hội. Một trong những địa điểm đáng được thăm viếng là trang trại của thương hiệu “Clément”, gọi là “Habitation Clément” tại làng François, gần bờ biển phía Đại Tây Dương. Nơi đây du khách có thể chiêm ngưỡng di tích khu vực chưng cất cũ, các nơi chứa rượu rhum nằm ngủ, khu vực nhà ở của chủ trang trại và vườn bách thảo, cũng như nếm và mua các sản phẩm đặc sắc. Một trong những “phương thuốc” gia đình quen thuộc khi bị cảm cúm trong mùa đông là uống một ly sữa nóng pha với một ít rượu rhum và mật ong. Uống xong một ly như thế thì bạn sẽ cảm thấy ấm hẳn người lại, vào giường trùm chăn ngủ một giấc “say” thì sáng mai sẽ bớt bệnh (thầy thuốc vườn không bảo đảm đâu nhé!)

Martinique và Proudhon

Nhân đọc những tranh luận về vấn đề tự trị tự quyết của các thuộc địa cũ, cụ thể là của đảo Martinique trong giai đoạn hiện tại kể từ trước năm 2010 trong thời gian nằm chờ chuyến bay ở Martinique, đưa tôi tình cờ đọc về một triết gia Pháp của thế kỷ thứ 19: đó là nhà triết gia, kinh tế và xã hội học Pierre-Joseph Proudhon (1809-1865) của chủ nghĩa vô chính phủ. Xuất thân từ một gia đình rất nghèo khó, phải chăn con bò duy nhất của gia đình cho đến năm 12 tuổi mới được đi học. Nhưng một thời gian sau đó, cũng vì không có khả năng kinh tế, Proudhon phải tự học. Các học thuyết của Proudhon, cùng thời với Karl Marx, chịu nhiều chỉ trích và phê bình, và những quan điểm chính trị chống đối lại, nhưng vài điều của Proudhon viết, tôi chép lại một đoạn trích dẫn kèm trong bài này, khiến cho người ta ít ra tiếp tục đặt câu hỏi về sự tự do, về những cái gọi là „dân chủ“, về những cái gọi là tinh thần „tương trợ, bác ái“ đang có sẵn trong nhiều xã hội.

« Être gouverné, c’est être gardé à vue, inspecté, espionné, dirigé, légiféré, réglementé, parqué, endoctriné, prêché, contrôlé, estimé, apprécié, censuré, commandé, par des êtres qui n’ont ni le titre, ni la science, ni la vertu… Être gouverné, c’est être, à chaque opération, à chaque transaction, à chaque mouvement, noté, enregistré, recensé, tarifé, timbré, toisé, coté, cotisé, patenté, licencié, autorisé, apostillé, admonesté, empêché, réformé, redressé, corrigé. C’est, sous prétexte d’utilité publique, et au nom de l’intérêt général, être mis à contribution, exercé, rançonné, exploité, monopolisé, concussionné, pressuré, mystifié, volé ; puis, à la moindre résistance, au premier mot de plainte, réprimé, amendé, vilipendé, vexé, traqué, houspillé, assommé, désarmé, garrotté, emprisonné, fusillé, mitraillé, jugé, condamné, déporté, sacrifié, vendu, trahi, et pour comble, joué, berné, outragé, déshonoré. » Pierre-Joseph Proudhon, Idée générale de la Révolution au dix-neuvième siècle, Garnier frères, 1851

Một buổi chiều ngày lễ Phục sinh, trên bãi cát dung nham đen của núi lửa Pelée chảy xuống, chốc mưa, chốc gió, chốc nắng…nghe bài hát „ Martinique c‘est un beau pays“ (Martinique là một quê hương tươi đẹp) tôi không khỏi trách ông trời xanh, trách cuộc đời, trách số phận, tình cờ đưa đẩy tôi đến hòn đảo Martinique này, dù muốn dù không, nơi đã bắt đầu có những hạt nhân của một gia đình Việt Nam, gieo trồng ở một nơi rất xa xôi, nay đã trở thành thêm một kỷ niệm, một niềm thương nhớ khôn cùng. MTT 27-03-2016

Chú thích:

1) Xem bài báo “Une étude dénonce les tarifs excessifs des produits alimentaires sur les vols low-cost “ –  http://www.lefigaro.fr/conso/2016/05/05/05007-20160505ARTFIG00007-une-etude-denonce-les-tarifs-excessifs-des-produits-alimentaires-sur-les-vols-low-cost.php

À défaut de pratiquer des prix élevés sur les billets d’avion, les compagnies aériennes low-cost mettent le paquet sur les produits alimentaires vendus en vol. Si les tarifs élevés des collations et autres sodas sont plus ou moins connus du grand public, ce sont les écarts de prix colossaux avec les supermarchés qui étonnent le plus.

Dans sa dernière étude, le comparateur de sites de voyages Kayak a examiné les prix pratiqués dans les avions et ceux observables dans les supermarchés. Les résultats sont absolument édifiants: certains produits étant 2500% plus chers lorsqu’ils sont vendus à 30.000 pieds plutôt que dans les rayons d’un géant de la grande distribution.

En observant les prix des snacks salés, les exemples ne manquent pas. Le paquet de cacahuètes, vendu 24 centimes les 100 grammes en supermarché (Super U), coûte jusqu’à 2,50 euros les 40 grammes (6,25 euros les 100 grammes) sur un vol low-cost, soit plus de 10 fois plus. «La restauration à bord étant un service supplémentaire, les compagnies low-cost n’hésitent pas à augmenter le prix du billet moyen en accroissant les prix de l’alimentaire. On veut alerter les voyageurs sur ces abus», explique au Figaro John-Lee Saez, Directeur Régional de Kayak pour la France, l’Espagne et l’Autriche. Même constat pour le paquet de chips, facturé 587 % plus cher par Transavia et XL Airways, ou pour le sachet d’olives dont le prix est 1733 % plus élevé sur un vol easyJet que dans les rayons de supermarché.

Côté sucre, Ryanair vend le croissant 2,50 euros quand celui-ci coûte 17 centimes en grande surface – même s’il est clairement plutôt de l’ordre d’un euro en boulangerie. Les petites gourmandises affichent elles aussi des prix exorbitants en altitude. Et pour cause, les barres chocolatées se vendent jusqu’à 566 % plus cher sur un vol Ryanair (2 euros contre 30 centimes en hypermarché Leclerc) quand le sachet de bonbons de 120 grammes s’achète 72 centimes en grande surface contre 3 euros sur XL Airways. «Les compagnies en profitent car les gens ne se rendent pas compte de leurs achats dans les avions. C’est étonnant car les personnes qui voyagent en low-cost font plutôt attention à leur budget», analyse John-Lee Saez.

Les boissons, alcoolisées ou non, ne sont pas en reste puisque le prix d’une petite bouteille de jus d’orange (250ml) affiché sur un vol low-cost est 500% plus élevé que dans les rayons. La canette de bière de 33cl quant à elle coûte jusqu’à 600% plus cher, une différence considérable mais toujours moindre que celle observée entre les prix du vin qui sont 1400 % plus élevé sur un vol low-cost qu’en supermarché.