Những lời răn của Đức Giáo Hoàng Francis

Những lời răn của Đức Giáo Hoàng Francis – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2016 – https://mttuyet.fr

Giáo hoàng Francis (François) viếng thăm nước Mexico

Giáo hoàng Francis (François) là một người rất năng động. Không những ngài dành thì giờ quý báu để tiếp những cuộc yết kiến của vua chúa hoàng hậu công chúa phương Tây và các nhà lãnh đạo thế giới, mà những hoạt động của ngài còn cho thấy, ngài tìm một cuộc đối thoại trực tiếp đến số đông tín đồ Thiên chúa giáo, mà qua đó những điều giáo huấn của ngài trên bình diện xã hội lộ rõ.
Trong cuộc viếng thăm chính thức nước Mexico trong sáu ngày kể từ ngày thứ sáu 12-02-2016, khi cử hành thánh lễ ngày chủ nhật 14-02-2016 trước đông đảo dân chúng tại Ecatepec, Giáo hoàng Francis đã thuyết giảng về “Ba điều cám dỗ” của người Thiên chúa giáo.

Hiểu theo một cách khác, nói theo một cách khác thì ba khái niệm “Tham, Sân, Si” của nhà Phật cũng đáp ứng “Ba điều cám dỗ” của Giáo hoàng Francis.

“Ba điều cám dỗ” của Giáo hoàng Francis được diễn tả trong một ngôn ngữ rất chọn lọc, dễ hiểu cho tất cả mọi người, đó là “Sự giầu có” (la richesse), “Sự tự đắc khoe khoang” (la vanité) và “Sự kiêu ngạo hợm hĩnh” (l’orgueil).

Theo thông tin của tờ Le Figaro ngày 14-02-2016 thì những lời giảng của Giáo hoàng Francis về “Ba điều cám dỗ” này, có thể hiểu một cách tóm tắt như sau:

“Sự giầu có”: đó là khi chúng ta chiếm hữu của cải mà (Chúa Trời) đã cho tất cả mọi người, khi chúng ta chỉ sử dụng của cải đó cho mình và cho những người “của chúng ta”. Đó là có cái “ăn” bằng những giọt mồ hôi trên trán của những người khác, thậm chí trên cái giá mạng sống phải trả của những người khác. Sự giầu có đó, chính là cái “ăn” với một hương vị đau đớn, cay đắng và khổ cực. Trong một gia đình hay một xã hội thối nát, thì đó chính là cái “ăn” mà họ cho chính những người con của họ ăn.

Sự tự đắc khoe khoang”: đó là sự đi tìm một hào quang quyền thế trên cơ sở một sự hạ thấp giá trị liên tục và kéo dài không dứt những người “không giống như chúng ta”. Sự theo đuổi tìm kiếm một cách gay gắt háo hức cái năm phút của một sự “vinh quang”, mà sự vinh quang đó không thể chịu đựng được cái “vinh quang” của những người khác. Biến một cái cây ngã xuống thành củi để đốt sưởi.

“Sự kiêu ngạo hợm hĩnh”: điều này có nghĩa là chúng ta tự đặt mình lên trên một thượng tầng của tất cả mọi bình diện, có cảm tưởng là mình không hề chia xẻ cuộc sống với cộng đồng những người bình thường, và cầu nguyện mỗi ngày: “Cảm ơn Thượng đế đã tạo ra tôi không giống như những người đó”.

Ba điều cám dỗ đó tìm cách hạ thấp, hủy hoại và lấy mất đi niềm vui sống cũng như sự tươi mát của Phúc Âm.

Và để thức tỉnh người nghe, Giáo hoàng đặt một câu hỏi kêu gọi: “Cho đến khi nào chúng ta sẽ vẫn quen thuộc với một kiểu cách sống với một suy nghĩ rằng là nguồn sống và sức sống có trong sự giầu có, có trong sự tự đắc khoe khoang và có trong sự kiêu ngạo hợm hĩnh ?”
Bác Ái (la miséricorde) mới là sự giầu có, sự vinh quang và quyền lực của chúng ta….

Những lời giảng trên của Giáo hoàng Francis như là một sự xác nhận của một người thân cận hiểu thấu được những nỗi lo lắng, cực khổ, đau đớn…của từng người trong những xã hội được mệnh danh là “xã hội phát triển”.

Ai đã không từng phải bị va chạm, đàn áp, làm nhục, đe dọa…gây sợ hãi lo lắng của những quyền lực hành chánh, từ người gác cổng cho đến người thư ký đều đã nạt nộ, khó chịu, xách mé từ ngoài cửa bên lề đường vào đến mép văn phòng làm việc của những người tự xưng (và được trả tiền để làm) “công bộc” phục vụ dân ?

Ai đã không một lần bị nhục mạ, bị khinh khi bởi những người tự đắc, khoe khoang, kiêu ngạo, hợm hĩnh…tại các công sở, đại học, tại những cơ quan gọi là “văn hóa” ?

Ai đã không một lần nhịn nhục khi bị đuổi việc, mất việc, không tìm được công ăn việc làm mà lại còn phải hứng chịu những lời miệt thị khinh bỉ thường xuyên, lập đi lập lại của đám người chính khách quan chức hành chánh huênh hoang kiêu ngạo cho rằng những người thất nghiệp là những người lười biếng và thích ăn bám ! Họ càng to mồm nhục mạ người khác bao nhiêu vì họ càng biết rõ bấy nhiêu là xã hội do chính họ nắm quyền lực đã không tạo ra được công ăn việc làm cho dân. Biến hậu quả thành nguyên nhân, đó chính là một xảo thuật, một trò hề chính trị.

Ai đã không từng bị áp hiếp, bị đối xử bất bình đẳng, mất tự do, vắt chanh bỏ vỏ, cá lớn ăn hiếp cá bé, như thể thế giới loài người vẫn còn có “nô lệ”, một loại nô lệ kỹ nghệ và thương mại trong thời đại của chúng ta, chỉ vì mỗi người – Trời sinh ra như thế – có những khả năng và hoàn cảnh khác nhau.

Nhưng tại sao chúng ta vẫn chịu đựng những điều ấy, như câu hỏi thách thức của Giáo hoàng Francis ?

Đối với người Việt Nam, hẳn chúng ta vẫn thường nghĩ “Một sự nhịn là chín sự lành”, nên chúng ta thường nhẫn nhịn trong niềm tin tưởng rằng “ác trả ác báo”, không ai làm ác, ăn ở ác, nói ác, nghĩ ác… mà lại được sống lâu dài sung sướng và hạnh phúc. Những điều ác độc sẽ quay trở lại với người đã sản xuất ra nó, như một cái “boomerang”. Còn hiểu theo phong cách Âm Dương thì cái ác khi nó lớn lên, nó đã mang cái mầm tự hủy hoại trong chinh nó.

Cái khác của “Ba điều cám dỗ” của Giáo hoàng Francis đối với học thuyết nhà Phật là ở chỗ nhà Phật dạy “hướng nội”, tu tâm dưỡng tính để giảm bớt cái Tham, cái Sân và cái Si của mình. Trong khi đó, Ba điều cám dỗ của Giáo hoàng Francis là “hướng ngoại”, tức là thức tỉnh và tự giác không chấp nhận dung dưỡng những điều cám dỗ ấy, mà thực hiện lòng Bác Ái. Nhưng dù hướng nội hay hướng ngoại, những điều giảng giáo lý tôn giáo, trong phạm vi bài viết này về bên Phật, bên Chúa, đều có cùng một mục đích là đưa con người hướng thiện, bớt cái xấu, cái ác, để hướng về những điều tốt đẹp cụ thể cho bản thân mình và cho xã hội.

Giáo hoàng Francis và Giáo chủ Kirill gặp nhau trong khuôn viên của phi trường La Havana, Cuba vào ngày 13-02-2016

Vào ngày 13-02-2016 vừa qua, Giáo hoàng Francis cũng đã đến gặp Giáo chủ Chính thống giáo Nga Kirill trên một mảnh đất trung gian, trong khuôn viên phi trường La Havana, Cuba. Trong dịp này, một thông điệp ngắn gọn được Giáo hoàng Francis nhắc lại nhiều lần “Chúng ta là anh em” (Somos hermanos). Hai vị lãnh đạo tôn giáo đã đóng cửa bàn thảo với nhau trong hai tiếng đồng hồ. Sự kiện này “bất thường” đến độ Giáo hoàng Francis viết trên tài khoản Twitter của ngài rằng ” Today is a day of grace. The meeting with Patriarch Kirill is a gift from God. Pray for us.” (Hôm nay là một ngày được ban ơn. Cuộc gặp gỡ với Giáo chủ Kirill là một quà tặng của Chúa Trời. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi.)
Bất thường vì hai nhà thờ đã không gặp nhau từ khi bị chia rẽ vào năm 1054, tức là cách đây gần một ngàn năm !

Hai vị lãnh đạo tôn giáo, Thiên chúa giáo và Chính thống giáo đến gần nhau, có nghĩa là đem lại Hòa Bình và Hợp tác cho khoảng 150 triệu tín đồ của Giáo chủ Kirill với 1,2 tỷ tín đồ Thiên chúa giáo của Giáo hoàng Francis.

Tờ Der Spiegel ngày 13-02-2016 tường thuật lại là sau cuộc viếng thăm Istanbul (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay) – khi xưa là cái nôi của Chính thống giáo và còn mang tên Constantinople – vào tháng 11 năm 2014, Giáo hoàng Francis đã có những lời rất ân cần và thân mật với Giáo chủ Kirill qua một cuộc điện thoại: “Tôi sẽ đến gặp Anh bất cứ ở nơi nào mà Anh muốn. Anh hãy gọi điện thoại cho tôi và tôi sẽ đến ngay.”
Những người giáo dân tại Roma, Ý, cho rằng, Tòa thánh đã đưa Mỹ và Cuba đến gần nhau, thì Cuba đưa Tòa thánh và Chính thống giáo (Nga) gần nhau.

Đó là những quan hệ “bình thường hóa” vì một cuộc chung sống hòa bình của con người cùng trên một quả địa cầu. Hành tinh xanh – quả đất – nơi sinh sống của cả loài người vẫn còn là duy nhất trong Hệ Thái Dương trong vũ trụ !

Hiện nay, tình trạng các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông và đồng minh đang muốn xâu xé Syrie thành từng mảnh chia cắt, và tình trạng sống khổ sở vì nạn thất nghiệp của đa số dân chúng trong một châu Âu rất giầu có, có nhiều tiềm năng, cũng như tình trạng căng thẳng liên tục khiêu khích trong khu vực Biển Đông, khiến cho những cuộc gặp gỡ hòa bình, và, những lời giáo huấn hướng thiện, như những dòng nước mát nuôi sống niềm Hy vọng cho nhân loại.MTT14-02-2016

Giáo hoàng Francis (François) tại thành phố Ecatepec, Mexico, giữa một đám đông khoảng 300.000 tín đồ đến dự thánh lễ ngày chủ nhật 14-02-2016 – Ảnh: Le Figaro