Lá thư đêm Giao Thừa

Lá thư đêm Giao Thừa – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2016 – https://mttuyet.fr

Anh Tuấn thân mến,

Anh hỏi tôi, Tết sao lại buồn ? Năm nào cũng Tết, viết mãi về Tết cũng cạn đề tài, nhắc đi nhắc lại mãi chuyện “mỗi năm hoa đào nở…” cũng chán, nhưng hình như mình, người Việt, cứ cần những sự “Wiederkehr” (trở lại) ấy. Năm nào cũng Tết, nhưng hình như mỗi Tết mỗi khác, điểm giống thì chung mà điểm khác thì riêng. Năm sau, anh cứ về ăn Tết đi. Cái không khí mùa Tết và ngày Tết ở Việt Nam thì không nơi khác nào có, đó là cái vui chung của cả nước mình.

Hương vị Tết đó tỏa lan trong không khí, từ cái hấp tấp tươi tả đi đường của mọi người, từ cái lo lắng trao đổi với nhau về mua sắm Tết, rõ rất là khi mình đặt mua một món hàng nào đó, nhất là ở các tiệm may quần áo…”thợ về quê ăn Tết hết rồi cô, bây giờ cô đặt thì ra giêng mới lấy được”. Câu nói đó làm mình chưng hửng, còn hai tuần nữa mới Tết mà. Nhưng người Việt lo Tết sớm, trước cả một tháng trời. Anh muốn đi đâu thì phải lo trước mua vé máy bay, vé xe lửa, hay hỏi lung tung để đặt thuê xe, thuê tài xế ít nhất là một tháng trước Tết, cận kề ngày mới tính chuyện đi chơi, di chuyển thì có thể có mà có thể tìm không ra phương tiện để di chuyển. Các nhà ga, bến xe đều tấp nập không khí Tết, người đến, người đi ngang dọc đem theo hàng trăm kí lô hàng hóa, hành lý xem vừa vui mắt vừa thấy chộn rộn cái chân cũng muốn đi.

Hương vị Tết tỏa lan trong các chợ, anh phải đi chợ, len lỏi trong các ngóc ngách chợ, nhất là chợ nhỏ, chợ quê lại càng đậm không khí Tết, hàng Tết bầy đầy khắp nơi: những loại trái cây đẹp mắt nhất để làm mâm ngũ quả cúng trên bàn thờ, ôi thôi nào là cam, quít, xoài, dưa hấu, chuối, na, táo, lê, nho, hồng, bưởi, thanh long…trái cây cũng phải có đủ mầu xanh, đỏ, vàng trên mâm ngũ quả, rồi thì nến đỏ, nhang trầm, lư hương, chân đèn bằng đồng, các loại giây đèn “lét” (led) nhấp nháy đủ mầu sắc để trang trí bàn thờ tổ tiên, giấy tiền vàng bạc…Hương vị Tết tổ tiên đẹp nhất nước là ở hai con phố Hàng Mã và Hàng Quạt ở Hà Nội, mầu đỏ rực của giấy, mầu vàng bóng của đồng cũng như mầu xanh đậm của sành sứ.

Người Việt ăn quà nhiều, ăn suốt ngày, đi đâu cũng thấy ăn, nhưng hương vị Tết cũng là…ăn “tập thể” ở mọi hàng quán, tiệm ăn rất là đông vui, ồn ào, nhộn nhịp, cười nói hả hê, thích thú, bạn bè hẹn nhau, mời nhau đi ăn chung cả đám, “dzô” bia một hai ba…uống mệt nghỉ, uống cả mấy thùng bia, mấy két bia, các hàng quán đầy người ngồi ăn, không còn một chỗ trống, nhạc nhiếc đinh tai nhức óc, các bản nhạc về “Xuân” phát thanh 24 trên 24 nghe riết thuộc lòng luôn, hát theo, không còn gì vui hơn…thiệt đúng là “ăn Tết”, thấy người ta ăn, mình cũng ăn, người Việt ở xa về thèm ăn các món Việt Nam nên ăn “đã” luôn, ăn sáng ăn trưa ăn chiều ăn tối, ăn mà không biết mắc cỡ là “cô ơi cô năm nay béo quá !”, vì hết tháng Tết ai nấy mập ú, tăng thêm mấy kí lô trọng lượng thân thể.

Hương vị Tết thơm ngát trong các đền, chùa, nhà thờ…Tất cả các nơi thờ tự đều được sửa soạn đón Tết, các bàn thờ đều đầy ắp hoa tươi, trái cây, bánh hộp, nhang đèn đốt suốt ngày, các mâm tiền cúng đầy ắp tiền giấy, ngoài sân đình, sân đền, sân chùa đều giăng đèn kết hoa, đầy những hàng mã bằng giấy rất tỉ mỉ khéo tay, rất đẹp, trống chầu, voi ngựa như đền thờ Bà Triệu ở Thanh Hóa, người đi cúng, khấn vái, cầu kinh, xem lễ đông như trẩy hội, vui lắm. Tôi thích nhất, tiếng cầu kinh kệ ê a đều đều say mê tiếng mõ lóc cóc tiếng chuông ngân nga vang dội trong không gian tiếng lư đồng sắc bén, cũng như tiếng bài giảng trịnh trọng, tiếng hát lễ bay bổng cao vút, cũng như tiếng hát chầu văn rất nhịp nhàng rất vui tai, nghe mãi không chán, nên nhà thờ nào chúng tôi cũng vào thăm, đền chùa nào chúng tôi cũng đến viếng.

Hương vị Tết là ở các bến đò, bến sông, bến cảng…tầu thuyền rời bến, cập bến không ngơi nghỉ để đem hàng đến, chở hàng đi…Những chiếc ghe bầu, ghe lớn, ghe nhỏ chở đầy hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa mào gà…từ nhà quê lên thành phố bán Tết, nặng khẩm xấp xỉ mé nước, là những con thuyền đẹp nhất. Nhìn khối lượng hàng hóa, thực phẩm đó, chồng tôi chắt lưỡi, người Việt không bao giờ thiếu ăn, thiếu thốn. Anh phải về Cái Bè đi chợ nổi cho biết miền sông nước Cửu Long Giang.

Hương vị Tết còn là các bãi biển suốt từ Bắc xuống Nam, anh ra bãi biển nào cũng thấy rất đông vui, đám con nít là vui sướng nhất, chúng được nghỉ học, ngày nào cũng được ra bãi biển vọc cát, dỡn sóng, chìm ngập bơi lội trong nước biển ấm áp. Nam thanh nữ tú cũng ùa ra biển, nhưng để ngắm nhau và làm quen trên bãi biển nhiều hơn là xuống nước…từ sáng sớm đến chiều tối. Hay họ ngồi bên nhau, từng cặp dưới một gốc cây trong những công viên gần bờ biển…Nhìn họ, tôi không khỏi nhớ…ngày xưa của tôi. Nắng ấm, gió mát, trăng thanh, hơi nước biển ấm mùa Tết ở vùng biển rất tốt cho những người lâu năm ở xứ lạnh như mình. Anh có muốn đi biển ngày Tết cũng phải đặt phòng khách sạn trước, nhớ nhen.

Hương vị Tết không thể thiếu là những chợ hoa đường phố, chợ bán hoa bình thường đến nỗi hoa chất thành núi, bầy thành thảm mênh mông, hay chợ bầy hoa để cho mọi người đi ngắm nhau, nhìn nhau, gặp nhau, chụp ảnh kỷ niệm…Hình như bất cứ một người Việt nào cũng có một tấm ảnh kỷ niệm chụp ở chợ hoa mùa Tết ?
Và hương vị Tết cuối cùng của cái vui chung là dòng người, dòng xe vô tận trên các đường phố, từ sáng sớm cho đến sáng sớm không dứt trong đêm, họ đi đâu không biết, nhưng bao nhiêu là người và người đổ ra đường, xe cộ chuyền động khắp nơi và sự chuyển động đó tạo nên một tâm trạng háo hức, hồ hởi, rộn ràng, vui tươi.

Và bây giờ là lúc tôi buồn, anh Tuấn ạ, có lẽ khi về ăn Tết anh sẽ cảm thấy như tôi, đó là buổi chiều ngày ba mươi Tết. Đột nhiên, ngày ba mươi tất cả đều im ắng, tất cả đều đóng cửa, chợ búa đìu hiu đúng y như câu văn thời xa xưa “buồn như chợ chiều ba mươi Tết”, các loại tiếng động giảm dần cho đến độ tối đa, mọi người, nếu không còn phải vì công việc bắt buộc, đều đóng cửa ở trong nhà, nên đường phố vắng hẳn mọi loại xe cộ, sự kiện một năm chỉ có một lần ở quê nhà. Vợ chồng tôi thu mình trong gian phòng khách sạn, và tôi phải ngồi quay mặt vào tường, giả vờ đọc một cái gì đó, để giấu chồng tôi là tôi khóc. Vậy mà chỉ ít phút sau, ông ấy hỏi, tại sao lại sụt sịt, tôi nói dối, em bị sổ mũi.
Chiều ba mươi, mọi người trong gia đình lo tắm giặt, quét dọn nhà cửa, sắp xếp lại mọi thứ ngăn nắp, nhà bếp khói bốc mù mịt, vừa lo nấu cơm cúng ông bà đêm Giao thừa, vừa làm cho xong những món ăn trong ba ngày Tết, để cho ông Táo nghỉ. Mọi năm, má tôi làm những món truyền thống như dưa món, cải món, một nồi cá kho khô thật to để ăn với bánh chưng, bánh dầy, lại còn thêm bao nhiêu là giò chả, bánh mứt. Trước Tết đã “ăn Tết” quá ừ hứ, nên trong Tết dù chỉ ăn cầm chừng ít ít cũng không thấy đói. Thấy đám con cháu ăn ít, hay không ăn cơm nhà thì má tôi lo lắm, tụi bay đói !

Bàn thờ tổ tiên trong nhà nghi ngút khói hương, mùi nến. Không khí chiều ba mươi Tết và đêm Giao thừa trong nhà, không ai được nói to, không được cãi nhau, không được giận hờn, không được khóc…mọi người vui thầm, ngày mai sẽ mặc bộ quần áo mới, bộ quần áo đẹp nhất của năm, và yên lặng chờ giờ phút chuyển từ năm “cũ” sang năm mới. Sự im ắng đó có một vẻ gì thiêng liêng, trân trọng, không hề giống như vẻ im ắng trong nhà tôi khi tôi ngồi viết lách.
Giờ khắc chuyển năm thơm nức mùi nhang trầm và mùi nến đỏ cháy bập bùng, người lớn đều thức để hưởng giây phút thiêng liêng đó, chỉ có bọn con nít đã vào giường nằm im trong chăn.

Trong căn phòng khách sạn kín bưng, tiếng máy lạnh chạy nghe rõ rì rì, hoàn toàn không có gì là Tết hết, chồng tôi đọc sách báo, tôi ngồi quay mặt vào tường như con nít bị bà giáo phạt ngày xưa, anh bảo tôi không buồn sao được.
Những năm về trước, bốn năm giờ sáng là ba tôi ra trước, tôi đi theo sau, hai cha con đèo nhau đi lễ Lăng Ông để xin lộc, rồi về xông đất nhà, má tôi chờ ba tôi đem cành lộc về cắm vào bình hoa lay ơn đỏ thắm. Bây giờ, đó chỉ còn là kỷ niệm xa vời của quá khứ, anh bảo tôi không buồn sao được ?

Có một năm chúng tôi lang thang ăn Tết ở Hà Nội, đó là cái Tết quê hương đẹp nhất mà tôi không thể quên. Khi chúng tôi đi thăm đền Hai Bà Trưng, tôi được mấy bà vãi cho mấy cái oản và mấy gói lộc gói trong bao lụa đỏ rất đẹp đựng gạo, muối, diêm quẹt (lửa là một yếu tố sống còn cho loài người từ thời tiền sử !), rồi một chị bạn đem đến cho một nửa con gà luộc và một gói xôi, một hũ dưa món, một cô bạn trẻ cũng đem đến cho một cây giò và một cái bánh chưng, ông chủ khách sạn cũng ân cần, tử tế, cho một nửa cái bánh chưng và lì xì một tờ 50.000 đồng Việt Nam mới tinh. Tôi mua thêm bó hoa lay ơn đỏ, thế là đêm giao thừa năm ấy, vợ chồng tôi bầy các thứ trên cái bàn con duy nhất trong căn phòng khách sạn, ăn bốc, ăn cạp, nhưng vui.

Còn ở trong Sài Gòn, không ai cho gì hết ! Thậm chí, cái khách sạn nhỏ nơi chúng tôi trọ, còn bỏ hẳn luôn các bữa ăn sáng trong ba ngày tết mà không báo trước cho khách trọ, họ nói ngang ngược “chợ đóng cửa và không có nhân viên”, trong khi đó họ bày đầy cỗ bàn ra ăn uống với nhau trước mặt khách trọ. Hàng ngày, chúng tôi phải đi ăn búp phê trong một cái khách sạn bốn, năm sao trên đường Nguyễn Huệ vì các hàng quán khác đều đóng cửa hết. Một năm, chồng tôi lại còn bị móc túi ngay trước cửa khách sạn Rex, mất hết cả tiền…
Không biết anh về ăn Tết nơi đâu trên quê hương, nhưng cái buồn của tôi không chắc gì anh sẽ có như thế, mỗi người một hoàn cảnh riêng biệt, phải không anh.
Bây giờ là chiều ba mươi bên nhà, lá thư này đóng lại năm con dê Ất Mùi, tôi thân mến chúc anh ăn Tết vui, khỏe và bắt đầu một năm mới trong Hạnh Phúc, sức khỏe và nhất là hãy về tận hưởng bầu không khí thiêng liêng và thanh bình trên quê hương trong mùa Tết Việt Nam. MTT06-02-2016

Đường hoa Nguyễn Huệ năm Bính Thân 2016 – Ảnh: Báo Công An Thành Phố

Duonghoa2016-5073-1200