Chiến thắng bí mật của Painvin – Le secret de la victoire et la bataille du Matz

Chiến thắng bí mật của Painvin – Le secret de la victoire et la bataille du Matz – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2008 – https://mttuyet.fr

Những gì bí mật của hôm qua đang ló ra ánh sáng hôm nay, những gì bí mật hôm nay sẽ hiện ra ánh sáng ngày mai, đó chính là sự thôi thúc học, đọc và hiểu lịch sử của mỗi thế hệ. MTT2012

Trong tất cả mọi cuộc chiến tranh, chiến tranh bề mặt mà tất cả mọi người đều thấy, chỉ là kết quả hay hậu quả của một cuộc chiến tranh ngấm ngầm bên trong đã tiến diễn từ lâu. Thí dụ mới nhất trên chính trường quốc tế là vụ ám sát bà Benazir Bhutto tại Pakistan vào ngày 27.12.2007 vừa qua. Cuộc ám sát diễn ra trước sự hiện diện của nhiều cơ quan báo chí, truyền thanh và truyền hình, trước dư luận thế giới. Mà ngay sau đó, nhiều câu hỏi được đặt ra và có nhiều câu trả lời khác nhau, mâu thuẫn với nhau, bên này nói có, bên kia nói không. Ai là thủ phạm và bà Benazir Bhutto chết như thế nào ? Bị bắn trước, chết rồi bom mới nổ, hay chết vì bom nổ ? Hoàn toàn không rõ ràng, ai nói thật, ai nói dối ? Sự thật về cái chết của những nhân vật tên tuổi như Kennedy, Marilyn Monroe, Diana… có thể xuất hiện trong năm mươi năm sau, hay lâu hơn nữa….

Với những phương tiện thông tin hiện đại, tối tân như trong thời đại của chúng ta, con người „chết ngợp“ trong số lượng thông tin hàng ngày trên báo chí,truyền thanh, truyền hình, internet, không biết đằng nào mà lần, tin thật có, tin giả có, hỏa mù sa mưa có, nếu không muốn nói rằng, sự thông tin thế giới cũng là một cuộc chiến tranh, mà chúng ta đã thường nghe nói đến khái niệm „chiến tranh tâm lý“, là một thí dụ.

Sau khi nhiều cuộc lùng bắt, lục soát gia cư của những người sử dụng mạng internet được công bố trên báo chí thì mọi người đều biết rằng, các trang trên mạng cũng là những „cạm bẫy“ được giăng ra như mẹ mìn dụ trẻ ngây thơ, và sự kiểm soát các thông tin trên internet không phải là không có hiệu lực, như nhiều người quá tự tin.

Cuốn sách với tựa đề La France gagne la guerre des codes secrets 1914-1918 (nước Pháp thắng trận chiến những mật mã 1914-1918) của Sophie de Lastours xuất bản năm 1998, nhà xuất bản Tallandier Paris, góp phần đưa ra ánh sáng một trận chiến bí mật ít được công bố của trận Đại chiến thứ nhất 1914-1918.

Cũng nhân dịp đọc cuốn sách này cùng nhiều tài liệu khác, nghe nhiều nhân chứng sống, mà tôi hiểu được thêm „số phận“ của làng tôi đang ở trong hai trận Đại chiến, về khung cảnh và con người của vùng Picardie nói chung.

Trong khi hàng triệu chiến sĩ của cả hai bên thù địch dùng xương máu của chính bản thân mình để lấn chiếm, hay gìn giữ từng tấc đất trên các chiến trường sình lầy, băng giá thì công việc của vài người âm thầm, yên lặng đằng sau chiến trường quyết định sự hy sinh, chiến thắng hay thất bại của những đạo quân đó.

Họ là ai ? làm công việc gì ? kết quả như thế nào ?

Người chiến sĩ thầm lặng Painvin

Kẻ chiến thắng thầm lặng, Đại úy dự bị Painvin trao cho đại tướng Maurin vào tháng 7 năm 1921 một danh sách dài liệt kê những mật mã mà Painvin đã giải từ khi Đại Chiến Thứ Nhất bắt đầu vào năm 1914 cho đến năm kết thúc 1918. Công việc hàng ngày của Painvin là giải các hệ thống mật mã của những thông tin mật truyền qua sóng phát thanh của quân Đức.

Chiến công của Painvin được giữ yên trong bóng tối rất lâu, vì công việc giải mã bí mật trong quân đội phải được giữ kín trong suốt năm mươi năm. Mãi cho đến cuối năm 1962 trong một bài báo của Tạp chí Quân đội người ta mới công bố chiến công thầm lặng của Painvin.

The_Execution_of_Mata_Hari_in_1917

Trong suốt bốn năm chiến tranh từ 1914 đến 1918 Painvin, khoảng thời gian ấy là 28 đến 32 tuổi đời, đã giải hàng trăm mật mã – một mình, hay có thêm sự góp sức của đồng đội – của quân đội Đức, thủy quân Đức và Áo, của ngoại giao Đức… cũng như các thông tin của gián điệp Đức trên đất Pháp. Chính các mật tin về nữ gián điệp Mata Hari đã được Painvin giải mã và làm lộ mặt người nữ gián điệp này. Mata Hari (tên thật là Margaretha Geertruida Zelle, sinh ngày 07.08.1876 tại Leeuwarden, Hòa Lan) bị bắt ngày 13.02.1917 trong một khách sạn tại Paris, bị Tòa Án Quân Đội Pháp kết án tử hình ngày 25.07.1917 và xử bắn ngày 15.10.1917 trong khu vườn của lâu đài Vincennes.

Quân Đức thay đổi nhiều lần các hệ thống mật mã và các khóa mật mã, thí dụ như hệ thống UBCHI (1914-1915), hệ thống A.B.C. (1915), hệ thống A.B.C.D. (1916)…cho đến hệ thống A.D.F.G.V.X vào tháng ba 1918.

Về công việc của Painvin người ta chỉ đưa ra một thí dụ cho công chúng biết, đó là sự kiện „Bản giải mã chiến thắng“ (le Radiogramme de la Victoire), mật hiệu của quân đội Đức phát thanh ngày 01.06.1918 từ quân khu chỉ huy đến các đơn vị tiền đạo của quân Đức đóng tại khu vực Montdidier, cách Compiègne chưa tới bốn chục cây số đường bộ, và được Painvin giải vài ngày sau đó.

Kết quả công việc này của Painvin đã đem lại thành công cho quân đội Pháp, kịp thời huy động lực lượng để đẩy lùi quân Đức trong trận chiến đấu tại khu vực Compiègne, chận đường quân Đức tiến chiếm Paris.

Một người bạn biết về truyền tin cắt nghĩa cho tôi nghe rằng, các mật hiệu truyền qua tín hiệu morse đều phải được xây dựng trên cơ sở một bộ năm hay sáu chữ, vì những người lính truyền tin phải nghe và viết cùng một lúc: họ nghe năm chữ đầu, đang viết năm chữ này, thì tai lại phải nghe năm chữ sau, và cứ tiếp tục vừa nghe vừa viết như thế. Nghe và viết mật hiệu trong một điều kiện hết sức căng thẳng trên chiến trường, không được nhầm lẫn, không phải là một chuyện dễ dàng mà ai làm cũng được. Mỗi người truyền tin lại có một phong cách, một nhịp điệu riêng biệt của mình, và sự thính tai rất đặc biệt. Sau đó, các mật hiệu bắt được, phải được đưa cho người giải mã.

Tín hiệu Morse quen thuộc nhất là lời kêu cứu S.O.S mà ai nghe cũng không thể nhầm lẫn được: … — …  (tít tít tít ta ta ta tít tít tít)

Tuy rằng Painvin có theo học trường quân đội trong năm 1913, nhưng không được đào tạo về giải mã, một công việc đòi hỏi phải có năng khiếu phân tích và kiên nhẫn. Năm 1914 Painvin phục vụ dưới quyền đại tướng Maunoury, người mà Painvin rất mến phục.

Khi quân đoàn thứ sáu của tướng Maunoury đóng ở Villers-Cotterets (vùng sông Oise), cách thành phố Compiègne chưa tới hai mươi cây số, bất ngờ, Painvin giải được một mật hiệu của Đức và đề nghị một phương pháp giải khóa mới cho hệ thống mật hiệu được đặt tên là ARC. Sau sự kiện này, đại tá Cartier hết sức vận động để Painvin được chuyển về “Cabinet Noir” (đơn vị đen), đơn vị giải mật mã.

Nhưng khi bắt được mật hiệu gởi đi theo hệ thống mật mã mới A.D.F.G.X., đại tá Cartier, người chỉ huy „đơn vị đen“, đâm ra bi quan, không tin rằng lần này Painvin sẽ thành công thêm một lần nữa.

Mật hiệu sửa soạn tấn công ngày 01.06.1918 của quân đội Đức được truyền đi theo hệ thống sáu chữ A.D.F.G.V.X. , có hai bộ khóa được thay đổi mỗi ngày, như sau:

FGAXA XAXFF FAFFA AVDFA GAXFX FAAAG DXGGX AGXFD XGAGX GAXGX AGXVF VXXAG XFDAX GDAAF DGGAF FXGGX XDFAX GXAXV AGXGG DFAGG GXVAX VFXGV FFGGA XDGAX FDVGG A

Trong thời điểm đó, đây là một bất ngờ mới cho Painvin, vì cho đến ngày cuối cùng của tháng năm, quân đội Đức còn sử dụng hệ thống năm chữ A.D.F.G.X.

Mật hiệu ngày 01.06. lại có thêm chữ thứ sáu, chữ V.

Painvin làm việc khẩn trương và sau 24 tiếng đồng hồ, ông đã giải được mật hiệu của hệ thống mới theo hai khóa mật mã như sau:

Grille: c08xf4mk3az9nw1ojd5siyhuplvb6req7t2g

Permutation: 12,6,18,15,4,1,3,16,10,8,19,14,11,7,9,2,5,21,17,20,13

Mật hiệu truyền tin được giải ra dạng như sau:

DA GX FA GF XG GF AD FA GF XA VX GX FA XX VG XA GD AA GV FF XA GX FA GF XX XA

M    u   n   i    t     i   o   n   i    e    r   u   n   g   b   e    s    c   h   l    e    u   n   i   g   e

FA VA GX FA DD XG GD AD FD XA GF XG FA GF AA GV XG XA GF FA XX XA GD XA GV XA

n    p   u   n   k    t    s   o    w   e   i    t    n   i   c    h   t    e    i   n   g    e   s   e    h   e

FA DG GX AA GV VG XA GF XG DG XX

n    a    u   c   h    b  e    i    t   a    g

Mật hiệu giải mã bằng tiếng Đức là:

„Munitionierung beschleunigen Punkt Soweit nicht eingesehen auch bei Tag.“

Painvin truyền mật hiệu được giải mã cho ban chỉ huy của đại tướng Foch, tại đây họ hiểu ngay là quân Đức đang sửa soạn tấn công khu vực Compiègne để tiến về Paris.

Bản dịch chính thức của quân đội Pháp là:

„Hâtez l’approvisionnement en munitions, le faire même de jour tant qu’on n’est pas vu”

Sự thành công của Painvin đã cho quân đội Pháp một dịp may to lớn: họ biết trước mục đích tấn công của quân đội Đức và có thời gian để sửa soạn lực lượng phòng thủ và phản công, mà chiến thắng „La bataille du Matz“ sau đó cũng là chiến thắng của Painvin.

Chiến thắng vùng sông Matz (La bataille du Matz)

Le Matz là tên một con sông nhỏ, dài khoảng 15 đến 20 cây số, bắt nguồn từ làng Canny-sur-Matz, chảy qua các làng: Canny-sur-Matz, Roye-sur-Matz, Laberlière, Ricquebourg, Bayencourt, Ressons-sur-Matz, Margny-sur-Matz, Marest-sur-Matz, Chevincourt, Mélicocq, Machemont rồi đổ nước vào sông Oise ở làng Thourotte.

Các làng này rất gần thành phố Compiègne, chỉ cách khoảng từ 15 đến 17 cây số đường bộ.

Char français Renault de type FT17 en progression au bord d’une tranchée à Lataule en août 1918. Xe tăng Renault FT17 đang băng qua chiến hào ở làng Lataule, tháng 8.1918

Tôi đã có dịp đi xem một căn nhà ở làng Canny sur Matz, sau vườn có một cái cầu nhỏ bắc ngang qua một mảnh đất bị chia cắt làm hai bởi một con suối chảy róc rách, rất thơ mộng, tình tứ. Nhà xây chưa xong, nhưng chủ nhà muốn bán gấp, giá rẻ, vô ở liền! Anh bạn đi cùng với tôi ra dấu kín đáo để tôi đừng nhận lời mua nhà với người của công ty địa ốc mời đi xem nhà.

Sau đó, anh bạn tôi, thổ địa vùng này, trợn mắt la làng, mua cái nhà đó là chết cửa tử! Nhà đó xây ở gần nguồn sông Matz, mùa nước cạn, nước chỉ chảy hiu hắt như một con suối nhỏ, nhưng thường gây ngập lụt hai bên bờ vào mùa xuân khi nước từ các vùng cao đổ xuống, cho nên chủ nhà muốn bán nhanh, bán rẻ vì khi đặt thầu xây nhà, ông ta không biết điều đó. Tôi cũng không rành về địa lý phong thổ, không biết nhà ở đầu nguồn lành hay dữ, nhưng sợ ngập và ẩm.

Năm 1918 các khu vực chung quanh hai thành phố nhỏ, Compiègne và Montdidier, bất ngờ trở thành bãi chiến trường đẫm máu giữa hai đạo quân của tướng Đức Ludendorff và tướng Pháp Mangin, mà trận chiến này đi vào lịch sử với cái tên „Bataille du Matz“ (trận sông Matz, tháng sáu 1918).

Ludendorff muốn tấn công khu vực sông Matz để tiến chiếm thành phố Compiègne, tạo thành vòng đai kết hợp của hai vùng sông Somme và sông Marne, rồi bao vây đánh chiếm Paris.

Vùng Picardie, trong cả hai lần Đại chiến thế giới, là chiến trường khốc liệt đẫm máu, vì nằm trên đường tiến quân của quân đội Đức, xuyên qua nước Bỉ, đánh từ hướng Bắc xuống Nam, để tiến về Paris.

Quân đội Đức thời ấy đã sử dụng máy bay ném bom mang tên Gotha và các khẩu súng đại bác mang tên Đức “Langer Max” và “Kaiser Wilhelm” (nhưng dân Pháp thì gọi mỉa mai là “die Grosse Bertha”, bà Bertha mập ú) có nòng súng dài 34 thước, bắn đạn đại bác nặng 104 kí lô với đường kính đạn là 232 mm, tầm bắn là 126 cây số !

Dân chúng gọi những chàng trai trẻ phải cầm súng ra trận, ra đi không hẹn ngày về là „thịt nhồi họng súng đại bác“ ( Kanonenfutter – tiếng Đức, chair à canon – tiếng Pháp).

Sự hy sinh về tính mạng dân sự cũng như về tài sản của dân chúng vùng Picardie rất to lớn. Sau chiến tranh không có một cái nhà nào còn nguyên vẹn, nhà thờ, thánh đường, nông trại, lâu đài…bị bom và đạn bắn, cháy thiêu, tan nát thành đống gạch vụn. Hiện nay trên nhiều tường nhà còn nguyên các dấu vết đạn, vết bom nổ, mà dân chúng cố tình không sửa chữa, để nguyên tình trạng đó làm kỷ niệm.

Trên khắp vùng Picardie có rất nhiều nghĩa trang của quân sĩ tử trận tại đây, các đài kỷ niệm những nơi quân Đức hành quyết hàng loạt quân kháng chiến và thường dân. Tôi đã đi thăm nhiều nghĩa trang trong vùng Picardie của quân đội Đức, Canada, Pháp. Các nghĩa trang của Pháp, Canada được săn sóc kỹ lưỡng sạch sẽ, có hoa đủ mầu, các thập tự giá được sơn trắng, ở giữa có cột cờ và lá cờ bay phất phới.

Nhìn các nghĩa trang của Đức mà tôi buồn cho dân Đức. Như xấu hổ cho sự bại trận của họ, các nghĩa trang của họ rất „kín đáo“, không treo cờ, không trồng hoa, và các thập tự giá bằng gỗ đậm mầu ngả sang mầu đen theo năm tháng, không sơn, xem rất buồn thảm. Nhưng dân Pháp rất tôn trọng các nghĩa trang của Đức, làm bảng chỉ đường cẩn thận, quét dọn chung quanh sạch sẽ và không hề phá phách hay bôi nhọ.

Dân vùng Picardie lại rất kiêu hãnh tự hào. Họ không đòi hỏi bồi thường vật chất cao và cố gắng xây dựng lại nhà cửa, làng mạc trong điều kiện tối thiểu. Các làng mạc được xây dựng lại sau đó bằng gạch đất nung đỏ, vật liệu mà họ tự sản xuất từ đất sét trong vùng. Trải qua thời gian, mầu gạch đỏ mới khi xưa trở thành nám đen và xanh rêu, gây một ấn tượng nghèo nàn, cho những người không biết lịch sử chiến đấu của vùng Picardie. Nhiều ngôi nhà thờ điêu tàn, tường đầy vết đạn và vết bom, ẩm ướt, các bàn thờ Chúa, ảnh, tượng bị hủy diệt hay tàn hại. Có làng xây cất lại nhà thờ mới, có làng ráng sửa chữa lại, đến đâu hay đến đó. Người dân picard rất trọng đạo Thiên Chúa, nên mỗi khi nhìn các vết tích chiến tranh tàn phá họ không quên những kỷ niệm cũ. Có lẽ vì thế mà dân vùng Picardie không ưa thích đám dân trưởng giả quí phái của Paris và các loại „collabos“ (tay sai) cho Đức.

Chủ nhân của lâu đài Lataule, đã bị thiêu hủy trong chiến tranh, mượn thế cộng tác “Collabo” với quân Đức, thi hành lệnh tịch thâu tất cả ngựa trong cả vùng để  làm phương tiện di chuyển, tịch thâu con ngựa kéo xe duy nhất của ông ngoại người bạn tôi, sau chiến tranh họ cũng không chịu trả lại ngựa, làm cho anh bạn tôi vẫn còn rất hậm hực gia đình ấy. Chiến tranh chấm dứt, quân Đức rút lui, họ vẫn đang còn là đại điền chủ trong làng, vẫn là chủ nhân lâu đài bị bom đổ nát, cũng được bồi thường, và cho xây cất trên nền lâu đài cũ một ngôi nhà rất to lớn.  Hai cánh cổng sắt vào lâu đài khi xưa to cao, oai nghiêm, còn nguyên, được sơn lại trắng nuốt.

Anh bạn tôi kể hoài hai câu chuyện không thể quên được trong làng chôn nhau cắt rốn của anh ấy. Để thị oai, quân Đức vào làng, lôi ra ba ông Trưởng Làng, Linh mục nhà thờ làng và thầy giáo làng, bắt ba người cầm xẻng đào hố, rồi bắn chết cả ba người trong hố. Chuyện thứ hai, quan chỉ huy Đức, mỗi chiều điểm danh dân làng, lựa chọn luôn một người phụ nữ trong làng, bắt phải „hầu hạ“ quan đêm đó. Một người phụ nữ làng, tự đứng ra xin „hầu hạ“ quan mỗi đêm, tránh nhục nhã cho các người vợ người mẹ khác. Dân làng biết ơn, sau chiến tranh, không một ai dám nhắc đến tên người phụ nữ ấy.

Còn phần ông bà ngoại của người bạn tôi, hãnh diện đến mức chỉ nhận thơ cám ơn của Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower, mà không thèm nhận bất cứ một phần thưởng vật chất nào của chính phủ Mỹ muốn trao tặng cho gia đình ông, vì đã có công cứu, nuôi và dấu các phi công Mỹ bị bắn rơi xuống làng trong trận Đại chiến thứ hai, cho đến ngày họ trở về Mỹ an lành.

Đêm ngày 08.06.1918 đạo quân thứ ba của Đức bắt đầu di chuyển quân để lập thành chiến tuyến, tiến đến bao vây các làng Monchel, d’Assainvillers, Rollot, Hainvillers, Conchy les Pots để trấn đóng điểm cao nhất tại làng Boulogne la Grasse. Sau đó họ chiếm giữ các làng trải dài từ Roye sur Matz, Plessis de Roye, Plémont, Thiescourt để trấn đóng điểm cao nhất Mont Renaud của thành phố Noyon. Bản dinh chỉ huy của quân Đức thì đóng ở thành phố nhỏ Clermont.

Ngày 9.06.1918 quân Đức vừa trải dài từ Tây sang Đông, từ làng Grivesnes, ngang qua sông Oise, cho đến Carlepont, chỉ cách đỉnh Mont Renaud (Noyon) vài cây số, vừa bắt đầu tấn công bằng súng đại bác. Quân Đức và quân Pháp đánh nhau rất dữ, nhiều làng cứ bị chiếm, rồi lại tái chiếm, rồi lại bị chiếm.

Cho đến cuối ngày thì quân Đức thủ ở các làng Ressons-sur-Matz, Cuvilly và Mareuil. Quân Pháp chiếm giữ chiến tuyến từ Domfront, le Frétoy-Vaux, Courcelles, Belval, la Rue Mélique (Thiescourt), Orval, Ville, Passel, Lataule, cánh rừng Ressons, Margny và Marquéglise. Các làng này nhỏ, thưa dân, mỗi làng có chừng vài chục nóc nhà, cách nhau chỉ vài cây số, dân quê thường đi bộ từ làng này sang làng kia.

(Sự kiện này cắt nghĩa tại sao ngày hôm nay tôi còn tìm thấy đạn, bom, lưỡi lê, thuốc độc, rượu Đức… từ thời đệ nhất thế chiến trong mảnh vườn nhỏ nhà tôi ! Một lần, tôi phải đốn một chục cây to, cao tuổi và cao thân, trong vườn để lấy đất và có thêm ánh sáng. Rễ cây đào lên thật to, chất thành đống như núi gỗ mục, phải đốt vì không biết đem đi đâu vất. Lúc lửa cháy, các hộp đạn được chôn dấu dưới gốc cây thời Đại chiến nổ lóc bóc như pháo Tết.)

Ngày 10.06 quân Pháp sửa soạn phản công trên các chiến tuyến, từ Domfront đến Courcelles, từ Ville đến Mont Renaud, chiếm lại làng Méry La Bataille, dàn trận qua cánh rừng Belly, nông trại la ferme de la Garenne, Marquéglise, Elincourt, l’Ecouvillon và la Bernardie. Tướng Pétain cho tăng quân tiếp viện với hai đại đoàn 48 và 133. Năm đơn vị chiến xa với 150 chiếc ở thế sẵn sàng. Đại tướng Mangin của quân đoàn một, lãnh trách nhiệm trực tiếp chỉ huy trận phản công, mà mũi nhọn đầu tiên của cuộc phản công là hai làng Mery và Cuvilly, sát cận làng Lataule. Các tướng Pháp Foch và Pétain theo dõi tình hình tại bộ chỉ huy của tướng Fayolle.

Trong khi đó quân Đức đã tiến chiếm Chevincourt, Machemont, Cambronne đến tận Ribécourt về hướng Compiègne, mở thêm chiến tuyến mới từ khu rừng Carlepont, xuyên qua Tracy le Val và Moulin sous Touvent.

Ngày 11.06, lúc 8 giờ sáng, quân đội Pháp gồm 4 đại đoàn, và một đại đoàn yểm trợ ở chính giữa, chia hướng tấn công trải dài trên tám cây số như sau:

  • Đại đoàn 129e từ Coivrel, Tricot tấn công hai làng Courcelles và Mortemer.
  • Đại đoàn 152e từ Montgerain tấn công hai làng Méry và Cuvilly.
  • Đại đoàn 165e từ Saint-Martin-aux-Bois tấn công Belloy và Lataule (làng tôi !).
  • Đại đoàn 48e từ Montiers tấn công nông trại ferme de la Garenne và Saint-Maur (cách làng tôi 500 thước !).
  • Đại đoàn 133e đi hậu thuẫn ở Vaumont.

Mỗi đại đoàn bộ binh đều có chiến xa yểm trợ.

Đến 11 giờ, quân Pháp làm chủ trận chiến (xuyên ngang làng tôi ở) và bắt được 1.100 tù binh Đức.

Hai ngày sau đó, 12. và 13.06.1918 cuộc tấn công của quân Đức bị bẻ gãy hoàn toàn. Đạo quân của Ludendorff tổn thất: 30.000 tù binh Đức, 6.000 khẩu súng đại bác, 200 súng bắn mìn, 300 súng liên thanh.

Hiện tại có rất nhiều sách vở về các trận chiến ở vùng Picardie do chính các nhân chứng thời đại ghi chép lại. Năm nay, 2008, để kỷ niệm 90 năm kết thúc trận Đại chiến thứ nhất, rất nhiều hoạt động, lễ hội ôn cố tri tân đang được tổ chức ráo riết.

Cuộc gặp gỡ của hai chiến sĩ thầm lặng

Vào ngày 28.04.1968 một cuộc gặp gỡ đặc biệt đã được tổ chức tại „Cercles suédois“ Paris (Hội Thụy Điển Paris) của hai nhân vật đặc biệt: người giải mã Pháp: Painvin và người sáng chế hệ thống mật mã Đức: đại tá Fritz Nebel.

Họ gặp nhau, năm mươi năm trước Nebel 23 tuổi, Painvin 28 tuổi, hai người trên hai trận tuyến đối nghịch, một người trong tư thế chiến thắng, kiêu ngạo, và một người chiến bại, im lặng, nhưng thật sự nóng lòng muốn biết „kẻ thù“ đã giải mã như thế nào. Trước đó, trong suốt năm mươi năm đã qua, Nebel không tin, mà có thể cũng không muốn tin là Painvin có khả năng giải mã một cách nhanh chóng như thế. Nebel cho rằng, có một sơ hở nào đó khi truyền tin và khóa mã đã bị lộ. Nhưng sau khi nghe các lời giải thích cặn kẽ của Painvin trong cuộc gặp gỡ, Nebel phải chua xót chấp nhận rằng, Painvin đã phá vỡ bí mật quân sự của ông.

Painvin cắt nghĩa, ông đã suy nghĩ nhiều về sự liên hệ giữa các mật hiệu truyền tin có liên quan đến những tổn hao xương máu rất lớn của quân đội Pháp trên chiến trường trong năm đầu tiên của Đại chiến 1914 và rút kinh nghiệm. Lực lượng truyền tin của quân đội Pháp thiếu huấn luyện, yếu kém về chất lượng, ghi chép sai lạc thông tin, chậm trễ trong việc truyền tin và giải mã, làn sóng truyền tin thường bị quấy nhiễu…Do đó, ông biết ngay rằng, các yếu điểm của bộ phận truyền tin quân Đức cũng tương tự. Người sáng chế ra mật mã phải bảo đảm hai điều cơ bản: vừa dễ truyền, mà lại khó giải.

Bộ mật mã Nebel sử dụng chỉ năm mẫu tự A, D, F, G, X , ngay cả hai mẫu tự V và R theo tín hiệu morse rất dễ học, dễ nghe và dễ phát. Năm mẫu tự này tạo thành 25 kết hợp thay thế cho 25 mẫu tự…

A ·-

D -··

F ··-·

G –·

X -··-

Painvin kể lại kỷ niệm ngày 01.04.1918 khi ông nhận được cùng một lúc 18 bức điện mật do quân Đức phát đi, với tổng cộng 512 nhóm chữ chỉ có năm mẫu tự ADFGX. Sau năm ngày làm việc Painvin tìm ra cấu trúc của mật mã và hai khóa mã…nhờ đó bộ phận giải mã đã „dịch“ được các mật hiệu nhanh chóng…

Sở dĩ kết quả làm việc của Painvin được tôn vinh vì cơ quan mật thám Phòng Nhì Pháp, biết rằng quân đội Đức đang sửa soạn một cuộc tấn công lớn, nhưng bối rối, không biết được hơn, họ đặt nhiều câu hỏi: quân Đức sẽ tấn công vào vùng Flandres ? Amiens ? Compiègne ? Reims ? Verdun ? khi nào ? Chỉ có Painvin mới tìm ra lời giải cho những câu hỏi này.

Nhưng cho tới ngày hôm nay, cũng như thường lệ về các đề tài lịch sử, nhiều tác giả của Pháp tranh cãi với nhau về công trạng của Painvin, nhất là về thời điểm mà Painvin đã giải mã được hệ thống ADFGX và sự việc Painvin có cung ứng kịp thời tin tức về chiến lược của quân Đức cho bộ chỉ huy quân đội Pháp hay không.

Về phía Đức, thì dù họ chỉ viết về Painvin có vài hàng, người Đức công nhận rằng, Painvin là người đã giải các hệ thống mật mã của Fritz Nebel.

Georges Jean Painvin, sinh năm 1886, tại Nantes, qua đời năm 1980 tại Paris, thọ 93 tuổi, là con của ông Georges Félix Painvin (1859-1945), có vợ là bà Marianne Lefort và năm con. Ông nhập trường Polytechnique năm 1905 và tốt nghiệp hạng hai, chỉ sau thủ khoa là Léon Daum. Painvin cũng theo học trường l’Ecole des Mines de Paris.

Painvin còn có tài năng nghệ thuật, năm 1902 (16 tuổi) Painvin đoạt giải nhất về đại vĩ cầm tại trường quốc gia âm nhạc Nantes (Conservatoire de musique de Nantes).

Trong suốt thời đệ nhị thế chiến, vì không ai biết được công việc bí mật của Painvin trong các năm 1914-1918, Painvin vẫn tiếp tục làm việc trong công ty sắt thép SECEMAEU ( từ 1926 đến 1945), đồng thời dạy học ở trường Ecole des Mines de Paris. Ngoài ra, Painvin đã giữ nhiều chức vị cao cấp khác, và được tuyên dương công trạng với nhiều huân chương. Điểm này nói lên rằng, công việc và tung tích của một người như Painvin được giữ hoàn toàn bí mật, chiến tranh cần có những người âm thầm trong bóng tối như Painvin.

Đại tá Đức Fritz Nebel sinh năm 1891 và qua đời, trong lặng lẽ, năm 1967, thọ 76 tuổi. MTT2008 – MathildeTuyetTran

Ghi chú:

Các mẫu tự được phát thanh theo mã Morse như sau:

A  .-            B  -…         C  -.-.           D  -..             E  .                  F  ..-.

G  –.          H  ….         I  ..               J  .—           K  -.-               L  .-..

M  —           N  -.           O  —           P  .–.           Q  –.-             R  .-.

S  …           T  –             U  ..-             V  …-           W  .–              X  -..-

Y  -.–        Z  –..