Phiếm bàn về người và con vật trong ngôn ngữ
Phiếm bàn về người và con vật trong ngôn ngữ – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2016 – https://mttuyet.fr
Gọi là phiếm bàn vì ý định của một bài viết ngắn theo thể loại “tạp văn” không thể đi sâu, đi rộng vào trong chủ đề rất bao la là “ngôn ngữ”, nên người viết xin cảm ơn trước sự rộng lượng của người đọc.
Thú vật khi xưa được tôn là thần linh che chở cho con người. Tại những ngôi nhà của người dân tộc trên vùng Hà Giang hiện nay vẫn có những tượng thú vật, thí dụ như con chó sói, đặt trước nhà ngay lối ra vào và được thờ phượng hương khói. Thú vật như hổ, cá voi…được gọi là “Ông” như gọi vua, là “ông cọp”, “cá ông”. Tam Tạng đi thỉnh kinh Phật có Tề Thiên là con khỉ bị đeo vòng Kim Cô và Trư Bát Giới là con heo đi theo phù trợ. Thần Kim Quy trong sự tích An Dương Vương là một con rùa, nay cũng có miếu thờ, bàn thờ trấn giữ lăng miếu của An Dương Vương tại ngoại thành Hà Nội. Mỵ Châu sẽ không bị cha chém đầu nếu nàng không có cái áo lông ngỗng. Hai Bà Trưng có hai ông voi trắng được thờ phượng rất trọng thể tại Mê Linh, có đền riêng cho tượng voi rất to, cao, ở. Những con rồng, con phượng, con lân, con rùa, con ác điểu, con cọp, con ngựa được dùng làm biểu tượng của vương quyền, thể hiện trong các cờ hiệu, huy hiệu của vua chúa. Thành Cát Tư Hãn nếu không có “vó ngựa” Mông Cổ thì đã không đi vào lịch sử. Thần thoại Hy Lạp cũng có con ngựa thành Troie thường được nêu dẫn. Huy hiệu lịch sử của vùng Picardie nơi tôi sinh sống có biểu hiện của một con sư tử mầu đỏ.
Quốc hội Đức hiện nay vẫn được biểu hiện và trang trí bằng hình tượng của một con ác điểu rất to lớn, còn con gấu là biểu hiện của thủ đô Berlin. Tại thánh đường Basilique Saint-Denis, Paris, nơi chôn cất vua chúa Pháp, thì tượng vua, tượng hoàng hậu trên nắp mộ đều có tạc hình con chó của người ấy, được thờ phượng chung trong nhà thờ. Đức Chúa Jesus sinh ra trong máng lừa, có con bò phì phò phía sau tỏa hơi ấm, và đàn cừu đứng bên cạnh, nhắc nhở sữa bò và sữa cừu là hai nguồn thực phẩm thiên nhiên của con người. Khi Đức Phật ngồi thiền có con rắn hổ mang, thần rắn, rất to, hiện ra, cuốn tròn sau lưng Phật và xòe cái mang rộng là dù che chở cho Đức Phật. Sở dĩ có con người ngày hôm nay thì cũng vì khi xưa con rắn đã dụ bà Eva đưa trái táo cấm cho ông Adam trong vườn Địa Đàng….Last but not least, người Ấn Độ thờ bò, và người đạo Hồi không ăn thịt heo, người Thiên Chúa giáo ăn cá thứ sáu, và người theo đạo Phật ăn chay, không sát sinh. Những thí dụ về sự kết nối khắng khít giữa người và vật trong suốt quá trình hình thành và sinh sống của con người thì nhiều lắm, mà thường là loài gia súc trợ giúp và hy sinh mạng sống cho loài người.

Trên nắp mộ bằng đá trắng của vua Clovis 1er có tạc tượng con chó của vua nằm dưới chân. Basilique Saint-Denis tại Pháp
Đạo Phật dạy là, từ cỏ cây hoa lá, súc vật cho đến con người thì tất cả mọi sinh vật, có sống có chết có tàn rụi để trở về với đất, đều có linh hồn. Con vật là con người khi xưa trong tiền kiếp ăn ở thất nhân bất đức nên khi chết bị Diêm Vương xử phạt cho đi đầu thai thành kiếp thú để trả nợ cho đời, cho loài người.
Vì thế những ai đặt niềm tin vào luật Nhân quả và Luân hồi đều cố gắng làm điều lành tránh điều ác, những điều ác độc tiềm ẩn và thể hiện qua hành động, suy nghĩ, lý luận và lời nói mỗi ngày. Niềm tin đó nới rộng ra là niềm tin vào sự “Công bằng của Thượng đế, của trời đất” (la justice divine), đứng lên trên sự bất công của loài người. Không có ai ở ác, nghĩ ác, nói ác, làm ác mà thoát khỏi được lưới trời lồng lộng, chạy đâu cũng không thoát.
Nhưng, con người ngày hôm nay, mải chạy theo tiền tài, địa vị, vật chất, thường sinh ra hợm hĩnh, kiêu ngạo, ngông cuồng, vô ơn bạc nghĩa…nhìn xuống loài vật, vì họ thấy trước mắt là quyền sinh sát loài vật là nằm trong tay loài người, mà quên rằng nếu không có thế giới thú vật cùng sống với thế giới loài người – là kẻ ăn thịt nó (prédateur), sát sinh – thì loài người không thể tồn tại. Con người có bao nhiêu vũ khí để giết nhau hàng ngày, huống hồ chi muốn ra tay giết chết thú vật.
Ăn chay là một thể hiện tinh thần đạo đức tôn giáo, nhưng ăn thịt vẫn là một sự sống còn cho nhân loại. Con người ngày hôm nay có khuynh hướng quý trọng chiếc xe hơi hơn là quý trọng một con chó giữ nhà, hay con mèo bắt chuột.
Trong ngôn ngữ thì thú vật cũng in dấu ấn của nó – qua cái nhìn của con người với đẳng cấp, loài người là thượng đẳng, loài thú là hạ đẳng, đôi khi rất là bất công, bất đức đối với chúng. Có những con thú được tôn vinh, khen ngợi, có những con thú bị người mạt sát.
Trong tiếng Pháp, nhiều thành ngữ (proverbes) và những bài thơ ngụ ngôn (fables) về con vật thường lấy một hay nhiều đặc tính của nó để tạo thành một thành ngữ gợi hình, gợi ý, hay gợi thanh. Thí dụ như:
Être muet comme une carpe : Câm như một con cá chép
Fier comme un coq : Hãnh diện như một con gà trống
Fort comme un taureau : Khỏe như một con bò đực
Têtu comme une mule : Cứng đầu như một con la cái
Malin comme un singe : Ma mãnh như một con khỉ
Copain comme cochon : Bạn thân thiết với nhau như con heo
Être un crapaud mort d’amour : (bạn) giống như là một con ễng ương chết vì tinh
Traiter comme un chien : đối xử với ai (tàn nhẫn) như đối với một con chó
Gueuler comme un putois : La hét như một con chồn hôi
Sauter du coq à l’âne : Nhảy từ con gà trống sang con lừa (ý chỉ nhảy từ chuyện này sang chuyện khác khi tranh luận, né tránh trong mục đích nói dối)
Quelle mouche t’a piqué ? : (bạn) bị con muỗi nào cắn vậy ? ( ý chỉ tại sao lại nổi cơn giận dữ một cách vô cớ ?)
Avoir une cervelle de moineau : Có óc của một con chim (ý chỉ người nhỏ nhen, hẹp hòi, thiển cận, ngu đần)
Avoir des larmes de crocodile : Khóc với nước mắt của cá sấu (ý chỉ người giả dối)
Chercher des poux à quelqu’un : Tìm kiếm chấy rận ở một ai (ý chỉ bươi móc vu khống, bịa chuyện không có thành có, bới lông tìm vết)
Avoir une langue de vipère : Có lưỡi như lưỡi rắn độc (ý chỉ người ăn nói ác độc, phun nọc độc lên người khác.)
Trong ngôn ngữ Đức cũng có những thành ngữ tương tự, dùng đặc tính của một con vật để ám chỉ điều gì. Vài thí dụ như:
Ein Affentheater machen : Diễn kịch khỉ, làm tuồng khỉ (ý chỉ có phản ứng ầm ĩ, thái quá, nóng nẩy bực tức vô lý)
Wie ein Elefant im Porzellanladen : Như một con voi trong tiệm bán đồ sứ (có thái độ bất cần, thô lỗ, vụng về, thiếu tế nhị )
Eulen nach Athen tragen : Hỏi cú vọ đường đi đến Athen (làm việc gì hoàn toàn vô ích, thừa thãi)
Sich winden wie ein Aal: Quằn quại như con lươn (tìm mọi cách để thoát ra một tình huống khó chịu)
Zwei Fliegen mit einer Klappe schlagen: Đập một cú chết hai con muỗi (giải quyết hai vấn đề khó khăn cùng một lúc, cùng một biện pháp)
Da liegt der Hase im Pfeffer : Đó là con thỏ nằm trong (sốt) tiêu (Đó là điểm mấu chốt của vấn đề, khó có thể tránh khỏi, thoát qua khỏi)
Da lachen ja die Hühner! : Như thế thì mọi con gà đều cười ! (ý chỉ một việc gì rất kịch cỡm, phi lý, vô nghĩa lý trong chiều hướng xấu)
Wie ein Hund leben : Sống (khổ) như chó ( rất nghèo, bần cùng, khổ cực)
Die Katze aus dem Sack lassen : Thả con mèo ra khỏi cái túi (ý chỉ tiết lộ, công bố một chuyện gì đã được giữ bí mật)
Schwein haben : Có heo (ý chỉ có may mắn)
Den Tiger am Schwanz packen : Nắm cọp đằng đuôi (ý chỉ có ý thức tự giác làm một việc gì rất nguy hiểm cho tính mạng, trước sau rồi thì phải chạy trốn, chạy thoát)
Trong tiếng Việt thì chắc hẳn những câu thành ngữ về thú vật thông dụng như:
ngu như bò; nhăn như mặt khỉ; chạy như ngựa; hỗn như gấu; làm quần quật như trâu; miệng lưỡi độc như rắn; hát hay như họa mi; khổ như chó; lì như lừa; nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà; cõng rắn cắn gà nhà; rước voi dày mã tổ; đục nước béo cò; chơi với chó chó liếm mặt; phượng hoàng ăn cứt gà; trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết; cá vàng bụng bọ; châu chấu đá xe; vuốt râu hùm; ăn như mèo; hôi như cú; chậm như rùa; đi như vịt…
Nhưng trong ngôn ngữ Việt thì sự mạt sát, hạ giá thú vật nặng nề nhất là trong những câu chửi rủa.
Một số bài trên tờ Thanh Niên và trên mạng bàn về hiện tượng “chửi” và có tác giả cho rằng, “chửi” là một mảng “văn hóa”, gọi là “văn hóa chửi”.
Dù không đồng ý với quan điểm này, tôi vẫn còn thuộc loại người cho rằng “chửi” ai, chửi nhau là biểu hiện của một sự không có văn hóa, không có giáo dục, không có đạo đức tôn giáo, hành động chửi là thể hiện bước cùng đường, bị dồn vào chân tường mà không có khả năng nào khác để chống đỡ, yếu thế của người chửi, bởi thế có câu “chửi cho đỡ tức”, nhưng cũng đọc các bài viết ấy. Rồi ngạc nhiên là có người thích nghe chửi. Cháo quát, phở chửi được ưa thích. Việc tổ tiên ông bà người Việt có biết chửi hay không, nguồn gốc và lý do, thì tôi còn phải tìm hiểu thêm.
Tác giả Phan An viết trên báo Thanh Niên rằng ” Thật ra thì văn hóa chửi cũng không phải là đặc sản quá độc đáo của người Việt. Bộ sử thi tiểu thuyết hoành tráng Tam quốc chí đã kể rất kỹ về chuyện khi dàn trận đánh nhau các bên rất hay sử dụng một loại quân khá đặc biệt, đấy là những “mạ thủ”. “Mạ thủ” thường chọn những người giọng tốt, ngữ điệu chắc chắn phải cong cớn, đứng ngay ở hàng đầu gào to những lời xỉ mắng đối phương. Khổng Minh Gia Cát Lượng của nhà Thục đã từng đích thân đanh đá mắng chết Tư đồ Vương Lãng của nhà Ngụy… Cách chửi thay đổi rất nhiều, tùy theo vùng miền văn hóa. Ngay cả ở Việt Nam, người Bắc có cách chửi khác người Trung, người Trung chửi khác người Nam.”
Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm có đoạn: “Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt Nam có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không hề nhàm chán. Đó là một nghệ thuật độc nhất vô nhị mà không một dân tộc nào trên thế giới có được”. …Ở đây cũng cần phân biệt giữa “chửi thề” và “chửi”: chửi thề là văng tục, chửi vô tội vạ, chửi bất cứ lúc nào – kể cả lúc vui, chửi mà không có dụng ý bôi nhọ, không nhằm đối tượng nào; chửi thường nhắm đích danh người nào đó và thường trong lúc giận dữ, có dụng ý.“
Khi dùng thú vật để chửi nhau, người Việt thường dùng chữ “Đồ” đi trước: đồ con heo, đồ con khỉ, đồ súc vật, đồ chó má, đồ chó đẻ, đồ chó săn…Chửi là một hình thức dùng ngôn ngữ có một dụng ý để khiêu khích, hạ nhục, lăng mạ, làm mất nhân phẩm của người khác, có đối tượng chính xác, trong lúc giận dữ hay trong lúc cùng đường yếu thế. Người Việt gọi là “đánh võ mồm”.
Tại Pháp, thỉnh thoảng báo chí thông tin những bản án về tội “chửi” (l’insulte, insulter) vì đó là một tội hình sự, xâm phạm nhân quyền, nhân phẩm. Luật pháp Đức cũng phạt tội “chửi” (Beschimpfung, Beleidigung) là một tội hình sự xúc phạm nhân phẩm, hạ nhục. Vậy tại sao gọi đó là “văn hóa” được ?
Chồng tôi, người Pháp, bảo tôi biết là tiếng chửi độc nhất của người Pháp là “T’es un corniaud !” (Mày là đồ chó hoang), tiếng chửi “T’es un bâtard !” (Mày là đồ chó lai) thì không độc bằng.
Nghe thế, tôi rất đau khổ cho con chó !
Trong bài viết “Bạn của người” nhân sự kiện thảm sát Paris ngày 13-11-2015 tôi đã viết về nữ “chiến binh” Diesel, một cô chó cảnh sát đã hy sinh trong trận bố ráp khi nó được thả để đi dò mìn. Đối với tôi, con chó là một người bạn thân thiết của con người, có ích lợi cho nhiều việc như cứu người, giúp người, làm thí nghiệm trong các phòng thí nghiệm thuốc chữa bệnh, làm thí nghiệm khi phóng hỏa tiễn lên không gian vũ trụ, chung thủy, trung thành. Con người dùng con chó làm vật thí mạng, xem một mạng chó sao bằng cho được một mạng người. Không có con súc vật nào lại bị mạt sát, miệt thị như con chó. Có lẽ con người trả thù cho việc con chó biết tuân theo lệnh chủ cắn người, hay loài chó truyền bệnh dại. Thêm vào đó, bỏ qua những sự ích lợi của nó, con chó thường bị con người ngược đãi, đối xử thậm tệ, đánh đập, hành hạ, bị ăn thịt. Thế thì, tại sao con người lại dùng nó – và những thú vật khác – là một tiếng chửi ?! Không lẽ, con người, loài người là một dòng giống sát sinh “prédateur” vô ơn, bạc nghĩa nhất trong muôn loài ? MTT
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.