Báo động tài chính thế giới và vấn đề người di tản Trung Đông
Báo động tài chính thế giới và vấn đề người di tản Trung Đông ©Mathilde Tuyết Trần, France 2016 – https://mttuyet.fr
Báo động trên thị trường tài chính
Sáng sớm ngày 12-01-2016 một tin trên mạng của trang RT.com làm cho người đọc phải dụi mắt nhiều lần, vì không ai muốn làm con chim báo bão: Nhà băng hoàng gia của nước Ecosse (Banque royale d’Écosse, Tô Cách Lan) báo động “Hãy bán tất cả !” cho những nhà đầu tư, vì thế giới đang đi vào một cuộc khủng hoảng tài chính vượt trội lên tầm mức của năm 2008. *) Ảnh hưởng xấu của thị trường chứng khoán Shanghai sẽ có tác động “quả cầu tuyết” (boule de neige) kéo theo sự sụp đổ của những thị trường chứng khoán khác. Thị trường chứng khoán Wall Street báo động một sự thiệt hại từ 10% đến 20% nhất là cho những nhà đầu tư trong thị trường dầu hỏa và khoáng sản. Giá dầu hỏa trên thế giới sẽ xuống đến mức 16 đô la Mỹ cho 1 barrel. Ngày 13-01-2016 giá 1 barrel còn đúng 30 đô la Mỹ. Người ta hy vọng sẽ giữ được giá dầu hỏa ở mức trung bình là 40 đô la Mỹ/1 barrel trong năm 2016. Tại Pháp, trong khi giá dầu thế giới tiếp tục giảm thì các nhà cung cấp xăng dầu tìm cách vớt vát lại sự thiệt hại, và cũng vì mức thuế thâu của chính phủ Pháp cho taxe carbone đã bị tăng lên từ ngày đầu năm, cho tăng giá bán cho người tiêu thụ. Giá một lít dầu diesel chạy xe đã leo lên trở lại trên mức 1 Euro/lít, nên dân chúng sau mùa Noel và sau khi đã đóng tất cả mọi loại thuế cho chính phủ vẫn tiếp tục giảm chi tiêu.
Vấn đề Trung Đông và chiến lược của Nga
Trong bối cảnh đó, bài phỏng vấn tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12-01-2016 trên tạp chí Der Spiegel, trích dẫn từ tờ Bildzeitung, lôi cuốn chú ý về thế kẹt chính trị của nữ thủ tướng Đức Angela Merkel trong vấn đề người di tản Trung Đông, vì hai sự kiện có liên quan từ một nguồn gốc với nhau.
Tổng thống Putin vẫn một mực trung thành ủng hộ cá nhân và chính quyền nước Syrie Baschar-al-Assad và lên tiếng bênh vực Assad trước sự tấn công của báo chí phương Tây hiện tại.
Putin tuyên bố “Assad không chống lại dân tộc của ông, mà chống lại những kẻ vũ trang chống lại chính phủ…Nếu qua trận chiến đó, người dân thường cũng bị lâm nạn thì đó không phải lỗi của Assad…Ông nói tiếp theo là quan điểm hỗ trợ Assad của ông, không có nghĩa là mọi việc phải đều y như cũ…”Nếu một sự ổn định của đất nước đó (Syrie) có tiến triển thì phải có một cải cách hiến pháp tiếp theo đó và sau đó phải có một cuộc bầu cử tổng thống trước khi chấm dứt nhiệm kỳ (của Assad). Lý do quan trọng nhất trong việc ủng hộ Assad đối với tổng thống Nga là tầm quan trọng của sự ổn định của khu vực Trung Đông, “Chúng tôi không muốn Syrie bị lũng đoạn như trường hợp của Iraq hay của Lybie.”
Về việc cho tổng thống Syrie tỵ nạn chính trị thì Putin cho rằng câu hỏi này đặt ra còn sớm, ông nói “Thời gian cho việc này còn chưa chín. Nhưng sự việc nước Nga cho ông Edward Snowdon tỵ nạn còn khó khăn hơn nhiều là trong trường hợp của Assad.”
Những quyết định và hành động cụ thể của Nga để ủng hộ chính quyền đương nhiệm Syrie tất nhiên bị nhiều chỉ trích từ phương Tây, nhưng đã đưa Nga lên hàng một đối tác chiến lược không thể bị bỏ qua. Nhưng Putin cho rằng, nước Nga không có tham vọng trở thành một uy quyền lớn nhất thế giới vì ” tốn kém quá lớn và không cần thiết”. Ngay cả đối với sự chỉ trích cho là Nga muốn trở thành thế lực mạnh nhất trong “khu vực”, ông cũng không đồng ý với quan điểm này và cho rằng đó là một sự sai lầm khi chỉ muốn hạ giá một đối tác khác. Nga muốn có “làm việc chung” với khối Nato (Liên mình quân sự Bắc Đại Tây Dương) và tham gia cuộc họp G8, nhưng Putin nói hóm hỉnh là “Một tình yêu hạnh phúc là một tình yêu được đáp trả. Nhưng nếu người ta không muốn hợp tác với chúng tôi thì thôi vậy.”
Tạp chí Der Spiegel cho rằng nước Nga thất vọng khi đã chờ đợi một sự “tương trợ” kinh tế của Trung quốc nên muốn mở lại con đường với châu Âu.
Nước Đức trước cơn bão người di tản Trung Đông
Sự giải quyết tận gốc chiến tranh tại khu vực Trung Đông có nhiều mồi lửa như cuộc nội chiến tại Syrie, căng thẳng mới đây giữa Iran và Ả Rập Saoudite, cũng như các cuộc đấu tranh quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và dân tộc Kurde, giải quyết tất cả mọi khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS mới là những biện pháp to lớn tận gốc rễ cho vấn đề người di tản Trung Đông, trong hy vọng là những người Trung Đông sẽ không lên đường tiếp tục đi về hướng châu Âu và cụ thể là vào Đức, cũng như trong hy vọng là những người di tản Trung Đông sẽ trở về hay được đưa về trở lại quê hương gốc gác của họ.
Đường hướng chính trị di tản của nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đang gặp phải đối kháng từ nhiều phía, từ cánh hữu, từ cánh tả và ngay từ dân chúng. Kể từ khi sự kiện đêm giao thừa Köln (Cologne) xảy ra thì tình hình cụ thể và tình hình chính trị lan nhanh như dầu sôi lửa bỏng. Thủ tướng Đức đã xác định sự không tham dự của bà trong Hội nghị kinh tế thế giới tại Davos (Thụy sĩ) 2016 diễn ra từ 20. đến 23-01-2016, vì bà có nhiều cuộc họp khẩn cấp trong nước.
Các nước Đông Âu cũng không bỏ lỡ cơ hội cho rằng nước Đức đang phải đối diện với sự thật của một “văn hóa chào đón” và sự rộng lượng của Đức. Khối các nước Đông Âu, từ Hungary, Pologne, Tchéquie, Roumanie, đều lên tiếng với lời lẽ nặng, nhẹ khác nhau, đòi hỏi phải ngăn chặn ngay biên giới phía ngoài của khu vực Schengen và tuyệt đối chấm dứt việc thâu nhận người di tản.
Tiếng nói chỉ trích nặng nhất đến từ phía thủ tướng Robert Fico (Slovaquie), ông đòi hỏi phải có ngay một cuộc họp thượng đỉnh EU về vấn đề di tản và bảo vệ biên giới châu Âu, phải có ngay một lực lượng kiểm soát biên giới trên đất liền và trên biển hầu có thể ngăn chặn được một việc di tản vượt ngoài vòng kiểm soát, đất nước của ông kiên quyết chống lại bạo lực đối với phụ nữ ở nơi công cộng và không cho phép sự hình thành một “xã hội Hồi giáo khép kín” có thể xảy ra, đồng thời yêu cầu truyền thông Đức chấm dứt việc tuyên truyền đồng loạt cho chủ nghĩa “ngây thơ” về “văn hóa đặc biệt người tốt” (Subkultur der Gutmenschen), và cố tình giảm thiểu, ém nhẹm những vấn đề xã hội của sự kiện người di tản Trung Đông.
Trong mục đích tránh né những phát biểu có thể bị cho là “kỳ thị chủng tộc” và “kỳ thị văn hóa, tôn giáo” các chính khách và nhà báo, cũng như cả lực lượng cảnh sát tranh cãi hăng say về cách dùng, sự sử dụng những từ ngữ về hộ tịch, gốc tích, như thế nào là “phát biểu chính trị một cách đúng đắn”, không dám “nêu tên” của sự kiện thực tế đang xảy ra.
Nói cho cùng, thì sự kiện con người đi di tản vì chiến tranh, vì đói khát, vì áp bức không phải là một sai lầm, một lỗi lầm của nhân loại. Vấn đề tranh cãi ở đây là ai đã tạo ra làn sóng di tản của cả hàng triệu người Trung Đông, điều thứ nhất. Điều thứ hai là một sự hội nhập trong một xã hội hoàn toàn mới lạ, như đi từ một thế giới này sang một thế giới kia với nhiều khác biệt văn hóa sâu đậm và rộng lớn thì cần phải có thời gian. Điều thứ ba là guồng máy có bổn phận và trách nhiệm gìn giữ an ninh trật tự công cộng có nhiều thiếu sót, không đáp ứng với tình hình của xã hội Đức hiện tại đang chất chứa nhiều mâu thuẫn. Điều thứ tư, có ai còn nhớ sự tích con ngựa thành Troie trong cổ tích thần thoại Hy Lạp ?
Tại sao trong cùng một thời điểm, cơ quan tình báo Đức đã kịp thời nhận báo động và có biện pháp phản ứng ngay tức thời để ngăn chặn một cuộc khủng bố có thể xảy ra tại hai nhà ga München và Pasing thuộc tiểu bang Bayern, trong khi sự kiện ở nhà ga Köln xảy ra thì a) có vẻ là không ai hay biết để ngăn chặn, b) khi sự kiện xảy ra thì không có biện pháp đáp ứng kịp thời và thích ứng, và c) báo chí Đức thông tin về con số nạn nhân và đơn kiện tăng nhanh hàng ngày trong khi kết quả điều tra/giải quyết sự kiện thì rất mờ nhạt, trong khi cảnh sát Köln có tiếng là cứng rắn và chuyên nghiệp.
Tờ Le Figaro ngày 12-01-2016 trích dẫn nguồn tin từ truyền thông Đức rằng trong báo cáo của cảnh sát Đức sự kiện tấn công tình dục tập thể ở nơi công cộng đã có một khuôn mẫu “modus operandi” tập hợp và thực hiện trong các nước Ả Rập có tên là “taharrush gamea”, một “trò chơi” dùng một sự tập hợp số đông đàn ông và thanh thiếu niên nam để tấn công tình dục phụ nữ tình cờ có mặt ở một địa điểm công cộng nào đó.
Những nạn nhân dần dần tố cáo trên mặt báo những sự xâm phạm thân thể, đánh đập, cướp bóc, khóc lóc, kêu gào cầu cứu mà không có một ai đến cứu, đến giải thoát cho họ. Kể từ đêm kinh hoàng giao thừa trước nhà ga chính ở Köln những nạn nhân sống trong một cảm giác xấu hổ, nhục nhã, tinh thần bị khủng bố. Ngày 12-01-2016 báo chí Đức thông tin con số nạn nhân đã leo thang lên đến 653 người nộp đơn kiện !
Sự kiện đòi hỏi bộ trưởng bộ Nội vụ tiểu bang Nordrhein-Westfalen, Ralf Jäger, và luôn cả bà chủ tịch Hội đồng bộ trưởng tiểu bang Nordrhein-Westfalen, Hannelore Kraft phải xin lỗi nạn nhân, không đem lại giải quyết tích cực cho vấn đề mà lại còn làm tăng lên ấn tượng là chính quyền các cấp đều như bị một phép mầu làm cho “hóa đá” đông cứng lại.
Người châu Á có thể ngạc nhiên là sự kiện Köln (Cologne) chiếm lĩnh trọng tâm chú ý của châu Âu kể từ hai tuần nay, nhưng, một câu hỏi trọng tâm được đặt ra là chính phủ của nữ thủ tướng Angela Merkel sẽ ở trong trạng thái nào nếu thêm 1 triệu người di tản Trung Đông tiếp tục vào nước Đức, vào châu Âu ? Người ta có cảm tưởng là không phải chính phủ Đức thiếu thốn các điều kiện và phương tiện hành động, mà họ tự đặt mình vào trong một thế kẹt trên các bình diện chính trị quốc tế và trên quan hệ xã hội, văn hóa ngay trong lòng nước Đức.
Từ cánh hữu, chủ tịch đảng CSU ông Horst Seehofer phấn khởi thêm, vì dự tính thưa kiện chính phủ liên bang lên Tòa Án Lập Hiến Liên Bang có thêm tiếng nói đồng thuận của một cựu thẩm phán Tòa Án Lập Hiến Liên Bang, ông Udo Di Fabio, với lý do là chính phủ liên bang đã “hạn chế khả năng hành động” của các tiểu bang, khi đặt các tiểu bang trước một sự kiện “đã rồi”, tức là không hạn chế tích cực làn sóng người di tản Trung Đông vào nước Đức. Như thế, đảng CSU có thêm một lý luận vững chắc để gây sức ép lên thủ tướng liên bang Đức.
Trong những ngày sắp đến tình hình trên thị trường chứng khoán thế giới cũng như tình hình thị trường dầu hỏa sẽ còn có nhiều tác động chính trị và kinh tế lên nhiều quốc gia, và cũng sẽ có ảnh hưởng đến những quyết định của châu Âu về làn sóng người di tản Trung Đông. MTT
*) «Vendez tout !» annonce la Banque royale d’Ecosse (RBS) aux investisseurs, 12 janv. 2016, 09:45 trên trang RT.com
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.