Thị trường dầu hỏa là yếu tố và động lực thúc đẩy khủng hoảng kinh tế thế giới ?

Thị trường dầu hỏa là yếu tố và động lực thúc đẩy khủng hoảng kinh tế thế giới ? ©Mathilde Tuyết Trần, France 2016 . https://mttuyet.fr

1)Thị trường dầu hỏa thế giới:

Dầu hỏa, được mệnh danh là “vàng đen”, vì chất dầu thiên nhiên này đem lại sự giầu có khủng khiếp cho những ai khai thác nó. Petroleum là tên tiếng la tinh của dầu hỏa. Sự khai thác dầu hỏa một cách công nghiệp bắt đầu trong lịch sử khoa học kỹ thuật và kinh tế thế giới từ nửa sau của thế kỷ thứ 19. Có thể kể ra sự kiện khoan mỏ dầu đầu tiên tại Đức vào năm 1856-1858, hay sự kiện khoan mỏ dầu của Erwin L.Drake vào ngày 27-08-1859 tại Titusville thuộc tiểu bang Pennsylvania, Mỹ.

Khu vực khai thác dầu hỏa tại Việt Nam (Vũng Tầu)

Loài người đã biết sử dụng dầu hỏa từ 12.000 năm trước tại khu vực Trung Đông. Ở nơi này con người trộn dầu thô với cát và những nhiên liệu thiên nhiên khác để tạo thành một chất dẻo dùng để trám những khe gỗ của thuyền bè. Trong thời đại La Mã, người ta dùng dầu thô để trét vào các bánh xe, các loại trục quay, lõi quay. Rồi tiến đến việc sử dụng đèn dầu, dùng cung tên tẩm dầu hỏa đốt cháy làm vũ khí…

Đời sống thường nhật trong thời đại của chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào dầu hỏa. Nền kỹ thuật hiện đại không ngừng khai thác và chế biến dầu hỏa. Dầu hỏa được sử dụng trong tất cả mọi phương tiện giao thông, máy móc, quốc phòng, vũ khí, dầu sưởi ấm, nhựa đường, chế tạo sơn, chế tạo thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, các hợp chất lau chùi, tẩy rửa, các vật dụng bằng nhựa….Có thể nói, các hoạt động của con người sẽ bị tê liệt nếu không có hay không còn dầu hỏa.

Nền kinh tế dầu hỏa thường được phân tích theo các khía cạnh: sản xuất và tiêu thụ, xuất cảng và nhập cảng, mức độ khai thác, trữ lượng kinh tế, hay trữ lượng thiên nhiên, khả năng khai thác, khả năng lọc dầu, giá bán trên thị trường thế giới, mức thâu thuế….

Trên bình diện trữ lượng thiên nhiên, tức là khả năng của những mỏ dầu thiên nhiên chưa được khai thác, thì các nhà khoa học đánh giá là Canada đứng đầu với một tiềm năng trữ lượng thiên nhiên là 85.354 triệu tấn dầu thô.

Trữ lượng thiên nhiên (triệu tấn) năm 2010 (1)

Hạng

Quốc gia

Trữ lượng Tỷ lệ % Tỷ lệ toàn cầu %
1. Canada 85.354 28,6 28,6
2. Venezuela 63.500 21,3 49,9
3. Nga 24.501 8,2 58,1
4. Mỹ 18.226 6,1 64,2
5. Trung quốc 16.344 5,5 69,7
6. Saudi Arabia 11.800 4,0 73,7
7. Kasachstan 10.700 3,6 77,3
8. Iran 7.200 2,4 79,7
9. Irak 6.100 2,0 81,7
10. Brazil 6.000 2,0 83,7

Về trữ lượng được khai thác và có khả năng kinh tế, thì quốc gia Saudi Arabia có trữ lượng lớn nhất là 34.000 triệu tấn (thống kê 2007):

Trữ lượng khai thác kinh tế (triệu tấn) năm 2007(1)

Hạng

Quốc gia

Trữ lượng Tỷ lệ % Tỷ lệ toàn cầu %
1. Saudi Arabia 34.000 15,7 15,7
2. Venezuela 31.780 14,7 30,4
3. Canada 27.400 12,6 43,0
4. Iran 20.450 9,4 52,4
5. Iraq 19.470 9,0 61,4
6. Kuwait 13.810 6,4 67,8
7. Ả Rập Emirates 12.544 5,8 73,6
8. Nga 10.531 4,8 78,4
9. Libye 6.316 2,9 81,3
10. Kasachstan 5.337 2,4 83,7

Nước Mỹ đứng hàng thứ 12 với một trữ lượng là 4.203 triệu tấn (1,9%), và Trung quốc đứng hàng thứ 14 với một trữ lượng là 2.011 triệu tấn (0,9%).

Sự khai thác dầu thường có nhiều thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức cung/cầu của thị trường dầu hỏa, tình hình chính trị, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế…nên bảng xếp hạng dưới đây chỉ có giá trị tham khảo là quốc gia nào đã khai thác mức tối đa của chính mình trong một thời điểm chính xác.

Việt Nam có tên trên danh sách những quốc gia sản xuất dầu hỏa kể từ năm 1990 và năm 2012 đứng hạng thứ 31 trên thế giới với sự khai thác 17 triệu tấn dầu thô (chiếm 0,4% thị trường sản xuất thế giới năm 2012).

Khối lượng khai thác hàng năm (triệu tấn)(1)
Hạng
(2012)
Quốc gia 1970 1980 1990 2000 2007 2008 2009 2010 2011 2012 Tỷ lệ %
2012
Tỷ lệ thế giới %
2012
1. Saudi Arabia 192,2 509,8 342,6 455,0 492,4 513,5 462,7 466,6 525,8 547,0 13,3 13,3
2. Nga 307,0 546,7 515,9 323,3 491,3 488,5 494,2 505,1 511,4 526,2 12,8 26,1
3. USA 533,5 480,2 416,6 352,6 309,8 304,9 328,6 339,9 352,3 394,9 9,6 35,6
4. China 30,7 106,0 138,3 162,6 186,3 190,4 189,5 203,0 203,6 207,5 5,0 40,7
5. Canada 70,1 83,3 92,6 126,9 158,6 155,9 156,1 164,4 172,6 182,6 4,4 45,1
6. Iran 191,6 74,2 162,8 189,4 209,6 213,0 204,0 207,1 205,8 174,9 4,2 49,4
7. Ả Rập Emirates 36,9 84,2 107,5 123,1 140,7 142,9 126,3 131,4 150,1 154,1 3,7 53,1
8. Kuwait 151,8 86,8 46,8 109,1 129,9 135,8 121,0 122,7 140,0 152,5 3,7 56,8
9. Iraq 76,3 131,1 105,3 128,8 105,2 119,5 120,0 121,4 136,9 152,4 3,7 60,5
10. Mexico 24,2 107,2 146,3 171,2 172,9 157,6 147,4 146,3 145,1 143,9 3,5 64,0

Danh sách những nước tiêu thụ dầu hỏa nhiều nhất thế giới cho thấy chỉ có 10 quốc gia trên thế giới đã tiêu thụ hết 58,2% tổng số tiêu thụ của thế giới về dầu hỏa, đặc biệt nước Mỹ tiêu thụ bằng 1/5 tổng số tiêu thụ thế giới:

Lượng tiêu thụ dầu hỏa (triệu tấn) trong năm 2010 (1)
Hạng Quốc gia Tiêu thụ Tỷ lệ % Tỷ lệ toàn cầu %
1. Hoa Kỳ 833,6 21,2 21,2
2. Trung quốc 428,6 10,9 32,1
3. Nhật Bản 203,1 5,2 37,2
4. Ấn Độ 155,5 3,9 41,2
5. Nga 147,6 3,7 44,9
6. Brésil 116,9 3,0 47,9
7. Saudi Arabia 112,8 2,9 50,8
8. Đức 105,7 2,7 53,4
9. Nam Hàn 98,8 2,5 55,9
10. Canada 90,2 2,3 58,2

Những nước xuất cảng dầu hỏa nhiều nhất thế giới là:

Xuất cảng dầu hỏa (triệu tấn ) năm 2010 (1)
Hạng Quốc gia Xuất cảng Tỷ lệ % Tỷ lệ toàn cầu %
1. Saudi Arabia 332,2 16,0 16,0
2. Nga 280,5 13,5 29,4
3. Nigeria 123,2 5,9 35,4
4. Iran 112,4 5,4 40,8
5. Ả Rập Emirates 101,3 4,9 45,6
6. Canada 98,2 4,7 50,3
7. Iraq 94,5 4,5 54,9
8. Angola 84,2 4,0 58,9
9. Norvegen 79,5 3,8 62,7
10. Venezuela 78,1 3,8 66,5

Những nước nhập cảng nhiều nhất thế giới là những quốc gia đã có trình độ phát triển kỹ nghệ tân tiến và một mức sống cao của dân chúng: Mỹ, Trung quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Nam Hàn:

Nhập cảng dầu hỏa (triệu tấn) năm 2010 (1)
Hạng Quốc gia Nhập cảng Tỷ lệ % Tỷ lệ thế giới %
1. USA 456,1 21,2 21,2
2. China 234,6 10,9 32,1
3. Nhật Bản 180,4 8,4 40,5
4. Ấn Độ 129,9 6,0 46,5
5. Nam Hàn 118,1 5,5 52,0
6. Đức 93,3 4,3 56,3
7. Ý 85,6 4,0 60,3
8. Pháp 64,4 3,0 63,3
9. Hà Lan 62,7 2,9 66,2
10. Tây Ban Nha 56,2 2,6 68,8

Sự tranh chấp để chiếm hữu các phần đất, thềm lục địa, biển đảo tại các khu vực địa lý thiên nhiên có mỏ dầu hỏa và có khả năng khai thác kinh tế luôn gây ra mọi căng thẳng chính trị, ngoại giao và quân sự. Khu vực Trung Đông, cũng như khu vực Biển Đông, nơi có nhiều mỏ dầu thiên nhiên, luôn là một khu vực “nóng” của thế giới.

SYRIA-OIL

Chỉ cần thò tay múc dầu hỏa ở Syrie (khu vực Rakka) – Photo: AFP/ALICE MARTINS

Không những chỉ vì tranh chấp chiếm đất đai mà còn vì tranh chấp các vị trí địa lý để thiết lập những hệ thống dẫn dầu sao cho thuận tiện thu được thêm nhiều lợi nhuận. Vì một lẽ đơn giản là dầu hỏa được khai thác phải được chuyên chở và phân phối cho xuất cảng/nhập cảng, các phương tiện chuyên chở là ống dẫn dầu, xe tải, thuyền chở dầu trên biển, xe lửa, cho nên các hệ thống dẫn dầu thuận lợi thì phải có tuyến ống ra đến một cảng biển nào đó.

Cuộc chiến tại Syrie hiện tại trên thực chất là một cuộc chiến vì dầu hỏa, che đậy dưới chiêu bài dân chủ nhân quyền và tôn giáo. Các nước đồng minh phương Tây muốn ngăn chặn Nga bằng chiến lượng phong tỏa chính trị địa lý bởi vòng đai lửa Trung Đông và Đông Âu, cho nên Nga kiên quyết giữ vị thế của mình tại những cảng biển chiến lược như Krim (Biển Đen) hay Latakia nằm tại Syrie trên biển Địa Trung Hải về phía Đông.

2. Khủng hoảng trên thị trường tiêu thụ thế giới về dầu hỏa

Bối cảnh toàn cầu hóa 2016 đã đưa cả nhân loại đến một cuộc khủng hoảng mới mang tên “khủng hoảng tiêu thụ” do sự phân hóa giầu nghèo ngày càng trở nên trầm trọng và cũng do hậu quả tiếp theo là sự tiêu diệt thành phần trung lưu trong nhiều xã hội. Đó là một nghịch lý đối với định luật quen thuộc của chủ nghĩa kinh tế tư bản: mối tương quan của cung và cầu, của sản xuất và tiêu thụ, cũng như định luật giảm mọi phí tổn để tăng thu lợi nhuận.

Để tăng thu lợi nhuận cho giới chủ nhân và giới đầu tư, hàng triệu người lao động ăn lương bị sa thải, sống qua ngày với trợ cấp xã hội ít ỏi do các chính phủ (tái) phân phát lại từ ngân sách quốc gia qua thuế vụ do dân chúng đóng.

Sự phân phát trợ cấp xã hội không xuất phát từ tình thương, tự một sự đồng cảm đạo đức, mà có nguồn gốc tiên quyết là kinh tế. Trong vai trò làm cán cân giữ an bình xã hội trong thời bình, hay đòi hỏi những sự hy sinh của dân chúng trong thời chiến, chính phủ đều bị bắt buộc phải thực hiện “tái phân phối” kinh tế qua các loại trợ cấp xã hội. Nói một cách mai mỉa thì chính phủ phải giữ yên người nghèo để cho người giầu làm giầu.

Nhưng khi các chính phủ và các guồng máy quản lý hành chánh từ trên xuống dưới trong nhiệm vụ và bổn phận phục vụ dân chúng, những người đã bầu họ vào những chức vị lãnh đạo, đại diện cho cử tri trong tinh thần một xã hội dân chủ, công bằng, công lý lại tung ra những biện pháp, luật lệ để kéo dài tuổi về hưu, giảm lương hưu, giảm các trợ cấp xã hội, tăng mọi loại thuế có nghĩa là họ đã đi ngược lại quyền lợi, tin tưởng và chờ đợi của dân chúng.

Tăng thuế trong tình trạng không giải quyết được nạn thất nghiệp và mức tăng trưởng kinh tế kém là phản tác dụng, là giảm sức mua của cả xã hội, vì tất cả các loại thuế, từ trực thu cho đến gián thu, đều được các nhà sản xuất/thương mại lấy lại qua giá bán của mọi sản phẩm, tức là người dân (tiêu thụ) là người trả tất cả mọi loại thuế của chính phủ đã ấn định, đã thu vào cho ngân sách quốc gia. Người sản xuất/thương mại phải có lợi nhuận cho đầu tư của họ, tránh phá sản mất vốn, nên giá thành của các sản phẩm hay dịch vụ đều có hai phần cơ bản: một bên là tất cả mọi phí tổn (trong đó có mọi loại thuế đánh trên xí nghiệp/thương mại/dịch vụ…) và một bên là lợi nhuận.

Thí dụ như trong hai năm từ 2011 đến 2013 chính phủ Pháp tăng mức thâu thuế lên 70 tỷ euros để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Liên tục từ năm 2010 mức thâu thuế bắt buộc (có nghĩa là tối thiểu phải thâu) của chính phủ Pháp vào năm 2014 đã lên đến mức 44,9% của tổng sản lượng quốc dân (PIB). 2).

Tất cả những biện pháp cắt giảm trên bình diện xã hội khiến cho “đạo quân” thất nghiệp, người già, người hưu trí, trẻ em, phụ nữ đều phải giảm tiêu thụ, sức khỏe bị ảnh hưởng xấu, suy sụp, các tình trạng nghiện ngập có khuynh hướng gia tăng.

Lý luận một người giầu có tiêu thụ hơn vạn người nghèo đã không phát huy tác dụng.

Thống kê tại Pháp vào tháng 11-2015 cho biết có 3,57 triệu người thất nghiệp chính thức đăng ký, mà trong đó có 2,44 triệu người thất nghiệp dài hạn hơn một năm và còn đăng ký tìm việc. 3)

Thống kê chính thức mới nhất của INSEE cho biết tình trạng năm 2013 nước Pháp có 8,6 triệu người nghèo, tức là 14,0% dân số (có nhiều nhất là 1.000 Euro/tháng để sống), trong số này lại có phân nửa chỉ có dưới 802 euros/tháng để sống, đó là những người về hưu và những người sống bằng trợ cấp xã hội như sinh viên, thiếu niên và trẻ em, và những người thất nghiệp. Nhưng những người cùng khổ nhất trong xã hội Pháp là phụ nữ trên 65 tuổi, vì cuộc đời làm việc của họ bị gián đoạn bởi những thời gian mang thai, sinh đẻ, chăm lo con cái, lương hưu đã ít, mà đến khi về già, góa chồng thì chỉ được nhận, tùy theo thời gian kết hôn, tối đa là một nửa lương hưu cũ của người chồng trước khi qua đời.

Những người được xếp hạng vào thành phần “giầu có” ở Pháp (tức là có trên 37.200 euros/năm để tiêu thụ) chỉ chiếm có 10% dân số Pháp. 4)

Những chi tiêu của chính phủ (tái phân phối) trong năm 2013 là 715,5 tỷ euros, tương đương với 33,8% tổng sản lượng quốc dân 2013. 5) Tổng sản lượng quốc dân của nước Pháp năm 2013 là 2.116, 6 tỷ euros, theo thống kê của Banque de France.

Thống kê của Viện thống kê Pháp INSEE số 1.500 vào tháng 05-2004 cho biết là năm 2013 chính phủ Pháp đã thâu từ thuế một số tiền là 1.118,7 tỷ euros cho ngân sách quốc gia, tức là 53% so với tổng sản lượng quốc dân cùng năm.

Thống kê chính thức Insee cho biết sự tiêu thụ tại Pháp tiếp tục giảm thêm 1,1% trong tháng 11-2015, và giảm mạnh nhất trên hai thị trường tiêu thụ năng lượng (điện, xăng dầu) và quần áo/giầy dép. 6)

Sự kiện giảm tiêu thụ từ nhiều năm nay đang trên đà trở thành “khủng hoảng tiêu thụ”. Những “biện pháp” cá nhân nhỏ nhoi, tưởng như không ảnh hưởng gì đến kinh tế thế giới. Từ nhiều năm nay, ngay tại những cường quốc châu Âu như tại Pháp, Đức dân chúng phải giảm ăn, giảm di chuyển, giảm tiêu dùng…để trả tiền thuê nhà và tiền thuế cho đủ, cho đúng hẹn, đó là hai mối lo lớn nhất.

Có một chỗ ở là một sự cần thiết cơ bản và đầu tiên. Tiếp theo là hạn chế tiêu thụ năng lượng: tiết kiệm điện nhà, giảm bớt giặt quần áo, sấy khô, là ủi, giảm bớt nhiệt độ sưởi ấm trong nhà, ban đêm ngủ trong 18°C, ban ngày sưởi lên 20°C là ấm lắm, chuyển nhiệt lượng dùng để sưởi ấm trở lại bằng than củi, thay vì mua dầu sưởi hay khí đốt lỏng hay xài điện, giảm bớt đi chợ, đi chơi…, giảm bớt chi tiêu xa xỉ cho quần áo, giầy dép, trang trí nhà cửa, bốn năm người họp lại thay phiên nhau lái xe, đi xe chung khi đi làm để tiết kiệm tiền xăng dầu, nói chung từ sáng cho đến tối, sinh hoạt của người dân bị chi phối bởi hai chữ “tiết kiệm” và “giảm tiêu”.

Thế nên quyết định cấm mọi loại xe chạy bằng dầu Diesel vào khu vực thủ đô Paris của nhà cầm quyền Pháp vào năm 2020 làm ngạc nhiên nhiều người dân Pháp, họ sẽ di chuyển bằng gì để đi làm ? đi công việc ?… ai tặng/cho họ tiền để mua xe mới chạy bằng xăng và điện ?

Thế giới kinh tế của loài người đã trải qua vài lần các cuộc khủng hoảng dầu hỏa, mà những động thái chính trị này gây áp lực lên thị trường tiêu thụ năng lượng và dẫn đến những diễn biến quân sự, chiến tranh.

MTT_ModauTrungDong2015

Bản đồ vị trí địa lý các mỏ khai thác dầu hỏa ở khu vực Trung Đông – Minh họa: Tạp chí Le Point số 28-05-2015

Cuộc khủng hoảng dầu hỏa đầu tiên vào năm 1973 xảy ra là do quyết định giảm mức cung cấp dầu hỏa cho thế giới của các nước thuộc khối OPEC sản xuất dầu hỏa ở Trung Đông (Algerie ,Iraq, Katar, Kuwait, Libye, Saudi-Arabia và Ả Rập Emirates) để phản đối sự ủng hộ các cường quốc phương Tây cho Do Thái trong cuộc chiến tranh mang tên Jom-Kippur vào tháng 10-1973. Giá bán dầu hỏa trên thế giới tăng mạnh, đang từ 3 đô la Mỹ/1 barrel tăng lên trội hơn 5 đô la Mỹ. (1 barrel = 159 lít dầu thô)

Thí dụ như nước Đức phải bốn lần cấm xe hơi chạy ngày chủ nhật, hạn chế tốc độ tối đa còn 100/80 cây số giờ, kêu gọi giảm thiểu tiêu dùng năng lượng để di chuyển, sưởi ấm, tiêu dùng.

Một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo với sự kiện thất nghiệp tăng và phá sản công ty/xí nghiệp. Đặc biệt là biện pháp thay đổi một cách hành chánh, không theo thiên nhiên, giờ mùa hè/mùa đông tại châu Âu để tiết kiệm điện là hậu quả của cuộc khủng hoảng này vẫn còn kéo dài cho đến tận hôm nay.

Cuộc khủng hoảng dầu hỏa thứ hai năm 1979/80 xảy ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng tại Iran và chiến tranh thứ nhất trong khu vực Vịnh Trung Đông. Giá dầu tăng lên thành 38 đô la Mỹ/1 barrel.

Bắt đầu từ năm 2004, sau khi đồng Euro được chính thức phát hành vào năm 2001, giá bán dầu hỏa tăng không ngừng, vượt mức 100 đô la mỹ/1 barrel vào ngày 01-10-2008. Tại thời điểm mà giá bán dầu hỏa lên cao nhất vào tháng 07-2008 là 141,37 Euro/1 barrel thì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối năm 2008 đã làm cho giá bán dầu hỏa tụt xuống nhanh chóng như bong bóng xà bông chỉ còn 36,24 Euro/1 barrel. Rồi vì tiêu thụ giảm, giá bán dầu giảm mạnh xuống dưới 10 đô la mỹ một barrel, gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng cho các quốc gia sản xuất dầu hỏa và xuất khẩu như Bắc Âu, Nga và các nước trong khối OPEC.

Giá bán thấp nhất kể từ năm 1980 cho đến nay là vào tháng 08-1986 chỉ có 9,50 Euro/1 barrel, tiếp theo là giá bán dầu hỏa chỉ có 10,48 Euro/ 1 barrel vào tháng 01-1999.
Cuộc khủng hoảng tiêu thụ hiện nay 2015 tương tự như cuộc khủng hoảng năm 1980. Chỉ riêng trong năm 2015, nước Ả Rập Saoudite (Saudi Arabia) thất thâu một con số kỷ lục là 90 tỷ Euro vì giá dầu hỏa trên thị trường thế giới tụt dốc. So với ngân sách năm trước thì quốc gia này đã thất thâu đến 42%.

Khai thác dầu hỏa ở Vankorskoye ở khu vực Siberie, Krasnoyarsk, Nga 2015. Photo: REUTERS/Sergei Karpukhin

Chính phủ Ả Rập Saoudite đã đưa ra những biện pháp cắt giảm trợ cấp cho nước, điện và các các sản phẩm từ dầu hỏa, cũng như tăng thêm thâu thuế, cụ thể là thuế đánh trên các loại nước uống và thuốc lá. Tuy thế, Ả Rập Saoudite cũng dự trù tiếp tục thất thu trong năm 2016.
Hiện nay, vào tháng 12-2015 giá bán dầu hỏa chỉ còn 44,07 Euro/1 barrel và có thể còn giảm xuống dưới mức 40 Euro trong thời gian sắp tới. Qua ngày 07-01-2016 thì giá dầu thế giới đã giảm xuống còn có 33 đô la Mỹ 1 barrel, khiến cho thị trường chứng khoán chao đảo và những người đầu tư, mua cổ phiếu của các công ty dầu hỏa lo lắng khi nào giá sẽ chạm đáy để có thể lên lại. Người ta có cảm tưởng là thị trường dầu hỏa chưa nhìn ra nguyên nhân chính là sự kiện giảm tiêu thụ trong dân chúng đã bị vắt ép cho việc di chuyển tài sản về phía chủ nhân và các nhà đầu tư, đồng tiền thu gom của họ là tiền quay chậm hay tiền chết.

Tuy thế, báo chí châu Âu thông báo việc tăng sản xuất dầu hỏa của Nga đạt mức kỷ lục trong năm 2015 lên đến 534 triệu tấn, và sẽ còn được tăng thêm trong năm 2016, như chạy theo một định luật kinh tế là khi giá hạ thì phải tăng số lượng bán trên thị trường để giữ thu nhập.
Tại Pháp, trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây của báo chí về mức tiêu thụ xăng/dầu khi giá bán đang xuống, thì kết quả là đa số dân chúng không tiêu thụ thêm vì nhiều lý do, mà lý do hàng đầu là vấn đề thất nghiệp và thu nhập yếu kém, cộng với tất cả mọi sự tăng thâu thuế của chính phủ Hollande/Valls khiến cho đa số dân chúng phải thắt lưng buộc bụng. 7)

Năm 2015 vừa qua là một năm gây nhiều lo lắng, các cuộc khủng bố tại Pháp và tình hình bất an cũng vì khủng bố tại Đức, Bỉ, đe dọa khủng bố ở Anh, vấn đề người di tản Trung Đông vẫn tiếp tục tràn vào châu Âu, cuộc chiến tranh ở Syrie, Iraq, và mới đây căng thẳng giữa Saudi-Arabia và Iran…khiến cho người tiêu thụ vẫn ở trong tình trạng lo sợ cho hiện tại và tương lai.

Một chính khách và nhà kinh tế Pháp, ông Jacques Attali, vẽ ra một dự đoán rất xấu, một cái vòng xoắn đi xuống không có lợi cho an ninh thế giới cho năm 2016, một xã hội tiêu thụ với một mức độ tiêu thụ yếu và giảm tốc độ, với những cuộc khủng bố tiếp tục, với sự bùng nổ tranh chấp trên Biển Đông, Ấn Độ và châu Phi, với một cuộc khủng hoảng kinh tế ở mức trầm trọng như năm 2008 kéo theo các cuộc đóng cửa biên giới, thất nghiệp trầm trọng thêm, dịch bệnh bùng phát, với nguy cơ tàn phá của biến đổi khí hậu, nước Anh sẽ rời khỏi khối Liên minh châu Âu, nguy cơ một cuộc đại chiến thế giới lần thứ ba gần kề hơn lúc nào hết…như thể để ngụ ý rằng, hơn lúc nào hết, thế giới loài người đang cần những nhà lãnh đạo sáng suốt và can đảm biết đặt số mạng của dân tộc, của con người lên trên quyền lợi cá nhân của chính mình. MTT

Chú thích:

1) Số liệu cung cấp bởi Bundesanstalt für Geowissenschaften und Rohstoffe: Energiestudie 2011, Wirtschaftsverband Erdöl- und Erdgasgewinnung e. V và BP-Statistical Review of World Energy June 2013

2) Argent : les 10 changements qui ont marqué les Français depuis la crise – Les Echos.fr, 29-06-2015

3) Le Parisien, 04-01-2015 – La formation de 500 000 chômeurs supplémentaires va coûter 1 milliard d’euros

4) INSEE – Niveaux de vie et redistribution, edition 2015

5) La protection sociale en France et en Europe en 2013 – DREES Édition 2015, Ministère des Affaires sociales, de la Santé et des Droits de femmes.

6) Insee n°323-23-12-2015

7) Giá dầu sưởi tại Pháp giảm từ 758 euros/1.000 lít vào tháng 6 năm 2006 còn 572 euros/1.000 lít vào đầu tháng 1 năm 2016, tức là giảm 25%.