Vó lưới Thái Bình

Vó lưới Thái Bình – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015 – https://mttuyet.fr

Chồng tôi đã lái xe ra ngoài đường, chờ đưa tôi đi mua bánh mì trong làng bên cạnh, mỗi lần đi thì mua cho cả hai ba ngày, tôi lười lên xe xuống xe, lười đi chợ, cứ thích ở trong nhà, ngồi viết.
Chợ bên này đi mãi cũng chán, không như đi chợ ở bên nhà. Ra chợ bên nhà là gặp người này người kia bán hàng, đon đả chào mời có, chanh chua như dấm có, lạnh nhạt có, vồn vã vui vẻ có…chợ nào cũng có cái mùi của nó, có nhạc điệu của nó, vỉa hè là chợ, góc phố cũng là chợ.
Ở Hà Nội, chồng tôi thấy tôi đi chăm chăm về hướng bà bán bánh bao trên một con đường ở gần Hồ Gươm, ông ấy hỏi, mới ăn mà đói rồi sao ? , tôi cười, ăn nhiều cho mập thêm ! Nhưng, đằng sau bà bánh bao với hai cái nồi hấp bốc khói trắng trong không khí lành lạnh mùa đông Hà Nội, là ông thợ may trong một cửa hàng bán quần áo đang chờ tôi đến lấy áo. Mấy hôm trước, chồng tôi cứ tưởng tôi nhìn bánh bao chăm chăm, không biết là tôi nhìn một cái áo nhung đen mặc trên người mẫu bằng gỗ, thấp thoáng sau làn khói bánh bao. Tôi thích cái áo nhung đen Hà Nội, đặt một chiếc áo, dù biết là về châu Âu thì chẳng có ai mặc áo nhung đen ra đường, rất lạ lẫm đối với khung cảnh bên Pháp, nhưng hình ảnh các cụ bà Hà Nội mặc áo nhung đen, vấn khăn đen mùa đông làm cho tôi cảm động, thấy sao mà thân thiết, như nhớ về bà ngoại của tôi. Hôm đo áo, bà bán hàng mắng chồng trước mặt tôi, anh nói giá thế thì lỗ, không làm được đâu, phải thêm hai trăm nữa. Cái áo nhung đen từ một triệu hai thành ra một triệu tư, tôi cũng đặt cho ông bán hàng vui.
Hôm trước, cũng thế, thấy tôi dắt tay qua đường một cách rất quả quyết, chồng tôi hỏi, có gì thế ? Tôi cũng cười, rồi anh xem. Đứng trước một cái rổ thật to, phủ mấy lớp khăn dạ, ông ấy không biết là cái gì, đến lúc bà bán hàng, ngồi trên một chiếc ghế đẩu đằng sau cái rổ hỏi, mấy cái ? Chị cho em một cái thôi, em mới ăn trưa, còn no. Cái bánh khúc Hà Nội ! No quá mà tôi cũng ráng thưởng thức hương vị quen thuộc ngày xưa. Chồng tôi trố mắt nhìn, dưới những lớp khăn len dạ, rổ bánh khúc nóng nổi, bốc khói nghi ngút, một cái bánh khúc xanh nóng, bao bọc bởi những hạt nếp trắng đặt trên một mảnh lá chuối, gói trong một miếng giấy báo cũ. Đó là quà Hà Nội mà tôi yêu mến.
Hàng ngày, về khuya, thường có tiếng rao đàn ông ngang qua khách sạn tôi trọ, ai bánh khúc đây, bánh khúc nóng đây…Đó là một sự gợi nhớ Hà Nội rất da diết khi tôi trở về Pháp. Trong Sài Gòn, hồi tôi còn bé, cũng có những người bán bánh khúc trên xe đạp ngang qua nhà tôi mỗi chiều, ba tôi thường mua mấy cái phân phát trong nhà, no cũng phải ăn, ăn để giúp người bán.
Chợ bên này chán chết. Chẳng có ai, chỉ toàn là những kệ hàng, tự tìm, tự lấy, tự trả tiền, không có giao tiếp, không có trao đổi. Họ tiết kiệm nhân sự cho cửa hàng đến mức tối đa, các bà ngồi thâu tiền chẳng ai vui vẻ hay lịch sự gì với khách hàng vì họ cũng chán công việc của họ, mỗi ngày đẩy qua két hàng tấn thực phẩm, hàng hóa, thâu không biết bao nhiêu tiền cho chủ. Tôi mới đọc một cái thống kê trong năm 2015, cứ một người vào chợ chỉ mua cho nhu cầu của mình thì để lại cho chủ chợ một số tiền trung bình là 70 euros mỗi lần. Nếu tính theo thống kê đó thì hai vợ chồng tôi, mỗi tháng đi chợ bốn lần, ắt phải nộp cho chủ chợ 560 euros, kể ra cũng khá đúng đấy.
Bà bán bánh mì hỏi tôi có cần một cái bao ni lông không, tôi lắc đầu, moi ra trong túi áo một cái túi lưới…Thái Bình. Bà ấy cười, hỏi tôi, ồ hay quá, bà vẫn còn loại túi lưới này à ? Vâng, mới tinh đấy ! Bà bánh mì kể, ngày xưa tôi cũng có cái túi lưới này, tiện lắm, đựng trứng gà, cam, táo, bánh mì, nó nhẹ, gọn, tiện để nhét vào túi áo. Tôi khoe, em tôi đan túi lưới cho tôi đấy. Bà nói, bây giờ bên mình (Pháp) chẳng có ai ngồi đan túi lưới đâu. Em tôi, ở Thái Bình, chỉ ngoáy một lúc là đan xong cái túi lưới.
Mợ Hắc, lúc tặng tôi cái túi lưới, hỏi, chị lấy thêm không ? mợ còn một đống túi lưới trắng của mợ làm ra. Trong nhà cậu mợ Hắc chất đống những bó lưới, vì bên ngoài cửa có treo một cái bảng “Hắc làm vó lưới”. Nghề của cậu mợ, nghề tay trái thôi, là nghề làm vó, lưới, võng…trong nhà, rồi đem bán ở chợ.
Cháu Huê, con dâu mợ Hắc, vừa đẹp người vừa đẹp nết, có đôi mắt đen nhánh như hạt na, sáng lấp lánh rất tình cảm, thân thiện và nhỏ nhẻ, đem sản phẩm của gia đình đi bán hàng ngày ở chợ, đứng gió đứng mưa. Mỗi lần nghe cháu Huê gọi “Bá à…” tôi cứ ngỡ như mình sinh ra ở Thái Bình và chưa bao giờ đi đâu xa.
Mợ Hắc được cậu Hắc giới thiệu khi tôi mới về quê ngoại lần đầu, nhà em xấu người nhưng đẹp nết, chị ạ. Câu nói của cậu làm tôi ngượng, muốn khóc. Mợ Hắc, tôi thấy mợ như con thoi, là cái chân, cái tay, chạy chỗ này, chạy chỗ kia, việc gì cũng xông vào làm, không ngơi nghỉ. Mợ Hắc đẹp vì cái nét khắc khổ của mợ và đôi mắt nhìn rất chân tình. Mợ Hắc nhỏ người, gầy gò. Nhìn mợ Hắc mà tôi ngượng vì tôi lạnh, ở bên Pháp đã mấy chục năm rồi mà về Thái Bình thì tôi lạnh cóng chân, lạnh cóng tay, trong khi mợ Hắc, áo của mợ có lẽ không ấm bằng áo của tôi, không biết lạnh là gì. Nhà cậu mợ không có cửa sổ đóng kín, chỉ có khung sắt, các cánh cửa mở toang hoang, gió luồng từ đầu này sang đầu kia. Cái giường của cậu mợ đặt trong một góc của cái nhà một gian chắc là lạnh và ẩm lắm. Tôi nhìn quanh, tìm một chậu than nóng, như ở Hà Nội, nhưng không có. Lạnh quá, tôi ngồi một chỗ, không dám đứng lên đi đâu nữa. Ở nhà quê Thái Bình, mùa đông giá rét đến đâu, trên giường gỗ cũng chỉ có chiếc chiếu hoa, cũng không sưởi ấm bằng một ít than ?
Mợ Hắc thấy vợ chồng tôi đến là lẳng lặng đi bắt một con gà trong chuồng, giết gà làm cỗ. Bữa cơm nhà quê rất thịnh soạn có gà luộc, miến gà, su hào xào, lòng gà, mề gà xào mặn, giò chả và cơm trắng nấu bằng gạo của nhà trồng, cấy…ngon hơn tất cả mọi bữa cơm ở Hà Nội, vì vừa ăn vừa run, đôi đũa run lập cập, ăn nhanh cho thức ăn còn ấm, và ăn xong thì ấm người.
Về Pháp, chổng tôi cũng nhớ hình ảnh mợ Hắc, ngồi bốc kem sữa bôi mặt tôi đem làm quà từ Pháp về, rất vui bôi lên mặt. Mợ thích vì mùi thơm và chất kem làm êm dịu làn da khô cằn, nhăn nheo vì gió, lạnh, nắng…ở nhà quê. Chồng tôi nhắc, lần sau nếu có về, phải nhớ mang theo mấy hũ kem dưỡng da cho Thái Bình.
Mấy hôm nay, theo dõi tin bão kéo vào Việt Nam từ Phi Luật Tân, tôi lại lo cho vùng biển của Thái Bình. Nhà của cậu mợ Hắc đã bị xập lần trước, cậu mợ đã xây nhà mới, sát vách với nhà của con trai, nhà cửa vững chãi hơn, khang trang hơn xưa rất nhiều, nhưng tôi vẫn tiếc cái nhà cổ lợp ngói của ông bà ngoại, nơi cậu mợ Hắc ở cũ, nay không còn nữa.
Ở hội nghị về biến đổi khí hâu COP21 tại Paris, người ta huênh hoang vì môi trường lắm, bắt buộc dân chúng phải giảm tiêu thụ xăng, dầu, than củi, điện và đánh nhiều loại thuế lên sự tiêu thụ năng lượng, nhưng bao nhiêu người Việt Nam vẫn đang bảo vệ môi trường sinh sống một cách rất bình thản, tự nhiên, không cần chiêng trống !
Cuối năm, ngồi bên này, tôi nhớ bên nhà, nhớ cái lạnh cóng người, không có được một chút sưởi ấm và những bàn tay gầy gò, lạnh ngắt đan vó lưới Thái Bình. MTT12-2015

Ngôi nhà xưa cũ ở Thái Bình nay không còn nữa – Photo: MathildeTuyetTran 2012 trong tác phẩm hồi ký du lịch “Từ Lũng Cú đến Đất Mũi”