Một thách thức cho nhân loại: biến đổi khí hậu

Một thách thức cho nhân loại: biến đổi khí hậu – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015 – https://mttuyet.fr

Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP21 trên nguyên tắc đã đi vào ngày cuối cùng vào thứ sáu 11-12-2015 nhưng các cuộc thương thuyết vẫn căng thẳng ở mức độ cao nhất trong giờ cuối, nên văn bản đúc kết của hội nghị được dời lại vào sáng thứ bẩy 12-12-2015.

Mọi người chờ đợi mãi đến quá trưa thì đoàn chủ tịch gồm có tổng thống Pháp François Hollande, bộ trưởng ngoại giao Pháp Fabius và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon mới công bố kết quả tạm thời của 15 ngày hội nghị. Các đoàn đại biểu chỉ được nhận văn kiện đúc kết tạm thời sau 13.30 giờ (giờ Paris) vì vấn đề dịch thuật ra sáu thứ tiếng. Khoảng 40.000 đại biểu và những chuyên gia trong suốt quá trình đàm phán, hội thảo từ cả năm nay được tổng thống Pháp François Hollande tỏ lời cảm ơn trân trọng, vì nếu không có công lao của họ thì không có kết quả đạt được hôm nay.

Theo kết quả tạm thời thì mục tiêu 2°C được ấn định là phải đạt được trong chiều hướng cố gắng giảm còn lại 1,5°C làm ấm bầu khí quyển. Các quốc gia trên thế giới đều phải nghiên cứu, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch 5 năm bảo vệ môi trường trước sự biến đổi khí hậu của mình. Các kế hoạch viện trợ hay bồi thường kể từ năm 2020 phải vượt lên trên mức 100 tỷ đô la Mỹ/năm. Và cho đến 2015 thì phải có các mục tiêu mới.

Ngày 22-04-2016 sẽ là ngày ký kết hiệp ước COP21 Paris tại New York bởi các nhà lãnh đạo quốc gia và hiệp ước này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020, khi Biên bản Kyoto hết hiệu lực vào năm 2020. Hiệp ước về biến đổi khí hậu Paris 2015 sẽ phải được ít nhất 55 quốc gia trên thế giới (các nước có một tổng số khí thải CO2 chiếm ít nhất 55% tổng số khí thải toàn cầu) ký kết và thực hiện.

Chủ đề chính là sự sản xuất và tiêu thụ năng lượng, vấn đề chính là sự tiêu thụ năng lượng nguyên thủy (hóa thạch) và không tái tạo được như dầu hỏa (xăng, dầu diesel…), khí đốt và than củi tạo ra ô nhiễm bầu khí quyển qua chất khí thải CO2, cho nên phải hướng tới việc sản xuất và sử dụng những nguồn năng lượng không hóa thạch (tái tạo) như năng lượng hạt nhân, sức nước, sức gió, sức nóng mặt trời, địa nhiệt để cung cấp điện dùng trong sinh hoạt cho dân chúng và điện cho tất cả mọi sản xuất, kỹ thuật, dịch vụ. Bên cạnh đó cũng phải giảm lượng khí thải CO2 do các ngành chăn nuôi, nông nghiệp, đốt rừng lấy đất, đốt rác, thiêu xác người, xác súc vật…gây ra.

Về trách nhiệm chính của sự biến đổi khí hậu trên quả địa cầu bởi sự hâm nóng bầu khí quyển bao quanh trái đất thì văn bản hiệp ước Paris 2015 đã thay đổi cách nhìn so với những hiệp ước cũ, đó là tất cả mọi quốc gia đều phải bảo vệ môi trường (sinh sống của loài người) tùy theo khả năng và trính độ phát triển của quốc gia mình, nhưng trách nhiệm chính nằm ở các quốc gia “tiền kỹ nghệ” đã phát triển từ nhiều thế kỷ nay.

Các nhà khoa học gia đều cho rằng, hậu quả của sự kiện biến đổi khí hậu ngày hôm nay là do các nước kỹ nghệ tân tiến gây ra qua các quy trình và quy mô sản xuất và tiêu thụ. Nhưng văn bản đúc kết hội nghị Paris 2015 không có giá trị pháp lý bắt buộc trong việc bồi thường hay viện trợ cho các hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra trực tiếp hay gián tiếp, mà những biện pháp tài chính hay kỹ thuật (viện trợ máy móc, thông tin kỹ thuật, giáo dục phương cách…) của các nước “giầu” đối với các nước “nghèo” đều là tự nguyện.

Khả năng hạn chế và bó buộc của mỗi người trên quả địa cầu không thể vượt quá được quyền lực và thế lực của những tập đoàn tài chính đầu tư và kinh tế, những tập đoàn nắm giữ cả hai thị trường sản xuất và tiêu thụ trong tay. Thế nên, trọng trách và bổn phận bảo vệ môi trường sống của loài người trên hành tinh trái đất tùy thuộc phần lớn vào ý thức đạo đức và trách nhiệm cho tương lai của các tập đoàn tài chính và kinh tế hiện tại, cũng như ít nhiều vào ý thức tiêu thụ của mỗi người trong điều kiện có thể.

  1. Xã hội tiêu thụ cần nhiều năng lượng cho sản xuất và tiêu thụ

Sở dĩ có nhân loại vì trái đất đã nuôi sống con người bằng tất cả mọi tài nguyên thiên nhiên có trong đất, nước và không khí. Loài người khai thác tất cả từ quặng mỏ, phá núi, cây cối, phá rừng, sức nước, lấp sông, chiếm đất, chặn biển, trồng trọt, chăn nuôi… để chế biến ra những sản phẩm tiêu thụ tân tiến nhất, tinh vi nhất cho nhu cầu thiết yếu của sự sống cũng như cho lòng ham muốn những cái dư thừa, xa xí. Trong những nguồn gốc của tất cả mọi sự đau khổ thì lòng tham đứng đầu.

Trong thời đại toàn cầu hóa của chúng ta thì sự tận dụng tài nguyên và sức người càng tăng thêm lên. Với chính sách tận dụng tài nguyên tại chỗ và sức lao động rẻ tại chỗ để hạ giá thành sản xuất cho sản phẩm, để chỉ còn có tốn phí chuyên chở đến những thị trường tiêu thụ, các nhà đầu tư sản xuất chiếm lĩnh thị trường thế giới đã gây ra những biến đổi khí hậu khôn lường, vì sản xuất và vận chuyển đều phải cần dùng năng lượng như điện, khí đốt, các sản phẩm từ dầu hỏa thiên nhiên.

Germany Hamburg Container ship with aeroplane in background property released PUBLICATIONxINxGERxSTrên những đại dương của trái đất đi ngang đi dọc, đi ngày đi đêm những đoàn tàu công tơ nơ chuyên chở hàng tấn sản phẩm để tiêu thụ, chở nguyên hiệu cho sản xuất như dầu hỏa, than, cát, quặng mỏ, vải vóc, cây công nghiệp…Các nhà kinh tế và xã hội học cho rằng hình ảnh của những đoàn tàu công tơ nơ khổng lồ nối đuôi nhau vượt đại dương là hình ảnh tiêu biểu nhất của thời đại toàn cầu hóa.

Cũng trong khung cảnh toàn cầu hóa kinh tế, xã hội tiêu thụ hình thành để thúc đẩy tiêu thụ, vì nếu có đầu tư thì phải có tiêu thụ theo định luật kinh tế cơ bản của cung và cầu. Các sản phẩm càng tinh vi bao nhiêu thì cuộc đời của nó càng ngắn bấy nhiêu, vì con người tiêu thụ phải là con người vất bỏ, nhanh chóng bỏ cái cũ thay bằng cái mới.

Thí dụ đơn giản nhất là cái bóng đèn điện. Trước đây một cái bóng đèn điện rất bền, xài lâu mới phải thay bóng, bây giờ, thị trường và “lốp bi” (lobby) đã thành công trong việc áp đặt, mua chuộc những người có quyền hành trong chính phủ chấp nhận đưa vào thị trường những bóng đèn đắt tiền hơn, nhưng “đời” của nó được ấn định cụ thể bằng kỹ thuật là sẽ hư sau một thời gian cố định nào đó.

Hay thí dụ là cái điện thoại di động, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn chưa đến 20 năm, các loại và kiểu điện thoại di động khác nhau được thay đổi rất nhanh chóng trở thành một vật dụng rất phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng. Người ta xếp hàng để mua cho được những kiểu mới nhất, vì chỉ từ một cái điện thoại đơn giản, người sản xuất gắn thêm cho nó một loạt những chức năng mới như chụp hình, quay phim, nghe nhạc, đọc thư điện tử, gửi thư điện tử, tắt điện trong nhà, báo động nhà cháy, nhà bị cậy cửa, quản lý tài khoản ngân hàng, gửi tiền, trả tiền…

Cùng với một đời sống vật chất văn minh và phát triển đầy đủ mọi tiện nghi, mỗi người đều tiêu thụ nhiều năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày của mình, vì hầu hết mọi vật dụng trong nhà đều chạy bằng điện. Từ cái cối xay cà phê quay tay chuyển sang cái máy xay cà phê chạy điện…cho đến bếp điện, tủ lạnh, máy giặt quần áo, máy rửa chén, máy xấy quần áo, nước nóng để tắm, máy sưởi điện, máy lạnh chạy bằng điện, máy ti vi, máy nghe nhạc, máy vi tính, máy điện thoại, máy báo động, đèn điện, bàn ủi…tất cả đều chạy bằng điện. Trung bình sự tiêu thụ điện bình thường của một cặp vợ chồng, không con, cho mọi nhu cầu bình thường lên đến ít nhất là 1.000 euros/1 năm tại Pháp, vì giá bán điện nhà rất cao.

Đồng thời, đời sống vật chất sung túc dư giả khiến cho con người có thể đi du lịch xa, khiến cho ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế trọng tâm của nhiều quốc gia. Các máy bay dân sự chở đầy ắp mỗi chuyến hai ba trăm du khách và hàng tấn hành lý bay hàng chục nghìn cây số đường chim bay…Con người càng di chuyển nhiều bao nhiêu thì càng tiêu thụ năng lượng nhiều bấy nhiêu. Con người càng tiêu thụ nhiều bao nhiêu thì càng tiêu thụ nhiều năng lượng bấy nhiêu. Trên các xa lộ tại Pháp, Đức hàng đoàn xe tải hạng nặng nối đuôi nhau khít rịt chạy dọc các tuyến đường để vận chuyển hàng hóa, thường gây tai nạn lưu thông và ô nhiễm không khí trầm trọng.

Đời sống sung túc không phải ăn đến hạt gạo cuối cùng cũng làm cho con người vất bỏ thực phẩm hoặc là không bán được hết, hay là ăn không hết. Có những siêu thị chế dầu, xăng lên thực phẩm không bán được rồi mới vứt vào thùng rác, để cho không ai có thể moi ra ăn được nữa.

Tạp chí Le Point số 2257 ngày 11-12-2015 nêu ra vài con số gây ra bởi COP21: 1.717 kí lô thực phẩm thượng hạng không được ăn hết, 52,1 tấn rác đủ loại, 21.000 tấn khí thải CO2, và 15 ngàn tấn rác sinh học trong tuần lễ đầu tiên để sản xuất điện.

Các loại khí thải do mọi sinh hoạt của con người qua kỹ nghệ, sản xuất, chăn nuôi, nông nghiệp, tiêu thụ, sản xuất điện, di chuyển, du lịch….là nguyên nhân lý hóa của sự kiện làm tăng nhiệt độ của bầu khí quyển và biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Tạp chí Der Spiegel – Der Treibhauseffekt (26.04.2007)

Sự biến đổi khí hậu xảy ra có vẻ chậm vì con người sống quay cuồng theo vật chất, miếng ăn không để ý đến nó. Nhưng khi sức tàn phá của biến đổi khí hậu xảy ra thì  loài người khó có thể ngăn chặn được nó, hứng chịu mọi “thiên tai” mà con người có trách nhiệm, như sóng thần, giông bão, mưa lụt lội, cháy rừng, hạn hán, nóng gay gắt thiêu thân, và những hậu quả tất yếu như mất mùa, sạt lở, đói, khát, dịch bệnh …rồi hậu quả tiếp theo là những cuộc di dân khổng lồ vì môi trường sống đã bị hủy hoại.

Tại Việt Nam, đã có những hậu quả do biến đổi khí hậu xảy ra, nếu theo một viễn ảnh trầm trọng nhất do các khoa học gia vẽ nên thì biển Đông sẽ vùi lấp một phần của miền Nam, nhưng đó còn là một chuyện rất xa đối với thế hệ chúng ta ngày nay.

Đúng theo câu cách ngôn của người Việt: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước, thì vấn đề biến đổi khí hậu vừa có tác dụng lên đời sống hiện tại, nhưng sẽ trầm trọng hơn cho những thế hệ tương lai.

  1. Tại sao phải có một hội nghị về biến đổi khí hậu của tất cả các quốc gia trên thế giới ?

Theo định luận nhân quả thì có nguyên nhân và hậu quả, theo định luật cung cầu thì có thị trường bán và thị trường mua, theo định luật công lý thì có kẻ tội phạm và nạn nhân, nên các quốc gia trên thế giới – đại diện cho chủng loại con người – phải “gặp” nhau để có thể giải quyết các mối thắt rối, đó cũng là một sự kiện của toàn cầu hóa kinh tế và chính trị thế giới.

Hội nghị đầu tiên về môi trường sinh sống của con người đã diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển) vào năm 1972 và được ấn định sau đó là 10 năm một lần họp hội nghị thế giới. Vì thế nên cho đến 1992, 20 năm sau mới có một hội nghị thượng đỉnh ở Rio de Janeiro (Brésil) đúc kết một hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu United Nations Framework Convention on Climate Change, viết tắt là UNFCCC (tiếng Việt gọi là Công ước khung của liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu), và có hiệu lực kể từ ngày 21-03-1994. Tiếp theo đó, kể từ năm 1995 thì 195 quốc gia ký hiệp ước gặp nhau hàng năm để thương lượng về vấn đề biến đổi khí hậu trong hội nghị mang tên là United Nations Climate Change Conference (gọi tắt là COP- Conférence des Parties, Hội nghị của thành viên).

Những vấn đề khó khăn cho hội nghị COP21 tại Paris thể hiện trên nhiều lãnh vực:
2.1. Khó khăn về pháp lý: Pháp muốn có một quyết định có giá trị pháp lý phải được tôn trọng, nhưng Mỹ không muốn ký kết bất kỳ một hiệp ước nào, với lý do là mọi ký kết của phái đoàn đại diện Mỹ còn phải được thông qua và chấp nhận bởi quốc hội lưỡng viện và sẽ bị bác bỏ.
Trong khi đó, nếu chỉ là những thỏa thuận không có bắt buộc về pháp lý giữa các đối tác thì Mỹ có thể chấp nhận.
2.2. Khó khăn về ấn định một mức tăng nhiệt độ: Năm năm trước, tại hội nghị về biến đổi khí hậu tại Cancun (Mexico), các quốc gia đã đồng ý thỏa thuận là sự tăng nhiệt độ của bầu khí quyển lên 2° so với thời tiền Kỹ nghệ. Cho đến nay, dù mục đích này chưa được thực hiện đáp ứng như đã thỏa thuận, nhiều quốc gia nhỏ lên tiếng cảnh báo là mục tiêu 2° vẫn còn quá nóng cho sự sống còn của họ. Sự tăng nhiệt độ của bầu khí quyển hiện nay đã đạt mức 1°. Vì thế, một số quốc gia đòi hỏi giảm mục tiêu 2° xuống còn 1,5°. Đây là một điều rất khó khăn cho các quốc gia kỹ nghệ sử dụng nhiều năng lượng và thải ra nhiều khí CO2.
2.3. Khó khăn về việc giảm khí thải CO2 và mục tiêu lâu dài: Ai sẽ bắt đầu và ai sẽ làm gì ? Các quốc gia G7 (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý và Canada) đồng ý hạn chế và chấm dứt khí thải CO2 trong thế kỷ này, nhưng những quốc gia khác như Trung quốc, Ấn Độ, các nước Ả Rập khai thác dầu hỏa và những quốc gia đang phát triển sẽ làm gì để giám khỉ thải CO2 ?
2.4. Khó khăn về trợ giúp cho những nước nghèo: Sự biến đổi khí hậu đã xáy ra, kéo theo những hậu quả của nó. Các nước kỹ nghệ hứa hẹn kể từ năm 2020 sẽ viện trợ 100 tỷ đô la Mỹ cho các nước nghèo. Nhưng việc tổ chức viện trợ còn khá nhiều câu hỏi bỏ ngỏ như ai đóng góp bao nhiêu ? phân phát theo tỷ lệ nào ? theo sự kiện nào ? cho ai ?….
2.5. Khó khăn về bồi thường cho những hậu quả trầm trọng đã xảy ra: Các vùng biển, các đảo đã gánh chịu những trận lụt lội trầm trọng, những nơi đất khô nứt nẻ không trồng trọt được, những hạ nguồn sông bị thượng nguồn giữ nước làm thủy điện gây nhiều thiệt hại vì thiếu nước, hay khi xả lũ ồ ạt…các quốc gia nạn nhân, các vùng nạn nhân phải được bồi thường nhưng vấn đề trách nhiệm và số tiền bồi thường còn là những tranh cãi không dứt.
Vấn đề kiểm soát gìn giữ các nguyên tắc chống biến đổi khí hậu và kiểm soát các số tiền bồi thường: trong tiêu đề này cũng là những câu hỏi mà chưa có câu trả lời chính xác và cụ thể.

  1. Vấn đề các gói biện pháp cần phải được thực hiện để đạt được mục tiêu 2° C hay 1,5°C:

Dự báo về biến đổi khí hậu theo các nhà khoa học cho đến năm 2100: bầu khí quyển có thể bị nóng lên từ ít nhất 0,9 độC đến 5,4°C, một viễn ảnh rất đáng lo ngại cho loài người. Photo: Der Spiegel

Dự báo về mực nước biển sẽ dâng lên từ 26 cm đến 82 cm và sẽ làm cho một số khu vực biển, đảo chìm dưới nước. Ảnh minh họa: Der Spiegel

Trước thềm hội nghị COP21 bản báo cáo thứ năm về “Biến đổi khí hậu” của Liên Hiệp Quốc được thông báo vào sáng thứ sáu 27-11-2015. Đây là kết quả của một dự án đã có từ 5 năm nay, có sự cộng tác của 840 nhà khoa học của 38 quốc gia trên thế giới. Họ đã đọc hàng ngày báo cáo và gần 55.000 bình luận của hơn một ngàn chuyên gia về môi trường, khí hậu. Một bản tổng kết ngắn của báo cáo thứ năm gồm 30 trang được công bố chính thức vào ngày khai mạc COP21.
Theo bản báo cáo này thì bầu khí quyển đã nóng lên 0,9 độ C từ đầu thế kỷ thứ 20, khiến cho nhiều tảng băng ở Bắc cực và các vùng núi băng tuyết phủ quanh năm bị tan rã, và mực nước biển dâng cao hơn 20 cm.
Nguyên nhân của hiện tượng này, theo các nhà khoa học, là do khí thải CO2 gây ra. Lượng khí thải CO2 từ các nhà máy sản xuất, các xe cộ di chuyển và các nhà máy sản xuất năng lượng tăng đến 50% trong 8 năm vừa qua.
Khối lượng khí thải CO2 và đặc biệt là khí lưu hoàng (diêm sinh) bốc lên bị tầng mây chắn lại, nên lại tỏa ngược xuống mặt đất tạo thành smog (không khí ô nhiễm). Khí CO2 cũng làm tăng độ phèn chua (pH) của nước, khiến cho các loài sinh vật biển có vỏ và các loài sinh vật khác khó sống.
Theo kết quả của báo cáo thứ năm thì nếu không có biện pháp thích ứng của loài người thì nhiệt độ hâm nóng bầu khí quyển sẽ tăng lên đến 3,7 độ C vào cuối thế kỷ, kéo theo nhiều hậu quả cho môi trường sống như những cơn nóng khủng khiếp với nhiệt độ tăng cao, mực nước biển dâng lên từ 26 đến 82 cm, nhiều núi băng là nguồn nước sạch thiên nhiên sẽ bị tan rã và biến mất, nước biển bị tăng độ phèn chua, hạn hán, mưa bão, lụt lội, sóng thần…

Rồi những “thiên tai” đó kéo theo tiếp tục các hậu quả mất mùa, mất thu nhập, giảm số lượng sản xuất thực phẩm, hoa quả, rau củ, cây công nghiệp…dẫn đến các nạn đói, các bệnh dịch trầm trọng, các cuộc di dân vì đói nghèo vì biến đổi khí hậu…
Bản báo cáo thứ năm của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu là tiền đề đặt ra là loài người làm gì để bảo vệ môi trường sống của mình ? Một câu hỏi đơn giản nhưng lại có ngàn câu trả lời thuận và ngàn câu trả lời chống.

Ai làm gì ? bằng khả năng nào ? cho kết quả nào ? Các câu hỏi này đang bị lu mờ trước những đòi hỏi biện pháp trừng phạt vi phạm các nguyên tắc sẽ được đồng ý ký kết, nhất là trừng phạt tài chánh, vì các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ làm tăng thêm giá sinh hoạt của tất cả các sản phẩm tiêu dùng thường nhật của hơn 7 tỷ người sống trên quả đất.

Một điều chắc chắn là, tất cả những nhà sản xuất và kiểm soát, thao túng thị trường tiêu thụ của nhân loại sẽ “chuyền” tất cả mọi phí tổn đến người tiêu thụ cuối cùng. Dân chúng sẽ bị một cổ trăm tròng, vì ngoài sự tăng giá sinh hoạt, các loại thuế đánh lên đầu dân cũng sẽ tăng, từ loại thuế trực thu như thuế lương, thuế nhà đất, thuế nước, thuế điện, thuế quét đường đổ rác, thuế nước thải…cho đến các loại thuế gián thu đánh vào tiêu thụ như thuế giá trị gia tăng trên tất cả mọi hàng hóa và dịch vụ, thuế nước ngọt, thuế rượu, thuế bia, thuế ấn phẩm…vân vân và vân vân.

Một thí dụ về di chuyển: dân chúng bị bắt buộc phải di chuyển đi/về đến các nơi làm việc, đi chợ, đưa đón con cái đi học, đi khám bệnh, đi thăm gia đình, đi du lịch…Sự tập trung các hãng xưởng vào một khu vực kỹ nghệ, sản xuất hay dịch vụ, sự tập trung các công ty, quản lý văn phòng, các trung tâm thương mại, các trung tâm dành cho du khách…khiến cho giá nhà đất, giá thuê nhà ở trong những khu vực đó tăng cao, đẩy người lao động trung bình tìm chỗ ở nơi khu vực ngoại ô, vùng ven giá rẻ hơn, nhưng con đường đi/về đến nơi làm việc lại xa hơn.

(Photo by Kevin Frayer/Getty Images)

Câu chuyện một người đã phải sáng sớm đi làm, chiều tối về nhà, mỗi ngày hai lượt di chuyển bằng xe hơi trên một quãng đường là 120 cây số, đi về mỗi ngày 240 cây số trong suốt 35 năm ròng, không phải là chuyện hiếm có tại Pháp.

Người này mất mỗi ngày, trong 24 tiếng đồng hồ, ít nhất 4 tiếng đồng hồ di chuyển, làm việc khoảng 10 tiếng, nghỉ sáng, nghỉ trưa khoảng 2 tiếng, còn lại 8 tiếng để ngủ lấy sức tái lao động. Anh ta/chị ta không còn thì giờ cho gia đình vợ chồng con cái nữa. Hao mòn bao nhiêu bánh xe ? hư hỏng bao nhiêu chiếc xe ? tốn kém bao nhiêu tiền xăng dầu mỗi tháng ? thải ra bao nhiêu khí CO2, nhất là những khi kẹt xe tắc đường hàng tiếng đồng hồ cứ “stop and go” ? Con cái đi học cũng phải di chuyển bằng xe bus công cộng. Nếu chỉ đi chợ một tuần một lần thì cũng phải đi siêu thị lớn, xa nhà cả 20, 30 cây số…Tất cả những cuộc di chuyển ấy đều là một sự bắt buộc cho công nhân viên lao động.

Các chính sách tăng giá các loại phương tiện chuyên chở công cộng và giãn thời gian giữa các chuyến di chuyển lại càng đẩy dân chúng về hướng sử dụng xe hơi, thuận tiện hơn, ít tốn kém hơn.

Các chính sách tăng giá nhiên liệu qua việc tăng mức thâu thuế thí dụ như mức thuế đánh trên dầu diesel của chính phủ, trong mục đích (giả tạo) là áp đặt người dân phải chuyển từ xe chạy bằng diesel sang xe chạy bằng xăng hay xăng/điện cho rẻ hơn, trên thực tế chỉ là một cái cớ để thâu thêm thuế. Những nhân vật lãnh đạo có trách nhiệm đã biết rằng, không phải người dân nào cũng có ngay khả năng tài chính để đổi xe cũ mua xe mới, chỉ có một tỷ lệ nhỏ vay mượn thêm nợ của ngân hàng để mua một chiếc xe mới có kỹ thuật mới mà giá bán trung bình của nó ít nhất bằng 12 tháng lương trung bình trọn vẹn. Cho nên, những hình phạt dành cho dân chúng như cấm xe chạy diesel vào thành phố, hay tăng mức thâu thuế trên dầu díesel để làm tăng giá bán diesel là những chính sách ngụy biện, sai lầm và vô lý.

Sự kiện hãng sản xuất xe Đức Volkswagen trong việc “ăn gian” đo đạc khí thải bị phát giác trong năm 2015 là một thí dụ nổi bật của những nhà sản xuất muốn “đi vòng” hay “lách luật”.

  1. Các thế đứng đối kháng tại COP21

Sự đối kháng của các nước là Trung quốc, Ấn Độ, Mỹ, Liên minh châu Âu và những nước sản xuất dầu hỏa trên thế giới chạm nhau mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, trong khối “77” quốc gia đang phát triển cũng có rạn nứt.
Có thể nói vắn tắt là văn bản đúc kết đọng lại ở ba vấn đề chính:
4.1. Vấn đề thứ nhất là ấn định một nhiệt độ mục đích cho sự làm ấm nhiệt độ của bầu khí quyển bao quanh trái đất là bao nhiêu ? ấm lên 2°C hay ấm lên 1,5°C?
Câu hỏi này là một câu hỏi cơ bản vì nó quyết định sự sống hay chết của nhiều khu vực trên quả địa cầu, là những nơi chịu nhiều hậu quả của sự biến đổi khí hậu vì hạn hán, lụt lội, sạt lở đất, phèn chua, diệt chủng thực vật, động vật, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước sạch, mất mùa…gây đói kém, dịch bệnh và những cuộc di dân to lớn để tìm một môi trường sống.
Trong 140 năm đã qua, thì nhiệt độ của bầu khí quyển đã tăng lên thêm 1°, nên mục tiêu giữ việc làm ấm nhiệt độ lên thêm 1,5° hay 2° từ đây, năm 2016 cho đến cuối thế kỷ thứ 21 là một việc khó.

Photo: World_Oil_Reserves_by_Country-pie_chart.svg

Sự phản kháng đưa đến hăm dọa của nước Saudi Arabia nổi lên mạnh nhất vì một sự mâu thuẫn vừa về kinh tế vừa về chính trị hành chánh. Về kinh tế thì Saudi Arabia là quốc gia sản xuất dầu hỏa thành viên của OPEP, và có một nguồn thu nhập từ dầu hỏa là 312,7 tỷ đô la Mỹ theo thống kê năm 2013, nên nước này bảo vệ quyền lợi là nhà sản xuất của mình. Về chính trị hành chánh, tức là chiếu theo những yếu tố phát triển và trình độ về kinh tế,xã hội và văn hóa của toàn thể dân chúng thì Saudi Arabia lại được xếp vào khối 77 nước đang phát triển, giống như trường hợp các quốc gia biển đảo và Trung quốc, Ấn Độ.
Muốn giảm sự làm ấm bầu khí quyển thì phải giải quyết việc sản xuất và sử dụng năng lượng của dân chúng toàn thế giới. Hiện tại, năng lượng được sản xuất bởi dầu hỏa, than, thủy điện, gió, sức nóng mặt trời, khí đốt, năng lượng hạt nhân, nhưng mỗi loại nguồn gốc năng lượng đều hàm chứa những sự bất lợi và gây hậu quả to lớn. Hội nghị toàn cầu COP21 nhắm vào mục đích làm giảm khí thải CO2 (báo chí tiếng Việt gọi là khí thải nhà kính) do sự sản xuất và tiêu thụ các nguồn năng lượng như dầu hỏa (xăng, dầu diesel), than, khí đốt của các cơ xưởng, nhà máy sản xuất và sự tiêu dùng cá nhân của con người gây ra.
Một thí dụ dễ hiểu là nhà sản xuất chuyển kỹ thuật xe hơi, thay vì chạy bằng xăng, dầu sang chạy bằng điện, để giảm bớt khí thải CO2 trong việc sử dụng xe hơi làm phương tiện di chuyển, nhưng, phải sản xuất thêm điện để cung ứng nhu cầu di chuyển, mà sản xuất điện từ đâu ra ? Xe hơi, xe gắn máy chỉ là một thí dụ vì tất cả các máy móc sử dụng trong kỹ nghệ, nông cụ, máy bay, tàu hỏa, thuyền bè, tầu vượt đại dương, máy sưởi ấm, máy điều hòa không khí…đều chạy bằng xăng, dầu trực tiếp hay bằng máy phát điện.
Đối với những quốc gia đang phát triển thì sự kiện có điện cho dân chúng là một dấu hiệu phát triển, văn minh. Nên thế đứng của Ấn Độ là một việc có thể hiểu được là quốc gia này muốn sản xuất điện giá rẻ bằng than để cung ứng cho đời sống thường nhật của dân chúng, vực họ ra khỏi sự nghèo đói.
Tại Việt Nam, dân chúng sinh sống ở những khu vực như Hà Giang, vùng núi hiểm trở, đều vui mừng khi có điện dẫn về thôn bản để bật sáng một bóng đèn heo hắt hay để xem tin tức trên máy truyền hình. Những nhu cầu về sưởi ấm hay nấu ăn đều được cung cấp từ than củi.
Tại hội nghị COP21 người ta cũng ghi nhận một sự thay đổi trong thế đứng của Trung quốc vì nước này đang bị ô nhiễm không khí nặng nề do khí thải của các nhà máy, cơ xưởng sản xuất và do tiêu dùng năng lượng của dân chúng gây ra.

4.2. Vấn đề thứ hai gây tranh cãi quyết liệt là sự kiện chia thế giới loài người ra làm hai phe, một bên là các nước phát triển và một bên là các nước đang phát triển theo tiền đề là các nước đã phát triển là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường bằng tài chính cho các nước đang phát triển là “nạn nhân” đang phải chịu đựng các hậu quả.
Ở điểm này, Mỹ phản đối quyết liệt, vì cho rằng Trung quốc dù một mặt được xếp hạng là một nước đang phát triển nhưng lại thải ra một khối lượng khí CO2 lớn hơn nhiều quốc gia phát triển tại châu Âu, thì cũng phải có bồi thường cho việc làm ô nhiễm môi trường của mình. Mỹ cũng không chấp nhận tính cách pháp lý bắt buộc của các quyết định tại hội nghị COP21 viện lý do là sẽ phải trình lên Thượng viện Mỹ và đã thấy trước khả năng là sẽ không được Thượng viện Mỹ phê chuẩn chấp thuận.
Phái đoàn thương thuyết của Trung quốc cảm thấy bị “khiêu khích” vì sự hình thành của một “liên minh” giữa Mỹ, các nước châu Âu, một số đông nước châu Phi và các quốc gia biển đảo trong sự kiện thay đổi quan niệm phân chia thế giới làm hai phe phát triển và đang phát triển như cũ.

4.3. Vấn đề thứ ba là thay đổi cách nhìn về sự phân chia thế giới. Yêu cầu phải được bồi thường đã đưa trở lại sự thay đổi cách nhìn về phân chia thế giới, cụ thể là về “nhân và quả” của sự biến đổi khí hậu, vì những câu hỏi: Ai phải bồi thường ai ? Ai là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường và ai là nạn nhân phải hứng chịu ô nhiễm môi trường ?

Đứng trên bình diện kinh tế, trong bối cảnh thực hiện chính sách toàn cầu hóa từ đầu thập niên 1980 các quốc gia châu Âu đã thay đổi từ mô hình môi trường sản xuất và tiêu thụ sang thành mô hình thị trường tiêu thụ, thông qua sự việc di dời sản xuất sang các nước nhân công rẻ và có sẵn nguồn tài nguyên thiên nhiên vật liệu tại chỗ.

Một mặt, các quốc gia phát triển như Pháp, Đức của châu Âu phải đối phó với một sự thay đổi xã hội trong lòng quốc gia của họ: tình trạng thất nghiệp cao và lâu dài cùng với một sự phân hóa giầu nghèo sâu sắc lộ rất rõ, cho dù các quốc gia này cho rằng họ ít gây ô nhiễm môi trường hơn những nước khác, thì chính thị trường tiêu thụ và các cơ sở sản xuất cho tiêu dùng, cho xuất khẩu tại các nước này cũng là một nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy sự ô nhiễm môi trường trong nước và tại các khu vực (quốc gia) sản xuất ngoài nước.

Trong khuôn khổ gọi là “hội nhập kinh tế thế giới” của Việt Nam thì Việt Nam cũng là thị trường sản xuất, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài với một mức nhân công rẻ, lại có nhiều tài nguyên thiên nhiên để khai thác, nhưng đồng thời cũng là một thị trường tiêu thụ và là “nạn nhân” của tình hình biến đổi khí hậu chung của thế giới, mà ba thí dụ nổi lên rõ rệt cho Việt Nam là sự biến đổi khí hậu của Biển Đông khiến mực nước biển dâng gây bão biển, sụp lở đất, phèn chua…, sự biến đổi của khu vực sông Mê Kông vì sự hủy hoại môi trường sống của các quốc gia ở hạ nguồn bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông và sau cùng là sự phá rừng đốn gỗ để bán, xuất cảng mà không nghĩ đến hậu quả sâu rộng cho dân chúng và các thế hệ tương lai. MTT12-12-2015

5361719_2015-12-11t130231z-1542638005-lr1ebcb107wxo-rtrmadp-3-climatechange-summit-new