Bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Bạo lực gia đình đối với phụ nữ – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015 – https://mttuyet.fr

Stop violence against women

1. Hoàn cảnh chung của nhiều người phụ nữ trong xã hội hiện tại

Emma Watson – Photo: Alexsandro Palombo. Der Spiegel 02-12-2015

Phụ nữ chịu rất nhiều áp lực của gia đình trong đời sống thường nhật. Xuất phát từ một tình yêu đằm thắm, một niềm tin tưởng tuyệt đối vào người đàn ông mà mình yêu thương, từ một ý chí xây dựng một gia đình đầm ấm, tốt đẹp, người phụ nữ cho tất cả, cho luôn cả mạng sống của thân thể và cái chết của tâm hồn, cho người chồng và vì các con.

Nhưng tại sao phụ nữ lại chịu đựng bạo lực của chồng, của cả gia đình trong im lặng ?

Bạo lực thân thể như đánh đập, nặng nhẹ, có thương tích và thương tật vĩnh viễn, nhục hình thân xác, hiếp dâm, nhốt trong phòng… và bạo lực tâm hồn như sỉ nhục, chửi rủa, móc nhiếc, chê trách, la hét đạp bàn đập ghế, so sánh với bà này cô khác, chê nấu ăn không ngon, chê không biết dạy con cái, chê vợ mất dạy vì cha mẹ vợ không biết dạy con, hăm dọa giết chết, chỉ vì không khi nào vừa ý.

Bạo lực thể chất và bạo lực tâm hồn đều muôn hình vạn trạng, kéo dài mỗi ngày, hàng tuần, tháng, năm…cho đến khi cái vòng xoắn bạo lực lên đến đỉnh điểm là phải giết, như nhổ cái gai trước mắt.

Sự kiện này có nhiều lý do giải thích.

Thứ nhất là xã hội không chấp nhận ly hôn/ly dị. Đứng trên những quan điểm về đạo đức truyền thống, luân lý gia đình, tôn giáo…dù luật pháp cho phép ly hôn/ly dị nhưng trên thực tế là xã hội không chấp nhận ly dị.

Lấy nhau không có đám cưới tốn kém, hay đám cưới càng to, càng vui, càng tốn kém bao nhiêu thì một sự đổ vỡ dẫn đến ly hôn càng khó khăn đến bấy nhiêu, vì đó là bằng chứng của một sự thất bại !

Người đàn ông không muốn bị ly hôn vì xem đó là một cái nhục của một sự thất bại đối với xã hội, gia đình, bà con hàng xóm láng giềng. Người phụ nữ cũng không muốn bị ly hôn, cũng vì những lý do như thế. Hay có thêm lý do tôn giáo ngăn cấm ly hôn/ly dị. Hay vì không muốn mất con, mất công ăn việc làm. Đó là chỉ nói về những người dân bình thường trong xã hội. Những nhân vật có vị trí đáng kể trên chính trường, trong chính quyền, trong các đảng phái càng e dè hơn trong việc giữ “thể diện” cá nhân, thể diện gia đình, không muốn bị mất mặt vì ly hôn.

Đàn ông ly hôn vợ dễ có vợ mới, hơn là phụ nữ đã ly hôn. Tuy thế, dù tình yêu đã đổ vỡ, nền tảng tình cảm kết nối không còn nữa, hai người vợ và chồng vẫn tiếp tục sống…bên cạnh nhau dưới một mái nhà chung, nơi bạo lực có thể xảy ra từng phút từng giờ, bất chợt.

Thứ hai, xã hội không bênh vực và không giúp đỡ người phụ nữ. Không có công lý bênh vực, không có cảnh sát trợ giúp nên phụ nữ không có con đường nào khác là phải chịu đòn, không thoát ra được.

Tại châu Âu, như tại Pháp, tại Đức, việc tố giác một hành vi bạo lực gia đình bắt đầu ở sự việc phải đi thưa ở cảnh sát. Thế nhưng chỉ sau vài câu hỏi, xem xét thương tích nặng nhẹ, và sau một câu quan trọng nhất là “bây giờ bà đi đâu ? về nhà ?” thì họ nhún vai, cho rằng việc đi thưa là hoàn toàn vô ích. Vì sao ? Nếu người phụ nữ lại trở về nhà, lo cơm nước con cái, lại sáng thức dậy đi làm như thường lệ, thì xem như một quan hệ vợ chồng, gia đình bình thường đã được tái lập lại.

Chỉ trong trường hợp ôm con chạy trốn, không trở về nhà nữa thì cơ sở thưa kiện mới có thể được ghi nhận, phải đi bác sĩ chứng minh thương tích…nhưng đi đâu ? ở đâu ? với con còn nhỏ ? ai giúp đỡ ? tiền bạc ? giấy tờ tùy thân ? làm buồn lòng cha mẹ, gia đình ? ngày mai còn phải đi làm, không thì mất việc…Cứ như thế, người phụ nữ bị trói buộc trong chức năng làm mẹ và làm vợ, lại phải tự nuôi thân, nuôi con không có đường thoát.

Thứ ba, xã hội lên án người phụ nữ bị bạo lực: Có sao thì nó mới đánh cho, hay, không có khói thì làm sao có lửa…cho rằng vì bị khiêu khích, chạm tự ái, nên người đàn ông mới ra tay dạy vợ. Xã hội đổ tội cho phụ nữ bị ăn đòn là “có hành vi phá rối trật tự công cộng !”

Thứ tư, sự giáo dục trẻ con trong xã hội, tại trường học khiến các con không hiểu được tình trạng gia đình, tâm hồn tuổi trẻ của trẻ con và trẻ vị thành niên dễ bị vướng vào “mặc cảm tội lỗi”, tức là nghĩ rằng có phạm tội, bị lỗi, nên mới bị phạt, bị ăn roi, ăn đòn. Thế nên, thay vì bênh vực người mẹ bị bạo lực, con cái lại đứng về phía người gây ra bạo lực, sao mẹ không im đi, sao mẹ không làm tất cả những gì cha muốn cho êm cửa êm nhà ?

Trong đời sống thực tế hàng ngày, có biết bao nhiêu là cảnh khổ của phụ nữ, bế con đi rồi lại phải bế con về để còn bị ăn đòn nặng hơn, bị đánh gẫy mũi méo cả mặt thì phải nói dối là vấp té…

Các cơ quan từ thiện như Caritas, hay nhà thờ, đều có một ít chỗ ở thâu nhận phụ nữ và con cái đến lánh nạn tạm trú trong thời gian tìm nhà, tìm việc…nhưng các chỗ ở đều bị đăng ký liên tục, ghi danh cả tháng, cả năm…rồi mới ôm con chạy đến. Công việc “chạy ra khỏi nhà” cũng phải được thầm lén tổ chức, sửa soạn và phải có bạn bè giúp đỡ, đòi hỏi người phụ nữ phải có quyết tâm hành động, không còn bị mờ mắt trước những lời nói yêu đương giả dối, tạm bợ, và can đảm nhận trách nhiệm cho bản thân mình và cho con cái.

Phải nhấn mạnh ở điểm là không ai vui khi gia đình tan rã, người phụ nữ phải rất vững tinh thần, can đảm gánh chịu đau khổ để thoát ra một sự trầm cảm, u buồn thường là nặng nề và lâu dài khi tình yêu và gia đình đều bị đổ vỡ.

Nhưng, con đường và giải pháp duy nhất để thoát ra khỏi bạo lực gia đình từ phía người chồng là con đường đoạn tuyệt hẳn với người ấy, và phải có khả năng tự túc kinh tế để nuôi thân và nuôi con. Vì bạo lực trong gia đình làm đổ vỡ hoàn toàn tình yêu và ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và sự trưởng thành của con cái, khi các con phải chứng kiến những hoàn cảnh thường nhật gây bức xúc, bối rồi, lo sợ và nhìn về cha mẹ đẻ trong những hình ảnh bạo lực.

Bạo lực gia đình đối với phụ nữ là bàn đạp cho bạo lực đối với phụ nữ trong chiến tranh mà thế giới vẫn đang xem đi xem lại những hình ảnh khủng khiếp cũ và mới của mọi cuộc chiến.

Ngày 02.12.2015 một bài báo trên tạp chí Der Spiegel viết về một “chiến dịch” của nhiếp ảnh gia người Ý Alexsandro Palombo có sáng kiến dùng hình ảnh của những phụ nữ được cho là đẹp nhất, nổi tiếng nhất bị đánh có thương tích trên mặt để chống lại bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Palombo chỉ dùng các xảo thuật vi tính của Photoshop để thay đổi hình ảnh, và đưa lên mạng với tựa đề “Cuộc sống có thể đẹp như một chuyện cổ tích, nếu cô phá vỡ sự im lặng” “Life Can Be A Fairytale, If You Break The Silence” và khẩu hiệu “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ !” (Stop violence against women). Theo Palombo, nghệ thuật có tác dụng động lòng người, khiến cho con người phải suy nghĩ.

2. Những con số thống kê biết nói tại Pháp

campagne25_11

Photo: Le Figaro 24-11-2015

Ngày 25-11 hàng năm là “Ngày quốc tế chống bạo lực đối với phụ nữ”, nhắc nhở về một vấn đề xã hội tương đối ít được đề cập, đó là bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Báo chí Pháp như tờ Le Figaro trong bài báo viết ngày 24-11-2015 công bố những con số chính thức đã được ghi nhận. Trên thực tế, có những trường hợp không được các cơ quan chính quyền như cảnh sát, tòa án ghi nhận, nên bao giờ các con số chính thức đều dưới mức thực tế.

Trong năm 2015 tại Pháp đã có khoảng 223.000 trường hợp phụ nữ bị bạo lực gia đình và 84.000 trường hợp phụ nữ bị cưỡng hiếp hay đe dọa cưỡng hiếp. Có thể nói trung bình mỗi ngày có khoảng (ít nhất) 680 trường hợp bạo lực gia đình tại Pháp.

Con số 223.000 trường hợp bị bạo lực gia đình chỉ là con số thống kê của những trường hợp trầm trọng. Trong số này có 164.000 phụ nữ bị bạo lực thân thể, 33.000 phụ nữ bị chồng cưỡng hiếp và 26.000 phụ nữ vừa bị bạo lực, vừa bị cưỡng hiếp. Con số không chính thức được cho biết là 7 trên 10 phụ nữ bị bạo lực gia đình thường xuyên (!).

Nhưng trong tất cả các nạn nhận chỉ có 1 trên 4 người tìm đến cảnh sát, 14% trong số họ nộp đơn tố cáo hình sự, và 8% trong số họ chỉ xin nộp hồ sơ ghi nhận (không tố cáo hình sự).
143.000 trẻ em sống trong bạo lực gia đình của đàn ông (cha hay dượng ghẻ) đối với phụ nữ (mẹ), trong số này có 42% dưới 6 tuổi. Trong năm 2014 có 25 trẻ em phải chứng kiến cảnh mẹ hay cha bị giết, và 110 trẻ em trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ vì thảm cảnh gia đình.

Trong số 84.000 phụ nữ bị bạo lực tình dục thì có 63.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp. Nhưng trong 63.000 phụ nữ đó, chỉ có 10% đi thưa cảnh sát, 25% tự đi bác sĩ điều trị và 33% tự đi tìm sự giúp đỡ hồi phục tinh thần của bác sĩ tâm lý.

Trong số những kẻ bạo hành tình dục thì chỉ có 10% là người xa lạ, đến 90% là những kẻ bạo hành quen biết hay có liên hệ với nạn nhân, trong số này có 37% là chồng cưỡng hiếp vợ.
Ngược lại, chỉ có 765 người đàn ông bị kết án vì cưỡng hiếp tình dục.

Một thống kê khác cho biết tại Pháp năm 2014 có 134 phụ nữ và 31 đàn ông bị vợ hay chồng giết chết. Ngoài ra có 35 trẻ em bị giết chết trong những thảm cảnh gia đình, và có 24 nạn nhân là vợ chồng cùng chết. Người ta có thể nói rằng, cứ cách ba ngày là có một phụ nữ bị giết vì bạo lực gia đình tại Pháp.
Tuy nhiên chỉ có 35 trường hợp là người chồng bị kết án.

Thống kê về bạo lực tình dục cũng cho biết một con số là 14.000 người đàn ông bị cưỡng hiếp tình dục, một đề tài cho đến nay vẫn còn là “tabou” (bí mật), trong quan hệ đồng tính luyến ái.
Nguồn thống kê (Sources): Étude nationale sur les morts violentes au sein du couple, réalisée par la Délégation aux victimes du Ministère de l’Intérieur.
La lettre de l’observatoire des violences faites aux femmes, novembre 2015, de la mission interministerielle pour la protection des femmes contre les violences et la lutte contre la traite des êtres humains.

3. Một vụ án tường thuật bởi Le Figaro, ngày 04-12-2015

Tòa hình sự Blois vừa xác nhận trong bản án phúc thẩm quyết định trừng phạt 10 năm tù ở của bản án sơ thẩm xử năm 2014 đối với bà Jacqueline Sauvage, 68 tuổi, bị tố cáo đã giết chồng vào năm 2012. Công tố viên chính phủ Frédéric Chevallier cho rằng, những đau khổ của bà  đã phải chịu đựng “không được trở thành là giấy phép giết người“.

Ngày 12-09-2012 tại nơi ở của gia đình ở La Selle-sur-le-Bied (Loiret), bà Jacqueline Sauvage 66 tuổi, đã nhắm mắt bắn vào lưng chồng ba phát đạn từ một khẩu súng săn.

Công tố viên chính phủ Frédéric Chevallier cho rằng ba phát đạn để đáp trả lại một cú đấm vào mặt đã làm cho bà phải xin ba ngày nghỉ bệnh, là quá đáng, không thể chấp nhận được. (Trois coups de feu tirés dans le dos, ce n’est pas admissible.)

Trong quá trình xét xử vụ án, bà Jacqueline Sauvage nói đã chịu đựng bạo lực của chồng trong suốt 47 năm dài. Người con gái của bà nói “Cha tôi chết là một sự giải thoát cho chúng tôi”, người đã bị cha đẻ cưỡng dâm vào năm 16 tuổi và liên tục bị bạo lực khi đã trưởng thành. Người con gái đầu nói “Cha tôi là một người vô nhân tâm, những hành động của ông mạnh hơn ông.” Người con gái thứ ba nói “Cha tôi đã hủy hoại tâm hồn tôi, khiến cho tôi không thể nào sang trang quá khứ.”. Cả ba người con gái đều bị cha ruột hãm hiếp, đánh đập như hoàn cảnh của người mẹ. Em trai của họ, cũng là nạn nhân của những cơn bạo hành bởi người cha, đã tự tử một ngày trước đó, trước khi người mẹ ra tay bắn chết người chồng và người cha độc ác.

Một bản án nêu gương ?

Gửi đến bạn lời kêu gọi “Chấm dứt bạo lực gia đình đối với phụ nữ !” và phụ nữ có trách nhiệm phải giúp đỡ nhau, nhất là những phụ nữ đang sống trong hạnh phúc êm ấm và giàu sang ! MTT

PS: Một bạn đọc gửi thư cho MTT: Cảm ơn Tuyết về bài này. Một đóng góp rất thiết thực cho quan hệ bình đẳng giữa 2 giới tính.
Đặc biệt ở những nước nghèo, người phụ nữ hết sức thiệt thòi. Khi kinh tế phát triển, phụ nữ dễ kiếm được việc, qua đó không lệ thuộc kinh tế vào người đàn ông và họ có nhiều khả năng để đòi hỏi bình đẳng.
Hơn nữa phát luật phát triển theo tỉ lệ thuận với phát triển kinh tế và qua đó người phụ nữ ở những nước đã phát triển cũng được bảo vệ tốt hơn là phụ nữ của các nước chậm tiến….Thân chào
MTT xin góp ý: Cảm ơn anh. Các nước phát triển, cường quốc như Pháp, Đức cũng không giúp phụ nữ thực tiễn và trực tiếp trong những hoàn cảnh bị bạo lực gia đình. Họ (cảnh sát, pháp luật) cho rằng đó chỉ là những trường hợp xào xáo gia đình “banal” (nhàm chán), thường là chỉ khi nào sự việc đã lên đến điểm đỉnh như giết người thì họ mới can thiệp – sau đó. Rất nhiều kẻ sự dụng bạo lực gia đình đối với phụ nữ thoát lưới pháp luật, không hề bị trừng phạt, cho nên việc bạo hành phụ nữ cứ tiếp diễn. Bạo lực gia đình trầm trọng hơn khi có thêm yếu tố nghiện rượu, dùng ma túy…Khi ly dị thì tòa án châu Âu chỉ xử ly dị, không kể đến yếu tố có bạo lực trong gia đình, vì họ đứng trên nguyên tắc là lỗi của cả hai bên. Sự khác biệt nằm ở chỗ là phụ nữ ở châu Âu nhờ vào bạn bè được nhiều hơn, họ ý thức hơn về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, và giúp nhau không ngần ngại. Tôi có người bạn gái người Đức, phải nhờ đến 7 người bạn trai khác hộ tống đem vật dụng của cô ấy ra khỏi nhà, lên xe ngay, để đi đến một chỗ ở khác. Những thí dụ về bạo lực đối với phụ nữ thì nhiều lắm, nhưng đa số đều phải tự cứu mình cả. Khả năng tự túc kinh tế là một yếu tố thuận lợi, nhưng vấn đề vướng bận tình cảm vì con cái lại là một việc khác.  Nhưng tôi ngạc nhiên ở điểm là phụ nữ lại ít giúp đỡ phụ nữ khi hoạn nạn. Anh còn nhớ không ? Ngay tại châu Âu mà vài người phụ nữ Việt Nam đã đi lánh sang lề đường khác, không đi cùng lề đường với người bạn gái “cũ”, cũng là người Việt Nam, nhưng dám cả gan ly dị với chồng, bị cộng đồng kết án là “vô đạo đức”. Còn vấn đề tại các nước kém phát triển như cưỡng hôn ở tuổi vị thành niên, phá hủy bộ phận sinh dục phụ nữ, rạch mặt…hay chỉ dùng phụ nữ là những cái máy đẻ thì cũng là những vấn đề xã hội lớn cần có ý thức xã hội, văn hóa và biện pháp giáo dục toàn diện thì mới thay đổi được. Thân mến chúc anh chị vui, khỏe.

Miley Cyrus – Photo Alexsandro Palombo. Der Spiegel 02-12-2015