Trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette

Trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015, https://mttuyet.fr

Tôi vẫn thường ao ước khi nào có dịp, vì thỉnh thoảng đi xe ngang qua Versailles, vào thăm trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette.
Hôm nay nhân Hội nghị thượng đỉnh Paris về biến đổi khí hậu COP21 đang diễn ra với sự tham dự của 147 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, khiến tôi lại nhớ về một bà hoàng hậu của nước Pháp. Trong thời đại của bà, Marie-Antoinette bị chỉ trích và phê phán nặng nề, oán ghét, chỉ với một lý do rằng bà là người tiêu xài hoang phí tài sản của quốc gia Pháp. Thế nhưng, có lẽ với lòng yêu một cuộc sống thiên nhiên, bình thường, bảo vệ môi trường sống lành mạnh, tiếp tục các phương thức canh tác, chăn nuôi, trồng rừng…tốt đẹp của tiền nhân để lại, chính hoàng hậu Marie-Antoinette mới là người “đi trước” thời đại lịch sử của bà.

Bà Marie-Antoinette là công chúa nước Áo, nên tuổi thơ của bà, lớn lên trong khung cảnh còn rất thiên nhiên của nước Áo thời ấy, khác hẳn một kinh đô ánh sáng, tột bực vương giả như Paris, hẳn đã ghi dấu ấn lên những kỷ niệm và sở thích của Marie-Antoinette khi phải rời xa vĩnh viễn quê hương của mình.

Tranh vẽ Marie-Antoinette trong trang phục xuất hiện trước triều đình vua Louis XVI, vẽ bởi họa sĩ Jean-Baptiste Gautier-Dagoty vào năm 1875

Là hoàng hậu, nhưng bà phải sống như con chim bị bắt nhốt trong cái lồng son, nhất cử nhất động đều bị ghi nhận, theo dõi, và không có tự do di chuyển như một người dân thường. Một khi đã phải chấp nhận đi một mình đến Pháp để cưới hoàng tử kế thừa Louis XVI thì bà không còn được trở lại quê hương nữa, nếu không có một lý do chính đáng và được triều đình chấp thuận.

Cung điện Versailles là cung điện lớn nhất nước Pháp, nằm trong thành phố cùng tên do vua Louis XIV sáng lập ra, là một trung tâm chính trị và văn hóa của Pháp trong suốt gần một thế kỷ (1682-1789). Hiện tại, thành phố này đã bị mất chỗ đứng thủ đô quân quyền của nó khi xưa, bị hạ giá thành một thủ phủ của khu vực hành chánh Yvenlines, dù vị trí địa lý của nó chỉ cách nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) có 16,8 cây số về hướng tây nam.

Năm 2012 thành phố Versailles còn nhiều di tích cổ, nguy nga, từ thời đại quân chủ phong kiến, có 85.424 dân cư, đa số thuộc thành phần trung lưu cao cấp và thượng lưu giàu có, vì nhà cửa đất đai trong khu vực này rất đắt, người dân hãnh diện là sống ở Versailles.

Lâu đài Versailles được tuyên bố là trụ sở triều đình của vua Louis XIV – Le Roi du Soleil (Vua Thái Dương) vào năm 1668. Kể từ đó ba đời vua dòng Capetiens cuối cùng: vua Louis XIV, Louis XV và Louis XVI đều trị vì ở Versailles, cho đến khi bị Cách mạng dân chủ 1789 tịch thu tất cả tài sản của hoàng gia.

Madame de Pompadour, hầu thiếp sủng ái của vua Louis XIV

Khuôn viên lâu đài Versailles rộng đến 7 mẫu đất, gồm có lâu đài Versailles và các lâu đài khác như Le Grand Trianon là nơi ở của Vua và gia đình vua, Le Petit Trianon là lâu đài xây cho người hầu thiếp sủng ái của vua Louis XIV là Madame de Pompadour, nhưng bà lại chết vào năm 43 tuổi vì bệnh phổi ngay trong cung điện Versailles, trước khi lâu đài Petit Trianon dành riêng cho bà được xây xong. Bà de Pompadour sở hữu hơn một chục lâu đài, trong đó có Hotel d’Evreux (thuộc tầm cỡ nhỏ hơn lâu đài) mà hiện nay chính là cung điện Élysée, nơi tổng thống Pháp trị vì. Xem trang phục của bà hầu thiếp Madame de Pompadour trên những tranh vẽ, lộng lẫy không hề thua kém gì trang phục của hoàng hậu Marie-Antoinette, nên không thể cho rằng, chỉ có hoàng hậu Marie-Antoinette mới phung phí tiền của do dân chúng đóng góp.
Sau này, lâu đài Le Petit Trianon được tặng cho vợ chồng Louis XVI và Marie-Antoinette, được trang trí lại rất lộng lẫy và có thêm một vườn hoa mới.

Một tấm tranh hiếm, vẽ ba người: quận công Maximilian Franz von Österreich (anh của hoàng hậu), vua Louis XVI và Marie-Antoinette, có thể được vẽ trong năm 1776 bởi họa sĩ Joseph Hauzinger

Nhưng hoàng hậu Marie-Antoinette có vẻ chán cảnh những cung điện quá sức lộng lẫy, xa hoa, thiếu vắng hẳn một không khí ấm cúng, gia đình của một cuộc sống “thật”, không phải là một cuộc sống ảo thường trực trên một sân khấu vàng son chỉ trong mục đích phô trương của cải, đầy rẫy những hận thù và ghen ghét của những nhân vật trong triều đình vua.
Hoàng hậu Marie-Antoinette cho xây dựng một nông trại trong khuôn viên của lâu đài Versailles, gọi là Le hameau de la Reine (nông trại của hoàng hậu), trong mùa đông 1782 qua 1783. Ý tưởng này của bà, tất nhiên hứng chịu nhiều chỉ trích, người thì cho là bà muốn gây ra một cái “mốt mới”, người thì cho là bà muốn có một chỗ ân ái riêng với tình nhân, người thì phê phán rằng cái gọi là nông trại cũng xa hoa như cung điện.
Nhưng người ta cũng cho rằng bà muốn xa lánh một đời sống có nhiều cản trở trong cung điện bởi luật lệ triều đình, hồi tưởng lại một cuộc sống dân dã bình thường của tuổi trẻ và dưới ảnh hưởng yêu mến khung cảnh, đời sống bình thường gắn bó với thiên nhiên và bảo vệ các truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại qua các áng văn, các bài bình luận của triết gia Jean-Jacques Rousseau.

Vua Louis XVI tặng cho bà một mảnh đất vuông vắn để xây dựng nông trại nằm ở phía đông bắc của vườn hoa Anh (jardin anglais) của lâu đài Versailles. 48.621 cây các loại được người làm vườn Antoine Richard cho trồng lên để bao bọc khu vực trang trại của Marie-Antoinette, theo phong cách thiên nhiên được giữ ưu tiên, không cắt xén, tỉa tỉ mỉ từng chiếc lá một như trong khuôn viên của lâu đài.
Kiến trúc sư Richard Mique được ủy thác xây dựng nông trại của hoàng hậu Marie-Antoinette, và sử dụng mô hình của các nông trại vùng Normandie nước Pháp.

Trung tâm của khu nông trại là một cái ao đào nuôi cá để câu cá thư giản và ăn thường nhật, được vây quanh bởi 12 căn nhà xây dựng theo phương cách cổ truyền của người dân Pháp bình thường, có cả một chuồng nuôi chim bồ câu, dùng làm chim bay đưa thơ, một vườn trồng rau, một vườn trồng cây ăn trái, nhà chứa rơm rạ và củi khô để sưởi, một nhà xây bột quay bằng sức nước (moulin) và luôn cả một vườn trồng hoa.
Hai ngàn con cá chép và 27 con cá chó (brochet) được thả vào ao. Vườn rau và vườn cây ăn trái trồng cả hàng ngàn loại thực phẩm xanh như bông cải trắng, ác ti sô, đậu đen, đậu xanh Hà lan, dâu tươi, đào, mận, táo, nho…
Các nhà trong nông trại đều lợp mái rạ, tường vách làm bằng gỗ trát rơm rạ và vữa đất sét, chỉ có nhà ở của hoàng hậu được lợp ngói và xây bằng gạch đất nung, có ao nuôi cá, có chuồng nuôi bò, cừu, gà, vịt… Bà cho lựa chọn những giống gia súc lành mạnh nhất từ Thụy sĩ để đem về nuôi và lấy giống.
Theo ý muốn của hoàng hậu Marie-Antoinette tất cả các nhà trong nông trại đều có chậu hoa bằng sành sứ trồng nhiều loại hoa dân dã khác nhau.

Hoàng hậu Marie-Antoinette “sản xuất” ra đủ tất cả các loại thực phẩm từ nông trại của bà như sữa và trứng gà tươi, cá, thịt, rau củ, trái cây, hoa tươi…ban đầu cho nhu cầu của gia đình bà và các con, và sau đó nông trại của bà lại còn cung cấp thực phẩm cho cả triều đình. Chính hoàng hậu Marie-Antoinette, trong trang phục đơn giản, đội một cái mũ bện bằng rơm đã tự tay vắt sữa bò, sữa cừu. Các con của bà được cho đi lượm trứng gà đẻ ở khắp nơi trong vườn, như là một thú vui. Những bữa ăn được nấu nướng đơn giản hơn, ít mỡ hơn. Bà sống ở đây một đời sống không bị gò bó bởi những phép tắc luật lệ của triều đình, ngay cả việc bà ngồi hát và tự đệm đàn cho người thân trong gia đình ngồi nghe.

Trong một lần đến thăm trang trại, vua Louis XVI cho xây dựng một cổng thành chiến thắng ở ngay đường vào nông trại, ven lề rừng Onze-Arpents, để đánh dấu nơi ở của hoàng hậu nước Pháp. Cổng thành này mang tên Porte Saint-Antoine, có huy hiện con sư tử, huy hiệu của vua Louis XVI, và được xây dựng xong vào năm 1787.

Công trình kiến trúc trang trại của Marie-Antoinette đã tô điểm thêm vẻ đẹp hiếm có, độc đáo của cả khu vực lâu đài Versailles.
Cách bày biện đồ đạc và trang trí trong nhà ở của hoàng hậu Marie-Antoinette, tuy xứng đáng với ngôi vị của bà trong thời ấy, nhưng so với thời hiện đại thì không bằng sự sang trọng của tầng lớp nhà giầu mới tại Paris hiện nay.
Hình ảnh hai căn phòng ngủ, một trong cung điện Versailles, và một trong nhà ở của bà trong nông trại, nói lên một sự khác biệt rõ ràng, đơn giản hơn và thân mật hơn.
Cũng cần nên biết là các vua chúa Pháp đều có phòng ngủ riêng với vợ và con cái. Những phòng ngủ được trưng bày đều là phòng ngủ “giả”, họ ngủ trong những căn phòng “bí mật” trong lâu đài rộng mênh mông có cả ngàn phòng, để tránh bị ám sát khi đang ngủ.
Thế nên, ý tưởng của hoàng hậu Marie-Antoinette ở trong một ngôi nhà nhỏ trong nông trại có ý muốn nói rằng, bà không sợ bị ám sát chăng ?

Những người được vinh hạnh vào trang trại của Marie-Antoinette đều là những người thân cận, gia đình, và khi vào họ phải mặc quần áo lịch sự nhưng đơn giản.
Tương truyền, thỉnh thoảng hoàng hậu Marie-Antoinette ngả vào vòng tay người tình của bà, công tước Fersen (comte de Fersen), trong một căn nhà nhỏ nhất của trang trại, mang tên là “boudoir”.

Hoàng hậu Marie-Antoinette khi bị đưa ra xử trước tòa án Cách mạng, tranh khắc của Alphonse François theo một tranh vẽ của Paul Delaroche. Bản án tử hình chém đầu được tuyên bố lúc 04 giờ đêm ngày 16-10-1793, bà bị xử tử vào lúc 12.15 phút cùng ngày. Giữa khoảng thời gian đó bà viết một lá thư cuối cùng gửi cho em gái của vua Louis XVI, nhưng mãi nhiều năm sau lá thư mới đến tay của vua Louis XVIII. Hiện lá thư này được cất giữ vĩnh viễn trong một hộp sắt trong Văn khố Quốc gia Pháp.

Nhưng cuộc sống êm đềm lý tưởng này trong khoảng 5 năm ngắn ngủi, đã bị chấm dứt theo lệnh của vua Louis XVI vào ngày 05-10-1789, hoàng hậu Marie-Antoinette và các con phải rời trang trại, để rồi không còn bao giờ có thể trở lại nơi này được nữa.
Marie-Antoinette, chỉ còn được mệnh danh là “vợ góa Louis Capet” (họ của dòng vua Capétien) bị Cách mạng 1789 bắt giam và chém đầu vào ngày 16-10-1793 trên quảng trường La Concorde Paris.

Trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette tất nhiên bị cướp phá bởi Cách mạng 1789 rồi bị bỏ lúng vào quên lãng. Hoàng đế Napoléon 1er cho sửa chữa lại lần đầu tiên vào năm 1810-1812. Lần sửa chữa thứ hai, trước sức tàn phá của thời gian là vào năm 1930 bởi sự rộng lượng của tỷ phú Mỹ John Rockefeller Jr. Nhưng mãi cho đến năm 2006 trong thời đại của chúng ta, thì khu vực này mới được chính thức mở cho dân chúng vào thăm, dưới cái tên “Domaine de Marie-Antoinette”.
Ngày nay, khi viếng thăm nhà ở của Marie-Antoinette trong nông trại, hậu thế chứng kiến và có thể mường tượng ra một khung cảnh sống rất riêng tư, rất thân mật của một bà hoàng hậu bị tai tiếng nhất trong lịch sử của dòng vua Capétien của nước Pháp.
Có thể, người của thời đại xa xưa đó, ghét bà Marie-Antoinette chỉ vì bà là một công chúa nước Áo, là người Áo và tiếng nói mẹ đẻ của bà là tiếng Đức ?MTT

PS: Xin xem bài “Hoàng hậu Marie-Antoinette – đáng thương hay đáng trách ?”

Ngôi nhà ở và ao cá của hoàng hậu Marie-Antoinette trong trang trại Le hameau de la Reine thuộc khu vực cung điện Versailles – Pháp

Tổng thể cung điện Versailles với một diện tích là 7 mẫu (ha) đất.

Phòng ngủ của hoàng hậu Marie-Antoinette trong nông trại Le hameau de la Reine, Versailles

Phòng ngủ của hoàng hậu Marie-Antoinette trong cung điện Versailles.

Căn nhà nhỏ nhất trong Trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette, mái lợp rạ, tường vách xây bằng gỗ, rạ trộn vữa đất sét theo kiến trúc truyền thống của vùng Normandie Pháp, có tên là “boudoir”, tương truyền là nơi hò hẹn của hoàng hậu Marie-Antoinette với tình nhân, le Comte de Fersen.

Không ảnh về tổng thể khu vực “trang trại của hoàng hậu Marie-Antoinette” trong khuôn viên của lâu đài Versailles. Nhà ở, vườn hoa, vườn rau, vườn cây ăn trái, vườn hoa…đều được bố trí chung quanh một cái ao đào thả cá, và bao bọc bởi một cánh rừng trồng nhân tạo.