Một dấu hiệu “mới” trên cái cũ ở Köln
Một dấu hiệu “mới” trên cái cũ ở Köln – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015 – https://mttuyet.fr
Ngày chủ nhật 18-10-2015, theo kết quả bầu cử, bà Henriette Reker đã được bầu làm thị trưởng thành phố Köln. Chồng bà đem tin chiến thắng đến gường bệnh một cách nhẹ nhàng vì bà đang hồi tỉnh sau khi đã được bác sĩ cho chìm đắm trong một cơn hôn mê nhân tạo để làm giảm đau sau khi mổ vết thương nặng do một người cực hữu tấn công và dùng dao đâm. Rất may là sự nguy hiểm cho tính mạng của bà Reker đã qua, theo chính bà cho biết qua tài khoản Twitter.
Những ai biết Köln trong nhiều năm và có hiểu biết chút ít về “Kölner Klüngel” đều thấy sự tranh cử của bà Reker có một chút đổi mới về chính trị, trên một nền tảng xã hội “cũ” đang có sẵn.
“Kölner Klüngel” nổi tiếng trong xã hội Đức vì người dân Đức ở Köln thẳng thắn nói lên một điều rằng các kết quả về chính trị, về nhân sự, về chính sách hiện ra bề mặt mà dân chúng – của một thành phố lớn thứ tư tại Đức với hơn 1 triệu dân – thấy, đều là những sự “xếp đặt, thỏa thuận phân chia quyền lực và lợi ích” bên trong và trước khi của các đảng phái với nhau và cũng trong cùng một đảng phái.
Nếu không có “sổ đảng” (Parteibuch) của một đảng nào đó, khó có ai đơn thân, một mình một ngựa, lọt vào được bộ phận quản lý hành chánh của thành phố (Verwaltung), hay, chống lại được những “đường dây” (Seilschaft) chằng chịt trong nội bộ của một đảng phái của “Kölner Klüngel”.
“Kölner Klüngel” có một ưu điểm là tạo được ra một sự ổn định chính trị và quản lý hành chánh trong một nhiệm kỳ bầu cử, từ vị trí của mình trong bộ phận quản lý hành chánh, mỗi người đều hoạt động trong khuôn khổ đã được chỉ định, ấn định, ai ló đầu lên như “Spargel” (măng tây) là Spargel bị cắt đầu, ăn.
Khuyết điểm là những người có “đối lập” chính trị hay không trong một đảng phái nào đó thì không có sân chơi, phải đi “chỗ khác” chơi, kiếm sống.
Sau mỗi lần bầu cử thì tất nhiên có sự thay đổi nhân sự tại những chức vụ “bản lề” theo tỷ lệ thắng cử của các đảng phái trong cuộc bầu cử tầm mức địa phương và “sổ đảng” của một đảng phái trong guồng máy quản lý hành chánh của thành phố.
Sự dân chủ và phân quyền của Köln được tổ chức theo mô hình “chính quyền quản lý thực hiện – đảng phái lãnh đạo” với hai tổ chức song song: một bên là bộ phận quản lý hành chánh chính quyền lãnh đạo bởi thị trưởng (Verwaltung) với tất cả mọi quyền lực của một thành phố lớn, một bên là hội đồng cố vấn chính trị (Rat der Stadt Köln) – gọi tắt là “Hội đồng thành phố” – là một “quốc hội” với sự đại diện và có mặt của những đảng phái thắng cử trong cuộc bầu cử địa phương (Kommunalwahl) ở tầng hành chánh thành phố (Stadt), huyện (Landkreis) và thị trấn (Gemeinde).
Thí dụ như khi Hội đồng thành phố biểu quyết phải “tư hữu hóa” trong thập niên 1980 thì chính quyền thành phố phải lựa chọn và loại bỏ những bộ phận dịch vụ trước đây do chính chính quyền thành phố thực hiện và quản lý. Vì thế, lần lượt các đơn vị “nhà nước” trước đây như công việc hốt rác, vệ sinh và sạch sẽ đường phố, chăm sóc các nghĩa trang…bị tư hữu hóa, khiến cho nhân viên của thành phố bị sa thải hàng loạt. Hay khi Hội đồng thành phố quyết định “làm ốm” cơ quan quản lý thành phố để giảm bớt phí tổn nhân sự, thì phía bên chính quyền phải thực hiện các biện pháp giảm bớt con số các đơn vị quản lý và sa thải nhân viên theo tỷ lệ sa thải yêu cầu, khi không có lý do chính đáng để đuổi nhân viên thì họ cũng đuổi vì một cái cớ như “nhận meo cá nhân trong giờ làm việc” chẳng hạn. Trong chính quyền quản lý hành chánh (Verwaltung) có ba thành phần làm việc: công chức chánh ngạch và vĩnh viễn, nhân viên và công nhân, nên những người bị sa thải đều thuộc về thành phần nhân viên các cấp bậc và công nhân lao động.
Theo luật của tiểu bang Nordrhein-Westfalen thì Köln có nhiều hơn là 700.000 dân nên được có 90 ghế trong Hội đồng thành phố, và có 45 đơn vị bầu cử.
Chức vị và quyền lực của “thị trưởng” của thành phố Köln được bầu trực tiếp từ dân, những người có quyền bầu cử. Thị trưởng của Köln có danh xưng là Oberbürgermeister cho những thành phố lớn, là người lãnh đạo chính quyền quản lý hành chánh. Tại các nơi có số dân ít hơn thì người lãnh đạo chính quyền mang danh xưng là “Bürgermeister”.
Thị trưởng Köln là người bổ nhiệm các nhân vật lãnh đạo các bộ phận quản lý hành chánh, danh xưng là “Dezernent” tương đương với chức vị Giám đốc, năm 2015 gồm có các 7 đơn vị hành chánh (Dezernate) như sau: Văn phòng thị trưởng, tài chánh, giáo dục-thanh niên và thể thao, quy hoạch thành phố, xây dựng và giao thông, an ninh và tư pháp, kinh tế và sở hữu, xã hội – hội nhập và môi trường, nghệ thuật và văn hóa. Mỗi đơn vị quản lý có một ngân sách do Hội đồng thành phố ấn định.
Sự kiện bà Reker, đứng đầu đơn vị hành chánh xã hội-hội nhập và môi trường, là một người làm việc dưới quyền chỉ huy của thị trưởng (ông Roters thuộc đảng Xã hội Đức SPD), “dám” ra tranh cử chức vị thị trưởng, không thuộc đảng phái nào, lại là phụ nữ, là một việc “mới” ở Köln. “Cánh đàn ông” Đức ở Köln vẫn luôn luôn ở thế mạnh tuyệt đối.
Trên thực tế, bà Reker (58 tuổi) được sự hậu thuẫn của các đảng phái là đảng CDU, đảng Xanh Die Grünen, và đảng FDP, không đưa người trực tiếp của từng đảng ra tranh cử, cùng phối hợp ủng hộ, chống lại ảnh hưởng của đảng Xã hội Đức SPD. Hai chữ “Xã hội” của đảng Xã hội ngày càng mất dần sức hấp dẫn trong dân chúng.
Kết quả cuộc bầu cử thị trưởng vừa qua tại Köln vào ngày chủ nhật 18-10-2015 là chỉ có 40,28 % người dân tham gia bỏ phiếu bầu cử, trên tổng số 809.035 người có quyền bầu cử.
Bà Reker, không đảng phái, thắng cử với một tỷ lệ đáng kể là 52,66% (169.919 phiếu), trong khi đối thủ mạnh nhất của bà là ông Ott, thuộc đảng SPD, chỉ đạt được có 32,02% (103.341 phiếu) số phiếu của cử tri.
Bà Henriette Reker trở thành người phụ nữ đầu tiên, và cũng là một người không có “sổ đảng” của một đảng phái nào cả, thắng cử chức vị lãnh đạo cao nhất của thành phố Köln. Đó là “sự kiện mới” ở Köln.
Ngày thứ bảy 17-10-2015, khi đang vận động tranh cử tại phiên chợ tuần ở Köln , bà Reker bị một người đàn ông tên là Frank S., 44 tuổi, thất nghiệp, tấn công bằng dao găm, khiến cho bà bị thương nặng, hai người phụ nữ khác của đảng CDU và FDP, và hai công dân khác cũng bị thương bằng dao găm, vì bình thường không có ai bảo vệ những cuộc vận động tranh cử của các ứng cử viên.
Frank S, bị bắt được và cho biết nguyên nhân là quan điểm chống lại người ngoại quốc định cư, nhập cư vào Đức, cụ thể là vào Köln sinh sống: “Những người ngoại quốc “lấy” mất công ăn việc làm của người dân Đức.”
Trong khi đó thì bà Reker lại kêu gọi dân chúng thành phố Köln chấp nhận người nước ngoài di tản và chung sống hòa bình.
Köln nổi tiếng là một thành phố cởi mở vì vị trí địa lý khá gần cho cả ba biên giới Đức – Hà Lan và Bỉ, cũng không xa Pháp và Lục Xâm Bảo, dân chúng trộn lẫn nhiều quốc tịch, có nhiều du khách đến thăm Kölner-Dom (thánh đường của Köln là di sản văn hóa thế giới) và mua sắm, nên người ngoại quốc định cư ở Köln thì trước đây sống ít có lo lắng.
Nhưng làn sóng kỳ thị người nước ngoài – gọi một cách miệt thị là “Ausländer” – cũng lan tràn đến Köln.
Những hình thức khủng bố tinh thần người nước ngoài sinh sống tại Köln đã qua một, hai thế hệ, như ngăn chặn, gây khó khăn khi họ đi xin việc làm, xin đóng bảo hiểm sức khỏe, y tế, không thèm để ý phục vụ khách nước ngoài trong các nhà hàng ăn, cho đến bỏ thư, bỏ giấy viết tay nặc danh hăm dọa giết chết trong các hộp thư có tên người nước ngoài, hay nhấn chuông nhà nhiều lần mỗi đêm từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng để gây một tâm lý sợ hãi, thường trực, bất an…khiến cho không ít người phải dọn nhà đi nơi khác hay rời bỏ hẳn thành phố Köln.
Người nước ngoài, nếu có “lấy mất” công ăn việc làm và bánh mì của người Đức (Arbeit und Brot), thì họ cũng chỉ được sử dụng trong những công việc hạ tầng như quét đường, hốt rác, thợ công nghiệp rẻ tiền, chăm sóc hầu hạ người già, làm bếp, rửa chén, hầu bàn…Chỉ có một thành phần trí thức rất nhỏ người nước ngoài “leo lên” được trên nấc thang xã hội của Đức, được sử dụng là bác sĩ, kỹ sư, nhân viên hành chánh cao cấp…Phụ nữ người nước ngoài thất nghiệp được khuyến khích nhận “việc làm” trong các nhà chứa phụ nữ mãi dâm, vì mãi dâm cũng là một nghề nghiệp được luật pháp Đức công nhận chính thức. Chính quyền của nữ thủ tướng Angela Merkel đã thừa kế ung dung chính sách đàn áp xã hội Hartz IV lên thành phần người lao động, người nghèo của chính quyền Schröder (đảng Xã hội SPD) đã đưa vào thực hiện từ năm 2004/2005. Người lãnh đạo cao nhất nước Đức là một phụ nữ, trong khi phụ nữ trí thức thất nghiệp đi xin việc làm tại Đức thì lại được cơ quan chính quyền lo về lao động khuyến khích đi làm gái mãi dâm ! Đó cũng là một đặc điểm của nước Đức.
Người nước ngoài còn gặp rất nhiều khó khăn cản trở khi đi thuê nhà, hay muốn mở một trương mục ngân hàng.
Những người dân địa phương không hiểu được là sở dĩ xã hội không có công ăn việc làm cho họ vì nền sản xuất kỹ nghệ trong các nước Tây Âu đã bị phá hủy kể từ những thập niên 1980, đến nay sự di dời sản xuất sang những quốc gia công nhân rẻ ở châu Á, Đông Âu đã thực hiện được hơn 30 năm rồi, trong suốt thời gian ấy hàng triệu người lao động bị sa thải, thất nghiệp lâu dài, sống vất vưởng bằng các loại bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp xã hội, lương hưu, ngày càng bị đàn áp kinh tế hơn, đè nén hơn. Những người thất nghiệp lâu dài có rất nhiều khó khăn để đi thuê nhà, để ăn no trong ngày, để sưởi ấm mùa đông, nên sự oán giận xã hội của chính họ thì họ lại trút hết lên đầu người nước ngoài. Nhất là khi họ đọc báo thấy chính quyền tốn hàng tỷ euro, xây nhà ở, cho trợ cấp đầy đủ hàng tháng cho người di tản ăn không ngồi rồi.
Tất nhiên, họ không thấy và cũng không muốn hiểu các tác động chính trị và quân sự lớn hơn trên bình diện quốc tế, giữ vững hòa bình thế giới hay tạo ra thêm một cuộc đại chiến thứ ba cho nhân loại.
Nhiều người trí thức có gốc tích nước ngoài, từ hòa hợp (có bạn bè Đức) đến hội nhập (có chồng hay vợ là người Đức), học đại học Đức xong, bằng cấp có điểm cao, nói tiếng Đức thông thạo, có quốc tịch Đức, nhưng không tìm được việc làm trong xã hội Đức, chất xám không được sử dụng sau khi đã được chính xã hội Đức đào tạo, đành phải khăn gói “di tản” tiếp tục đi các nước khác sinh sống, hay ở lại Đức nhưng sinh sống bằng các ngành nghề tự do.
Giới chủ nhân Đức tiếp tục làm giầu, tăng lợi nhuận từ 10% lên 25% trên các số tiền đầu tư, cổ phiếu, để tiền đẻ ra tiền nhiều hơn nữa, và sự khác biệt giữa giầu và nghèo ngày càng xa hơn nữa.
Câu nói mai mỉa của chính người dân Đức “zu wenig zu leben – zu viel zu sterben” (quá ít để sống nhưng quá nhiều để chết) là rất chính xác cho hoàn cảnh kinh tế eo hẹp của hàng triệu người bị lọc lựa, bị sa thải, mà nhiều số phận trong các cộng đồng người nước ngoài còn bị thấm thía vất vả khó nhọc hơn gấp nhiều lần. Bởi thế, khi nhìn làn sóng người di tản Trung Đông đang tràn vào Đức, những người “đứng” về phía người di tản cũng không khỏi băn khoăn cho một sự thay đổi có thể trong tương lai trong lòng xã hội Đức. MTT
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.