Vấn nạn mảnh bằng

Vấn nạn mảnh bằng – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015 – https://mttuyet.fr

Nếu chỉ nói riêng về hoàn cảnh xã hội tại Việt Nam thì đời ông bà, ông cố (tôi) phải có cái mảnh bằng thi Hương, thi Hội, thi Đình để ra làm quan, thăng tiến, đời cha mẹ (tôi) phải có cái bằng tú tài (Tây) để được thu nhập vào tầng lớp quản lý hành chánh, giáo dục, đến đời tôi thì “phải” có cái bằng “tiến sĩ” thì mới nở mặt nở mày…Nhưng đến đời con tôi, chúng nó tự hỏi, học để làm gì, có bằng cấp để làm gì khi học xong, có hai ba cái bằng cấp mà không có công ăn việc làm ? Đời cháu tôi sẽ ra sao ? Những người trẻ không có bằng cấp lại còn bị khổ sở hơn để chen chân trên “thị trường lao động” (một thứ ngôn ngữ phân biệt giai cấp rất rõ ràng giữa tầng lớp chủ nhân và tầng lớp người làm thuê các cấp, các ngành nghề).

Trong sự học, cũng có một hiện tượng tương tự như “con vua thì lại làm vua”, như tại Pháp con nhà giầu có quyền quý sang trọng thì được thâu nhận vào học ở những trường nổi tiếng, danh tiếng, học phí rất cao ở Paris, khi ra trường thì leo thẳng lên những nấc thang xã hội cao cấp. Dân Parisien vẫn thường có một cái nhìn từ trên cao xuống đối với dân (ở) tỉnh. Con cái các nhà quyền quý giầu có đại điền chủ ở các tỉnh đều khăn gói đi thủ đô học đại học. Con cái nhà trung lưu, nhà nghèo thì phải học các đại học ở tỉnh. Tầng lớp này, sau khi đã có cái bằng thạc sĩ, muốn lên tiến sĩ, nhất là khi muốn có một chỗ làm tiến sĩ ở thủ đô Paris, lại bị sàng lọc thêm một lần nữa, khiến nhiều người trẻ tỉnh thành phải cay đắng bỏ mộng thăng hoa, mới vỡ lẽ ra là một cái hệ thống đẳng cấp xã hội “castres” vô hình nhưng vẫn hiện hữu trong xã hội Pháp của thế kỷ thứ 21.

Sự cạnh tranh trong tầng lớp trí thức luôn luôn là một thế lực ngấm ngầm. Ai đó bảo, có cạnh tranh mới có tiến bộ, nhưng những người trí thức đang ở thế trên, trong chức vị trên, có thế lực, dìm người trí thức khác xuống, không phải và chưa hẳn là những người giỏi nhất, tiến bộ nhất. Trong đời họ, có những việc “tình cờ” thời thế đã đưa họ vào những chức vị. Hiếm khi có người trí thức giúp đỡ người trí thức khác trên con đường học vấn, nghiên cứu để mang lợi ích rộng hơn cho cộng đồng, xã hội.
Thời tôi còn là sinh viên ở cấp cử nhân, thay phiên nhau chép bài giảng cho nhau là việc phổ biến, vì ít có sinh viên nào có thể “chạy lớp” 100% cho tất cả mọi môn học. Càng lên cao, số sinh viên càng ít đi, quan hệ càng lỏng lẻo, rời rạc cho đến khi không ai giúp ai nữa, mạnh ai nấy lo cho sự thăng tiến của bản thân mình. Thời sinh viên “thương nhau” nhiều, vì ai cũng như ai, ít tiền, lo học. Qua thời “tiến sĩ” thì sự thăng tiến cá nhân tự động tạo ra thêm nhiều cạnh tranh và khoảng cách, nếu không có thêm cơ hội để dìm nhau xuống.

Nếu còn được phép nói đến vấn đề “giai cấp”, thì ngày nay, nhìn những đồng ruộng mênh mông tại Pháp, không có lấy một bóng người trên đồng, hoa mầu thực vật có vẻ mọc lên một cách nhởn nhơ tự nhiên xanh mướt, luống cày thẳng tắp, uốn lượn rất đều rất đẹp, ngày gieo trồng, ngày gặt chỉ có vài cái máy công cụ chạy qua chạy lại, người ta mới vỡ lẽ ra là giai cấp nông dân không còn nữa, ít nhất là trong xã hội Pháp. Giai cấp trung nông hầu như cũng chết rụi, vì bị tầng lớp đại điền chủ thu mua đất đai, nông trại. Xã hội Pháp chỉ còn lại giai cấp đại điền chủ, và một số ít người làm thuê gọi là “thợ nông nghiệp”.
Còn tầng lớp công nhân trực tiếp sản xuất trong kỹ nghệ cũng ngày càng bị thu nhỏ lại. Chủ đề về di dời sản xuất kỹ nghệ tiên tiến qua những nước công nhân rẻ trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế là một lãnh vực nghiên cứu rộng lớn, có nhiều thống kê tùy theo thời điểm và quy hoạch nghiên cứu. Vì thế trong phạm vi bài viết ngắn này tôi chỉ mạn phép đưa ra vài con số nhỏ để bạn đọc hình dung một bối cảnh to lớn: Trong khoảng thời gian 5 năm từ 1995 cho đến 2001, đã có 95.000 công ăn việc làm bị tiêu hủy, trung bình mỗi năm có từ 9.000 đến 20.000 công ăn việc làm cho người dân Pháp bị hoàn toàn hủy bỏ vì di dời sản xuất 1). Trong hai năm từ 2002 đến 2004 tại châu Âu có trên 780.394 công ăn việc làm bị hủy bỏ, đồng nghĩa với từng ấy người lao động bị sa thải, thất nghiệp 2).
Lãnh vực nhân viên dịch vụ trong xã hội tiêu thụ ngày càng phình to hơn, và, đòi hỏi người lao động phải có bằng cấp, chứng chỉ nào đó. Một hiện tượng tuy cũ nhưng lại tái xuất hiện là những dịch vụ phục vụ cho một đời sống tiện nghi cá nhân như “ngày xưa”, có khả năng phát triển trở lại: người làm bếp, người lau chùi quét dọn trong nhà, người giữ trẻ, người hầu bàn, người làm vườn, người làm móng chân móng tay, người uốn tóc, người lái xe…cho những gia đình giầu có.

Thế hệ sinh năm 1920 đến 1940 còn là những thế hệ may mắn, vì sau Đại chiến thứ hai (1939-1945) các xã hội cần huy động mọi nguồn nhân lực còn lại để xây dựng trên đổ nát, và con người trong suốt thời gian chiến tranh cũng không có hoàn cảnh được đào tạo có bằng cấp, nên nhiều người bắt đầu từ con số không, không có “trình độ đại học”, không có bằng cấp, cũng được thâu nhận làm việc, tiến lên qua sự kiện “vừa làm vừa tự học”.
Một chi tiết không kém phần thú vị là những người đàn ông sau những cuộc chiến tranh trở thành “đắt giá” vì tình trạng mất cân bằng nam-nữ, đã cưới được những phụ nữ giầu có, quyền quý, và hôn nhân giữa những “địa vị” khác nhau vẫn là một công cụ tiến thân rất đáng kể.
Nhưng, những người của thế hệ này có khả năng thực sự và có chí đã đạt được những kết quả rất đáng kể cho riêng mình và cho xã hội.
Thế hệ sinh từ 1950 trở đi, mới mở mắt ra chào đời thì mục đích đã là phải có cái bằng tú tài để tiến thân. Học cho lắm để đi làm công cho người ta ! Đó là sự chê bai của xã hội đối với những cô tú, cậu cử mới.

Cho đến hiện nay, cái chìa khóa để mở cửa “được thâu nhận” vẫn là cái lý lịch trơn tru với danh sách những mảnh bằng đã có trong tay. Các “lễ tốt nghiệp” áo, mũ xênh xang là những biện pháp hiện đại trong mục đích quảng cáo và tiếp thị cho các trường đại học.
Bằng cấp trở thành công cụ số 1 trong việc sàng lọc, sa thải của thị trường lao động. Lại thêm, không phải bằng cấp nào, ở đâu, cũng có giá trị ngang nhau, trường nào cũng tốt, có tiếng ngang nhau.
Sự lọc lựa, xếp xó, sa thải của xã hội tiếp diễn bằng sự đánh giá, so sánh, cạnh tranh giữa những bằng cấp trong một quốc gia, hay trên toàn thế giới. Quốc gia này không công nhận bằng cấp của quốc gia kia, hay đánh giá thấp hơn, nên sự kiện xin công nhận bằng cấp còn là một khó khăn của thị trường trí thức quốc tế. Sự “di cư” chất xám, hay không xử dụng chất xám đã được đào tạo là những hậu quả thực tế, nếu không chỉ vì nguyên do ý thức hệ chính trị hay vì một sự phân biệt đối xử.

Một bài báo của tạp chí Le Point số ngày 08-05-2014 đặt câu hỏi, tại sao xã hội hiện tại của thời đại chúng ta trọng bằng cấp ? Trẻ con, thanh thiếu niên bị cha mẹ kèm cặp chặt chẽ và chịu nhiều hy sinh tốn phí cùng hao tổn tâm trí sức lực, để cho con cái có được những mảnh bằng ?
Tuy trong hiện tại, cũng có một số người bằng sự kiên quyết cá nhân đã đạt được những vị trí trội nổi trong xã hội, dù họ bỏ học, không được cho ăn học, 3) nhưng những người xuất sắc này chỉ là số ít, ngoại lệ, trong khi, 95% những nhân viên “lãnh đạo” kinh tế trong các công ty tư nhân đều có bằng cấp đại học và trên đại học. 4)

Ông Michel Forsé, nhà xã hội học và giám đốc nghiên cứu CNRS cho rằng, xã hội của chúng ta hiện nay vẫn còn là một xã hội của “địa vị”. Con người trong xã hội đạt được một “địa vị” nào đó qua nghề nghiệp mình thực hiện trong đời, và cái “địa vị” đó theo đuổi mỗi người từ lúc mới lớn cho đến cuối cuộc đời. Từ đó, mới phát sinh quan niệm phải có bằng cấp để có thể bắt đầu cuộc đời từ một nấc thang xã hội cao hơn những người khác.
Quan niệm này kéo theo những cái nhìn khác là bằng cấp dùng để “định giá” chính xác một công việc. Trong khi đó, việc “định giá một định giá” lại tùy thuộc vào yếu tố khả năng cống hiến qua công việc lao động. Hai cách nhìn trên cho thấy là xã hội Pháp vẫn rất coi trọng vấn đề bằng cấp trong thế giới nghề nghiệp chuyên môn.
Khi con người theo đuổi để đạt được một “địa vị” nào đó, là họ tìm một sự sống được bảo đảm bởi chính nghề nghiệp và địa vị đó. Một người, có địa vị là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, chính khách…tất có một cuộc sống “bảo đảm” khác hơn là những người khác, không có địa vị, tuy là thực tế hiện nay, không ai có thể bảo đảm là mình sẽ có công ăn việc làm suốt đời. Con người trong xã hội tiêu thụ hiện tại vẫn bị điều khiển, quản lý, quyết định vận mạng bởi giới chủ nhân và những nhà đầu tư tài chính.

Cùng trong loạt bài trên Le Point nói trên, ông François Lenglet, cho rằng, nước Pháp, với hệ thống bằng cấp, đã sáng chế ra một “tầng lớp lãnh đạo vĩnh viễn”, dành cho những người xuất thân từ các trường đại học hàng đầu của Pháp (gọi là “les énarques” hay “les polytechniques, les X”). Nếu con cháu bạn không được thu nhận, tốt nghiệp điểm cao tại những trường đại học danh giá nói trên, thì những mơ tưởng leo cao nấc thang xã hội chỉ là xa vời thực tế.

Mới đây, một bảng xếp hạng các đại học hàng năm cho niên học 2015-2016 đã được công bố. Theo sự đánh giá của THE (Times Higher Education) thì trong 10 đại học đứng đầu thế giới có đến 9 đại học thuộc Anh và Mỹ, đại học Zürich của Thụy Sĩ của châu Âu có vinh dự đứng hàng thứ chín. Đại học Đức đầu tiên, xếp hạng thứ 29 là đại học München (Munich). Trong khi, đại học nổi tiếng nhất của Pháp École Normale Supérieure chỉ đứng hàng thứ 54.
Bảng phong thần nói trên chỉ có hiệu quả rất giới hạn trong việc so sánh bằng cấp, vì để bảo vệ quyền lợi của từng quốc gia, thì xu hướng vẫn là “ăn cây nào rào cây ấy”: bạn tốt nghiệp ở Pháp thì may mắn của bạn nằm trong thế giới nói tiếng Pháp…

Vấn nạn bằng cấp đã sản sinh ra những hậu quả xấu vừa có ảnh hưởng về kinh tế, vừa có ảnh hưởng về văn hóa, giáo dục: sự háo danh, các sự việc mua bán bằng cấp, giả mạo bằng cấp, viết thuê luận án, sao chép và ăn cắp tài sản trí tuệ của người khác và những con người có nhiều bằng cấp nhưng không có thực lực và khả năng đúng tầm mức “địa vị”.
Trong đời sống thực tế, không phải ai cũng chạy theo mảnh bằng, mà ngay trong thành phần trẻ, cũng có một số người đặt mục tiêu là sống và làm việc theo ý thích và khả năng cá nhân. Có thể, họ không có một đời sống vật chất thoải mái bằng người khác, họ không có một “địa vị” như người khác, nhưng đời sống của họ an bình hơn, hạnh phúc hơn và thỏa mãn hơn, tâm trí thảnh thơi hơn, ít lo bon chen.
Nói cho cùng, tầm mức đóng góp cho xã hội của mỗi cá nhân không tùy thuộc vào “vấn nạn” bằng cấp.

Du khách nước ngoài khi đến Hà Nội, đi thăm phố cổ, nhìn đủ mọi người lao động của đủ mọi ngành nghề trên vỉa hè, ung dung, vui vẻ, ồn ào, náo nhiệt, khiến họ rất yêu thích một khung cảnh hành nghề và kiếm sống tự do như thế. Tôi chắc chắn rằng, không một ai hỏi rằng, những người thợ phố cổ Hà Nội có bằng cấp hay không có bằng cấp.

Bài viết này xin được gửi tặng Giáo sư Nguyễn Thế Anh, người thầy hay người “bạn”, luôn luôn tìm phương cách giúp đỡ hậu sinh, luôn luôn gửi tặng những tư liệu có ích cho việc học hành, tham khảo, nghiên cứu một cách vô vụ lợi trong nhiều năm trời không mệt mỏi. Và, cũng không quên gửi tặng những người bạn thân ái đã tặng tôi những cuốn sách vừa quý sách vừa quý tình bạn ! MTT

Chú thích:
1) Dossiers – Délocalisations et Réductions d’Effectifs dans l’industrie française
2) Nguồn: European Monitoring Monitor (EMCC), Dublin.
3) Tạp chí Le Point dẫn ra vài nhân vật tiêu biểu “từ không đến có” như Jean-Claude Decaux, Alain Papiasse (BNP Parisbas), Frank Ribéry (Football), Patrick Bourdet (Avera Med), Xavier Niel (Free), François Pinault (le Point…), Jean-Claude Bourrelier ( Bricorama)…
4) Nguồn: Davoine và Rivasi, đại học Fribourg

Mẫu người chủ nhân, người quản lý “lý tưởng” của hiện tại và tương lai !!! Đủ tài chính để mua thiết bị kỹ thuật cao cấp đem theo trong người, tính cách thích nghi, độc lập, chủ nhân, sáng tạo, văn hóa cao, và có trình độ đa văn hóa, ăn mặc lịch sự nhưng cởi mở như một tín hiệu xã hội không thể thiếu, năng động, luôn đi tiếp xúc các đối tượng, điều khiển nhân sự, nhân đạo và chân thành, có khả năng điều khiển nhiều gốc tích văn hóa khác biệt, người của thế giới, luôn điều khiển những đối tác bằng các phương tiện thông tin viễn thông hiện đại…. Đây có phải là hình ảnh và con người của bạn không ? MTT