Hội nghị Liên Hiệp Quốc lần thứ 70 trong cơn “nóng” và “lạnh”

Hội nghị Liên Hiệp Quốc lần thứ 70 trong cơn “nóng” và “lạnh” – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015

Năm 2015 tổ chức Liên Hiệp Quốc vừa tròn 70 tuổi. Ngay sau Đại thế chiến thế giới lần thứ hai, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và thủ tướng Anh Winston Churchill vận động thành lập một tổ chức thế giới, một đề án đã có từ Đệ nhất thế chiến 1914-1918 để gìn giữ Hòa bình giữa các quốc gia, nhưng đề án này chưa có tiến triển thì đã lại xẩy ra một cuộc chiến tranh khốc liệt toàn cầu từ 1939-1945 mới kết thúc.
Sau nhiều cuộc hội thảo sửa soạn, Liên Hiệp Quốc được thành lập trên cơ bản Hiến chương San Francisco ngày 26-06-1945, và đi vào hoạt động ngày 24-11-1945. Trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc đặt tại New York, hai ngôn ngữ làm việc chính là tiếng Anh và tiếng Pháp. Cơ quan quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc là Hội đồng Bảo An với 5 thành viên: Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung quốc.
Năm 1945 có 51 quốc gia chấp thuận Hiến chương Liên Hiệp quốc và trở thành các quốc gia thành viên sáng lập. Năm 2013 con số các quốc gia thành viên đã lên đến 193 nước tham dự.
Tòa thánh Vatican không phải là thành viên, chỉ có tư cách “quan sát viên” tại Liên Hiệp Quốc, nhưng sự kiện Giáo hoàng Francis được mời đọc diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh năm 2015 tại New York đã nói lên những điều tế nhị một cách rất “ngoại giao”. Cá nhân Giáo hoàng Francis được trân trọng là người lãnh đạo một tôn giáo – Thiên chúa giáo – lần đầu tiên được phát biểu trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đồng thời, không chỉ có Hồi giáo, là một tôn giáo có số nhiều tín đồ và có một tầm quan trọng trên thế giới.
Trong vòng 70 năm qua, sự sống chung của loài người trên hành tinh xanh không bao giờ phẳng lặng như mặt nước hồ thu, mà luôn luôn có những “nồi lửa” chỗ này, chỗ khác, đưa đến rất nhiều thay đổi. Mà nghĩ cho cùng, nhân loại sẽ không có những bước tiến triển nếu không có thay đổi, vì đời sống con người luôn luôn ở trạng thái “động”, tất cả đều là những vấn đề thời gian và giai đoạn.
Đặc biệt năm 2015 tình trạng căng thẳng nổi bật ở hai ngòi lửa lớn, đó là khu vực Biển Đông và khu vực Trung Đông, cả hai khu vực đều nằm trên lục địa châu Á.
Riêng tình trạng tại khu vực Trung Đông với tâm điểm là Syria nóng đến độ mà vua Abdullah II của nước Jordanie phải tuyên bố ngày 29-09-2015 trước 193 quốc gia là sự khủng hoảng tại Trung Đông hiện nay, thể hiện qua làn sóng ồ ạt hàng triệu người di tản, là “Đại chiến thế giới lần thứ ba“.
Tương tự như thế, chuyến viếng thăm Cuba và Mỹ, Liên Hiệp Quốc của Giáo hoàng Francis không chỉ giới hạn trong việc khen ngợi và khuyến khích quan hệ đã có tiến triển giữa hai quốc gia Mỹ và Cuba, mà Ngài còn đặt trọng tâm trong ba thông điệp quan trọng tầm cỡ thế giới.
Bởi thế, trước khi lên đường, để đánh dấu tầm quan trọng của thông điệp gửi đến thế giới, Giáo hoàng Francis đã viết lời kêu gọi trên mạng Twitter vào lúc 14.00 giờ ngày 18-09-2015, một sự kiện rất mới mẻ và thời đại, là “Tôi xin mời mọi người cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Cuba và Mỹ của tôi. Tôi cần những lời cầu nguyện của mọi người.” (Je vous invite à prier avec moi pour mon voyage à Cuba et aux États-Unis. J’ai besoin de vos prières.)
Thông điệp gửi đến thế giới của Giáo hoàng Francis gồm có điểm thứ nhất là nền Hòa bình đã bị đe dọa bởi một cuộc Đại thế chiến thế giới lần thứ ba đang bắt đầu từng mảnh, điểm thứ hai là vấn đề di tản của người tị nạn các cuộc chiến tranh và sự thâu nhận cần thiết người di tản, và điểm thứ ba là văn hóa đối thoại trao đổi sẽ bắc những nhịp cầu nối liền những sự khác biệt.
Trước quốc hội lưỡng viện Mỹ vào ngày thứ năm 24-09-2015, Giáo hoàng Francis đã không ngần ngại chỉ trích sự mua bán, cung cấp miễn phí vũ khí cho những khu vực đang có tranh chấp, Ngài nói thẳng thắn “…chỉ đơn giản vi tiền mà đem lại đau khổ vô cùng tận cho nhiều người dân. Vì tiền – vắt chảy ra từ máu, thường là máu của người dân vô tội. “
Cho đến hiện nay, là một điều dễ hiểu khi truyền thông các nước rất thận trọng không đề cập đến mấy chữ “Đại chiến thế giới lần thứ ba” để tránh hoang mang, lo sợ trong dư luận, và cũng không ai muốn chính mình làm con chim báo bão, trong khi đa số nhân loại đang có cảm giác sống trong một khung cảnh “hòa bình” êm đềm. Báo chí Đức có một cách dùng chữ rất ấn tượng, thí dụ như từ ngữ “kriegsschwangerer Moment“, dịch ra tiếng Việt là “giai đoạn mang bầu chiến tranh.”
Từ châu Âu, hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc Pháp, Đức, nữ thủ tướng Angela Merkel và tổng thống François Hollande, cũng có mặt tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc.

Nhưng thế giới chú ý nhất đến hai cuộc gặp gỡ Nga-Mỹ và Trung-Mỹ bên lề hội nghị lần thứ 70.
Cuộc gặp gỡ Trung-Mỹ chứa đựng nhiều mâu thuẫn, có những chủ đề tranh luận gay gắt, nhưng có vẻ là một ván cờ nước đôi. Cuộc gặp gỡ Trung-Mỹ bắt đầu từ một bữa ăn tối thân mật tại nhà khách tổng thống Mỹ tại Washington trong tư thế cởi mở, cả hai vị đồng đẳng cấp đều không thắt cà vát (Cái cà vát đã trở thành một dấu hiệu chính trị quan trọng.). Sáng hôm sau, vị khách Trung quốc được đón tiếp với nghi lễ quốc khách trang trọng bằng 21 phát súng đại bác chào mừng và một đại tiệc quốc gia. Các chi tiết khác trong chuyến viếng thăm của Trung quốc cho thấy người khách này đang được nước Mỹ hậu đãi: mỗi ngày ba nữa tiệc ăn nóng, gặp gỡ tổng thống, phó tổng thống, lưỡng viện quốc hội Mỹ, và các chủ nhân kinh tế hàng đầu, tỷ phú của Mỹ, diễn văn trước Liên Hiệp Quốc, thông báo chung của hai tổng thống…, không hề có dấu hiệu một cuộc “chiến tranh lạnh” Trung-Mỹ.
Theo bà Susan Rice, cố vấn về An ninh quốc gia của tổng thống Obama thì hai nước Trung-Mỹ đang có những quan điểm “gần gũi” với nhau về các chủ đề như vấn đề biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân, các khủng hoảng tranh chấp ở Iran, Afganistan và Bắc Hàn. Mặc dù báo chí Đức đặt câu hỏi về quan hệ Trung-Mỹ “họ không biết rằng họ đang là bạn hay là thù ?”, nhưng bà Susan Rice đánh giá là quan hệ phức tạp giữa Trung Hoa và Mỹ hiện nay là quan hệ “quan trọng nhất” trên thế giới. Mỗi thay đổi của thị trường Trung Hoa luôn kéo theo một sự điều chỉnh, thay đổi tại thị trường Mỹ, mà ảnh hưởng qua lại của thị trường chứng khoán của hai nước này là một thí dụ.
Thông báo của bộ trưởng Bộ thương mại Trung quốc, Gao Hucheng, trên tờ US Today ngày 21-09-2015 cho biết con số trao đổi thương mại năm 2014 lên đến khoảng 555,1 tỷ đô la Mỹ (498 tỷ Euro) và sẽ tăng lên đến hơn 1 Billion đô la Mỹ vào năm 2024.
Từ cái nhìn bình luận của phía Đức, thì quan hệ Trung-Mỹ đang trong giai đoạn “win-win” (đôi bên cùng có lợi): Mỹ có lợi về kinh tế trên thị trường Trung quốc, Trung quốc có lợi vì Mỹ đảm bảo an ninh hàng hải cho sự xuất-nhập của Trung quốc bằng sự tuần tra của các hạm đội hải quân Mỹ trên khắp các mặt biển thế giới.
Có lẽ vì muốn giữ gìn lợi ích chung nên Mỹ và Trung quốc vừa cùng có thông báo chung hứa hẹn, thỏa thuận là sẽ “điều chỉnh” vấn đề “an ninh mạng”, hạn chế bớt những cuộc tấn công, dọ thám, ăn cắp thông tin mạng, nhất là những thông tin kinh tế. Các vấn đề khác như biến đổi khí hậu, nhân quyền, biển Đông bị mờ nhạt, xuống hàng thứ yếu.
Về vấn đề biển Đông, Trung quốc nhắc lại lời tuyên bố “những hòn đảo đó là của Trung quốc”, là lãnh thổ của Trung quốc, và sẽ cấm các nước khác bay qua khu vực biển đảo của họ. Tổng thống Obama trả lời một cách chung chung là nước Mỹ sẽ tự do di chuyển nơi mà luật quốc tế cho phép họ.
Tình thế căng thẳng ở Trung Đông và châu Âu đang có lợi cho kế hoạch bành trướng của Trung quốc, vì Mỹ đang phải nới với bên này để xiết bên kia. Thêm vào đó, châu Âu ít chú ý đến vấn đề biển Đông, đó còn là những bận tâm lo lắng của các nước khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, quan hệ Nga-Mỹ đang không phải là một quan hệ đối tác bạn.
Tạp chí Der Spiegel chạy tít: “Họ nói chuyện với nhau – và thế giới nuôi hy vọng”, để nói lên tầm quan trọng của hai thế lực nhất thế giới.
Báo chí Đức bình luận cuộc gặp gỡ lịch sử của tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 28-09-2015 tại New York, bên lề cuộc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 70 của Liên Hiệp Quốc trong một trạng thái khá căng thẳng. Phiên họp dành đúng 45 phút cho chủ đề Ukraina, và đúng 45 phút cho chủ đề Syria.
Sau buổi họp, tổng thống Nga tuyên bố – đơn phương trước báo chí – một cách dè dặt nhưng tích cực là “Câu chuyện của chúng tôi ngày hôm nay là rất xây dựng, cụ thể và rất rõ ràng thẳng thắn.”
Putin không nhắc lại những quan điểm khác biệt giữa hai thế đứng của Nga và Mỹ nhưng ông thận trọng tuyên bố ” Tôi tin rằng, dù vậy có một con đường – mà chúng ta đang đối diện – để giải quyết chung các vấn đề.”
Con đường chung đó ra sao ? nhất là trong vấn đề Syria và số mệnh của Bachard al-Assad ?
Trước cuộc họp song phương, tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc diễn văn trước tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc. Với những lời đanh thép và vẻ mặt nghiêm trọng, Obama chỉ mặt điểm tên tổng thống đương nhiệm của Syria, ông Bachard al-Assad, là một “nhà độc tài tàn ác”, có nghĩa là Mỹ và đồng minh không thay đổi quan điểm và cương quyết loại trừ cá nhân ông Bachard al-Assad.
Một tiếng đồng hồ sau đó, tổng thống Nga Putin tuyên bố trong bài diễn văn đọc trước hội nghị Liên Hiệp Quốc rằng ” Chúng tôi cho rằng đó là một lỗi lầm rất to lớn, (nếu) không chấp nhận một sự hợp tác với chính phủ Syria “, dù ông Putin không nêu danh Bachard al-Assad.
Các nhà báo và các nhà ngoại giao đều “lắng nghe” một giải pháp chung cho Syria và “thầm thì” khả năng có thể xảy ra. Người ta nói về một giải pháp “ngắn hạn và trung hạn” đối với số mạng của Bachard al-Assad. Tuy nhiên, giải pháp cho quốc gia Syria còn vượt lên trên số mạng của ông Bachard al-Assad, nên tạm thời, vấn đề “nhân sự Al-Assad” có thể tạm thời được xếp qua một bên.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, ông Frank-Walter-Steinmeier, bình luận rằng, sự kiện Syria tùy thuộc vào thái độ và thế đứng của Nga và Mỹ, đó mới chính là cơ bản, là cái lõi của củ hành, còn sự tham dự của những nước khác chỉ là những “vỏ ngoài của củ hành“.
Sự nhận thức của cả hai cường quốc Nga và Mỹ trong vấn đề Syria là chỉ có một giải pháp chung có sự đồng thuận của Nga và Mỹ mới giải quyết được cái nút thắt “Syria” đã là một bước tiến lớn, sau một thời gian “lạnh” của Nga và Mỹ với nhau, và đã mở ra cho tầng lớp ngoại giao Nga, Mỹ những cuộc đối thoại kế tiếp.
Mới thấy, trong thời đại của chúng ta, của thế kỷ thứ XXI thì vận mệnh của một quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào bối cảnh chung của thế giới và các thế lực quân sự thế giới. Một nhà nữ ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã đưa ra một giả thuyết chiến lược rất đơn giản mà hiệu nghiệm như binh pháp Tôn Tử là trong bất cứ một quốc gia nào, một xã hội nào, cũng có một thành phần bất mãn, bất đồng, dùng thành phần ấy để xây dựng đối lập thì sẽ phá được tất cả, từ hệ thống chính trị, cân bằng xã hội cho đến tạo ra được nội loạn bằng bạo lực, rồi đưa vấn đề từ nội bộ, trở thành tầm mức quốc gia, lên thành tầm mức thế giới, tức là tạo biến động thù trong, giặc ngoài. Hoàn cảnh xã hội xơ xác, chia rẽ của các mồi lửa Trung Đông đang là một thí dụ ?

Mỹ còn bị vừa là sức ép của châu Âu “phải” giải quyết vấn đề Syria, vừa được sự hỗ trợ của đồng minh như Pháp, Đức.
Vấn đề người di tản ồ ạt kéo vào châu Âu, vào Đức từ đầu tháng 09-2015 đã làm cho một số nước bị động và đặc biệt lật ra mặt trái về sự khác biệt giữa quan điểm chính trị và chủ quyền các quốc gia thành viên của khối Liên minh châu Âu, rõ rệt nhất là sự khác biệt giữa Đông Âu và Tây Âu. Quyết định kiểm soát biên giới bằng quân đội, xây dựng rào cản bằng giây kẽm gai gắn dao cạo…của Đông Âu chẳng khác nào báo hiệu một thời kỳ chiến tranh mới, đồng thời tự ý xé bỏ hiệp ước Schengen.
Hàng trăm ngàn người di tản, đa số dân chúng từ các nước Syria, Afganistan và Iraq kéo nhau từ Thổ Nhĩ Kỳ lên đường đi về hướng châu Âu, được gọi là tuyến đường di tản Balkan xuyên qua các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Macedonia, Serbia, Hungary, Áo để vào nước Đức. Một tuyến di tản khác, đi về hướng cực bắc, khó thực hiện hơn vì cần phải có giấy tờ hợp lệ và khả năng tài chính là đi từ Thổ Nhĩ Kỳ xuyên qua Nga để vào Na Uy thuộc vùng Bắc Âu. So với tổng số người di tản lên đến hàng chục triệu người thì con số một, hai trăm ngàn người vào được đất châu Âu còn là một con số ít. Nhưng tình hình các nước châu Âu đang không thuận lợi cho việc thu nhận người di tản vì tình trạng dân chúng sở tại thất nghiệp cao và dài hạn, chính quyền tăng mức thâu thuế liên tục, tăng tuổi về hưu và giảm lương hưu, cắt giảm nhiều trợ cấp xã hội…, và người di tản còn không/chưa hiểu được điều ấy, mục đích của họ là đến một nơi chốn nào an toàn sinh mạng và có tương lai.
Quả táo cấm mang tên Bachard al-Assad đang được dùng làm mồi tranh cãi một không một có. Nhưng trong việc này thì nữ thủ tướng Đức Angela Merkel có cái nhìn chiến lược khôn ngoan nhất, bà cho rằng, rút kinh nghiệm từ vấn đề và tình trạng Irak, thì việc nhận cá nhân tổng thống đương nhiệm tại Syria là đối tác thỏa thuận, sẽ là mối gỡ cho vấn đề hiện tại. Tuy nhiên, đề nghị của thủ tướng Đức Angela Merkel đang bị nhiều phản kháng , nhưng thời gian sẽ trả lời, bên nào già néo đứt giây ? MTT

Bản đồ châu Âu và Trung Đông

Bản đồ châu Âu và Trung Đông