Vấn đề người di tản trên thế giới năm 2015

Vấn đề người di tản trên thế giới năm 2015 – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015

Bài viết đã được trích đăng trên tạp chí Hồn Việt số xuất bản tháng 09-2015 và trên báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 08-2015

Quả đất của loài người không còn là một hành tinh xanh với tự do ai muốn đi đâu ở đâu thì đi thì ở, mà đã có rất nhiều biên giới, biên giới thiên nhiên, biên giới chính trị và biên giới lòng người. Năm 2015, trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các biên giới còn lộ ra thêm rõ.

Từ ngữ tiếng Pháp “immigration” có gốc tiếng la tinh “in-migrare” có nghĩa là “bước vào một nơi chốn”, ngày nay từ ngữ này chỉ những “người lạ” (les étrangers) di tản từ một nơi khác đến một nơi nào đó để tạm trú hay để định cư vĩnh viễn, trở thành những người “immigrés” được xã hội đó cho sinh sống và quản lý.

Từ thưở khai thiên lập địa, luôn có những làn sóng con người đi từ nơi này sang nơi khác để sinh sống. Cuốn tiểu thuyết “Notre Dame de Paris” của đại văn hào Victor Hugo là một luận cứ bảo vệ cuộc đời và số phận của những người di tản.

Tổng thống Pháp François Hollande tiếp tù trưởng Raoni người da đỏ đến từ Brésil vào tháng 11- 2012

Gần đây nhất, vào giữa tháng 07-2015, có sự kiện các vị tù trưởng người da đỏ Indien d’Amazonie, đầu đội mũ lông nhiều mầu xanh trắng đỏ vàng như trong cổ tích bằng tranh, đến từ Brésil gặp tổng thống Pháp François Hollande để yêu cầu giúp đỡ vì khu vực rừng rậm sinh sống của họ tại Brésil đang bị các thế lực kinh tế xâm chiếm, hủy hoại.

Những sự kiện khủng hoảng to lớn như chiến tranh bom đạn, nhà cháy, làng cháy, đàn áp, bắt bớ, tù đày, tra tấn, hủy hoại kinh tế, áp bức tinh thần, những biện pháp cải tổ, cải tạo khắc nghiệt, tịch thu tài sản, khủng bố tính mạng…là những nguyên nhân chính thúc đẩy con người, dù là trong những điều kiện sẽ phải hy sinh mạng sống, phải ra đi, chạy trốn, thoát thân.

Nhìn trên bản đồ địa lý chính trị (géopolitique) ngày hôm nay, chiến lược lâu dài “vòng đai lửa” kết tạo bởi tình hình khủng hoảng tại Trung Đông và khu vực biển Địa Trung Hải, châu Phi, khiến cho các nước lục địa châu Âu bị đối mặt với áp lực của làn sóng người di tản, đặc biệt từ các nước như Syrie, Irak, Afganistan, Somalia, Eritrea, Kosovo, Albanie, Sub-Sahara-Africa…, mà mục đích của họ là vào được một trong những nước châu Âu, hay những nước giầu có khác.

Tuy nhiên, những nguyên nhân khác như sự kiện “chảy máu chất xám” của các quốc gia đang phát triển cho những quốc gia đã phát triển cũng là một nguyên nhân quan trọng trong vấn đề di tản thế giới. Đó là thành phần những người có trình độ học vấn cao đi tìm nơi “đất lành chim đậu”, vì họ không có điều kiện làm việc thích hợp, không có chỗ đứng trong xã hội hay không được trọng đãi trong xã hội gốc của họ. Việc chảy máu chất xám nặng nhất là của các nước châu Phi như Guyana, Bardade, Haiti, Trinité-et-Tobago, Jamaique, Tonga, Zimbabwe, Maurice, Congo, Belize và Fidji.

Thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc, xuất bản ngày 3-4/10/2013 cho biết hiện nay đã có 232 triệu người đi di tản trên thế giới và tình hình di tản có khuynh hướng tăng. Nhưng dù thế, so với dân số thế giới hiện nay, thì con số người đi di tản chỉ chiếm có 3,2%.

Thống kê Liên Hiệp Quốc năm 2013 cũng liệt kê danh sách những quốc gia thâu nhận người di tản nhiều nhất là nước Mỹ (45,8 triệu người), Liên bang Nga (11 triệu người), Đức (9,8 triệu người), Arabie Saoudite (9,1 triệu người), Émirats Arabes Unis Cộng hòa Ả Rập (7,8 triệu người), Anh quốc (7,8 triệu người), Pháp (7,5 triệu người), Canada (7,3 triệu người), Úc và Tây Ban Nha (mỗi nước nhận 6,5 triệu người). Tổng số người di tản được phân tán trên tổng cộng 165 nước.

Đặc biệt, sự việc di tản thường là một sự kiện nguy hiểm đến tính mạng, nhưng con số phụ nữ trong thành phần người di tản lên đến 48%, vì thường là những trường hợp đoàn tụ gia đình, đi lao động có hợp đồng, đi du học…

Mỗi quốc gia trên thế giới có một chính sách cho di tản/định cư của mình, lựa chọn người di tản theo nhiều yếu tố, theo kiểu “chấm điểm” như quốc tịch gốc, gốc tích văn hóa, trình độ học vấn, khả năng sinh ngữ, giới tính, sức khỏe, tuổi tác, tài sản đã có, hay khả năng tài chính…

Theo định nghĩa quản lý hành chính trong chính sách di tản/nhập cư của các quốc gia châu Âu hiện nay thì “Người di tản” (immigré) là người sinh ra ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài, đến sinh sống tại một nơi nào đó. “Sinh viên di tản” (étudiant immigré) là những sinh viên sinh ra ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài, tuổi từ 16 đến 29 tuổi, có trình độ đại học hay tối thiểu là có bằng tú tài.

Những người di tản có thể xin nhập quốc tịch của quốc gia thâu nhận sau một thời gian nhất định và hội đủ những điều kiện đòi hỏi về hoàn cảnh gia đình, công ăn việc làm, khả năng sinh ngữ, trình độ hội nhập… Cũng có những trường hợp có người có được hai hay ba quốc tịch khác nhau. Nhưng trong đời sống thực tế và trên các thống kê, thì quốc tịch không phải là yếu tố chính để phân loại ai là người di tản, mà yếu tố phân biệt là nơi sinh, là cái gốc văn hóa, cái dòng giống chính thống, mầu da và tiếng mẹ đẻ. Người Pháp là người có cha mẹ đều là người Pháp gốc. Người có quốc tịch Pháp nhưng sinh ra ở Việt Nam, có cha mẹ là người Việt Nam là người di tản.

Thống kê mới nhất của viện thống kê quốc gia Pháp INSEE cho năm 2013, xuất bản vào tháng 11-2014, cho biết có 5,8 triệu người di tản/nhập cư sinh sống tại Pháp, tức là 8,8% trên tổng dân số Pháp, sau khi đã trừ ra con số tử vong và con số những người đã rời nước Pháp đi sinh sống ở nơi khác.

Trong con số 8,8% này thì người di tản chiếm đa số là đến từ 27 nước thuộc khối Liên minh châu Âu, kế đến là các nước châu Phi, thứ đến là các nước châu Á và sau cùng là người di tản từ châu Mỹ và các lục địa khác.

Đặc biệt nước Pháp thừa hưởng sự kiện “chảy máu chất xám” của cả thế giới, thống kê INSEE năm 2013 cho biết tỷ lệ không có bằng cấp của người di tản sinh sống tại Pháp chỉ chiếm có 27%, 10% người di tản có bằng trung học, 24% có bằng tú tài và 38% có trình độ đại học và trên đại học. Nhưng nước Pháp có muốn sử dụng loại chất xám di tản hay không thì đó lại là một chủ đề khác.

Vấn đề di tản/nhập cư luôn luôn là một chủ đề “rất nóng” trên báo chí và trong dư luận dân chúng vì những nguyên nhân chính là sự kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo và bất mãn vì kinh tế (phải trợ cấp cho người di tản, cạnh tranh trên thị trường lao động), cũng như bất mãn vì nhiều bất an về tôn giáo, khủng bố.

Vài sự kiện nổi bật về vấn đề di tản 2015

Trong nửa đầu năm 2015 đặc biệt nổi lên nhiều sự kiện di tản trầm trọng và thương tâm. Một thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2014 có gần 14 triệu người bỏ nhà cửa, quê hương đi di tản. Trong số này có khoảng 218.000 người dùng đường biển Địa Trung Hải để di tản, sự vận chuyển này đã làm thiệt mạng khoảng 3.500 nạn nhân.

Trong nửa năm đầu 2015, đã có ước chừng 137.000 người tiếp tục dùng đường biển Địa Trung Hải để vào các nước châu Âu. Các nước châu Âu hiện nay đang lúng túng về vấn đề làn sóng người di tản tăng lên rất cao, con số người chết thảm thương trên đường di tản đã được ước tính khoảng 2.500 người trong 6 tháng đầu năm 2015.

Tại Pháp, trong tháng 7-2015 sự kiện khoảng 5.000 người di tản tìm cách chui đường hầm Eurotunnel dài 50 cây số, xây dưới lòng biển Manche, nối bờ biển Pháp tại Nord-Pas de Calais với bờ biển Anh tại Dove, đã là đề tài cho nhiều bài viết và bình luận.

Miệng hầm Eurotunnel – Photo: dpa – Bildfunk

Những người di tản này bất chấp mọi nguy hiểm tính mạng, vì họ cho rằng nước Anh là thiên đường hạ giới cho người di tản/nhập cư, nên dù họ đã được chính phủ Pháp cấp phát trợ cấp, quần áo, lương thực, săn sóc y tế sức khỏe, chỗ ở, dạy học tiếng Pháp… họ vẫn không hài lòng, tìm mọi phương cách xé rào, chui lỗ, nhảy xe tải…trong mục đích chui qua được đường hầm.

Vì suy nghĩ như thế nên chặng đường di tản cuối cùng của họ là phải vượt qua biển Manche, bằng bất cứ giá nào. Không đi máy bay được, cũng không qua phà được, thì họ nghĩ ra cách là vượt đường hầm Eurotunnel dành cho các đoàn xe lửa chuyên chở người, xe tải và hàng hóa. Các chuyến xe lửa này chạy với vận tốc rất nhanh, từ 140 cây số/giờ đến 160 cây số giờ. Một số người đã bị rơi xuống và bị thương khi họ đã bám được vào tàu đang chạy.

Những người di tản kéo chạy hàng loạt về hướng Eurotunnet vào tháng 07-2015, trước sự ngạc nhiên của người cảnh sát Pháp. Photo: AFP

Vào đêm thứ hai 27-07-2015, hơn 2.200 người tìm cách đổ dồn vào miệng hầm. Đêm thứ sáu 31-07-2015 lại có hơn 200 người chạy vào miệng hầm.
Cảnh sát Pháp rất vất vả để thường xuyên phải ngăn chặn làn sóng vượt biên từ Pháp sang Anh này lại, nhất để ngăn chặn những tai nạn khủng khiếp sẽ xảy ra vì tốc độ rất nhanh của đoàn tàu và hơi ngạt trong hầm. Người dân Pháp đang sinh sống trong khu vực Nord-Pas de Calais cũng rất lo ngại.
Từ phía Anh thì thủ tướng David Cameron tuyên bố là sẽ trục xuất ngay tức khắc những người di tản đã đến được nước Anh, cắt giảm mọi trợ cấp xã hội, cho cảnh sát Anh bao vây miệng hầm ở phía đất Anh, tại Dove, để bắt những người di tản đã qua được miệng hầm. Tại sao nước Anh, vì nhân quyền và nhân đạo, không thu nhận những người di tản muốn sinh sống và làm việc ở Anh quốc ?

Tại Đức, nước Đức đang đưa ra một thí dụ tiêu cực cho “tình nhân loại”, chỉ tính trong sáu tháng đầu năm 2015 đã có 200 vụ tấn công đánh đập, nhục mạ, châm lửa đốt người nhập cư, ném đá, đốt nhà người di tản, hầu như mỗi ngày đều có một vụ hình sự nghiêm trọng, đã được các cơ quan cảnh sát Đức chính thức lập hồ sơ thâu nhận.

Một ngôi nhà 3 tầng đùng làm chỗ tạm trú cho người di tản tại Weissach im Tal thuộc tiểu bang  Baden-Württemberg bị châm lửa đốt ngày 24-08-2015 - Photo: dpa-Bildfunk

Một ngôi nhà 3 tầng đùng làm chỗ tạm trú cho người di tản tại Weissach im Tal thuộc tiểu bang Baden-Württemberg bị châm lửa đốt ngày 24-08-2015 – Photo: dpa-Bildfunk

Những tờ báo đứng đắn của Đức cho rằng các phát biểu của một số chính khách, những bài báo hâm nóng chống di tản/nhập cư đã khích động dân chúng biến thành hành động hình sự. Nước Đức như đã quên hẳn rằng, sau đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), nếu không có những người di tản/nhập cư lao động rẻ đến từ các nước như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Jugoslavie thì những ai đã góp phần xây dựng tạo lên giai đoạn “Kinh tế thần kỳ” trong suốt hai, ba thập niên 1950-1970 của Đức ?

Immi2015_D

Bản đồ 200 điểm tấn công người di tản trong 6 tháng đầu năm tại Đức – Nguồn: tạp chí Der Spiegel

Trong khi các chính khách Đức còn “cãi nhau” về khái niệm chính trị và hành chánh của hai từ ngữ: “Flüchtlinge” (người bỏ chạy) và “Vertriebene” (người bị đuổi), thì những người di tản, dù đã đến được Đức, được thâu nhận, vẫn ngày đêm lo sợ cho mạng sống của mình.

Chiến tranh với những sự đe dọa mạng sống thường trực, với những thiếu thốn đói kém bệnh tật của nó, những mất mát về sinh mạng và tài sản, những sự tàn phá vô lý vô nhân đạo… đã khiến cho nhiều người dân, cực chẳng đã, bỏ hết lại sau lưng, chạy thoát thân cho tương lai con cháu.

Con người sinh ra trong một xã hội, một văn hóa, như một cái cây trồng bén rễ trên mảnh đất quen thuộc ấy, chỉ khi nào, vì một động lực, một bức bách mãnh liệt thì mới xảy ra tình trạng bứt rễ mà chạy, dù trên con đường đi tìm sống đó lại có thể đưa đến cái chết thảm thương, trước khi đến được một nơi an toàn.

Tàu của người di tản chìm trên biển Địa Trung Hải vào ngày 12-04-2015. Những người may mắn đã được một chiếc tàu chở hàng của công ty hàng hải Opielok Offshore Carriers cứu nạn, công ty này đã cứu hơn 1.500 người mắc nạn trên biển từ tháng 12-2014. Photo: Opielok Offshore Carriers/dpa

Tàu của người di tản chìm trên biển Địa Trung Hải vào ngày 12-04-2015. Những người may mắn đã được một chiếc tàu chở hàng của công ty hàng hải Opielok Offshore Carriers cứu nạn, công ty này đã cứu hơn 1.500 người mắc nạn trên biển từ tháng 12-2014. Photo: Opielok Offshore Carriers/dpa

Chỉ cần nhìn gốc tích của những người di tản tìm đến nước Đức, tất sẽ hiểu đất nước quê hương của họ, Syrie, Kosovo, Albanie, Serbie, Irak, Afganistan, Macedonie, Eritrea, Nigeria, Pakistan…, đang là những bãi chiến trường dầu sôi lửa bỏng. Họ muốn thoát thân khỏi địa ngục chiến tranh, nhưng họ không hề có một khái niệm rõ rệt về những xã hội khác, nơi mà họ muốn đến. Những xã hội thiên đường ấy có muốn thâu nhận họ hay không ? cho phép họ sinh sống an bình hay không ? Khi nạn thất nghiệp, vấn đề giảm lương hưu mà lại tăng tuổi hưu, và sưu cao thuế nặng đang còn tiếp tục gây khó khăn trong những xã hội “thiên đường” thì chính người dân của xã hội đó cũng sống chật vật, không thể vui.

Một trong những đường di tản Nam Balkan từ biển Địa Trung Hải ngược lên các nước Đông Âu và Tây Âu ở phía bắc. Photo: tạp chí Der Spiegel

Một trong những đường di tản Nam Balkan từ biển Địa Trung Hải ngược lên các nước Đông Âu và Tây Âu ở phía bắc. Photo: tạp chí Der Spiegel

Nước Đức, từ quá trình lịch sử và đặc tính của họ, có hai thái cực thấy rõ như ngày và đêm, như sáng và tối, ngay cả trong vấn đề “người bỏ chạy” hay “người bị đuổi”. Thậm chí, tạp chí Der Spiegel phải đưa ra hàng tít lớn “Helles Deutschland – Dunkles Deutschland” trong tuần lễ cuối tháng 8-2015. Ai đã từng sinh sống lâu năm tại Đức hẳn đã có nhiều trải nghiệm về hai mặt “sáng và tối” của nước Đức. Phía chống người di tản đang làm “ầm ĩ” với những cuộc đốt nhà, một điều lo sợ rợn tóc gáy vì người ta nhớ lại không khí tại Đức trước khi Đệ nhị thế chiến bắt đầu vào năm 1939. Còn phía những người bạn Đức helles Deutschland ?

Tại Áo, ngày 27-08-2015 trên một chiếc xe tải đóng kín đậu ven lề trên xa lộ A4 về phía Nam của thủ đô Wien (Áo), không thấy có bóng dáng tài xế, cảnh sát Áo đã phát hiện chiếc xe chứa đầy xác người, nước thối và máu chảy rò rỉ từ xe xuống, bốc mùi khủng khiếp. Chiếc xe đậu trên lằn xe an ninh, lằn để đậu xe tạm thời khi có sự cố trên xa lộ, ở gần Parndorf thuộc khu vực Neusiedl am See. Một phát ngôn viên của bộ Nội vụ Áo cho biết ” Đây là một chiếc xe tải chất đầy xác người.”
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, cảnh sát Áo đã bắt giữ ba kẻ chuyên chở người di tản tại Bruck an der Leitha, Áo.

Chiêc xe tải 7, 5 tấn chở thịt gà đông lạnh chứa đầy xác người di tản được bỏ đậu trên xe lộ A4 cách thủ đô Wien (Áo) khoảng 50 cây số về phía Nam, Photo: dpa-Bildfunk

Chiêc xe tải 7, 5 tấn chở thịt gà đông lạnh chứa đầy xác người di tản được bỏ đậu trên xe lộ A4 cách thủ đô Wien (Áo) khoảng 50 cây số về phía Nam, Photo: dpa-Bildfunk

Một trong ba người này chuyên chở 34 người di tản, trong đó có nhiều trẻ em, để vượt qua biên giới nước Áo. Các người di tản trong xe, đã nhiều lần yêu cầu người lái xe dừng lại vì họ không còn không khí để thở trong thùng xe, nhưng người lái xe cứ chạy thẳng một mạch từ biên giới nước Serbie qua đến biên giới nước Áo. Nhiều người di tản từ Syrie, Irak và Afghanistan dùng tuyến đường “Balkan” xuyên qua các nước Serbie, Hungary và Áo để lọt vào khu vực Schengen của khối Liên minh châu Âu.

Sau cuộc điều tra, vào 11.00 giờ sáng ngày 28-08-2015 cảnh sát Áo đã họp báo công bố kết quả khám nghiệm: trong chiếc xe tải có 71 xác người, gồm 59 người đàn ông, 8 phụ nữ và 4 đứa trẻ, đứa nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi, tất cả đều là người Syrie và tất cả đều bị chết ngột trong xe.

Những nạn nhân đã tìm cách thoát ra, rạch vách xe nhưng họ không thành công vì vách xe quá chắc chắn.

Cảnh sát Hungary đã bắt giữ bốn người, 3 người Bulgary và 1 người Afganistan, trong số này có một người là chủ xe, hai người là tài xế lái xe. Chiếc xe được khai báo chính thức tại Hungary, nó khởi hành từ Budapest vào trưa thứ tư 26-08-2015, và đã bị đậu lại trên xa lộ A4 cách Wien 50 cây số ít nhất đã hơn 24 tiếng cho đến khi cảnh sát báo động vì nước thối chảy ra từ xe. Lý do tại sao chủ xe và tài xế để cho tất cả đều bị khóa lại trong xe, chết ngột, và họ chết từ bao giờ, thì chưa được công bố. Tuy nhiên cảnh sát Áo cho rằng, băng đảng tổ chức chuyên chở người di tản có nhiều tầng lớp, chủ xe và tài xế chỉ là những người thừa hành cuối cùng.

Bên ngoài châu Âu thì trong cuối tuần lễ Hạ Trần (Pentecôte) vừa qua vào tháng 05-2015, các nhà chức trách Mã Lai đã thông báo một tin mới về số phận của những người di tản rằng họ đã tìm thấy 139 hố chôn xác tập thể và 30 trại giam giữ những người di tản đến từ các quốc gia Bangladesh và Birmanie, trên đường tìm đất định cư ở Thái Lan và Nam Dương.

Đây là lần đầu tiên Mã Lai cho biết tin tức về người tỵ nạn kể từ khi có làn sóng di tản, và Mã Lai đang thương lượng với Thái Lan và Nam Dương để giải quyết tình trạng này. Vào đầu tháng năm 2015, chính phủ Mã Lai vẫn tuyên bố là không có trại giam giữ người di tản và hố chôn tập thể.

Theo ông Khalid Abu Bakar, lãnh đạo cảnh sát quốc gia của Mã Lai, thì những trại tạm giam nằm trong một khu vực phía bắc của Mã Lai là khá rộng lớn, có sức chứa từ hơn 20 người đến 300 người một trại. Hiện tại Mã Lai đang khai quật các hố chôn tập thể và khám nghiệm tử thi. Đồng thời, ông cũng cho rằng không hiểu sao chính phủ lại không biết về những sự kiện này, với một con số 30 trại giam như thế. Họ phỏng định có khoảng 100 người chết vùi trong các hố. Phần đất phía bắc của Mã Lai nằm trên tuyến đường di tản của người gốc Rogingyas từ Birmanie, và người dân Bangladesh đi tìm việc làm ở những nước khác. Ước tính có khoảng hơn 3000 người đã cập bờ Mã Lai (Malaisie) và Nam Dương (Indonesie).

Trước đó, vào cuối tháng tư ở phía nam của Thái Lan, đã tìm thấy hố chôn xác tập thể có hơn 20 tử thi người tỵ nạn.

Những người sống sót nói là họ bị giam giữ làm con tin trong rừng rậm ở Mã Lai, cho đến khi gia đình họ đã trả đầy đủ tiền cho những người tổ chức ở Mã Lai.

Người Rogingyas là một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, có khoảng 1,5 triệu người, có thổ ngữ riêng và chữ viết đã được chuyển âm sang mẫu tự La tinh, họ không có đất định cư, sinh sống tại một số quốc gia châu Á như ở Birmanie, Ả Rập (Arabie saoudite), Bangladesh, Pakistan, Thái Lan và Mã Lai. Theo ước tính của cơ quan Liên Hiệp Quốc thì trong ba năm vừa qua đã có khoảng 120.000 người Rogingyas tìm cách di cư từ Birmanie sang các nước khác để sinh sống, và trong khoảng ba tháng đầu năm nay có khoảng 25.000 người lên đường di tản, nhưng trên thực tế không ai biết được làn sóng di cư này có bao nhiêu người.

Giữa tháng năm, báo chí châu Âu đăng nhiều bài về thảm họa của những người di tản, cả ba nước Thái Lan, Mã Lai và Nam Dương đều từ chối không nhận người di tản. Theo phỏng đoán của báo chí, có đến 7.000 người trôi nổi trên những chiếc thuyền trong vịnh Malacca để chờ được cập bờ. Ngày 14.05.2015 báo chí châu Âu đăng tin là hải quân Mã Lai sẽ kéo những chiếc thuyền chứa người di tản ra trở lại hải phận quốc tế, với lý do là họ muốn đi định cư ở Thái Lan và Nam Dương.

Một số người sống sót nhờ được các cơ quan cúu trợ quốc tế giải thoát và đưa về Birmanie kể lại là trong các trại tạm giam, họ thiếu ăn, bị đánh đập, bị cưỡng hiếp và dùng làm con tin để ép gia đình họ phải chuộc mỗi người với một số tiền là 2.000 đô la Mỹ. Những người không có tiền chuộc bị bắt làm nô lệ trên những tàu đánh cá của Thái Lan và Nam Dương, hoặc bị chở trở về Birmanie, hoặc bị giết ném xác xuống biển. Nhưng ngay trong thành phần cùng đi di tản với nhau, vì đói, khát hay tranh dành ảnh hưởng, quyền lực họ cũng dùng bạo lực với nhau, đánh nhau để dành ăn hay giết nhau chết cả trăm người.

Hy vọng của những người di tản là tình đồng loại. Ngày 20-05-2015 một tàu đánh cả của Nam Dương đã bất chấp luật cấm giúp thuyền chở người di tản đã cứu hơn 370 người long đong trên biển.

Những cái chết phơi xác trên bãi biển hay chết ngộp chảy nước trong xe tải chưa đủ để làm động lòng những chính khách ? MTT