Jean Lacouture và Hồ Chí Minh
Jean Lacouture và Hồ Chí Minh – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015
Rất nhiều báo chí, truyền hình, truyền thanh ngôn ngữ Pháp đã đưa tin tưởng niệm sự ra đi vĩnh viễn của nhà báo và nhà viết tiểu sử nổi tiếng Jean Lacouture vào ngày 17-07-2015 vừa qua tại Roussillon (Vaucluse), ông hưởng thọ 94 tuổi.
Jean Lacouture tên là Jean Marie Gérard Lacouture, sinh ngày 08-06-1921 tại Bordeaux, có bằng cử nhân văn học và cử nhân luật.
Trong suốt sự nghiệp của Jean Lacouture có thể kể những giai đoạn: Năm 1945 Jean Lacouture là tùy viên báo chí tại Bộ chỉ huy của tướng Leclerc tại Đông Dương (Indochine), từ 1947 đến 1949, ông là tùy viên báo chí tại Maroc, từ 1950 đến 1975 ông liên tục làm việc cho các tờ báo Combat, Le Monde, France-Soir, từ 1961 đến 1982 Lacouture là giám đốc tác phẩm sưu tập của nhà xuất bản Seuil.
Lacouture là một cái tên quen thuộc cho những ai thích đọc, học và nghiên cứu về sử, về thời sự và về con người, dù ông khiêm tốn không nhận mình là nhà sử học, chỉ là một nhà báo.
Việt Nam và Jean Lacouture cũng là một duyên nợ, một gắn bó trong cuộc đời của ông, gắn bó với một cái tên rất nổi tiếng trong lịch sử đương đại của nước Việt: Hồ Chí Minh.
Thư viện quốc gia Pháp (BnF, Bibliothèque Nationale de France), một địa chỉ văn hóa đứng hàng đầu nước Pháp, đã tổ chức một ngày thuyết trình nghiên cứu (Journée d’étude) với chủ đề “Jean Lacouture, portraits d’un biographe, enquêtes sur un journaliste“, để “viết tiểu sử của một người viết tiểu sử” và vinh danh ông vào ngày 28-11-2002, cách đây 13 năm, với sự tham dự và diễn thuyết của những học giả danh tiếng như René Rémond, Philippe Devilliers (Je suis né au Vietnam), Bertrand Poirot-Delpech (Le monde comme matrice), Pierre Nora (Ne vous prenez pas pour un historien!), Françoise Peyrot (Tout dire, est-ce ne rien dire ?), Régis Debray (Histoire immédiate: vraiment ?), Madeleine Rébérioux (Un observateur très engagé, avantage et péril de l’engagement), Nadine Fresco (Biographie en portrait) và những học giả khác.
Nội dung của các câu hỏi cũng như sự gợi ý của các bài thuyết trình xoáy quanh chủ đề tại sao từ nghiệp vụ báo chí lại có thể chuyển ngành sang viết tiểu sử các nhân vật lịch sử quan trọng, sự khác biệt giữa sử gia và nhà báo, và, chính tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của Jean Lacouture.
Lacouture đã viết thành công tiểu sử của những nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh (1967), Pierre Mendès-France (1981), Charles de Gaulle (ba cuốn 1984,1985,1986), François Mitterrand (1998), Léon Blum (1977), Germaine Tillion (2000)…và những nhà văn nổi tiếng như François Mauriac (1980), André Malraux (1973), Montaigne (1996), hay minh tinh điện ảnh Greta Garbo (1999), của thời xa xưa như Montesquieu…
Qua sự gợi ý của André Malraux trong một lá thư vào năm 1974, Jean Lacouture bắt đầu nghiên cứu về việc viết tiểu sử của chính mình, nhưng mãi 15 năm sau, 1989, Lacouture mới viết “tự thuật” (autobiographie) qua dạng hỏi và trả lời với tựa đề mang âm hưởng của một sự bắt buộc bị khai thác một cách hóm hỉnh : “Enquête sur l’auteur“. Trong đó, Jean Lacouture nêu lên ba sự gặp gỡ dấu ấn trong đời với ba nhân vật Mendès-France, Mauriac và Malraux, và nêu một câu nói rất ấn tượng của Malraux: “Tôi không biết thế nào là sự thật, nhưng tôi biết rõ thế nào là sự giả dối.”
Jean Lacouture là tác giả liên tục của nhà xuất bản Seuil kể từ năm 1956. Sau đó ông được mời làm giám đốc tác phẩm sưu tập kể từ năm 1961 và ông đã thành lập hai dòng tác phẩm sưu tập “L’Histoire immédiate” và “La Traversée du siècle“.
Trong tác phẩm “Un sang d’encre” Jean Lacouture viết về cuộc đời làm báo của ông, giải thích những sự lựa chọn các chủ đề nghiên cứu, thực hiện và những diễn biến tiếp nối nghiệp vụ.
Trong một cuộc phỏng vấn, Jean Lacouture giải thích là nhà báo thực hiện một công việc nghiên cứu chủ đề, nghiên cứu đối tượng, nhưng nghiệp vụ báo chí không cho phép công bố tất cả mọi chi tiết, thí dụ như bí ẩn đời tư chẳng hạn, trong khi đó một nhà viết tiểu sử, một nhà bình luận, khi xây dựng một chân dung của một nhân vật phải nói đến đời tư của người đó, cho trọn vẹn hình ảnh và công việc nghiên cứu.
Trước khi hoàn tất tác phẩm tiểu sử Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu tiên vào năm 1967 (22 năm sau khi đã phỏng vấn Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1944 tại Việt Bắc), Jean Lacouture đã xuất bản tác phẩm “Le Vietnam entre deux paix“, nhà xuất bản Seuil, 1965.
Năm 1976, Jean Lacouture và vợ, bà Simonne Lacouture, cho xuất bản tác phẩm chung của hai người “Vietnam, voyage à travers une victoire” (Việt Nam, hành trình qua một chiến thắng).
Trong khuôn khổ ngày thuyết trình nghiên cứu năm 2002 tại BnF (vào thời điểm 58 năm sau khi đã gặp Hồ Chí Minh) người đầu tiên mà Jean Lacouture nói đến trong phần nhập đề (avant-propos) là Hồ Chí Minh, dưới đề tựa “Hồ Chí Minh là một người rất thân tình quyến rũ.” Tôi xin dịch từ tiếng Pháp, những chữ trong ngoặc đơn là để hiểu cho rõ nghĩa, như sau:
“Tôi bắt đầu (sự nghiệp) tại Đông Dương trong tờ báo quân đội, tại Bộ chỉ huy của đại tướng Leclerc. Thực hiện một công việc nghiên cứu điền dã tại chỗ, trong bộ quân phục của một người lính Pháp, tôi phỏng vấn Giáp, nhưng nhất là Hồ Chí Minh. Những người chỉ huy của tôi chú ý đến sự kiện tôi đối đầu với một nhân vật có sức nặng “khổng lồ”. Năm ấy, 23 tuổi, (1944) tôi bị thu hút bởi sức hấp dẫn của ông (Hồ Chí Minh) và sự cuốn hút tham dự vào sự chính trị to lớn đã khiến cho tôi có được một sự táo bạo mà trước đây tính cách của tôi không có điểm ấy. Tôi khám phá ra rằng, trong nghiệp vụ làm báo, không có gì là không có thể cả. Đó là cái nghề của những người trả lời người làm báo và nghề của nhà báo khi đặt ra cho họ những câu hỏi.
Hồ Chí Minh là một người rất thân tình quyến rũ. (Khi ấy) chúng tôi còn đang ở trên triền núi đầy ánh sáng mặt trời của chủ nghĩa cộng sản và phong thái tích cực của ông (Hồ Chí Minh) trong sự việc đấu tranh của ông đã thuyết phục tôi hơn cả. Ông là hiện thân của sự đòi hỏi độc lập hay sự tự lập, tự quyết định, mà tôi thấy có nền tảng căn cứ. Ông đã sống ở Moscou, đã tham gia sáng lập Quốc tế cộng sản và ông là tất cả, nhưng không phải ngây thơ. Sống có đạo đức, đối với ông, là để làm, để phục vụ cách mạng. Ông nói với tôi: “Chúng tôi muốn giải phóng chúng tôi qua thương thuyết hơn.”. Cũng bằng một cách cụ thể nào đó, Leclerc cũng nói giống như thế, nhưng đáng tiếc thay, hiệp ước sơ bộ ký kết giữa hai bên đã bị phản bội bãi bỏ nhanh chóng. Tôi không hề hổ thẹn đã có giao tiếp trò chuyện với Hồ Chí Minh, cho dù cuốn tiểu sử mà tôi viết về ông còn là tác phẩm của một người trai trẻ tràn đầy ảo tưởng.”
Một số bình luận phê phán, xét lại những quan điểm của Jean Lacouture trong quá khứ, o ép ông xét lại chính mình.
Theo thiển ý, hầu như mỗi người đi qua đời đều nhìn lại cuộc đời, nhìn lại quá khứ. Nhưng cũng có nhiều cách nhìn lại quá khứ mà mỗi cách nhìn – đi từ tiêu cực đến tích cực – nói lên sự thật về bản chất của cuộc đời đó. Những cái nhìn “xét lại”, “phủ nhận” quá khứ nói lên sự không chân thật, giả dối của người đó trong thời gian đã sống, họ đã hành động và sống bằng những động lực khác, không phải vì sự chân thật của chính mình. Những cái nhìn “công nhận” và “chấp nhận” quá khứ nói lên sự can đảm, sự kiên quyết đã sống và đã hành động vì không còn đường nào khác. Những cái nhìn “hãnh diện” và hạnh phúc” về quá khứ nói lên sự bình yên, hòa hợp với đất, trời và người, sự chung thủy với chính đời mình, quá khứ của mình…Danh ca Edith Piaf có một bài hát nổi tiếng “Non, rien de rien. Non, je ne regrette rien.” (Không, không một chút nào. Không, tôi không hối tiếc gì cả.) là trong ý nghĩa, những gì – ý thức và hành động – đã trải qua trong đời, đều có ý nghĩa của thời điểm ấy, của hoàn cảnh ấy, con người luôn luôn phải sống và quyết định trong những hoàn cảnh ràng buộc bức bách, những hạn chế, những tình huống của xã hội, của thế giới quanh mình – hoàn cảnh tạo ra anh hùng và anh hùng tạo ra hoàn cảnh, cái tương quan ấy không thể không có – và cái nhìn lại một quá khứ yêu mến của đời mình, của tuổi trẻ mình hẳn không phải, không nên, là một sự xét lại phủ nhận, kết án quá khứ ấy.
Cuối cùng và còn lại, thì Jean Lacouture tự cho mình là một “nhà báo hạnh phúc”. MTT
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.