Bốn anh hùng kháng chiến Pháp vào đền Panthéon
Bốn anh hùng kháng chiến Pháp vào đền Panthéon ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015 – www.mttuyet.fr
Ngày hôm qua, 26-05-2015, tổng thống François Hollande đã đưa bốn vị anh hùng kháng chiến Pháp vào đền Panthéon bất tử, nước Pháp tri ân những người đã ngã xuống cho các giá trị tinh thần của nền Cộng hòa Pháp: Tự do, Bình đẳng và Tương trợ (Liberté, Égalité, Fraternité).
Bốn người bất tử đó là Geneviève de Gaulle-Anthonioz, Pierre Brossolette, Germaine Tillion và Jean Zay.
Theo thông lệ, chỉ có cương vị tổng thống Pháp mới được đưa vào đền Panthéon những anh hùng, liệt sĩ và vĩ nhân của Pháp để tưởng niệm cho muôn đời sau. Trong thời Đệ ngũ Cộng Hòa chỉ có hai tổng thống Georges Pompidou và Valéry Giscard d’Estaing là không đưa ai vào đền Panthéon.
Cho đến hiện tại, trong số 71 vĩ nhân của nước Pháp chỉ có hai người phụ nữ, nhà vật lý học Marie Curie, giải Nobel về vật lý và hóa học, và bà Sophie Berthelot, chỉ trong tư cách là vợ của ông Marcellin Berthelot, vĩ nhân về hóa học. Như thế, trong lòng đền Panthéon chỉ yên nghỉ ngàn thu có vỏn vẹn bốn người phụ nữ.
Tổng thống François Hollande đã nêu một biểu tượng bình đẳng khi chính ông đưa vào đền hai anh hùng nữ, và hai anh hùng nam.
Ông đã lựa chọn biểu tượng cho sự Bình đẳng nam nữ, bình đẳng văn hóa và bình đẳng các dân tộc là nhà dân tộc học Germaine Tillion.
Biểu tượng cho sự Tương trợ là bà Geneviève De Gaulle-Anthonioz, người sáng lập quỹ ATD Quart-Monde, cháu của tướng De Gaulle, đã cống hiến đời mình cho những người nghèo nhất, những người bị bỏ quên, những người bị loại bỏ, những người bị đày ải.
Biểu tượng cho sự Tự do là nhà báo Pierre Brossolette (1903-1944), người đã nhẩy lầu tự tử chết vào ngày 22-03-1944 sau khi bị tra tấn bởi cơ quan tình báo Gestapo của Đức quốc xã, mà không hề hé răng khai một lời.
Biểu tượng cho sự Công bằng bình đẳng Văn hóa và không tôn giáo là Jean Zay (1904-1944), bộ trưởng bộ Giáo dục của Mặt trận Bình Dân đã bị ám sát năm 1944, đã bảo đảm nền giáo dục văn hóa của nước Cộng Hòa Pháp.
Trong ngày thứ hai 25-05-2015 bốn chiếc linh cữu đã được đặt ở Sorbonne để dân chúng thăm viếng. Đúng 17.20 ngày 26-05-2015, bốn chiếc linh cữu đã được khiêng vào sân đền Panthéon.
Tổng thống François Hollande đọc bài diễn văn ca ngợi công sức đóng góp cho quốc gia dân tộc Pháp của bốn vị anh hùng. Sau đó là lễ chào cờ trong tiếng quốc ca La Marseillaise. Rồi tất cả cánh cửa đền Panthéon được mở ra để đón bốn linh cữu vào đền trong tiếng nhạc của bài kháng chiến ca Pháp (Chant des partisans).
Ngày 19-12-1964 một người duy nhất đó là một vị anh hùng kháng chiến rất nổi tiếng của Pháp, Jean Moulin, cũng đã theo quyết định của tổng thống Charles de Gaulle được đưa vào đền Panthéon, và ông André Malraux đã đọc một bài diễn văn nổi tiếng lịch sử. Jean Moulin cũng chết sau những trận tra tấn dã man của tình báo Gestapo Đức, sau khi ông bị phản bội tố giác và bị bắt.
Germaine Tillion (1907-2008), một nhà dân tộc học, đã có may mắn thọ đúng 100 tuổi. Bà gia nhập kháng chiến quân Pháp vào năm 1940, chống lại quyết định đầu hàng Đức quốc xã của thống chế Pétain, hoạt động bí mật tại Paris, nhưng bị một người phản bội là cha xứ nhà thờ công giáo tên là Robert Alesch của xứ đạo La Varenne-Saint-Hilaire tố giác, Germaine Tillion bị bắt ở nhà ga Lyon vào ngày 13-08-1942.
Sau một thời gian bị giam cầm, thời điểm mà bà được biết là mẹ của bà cũng bị bắt giữ, Germaine Tillion bị chuyển là tù nhân chính trị vào trại tập trung ở Ravensbrück (phía bắc của Berlin) vào ngày 21-10-1943. Vào đầu năm 1945, nhờ được các bạn tù giúp đỡ, bà thoát khỏi sự vận chuyển đi trại tập trung Mauthausen để sẽ bị giết bằng hơi ngạt Cyclon B. Đầu tháng tư 1945, bà có may mắn đứng trong danh sách được nhà ngoại giao Thụy điển, ông Folke Bernadotte, cứu, khi ông này thương lượng với tướng Đức quốc xã Heinrich Himmler để giải thoát một số tù nhân Pháp bằng đường cứu trợ của Hội Hồng thập tự Thụy Điển. Mẹ của bà, tên là Émilie Tillion, thì lại bị thủ tiêu bằng hơi ngạt trong trại tập trung Ravensbrück vào tháng ba năm 1945.
Geneviève De Gaulle-Anthonioz (1920-2002) là con của ông Xavier de Gaulle, anh cả của tướng Charles de Gaulle, có chồng tên là Bernard Anthonioz nên bà mang họ kép với họ của chồng. Gia nhập kháng chiến Pháp vào năm 1940 bà thực hiện công việc trong bộ phận tin tức và tình báo. Bị phản bội và tố giác bởi Pierre Bonny, người cộng tác với cơ quan tình báo Gestapo Pháp làm việc cho Đức quốc xã, Geneviève bị bắt vào ngày 20.07.1943, rồi chuyển đến trại tập trung Ravensbrück vào ngày 02.02.1944, nơi bà gặp gỡ bạn tù Germaine Tillion. Kể từ tháng 10-1944 bà bị giam biệt lập trong một căn hầm của trại tập trung Ravensbrück theo lệnh của tướng Đức Himmler, muốn dùng bà làm con tin để trao đổi với tướng Charles de Gaulle, lãnh đạo lực lượng kháng chiến Pháp. Bà chỉ thoát ra khỏi nơi giam giữ biệt lập khi được Hồng quân Nga giải phóng trại Revensbrück ngày 25.04.1945.
Tướng Charles de Gaulle đã hiến tặng bà cuốn thứ nhất trong bộ “Mémoires de guerre” với hàng chữ “Cho người cháu thân yêu Geneviève, đã là, ngay lập tức, cho tới tận cùng, trong những thử thách sâu thẳm, bên bờ của cái chết, một người lính của lực lượng kháng chiến France Libre, mà tôi học được thí dụ đó” (« À ma chère nièce Geneviève, qui fut, tout de suite, jusqu’au bout, au fond de l’épreuve, au bord de la mort, un soldat de la France libre, et dont l’exemple m’a servi ».) Đó là lời khen tình cảm nhất, cao quý nhất mà bà đã nhận được.
Riêng tướng Charles de Gaulle, người anh hùng lãnh đạo của Kháng chiến Pháp France Libre, rất thất vọng vì thất bại cuộc trưng cầu dân ý ngày 27-04-1969 về sự phân quyền cho địa phương và sự sát nhập thượng viện (Sénat) với Hội đồng Kinh tế Xã hội (Conseil Économique et Social), đã từ chức tổng thống Pháp ngay trong ngày 28-04-1969, trở về nhà riêng ở Colombey-les-Deux-Églises và từ chối tất cả mọi vinh danh của nước Pháp.
Về phần tướng Leclerc (tên thật là Philippe François Marie de Hauteclocque) cũng một cái tên quen thuộc trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc và Đệ nhị thế chiến, tử nạn máy bay tại Colomb-Béchar ngày 28-11-1947, đã được vinh danh là Thống tướng (Maréchal de France), và đã được đưa vào điện Les Invalides của quân đội Pháp, cũng là nơi đặt ngôi mộ của Napoléon tại Paris. MTT
Đền Panthéon, nằm trong Quartier Latin của quận 5 Paris
Điện Les Invalides và Bảo tàng quân đội Pháp tại Paris chụp từ trên không. (Photo: « Invalides aerial view » par Eric Gaba, transferred from Wikipedia-fr)
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.