Đồng Văn Cao Nguyên Đá có đường lên cổng trời…

Đồng Văn Cao Nguyên Đá có đường lên cổng trời…© MathildeTuyetTran, France 2014 – https://mttuyet.fr

Năm nay mùa đông ở châu Âu có vẻ sẽ lạnh và thật lạnh. Đầu tháng mười hai nơi tôi ở đã có ngày tuyết rơi, khiến cho tôi nhớ cái lạnh mờ sương nặng hạt ở Cao nguyên Đá Đồng Văn. Cái rét ở Đồng Văn là cái rét ẩm ngấm vào tận xương tủy nên rét buốt, đúng là rét buốt xương ở chỉ 5° hay 7°, trong khi cái rét khô ở châu Âu dù là âm -18° cũng không rét bằng. Khả năng chịu rét của mỗi người lại khác nhau nên khi nào dở chịu lạnh thì tôi biết là sức khỏe tôi đang xuống, không được tốt.

Chuyến đi Hà Giang-Lũng Cú-Đồng-Văn-Mèo Vạc-Khâu Vai vào năm 2011 vẫn còn để lại cho chúng tôi những ấn tượng đẹp, đôi khi cảm động. Ở vùng núi rừng hùng vĩ cao ngất chập chùng của Cực Bắc nước Việt, một tiếng hú của ai vang dội từ sườn núi này qua sườn núi kia, con người sống khắc khổ với thiên nhiên, thức ăn chính ngày lễ Tết là thịt ngựa, thịt lợn núi đen, ngô (bắp) và rượu ngô (rượu trắng nấu từ ngô, bắp), hay rượu hạt dẻ. Chồng tôi nhắc mãi việc một cậu bé trai, một tay bóp con chim trong tay, tay kia vặt lông chim. Cứ nhặt một đống cành khô chất trên vệ đường, có một cây diêm châm lửa, là nướng chim xâu que ăn được rồi. Nhiều người đang lái xe hai bánh đi đường, lạnh quá cũng dừng lại, lượm cành khô chất thành đống, đốt lửa sưởi cho người ấm lên một tí, rồi lại đi tiếp.

Những cung đường ở đây, có đoạn tốt, lái xe thoải mái, có đoạn mọi người xuống xe lượm đá nằm lăn lóc giữa đường vì đá núi lở rơi xuống mà chưa có xe nào khác chạy qua trước xe mình…Chồng tôi suýt soa, trên cao thế này, độ cao từ 1.500 đến 2.300 mét, đường vắng không người qua lại, cua rất gắt như chữ U, lỡ xe hỏng…?! Anh tài cười vô tư, có gì đâu, sẽ đưa hai bác về bản nghỉ ngơi, chẳng lo việc xe cộ…Úi trời, nếu hai đứa tôi còn được đèo xe hai bánh, lên núi, xuống núi vằn vèo như thế này thì có mà đứng tim ! Hốc núi sâu thăm thẳm ngay dưới chân !

Có những công ty du lịch tổ chức “đi phượt” ở vùng núi cao, tức là đi du lịch bằng xe hai bánh, có xe hơi đi kèm hướng dẫn và đề phòng tai nạn trên đường, nhưng tuổi vợ chồng tôi thì không còn đi như thế được, dù thấy người ta đi vui như thế, mình như trẻ lại, cũng ham !
Các em bé nếu có dép đi thì không có vớ, quần áo lụa mỏng phong phanh…người hướng dẫn của tôi nói là, trên này họ quen chịu lạnh như thế rồi, mà ngay cả những em bé còn phải bồng ẵm, bé tí, cũng cởi chuồng, không mặc quần khi tiết trời lạnh ẩm như thế.

Vào trong nhà sàn của một gia đình người H’Mông, các cụ già ngồi quanh bếp lửa đỏ hồng riu riu suốt ngày suốt đêm, nên không khí trong nhà sàn có ấm hơn một chút, dù hơi ấm từ bếp thoát ra khỏi bao nhiêu là kẽ hở của vách lá mái lá tỏa lên cao. Người dân ở đây hiếu khách, dù họ biết khách là “Tây” đấy ! Những ngày hội ở vùng cao là những ngày đầy mầu sắc rực rỡ, khác hẳn với châu Âu trong mùa đông dân chúng mặc toàn mầu đậm, nhiều nhất là mầu đen và xanh dương đậm, thì ở đây xanh lơ, vàng óng, đỏ tươi, xanh lục, cam, tím thẫm…đủ mọi mầu lụa, mầu len, mầu vải.

Chúng tôi đi lòng vòng trên cao nguyên đá Đồng Văn hết hơn mười bốn ngày vào khoảng thời gian cận Tết âm lịch, tức là tháng một dương lịch. Trước mọi nhà trên vùng núi đều phất phới lá cờ mầu đỏ thắm sao vàng của Việt Nam, nổi hẳn trên mầu xanh-đen-nâu của núi rừng. Anh hướng dẫn cười vui, đấy cô cứ thấy cờ đỏ là đất của ta, cứ thong dong mà đi đến đấy.

Chồng tôi tinh ý chỉ cho tôi thấy, cứ nơi bản nào, xóm nào có điện kéo về, thấy có cột điện, dây điện, là thấy có chảo ăng ten ti vi đặt trên mái lá. Người dân cũng có điện thoại di động, mua thẻ cào sẵn có số di động giá rất rẻ, xài thoải mái.

Đêm trong khách sạn phải mặc nguyên đầy đủ quần áo để ngủ vì tôi lạnh quá, phòng hoàn toàn không được sưởi ấm. Có nơi tử tế thì họ cung cấp cho một cái “quạt” nóng, nó nóng đỏ rực nhưng hơi ấm toát ra rất ngắn, không đủ để sưởi ấm một cái phòng. Cái sung sướng nhất là khi mở vòi nước nóng để tắm, hơi nước nóng tỏa ra như mây mù, nước nóng làm cho khỏe hẳn người, tỉnh lại và ấm lại.

Ngạc nhiên là ở tít trên vùng núi cao chúng tôi lại được ăn ngon hơn là ở Hà Giang. Các bữa ăn ở Lũng Cú và Mèo Vạc để lại ấn tượng mạnh nhất, “nhà hàng” không có thực đơn, nhà bếp đi chợ hôm nay chỉ có thế, khách chỉ cần ngồi vào bàn là ăn thôi, bát đũa sạch sẽ, gạo ngon cơm dẻo, thịt heo núi luộc (heo mọi mầu đen, bé tí, như heo sữa), đĩa trứng rán chấm nước mắm, một bát canh rau, …thế mà ăn ngon lạ lùng, có lẽ vì mừng quá được ăn nóng khi trời lạnh. Chuyến đi này tôi thiếu kinh nghiệm nên hoàn toàn không có mang theo lương khô, bia, rượu, trái cây…để ăn uống dọc đường cho đỡ đói.

Buổi sáng ở phố cổ Đồng Văn thì có phở và bánh cuốn miền cực Bắc, tức là bánh cuốn ăn với một bát canh và những miếng giò lợn nấu trong canh. Bánh cuốn cuộn nhân thịt ăn với nước mắm ngọt chỉ có ở Hà Nội và trong miền Nam. Một cô bạn hỏi tôi, thế chị có thích ăn canh không ? Món canh là một món không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt, trời nóng cần ăn canh, trời lạnh lại càng cần ăn canh nóng hơn nữa. Người châu Âu ăn “súp” (soupe) khác hẳn với món canh Việt, vì súp Tây được nấu đặc với khoai tây, các loại đậu, hạt, hay cải xu, bí đỏ, hay các loại mì ống, và súc xích hun khói, họ không thích món canh “toàn là nước” như mình thích. Món canh tôi thích nhất là canh rau mồng tơi nấu tôm, và canh đậu hũ, cà chua với thịt heo bụng, một ít rau ngò băm nhỏ và một ít tiêu làm “dậy” hẳn bát canh ngon…Đến tận nơi đây, tôi không khỏi so sánh vùng núi Hà Giang và Đà Lạt, khác xa nhau quá, một bên là thiên nhiên hùng vĩ thiêng liêng, một bên là thương mại cho túi tiền đầy ắp, sang trọng, nhàm chán.

Chủ đích của tôi là đem một ông Tây nông dân thứ thật lên “bán” ở chợ tình Khâu Vai rất nổi tiếng, nhưng trời không thuận, chúng tôi đến không đúng phiên chợ, chợ vắng đìu hiu, không có ai mua người bán, nên lại đi về…đến hẹn lần sau lại lên vậy ! Hi hi hi !

Khung chợ làng Khâu Vai, Hà Giang. Photo: MathildeTuyetTran, France 2014

Khung chợ làng Khâu Vai ngày không có họp chợ. Mèo Vạc, Hà Giang. Photo: MathildeTuyetTran, France 2014

Mời bạn đọc một đoạn mở đầu của hồi ký du lịch “Việt Bắc Một Mùa Xuân”, và xem vài tấm ảnh trong số những bộ ảnh tư liệu của chính chúng tôi chụp, xuất bản tại Pháp năm 2011:

…Việt Bắc có tiếng là „rừng thiêng nước độc“, mưa lũ, đường xá sụp lở, đá núi rơi, rắn độc ẩn mình trong đá, trong cát, muỗi độc đầy rẫy trong rừng và có nơi vẫn còn lại bom, mìn chưa nổ của các cuộc chiến tranh đã qua.

Chưa đi chưa đến thì không biết là nơi ấy ra sao. Để thấy, sự việc leo lên tận cột cờ Lũng Cú, ngắm miền biên cương của đất nước Việt Nam trong gió lộng, đối với tôi là một hạnh phúc trọn vẹn, một ước mơ đã thành sự thật, mà tôi muốn chia xẻ với bạn đọc. Những nẻo đường chưa quen chưa thấy chưa biết bao giờ đưa tôi về gần gũi với người, đất và trời quê hương. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với chúng tôi sau chuyến đi Việt Bắc là phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hình ảnh những lá cờ Việt Nam phất phới đó đây, cứ thấy cờ là biết mình còn ở trên đất Việt, chưa đi lạc đâu xa, chồng tôi bảo tôi thế, biên giới làm gì có hàng rào như hàng dậu khắp nơi, anh tài bảo tôi thế, hình ảnh của cả một vùng núi rừng hùng vĩ rộng lớn của miền biên cương, yên lặng tuyệt đối, tĩnh mịch, không có tiếng động ầm ầm của xe cộ nghẹt đường phố, chát chúa của còi xe, rào rào của đám đông người trong thành phố, cái im ắng và chỉ có tiếng gió thổi ngự trị không gian giống như vùng núi cao bên Pháp, và hình ảnh những con người bám đất sống trong một điều kiện vật chất đơn sơ, trong giá buốt.

Đi đến đâu tôi cũng chỉ có một câu hỏi, người dân sống bằng gì, và đi đến đâu tôi cũng có một sự thán phục những con người bám đất, bám quê, dù sống trong một điều kiện vật chất hạn hẹp, vất vả, nghèo nàn, của cải hầu như không có gì, chỉ đếm bằng mấy con bò, con trâu, con heo, con gà…, luôn phải chiến đấu khắc phục thiên nhiên, nhưng họ vui vẻ sống ở đấy, sinh ra ở đấy và chết ở đấy.

Trong những vùng núi rừng cao, sát biên giới, đa số dân định cư là người của 20 dân tộc như Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Hoa, Lô Lô, Dáy, Hà Nh., Tu Dí, Phù Lá, Mường, U Ní, Sán Chỉ, Mán, Cỏ, Xung…Có một điều làm cho tôi ngạc nhiên là sự việc nói ngọng, giống như cách phát âm của ba tôi, không chỉ có ở Hà Nội mà ở tận Việt Bắc người ta cũng nói ngọng. Các mẫu tự „n“ bị phát âm thành „l“, các mẫu tự „l“ th. lại bị phát âm thành „n“, thí dụ như Hà Lội, cái lày, thế lào, thuốc nào, nàm sao…, các âm „tr“ th. bị biến dạng thành „ch“, thí dụ con châu (trâu), cái chống chầu (trống chầu), chong chăn (trong chăn), La Sầm (Na Sầm), Là Sản (Nà Sản)… Khi tiếp xúc với người dân tộc như người Tày nói tiếng Việt, thì họ cũng nói ngọng, nhưng ai nấy đều rất tự nhiên, thoải mái, không chút ngượng ngịu. Thậm chí có người ngoại quốc học tiếng Việt ở Hà Nội theo giọng Bắc cũng nói ngọng theo. Điều ngạc nhiên thứ hai là người dân tộc xưng „mày, tao“ trong khi nói chuyện.

Về Việt Bắc, cũng để thấy công việc phòng ngự miền biên cương núi rừng chập chùng không phải là một việc „nói chơi cho vui miệng“ của các chính khách „sa lông“, mà công việc hệ trọng này chính là sự sống còn và là sự kết hợp của những người chiến sĩ biên phòng với dân chúng sống định cư nơi đây. Dọc theo miền biên giới rộng lớn, xuyên qua các bản làng người dân tộc rải rác giữa núi rừng, nghe người dân kể lại những ngày chiến tranh đã qua, lá cờ Việt Nam bay phất phới trước các căn nhà vách gỗ mái lá nghèo nàn, trong khung cảnh thanh bình êm ả hiện tại, tôi thấy vui nhưng thấy cần có cố gắng phát triển hơn nữa để xóa đói giảm nghèo cho dân, vì cái khó nó bó cái khôn. Có nơi tôi thấy trẻ con khoảng hai ba tuổi, không có quần, phơi rốn, chân đất trong khi trời lạnh cắt da cắt thịt. Có em lem luốc, không giầy không vớ. Có người bảo tôi rằng, họ đã quen như thế. Tôi không biết có thật là đúng như thế không.
Tôi về miền Việt Bắc vào tháng chạp trước Tết âm lịch, tức là tháng một dương lịch, một tháng còn của mùa đông, đang chuyển mình sang xuân. Mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng biệt của nó. Núi rừng Việt Bắc vào cuối đông ban cho con người vẻ đẹp khắc khổ của thiên nhiên, dạy cho con người phải biết sống gần gũi với nhau, nương tựa vào nhau để sưởi ấm, để cùng có chung cái ở, cái ăn, cái mặc, dạy cho con người phải giữ đất giữ làng, dạy cho con người biết thế nào là hy vọng là niềm vui là hạnh phúc khi mùa xuân đến.

Chỉ có đến với núi rừng Việt Bắc mới hiểu tại sao lại đặt tên con đường là „Con đường Hạnh phúc“. Chỉ có đến với núi rừng Việt Bắc nhìn thấy những đồng ruộng bậc thang hùng vĩ, những đồi chè bạt ngàn chạy lên đỉnh núi mới thấy những hình ảnh tuyệt đẹp, nên thơ như tranh vẽ ấy là kết quả của công sức mồ hôi nhiều đời người nhiều thế hệ nối tiếp dành từng tấc đất của thiên nhiên mà tạo nên, cào núi lấy đất canh tác. Có ai nỡ bỏ nơi ấy mà đi.

Con sông Lô, ” sông Lô núi ngàn Việt Bắc trải bờ lau thưa…dòng sông Lô trôi…, như trong một bài hát, muôn đời vẫn là một con sông hiền hòa nhưng mang nhiều chiến tích lịch sử oai hùng, hết đời này qua đời khác, vì vị trí chiến lược của nó. Những con sông nổi tiếng của Việt Bắc trong sách vở là sông Hồng, sông Lô, sông Quây Sơn, sông Nho Quế, sông Kỳ Cùng, sông Chảy, sông Đà…

Thiên nhiên ở Việt Bắc là núi là rừng là sông là suối là hồ là lên núi là xuống núi. Thiên nhiên ở Việt Bắc là sức người. Trước khi có cái máy ủi đất làm đường lên được đến tận nơi đây để cào tiếp, ủi tiếp, thì sức người đã ngày một ngày hai vẽ nên, làm nên những con đường nhỏ, dốc cao dốc thấp, dọn đá, dẫm mòn cây cỏ để di chuyển bằng hai chân, thồ hàng trên lưng, cực khổ biết là bao nhiêu, nhất là trong giá buốt sương rơi. Mỗi khi thấy người dân tộc, một cái bóng bé tí trong khung cảnh núi rừng bao la bát ngát, rất khó nhận ra, khó nhìn từ xa, xuống núi thoăn thoắt, lên núi nhẹ nhàng bằng những con đường mòn nhỏ chỉ rộng bằng đôi chân của họ, tôi không khỏi thán phục.

Đàn ông, phụ nữ thì lúc nào trên lưng cũng tải một cái gì đó trong gùi hay đeo thành bó, con nít chạy theo cha mẹ cũng rất nhẹ nhàng, nhanh nhẹn. Trang phục của đàn ông thường là mầu đậm, màu xanh chàm lẫn trong đất đá, cây cỏ…rất khó phát hiện.
Trang phục của phụ nữ rất đẹp, rất nhiều mầu sắc vui tươi, nổi hẳn lên trong màu xanh, đen của lá cây rừng, đất đá. Người phụ nữ ăn mặc có mầu sắc như thế cũng vì nhu cầu an toàn, vì họ là nguồn sinh đẻ các thế hệ sau, mầu sắc tươi vui là biểu tượng của sự sống, của cái đẹp, của hạnh phúc, của sự sung túc đầy đủ, đồng thời cũng để cho các tay thợ súng, săn không bắn lầm khi có bóng dáng phụ nữ địu con, đi chợ, làm đồng trong sương. Nghĩa này đi ngược hẳn với định luật thiên nhiên, tạo hóa thường cho con trống đẹp hơn con mái, để con trống lôi kéo sự chú ý, trong khi con mái ẩn thân, bình yên. Nhưng có lẽ đúng hơn cả, là như một người đã nhấn mạnh, thời này là thời bình, mà các thiếu nữ, phụ nữ làm đẹp là chuyện tất nhiên.

Từ khi có con đường hai chiều lưu thông cho xe chạy thì, cũng là tất nhiên, đời sống dân chúng thay đổi rất nhanh, tuy còn nghèo, nhưng so với khi chưa có con đường là đã khác đi nhiều lắm. Bởi thế, con đường mang tên là „Con đường Hạnh phúc“. Tôi đi từ Bắc chí Nam, thấy và nghe những người dân bình thường đều biết mong, biết rõ ràng là cần phải có đường xá, có cầu, có nhà thương, có trường học, có hệ thống di chuyển công cộng, có trợ giúp xã hội, có nâng cao mức sống, sức khỏe, có trình độ học vấn… thì mới có kinh tế, mới có hạnh phúc. Năm nay tôi thấy có nhiều đường mới, cầu mới, nhà đón khách du lịch mới, nhà ở mới, nhiều thành phố đẹp hẳn lên, sạch sẽ… thay đổi rất nhanh so với những năm trước.

Cuối đông đầu xuân trên núi rừng Việt Bắc là mầu hồng nhạt e ấp của những cánh hoa đào mới nở lẫn trong sương mù, mầu hoa trắng của những cây mận cây táo, mầu nâu sẫm của những cây hoa ban đang đơm nụ, mầu vàng tươi nổi bật của những mảnh ruộng hoa cải, những chấm màu của chim của bướm, mầu đất nâu mới cày, mầu nước xanh như ngọc của dòng sông Lô, sông Nho Quế, những dải lụa sủi bọt trắng lung linh của những con suối nhỏ, mầu xanh lơ của trời, mầu trắng bạc của sương nặng hạt, mầu xám lững lờ của mây, mầu nhạt nhòa trời đất của mưa rừng mưa núi, mầu xanh đậm của núi, mầu đen của vực thẳm…

Cảnh nhìn từ trên một ngọn tháp canh cũ của Pháp thời xưa, ở trên độ cao 1.200 mét,  gió thổi vù vù, dưới chân một cột điện cao thế ở hẻm núi mang tên Cổng trời Quản Bạ. Photo: Mathilde Tuyết Trần, France 2014

Cảnh nhìn từ trên một ngọn tháp canh cũ của Pháp thời xưa, ở trên độ cao 1.200 mét, gió thổi vù vù, dưới chân một cột điện cao thế ở hẻm núi mang tên Cổng trời Quản Bạ. Photo: Mathilde Tuyết Trần, France 2014

Trên sân nhà đón khách du lịch

Trên sân nhà đón khách du lịch đường đến Núi Đôi, Tam Sơn, Hà Giang. Các cây đào núi đang bắt đầu nở hoa báo hiệu mùa Xuân đang về. Photo: Mathilde Tuyet Tran, France 2014

Nhà đón khách Tam Sơn nằm trên một độ cao nhìn xuống "vừa đủ" thấy chóng mặt. Photo: Mathilde Tuyet Tran, France 2014

Nhà đón khách Tam Sơn nằm trên một độ cao nhìn xuống “vừa đủ” thấy chóng mặt. Photo: Mathilde Tuyet Tran, France 2014

"Đi phượt" là đi du lịch trên xe hai bánh, một hình thức du lịch rất được ưa chuộng của những người trẻ, những đôi uyên ương đưa nhau lên vùng rừng núi chụp ảnh lưu niệm. Photo: Mathilde Tuyet Tran, France 2014

“Đi phượt” là đi du lịch trên xe hai bánh, một hình thức du lịch rất được ưa chuộng của những người trẻ, những đôi uyên ương đưa nhau lên vùng rừng núi chụp ảnh lưu niệm. Photo: Mathilde Tuyet Tran, France 2014

Đường núi vòng vèo cong hình chữ S, chữ U liên tục, yếu tay lái là xe lao xuống vực, vắng vẻ xe cộ, người dân di chuyển, chở hàng, chở người bằng xe hai bánh hay đi bộ...Photo: Mathilde Tuyet Tran, France 2014

Đường núi vòng vèo cong hình chữ S, chữ U liên tục, lên dốc, xuống dôc, thường phủ sương mù, yếu tay lái và mắt kém là xe lao xuống vực, vắng vẻ xe cộ, người dân di chuyển, chở hàng, chở người bằng xe hai bánh hay đi bộ…Photo: Mathilde Tuyet Tran, France 2014

Ruộng bậc thang trong mùa đông . Photo: MathildeTuyetTran, France 2014

Ruộng bậc thang trong mùa đông trên Cao nguyên Đá Đồng Văn . Photo: MathildeTuyetTran, France 2014

Các em bé nhìn chúng tôi như người trên cung trăng mới rơi xuống. Thường có những phiên chợ ven đường, nam thanh nữ tú ăn mặc quần áo đẹp, rực rỡ mầu sắc đi chợ gặp nhau...Photo: MathildeTuyetTran, France 2014

Các em bé nhìn chúng tôi như người trên cung trăng mới rơi xuống. Thường có những phiên chợ ven đường, nam thanh nữ tú ăn mặc quần áo đẹp, rực rỡ mầu sắc đi chợ gặp nhau…Photo: MathildeTuyetTran, France 2014

Ai đến Hà Giang đều được đưa đi thăm Dinh họ Vương của "Vua Mèo" Vương Chính Đức, xây như thành lũy kiên cố, có ba phần tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với ba sân rộng lót đá tảng trắng. Nền nhà bằng đất nện, nội thất bằng gỗ, trong mỗi phòng đều có bếp sưởi, hay lò sưởi. Photo: MathildeTuyetTran. France 2014

Ai đến Hà Giang đều được đưa đi thăm Dinh họ Vương của “Vua Mèo” Vương Chính Đức, xây như thành lũy kiên cố, có ba phần tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với ba sân rộng lót đá tảng trắng. Nền nhà bằng đất nện, nội thất bằng gỗ, trong mỗi phòng đều có bếp sưởi, hay lò sưởi. Photo: MathildeTuyetTran. France 2014