Yên Bái, quê hương đồi chè thủy điện
Sáng nay, giữa tháng mười hai cuối năm lạnh giá, tuyết đã rơi, tình cờ nhận được một tin vui đăng trên mạng truyền thông Pháp là một hãng sản xuất trà (chè) tại Pháp sẽ nhập và bán sản phẩm trà xanh chất lượng cao và sạch của Yên Bái, MTT không dám nhận đây là kết quả của sự việc thông tin và giới thiệu cá nhân vô vị lợi về trà Thái Nguyên và trà Yên Bái cho thị trường nhập trà của Việt Nam, chỉ muốn chia vui với bạn đọc và mời bạn bốn phương đọc một đoạn trong cuốn Việt Bắc Một Mùa Xuân của Mathilde Tuyết Trần, xuất bản tại Pháp năm 2011, ISBN 978-2-9536069-4-6
PS: Tấm ảnh Thác Bản Giốc do MTT chụp năm 2011 là món quà đặc biệt tặng bạn đọc nhân mùa đón xuân 2015, mùa xuân nào cũng là mùa hy vọng ! Chúc tất cả các bạn bốn phương an vui, hạnh phúc.

Mathilde Tuyết Trần trên đồi trồng chè Thái Nguyên, cơ sở của bác Trần Văn Thái, mùa xuân 2011 Ảnh: Báo Thái Nguyên
Yên Bái, quê hương đồi chè thủy điện © Mathilde Tuyết Trần, https://mttuyet.fr
Trên đường đi thăm thành phố Yên Bái, chúng tôi ghé thăm hồ thủy điện Thác Bà, một trong những hồ nhân tạo, do việc chặn dòng sông Chảy để làm nhà máy thủy điện đầu tiên của miền Bắc hoàn tất vào năm 1970. Hồ rất rộng lớn, theo thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hồ dài đến 80 cây số, không khí mát mẻ trong lành, gió nhẹ rì rào trong nắng sớm, rất yên tĩnh.
Khi chúng tôi vừa đến thì được xem hồ đang xả lũ để đưa nước về đồng bằng cho kịp vụ lúa xuân, nước lũ xanh chảy xuống thật nhanh, tiếng nước chảy đều đều nhẹ nhàng. Trên hồ có đến cả 1.300 đảo lớn nhỏ, nhiều hang động. Du khách có thì giờ, có thể thuê thuyền đi thăm các đảo trên hồ.
Nấn ná hồi lâu quanh hồ chụp ảnh, chợt tôi nghe nhiều tiếng động nổi lên sau lưng. Trên một chỏm núi cao bên cạnh hồ là một cái đền thờ, đền Thác Bà, mọi người đang bắt đầu dựng lều triển lãm, trang hoàng một sân khấu thật lớn cho một chương trình biểu diễn văn nghệ. Chúng tôi vội vàng đi qua xem.
Một bất ngờ. Một chiếc xe thư viện, tài trợ bởi chính quyền vùng Val de Marne, Pháp, trong một chương trình trợ giúp cho tỉnh Yên Bái căng lều triển lãm trên bãi đất trống trước lối lên đền, bày hàng sách, mở rộng cửa xe cho mọi người dân tham khảo, có sách tiếng Pháp và tiếng Việt. Còn sớm nên xe thư viện chưa có khách. Ngồi trong lều mát đọc một vài trang sách cũng là một điều thú vị.
Các hoạt động đưa văn hóa bằng những phương tiện lưu động, biểu diễn văn hóa nghệ thuật khắp các nơi, lại hoàn toàn miễn phí cho dân chúng thưởng thức, học hỏi, tìm hiểu…thật là rất đáng khen, rất đáng khuyến khích.
Mới mười giờ sáng, người leo núi lên đền Thác Bà đã nhộn nhịp đông vui, nắng bắt đầu nóng, lên một chục bậc thang đã toát mồ hôi. Lên cao dần, từ những bậc thang dốc trên sườn núi, nhìn xuống phong cảnh hồ Thác Bà càng thấy sự rộng lớn của hồ, mặt nước lăn tăn như đứng im, xanh như ngọc. Trời cũng đẹp trong xanh. Nhiều người lên cúng từ sáng sớm đang đi xuống. Thấy tôi hì hục leo lên những bậc thang dốc, hai phụ nữ cười tươi, tặng tôi một gói bánh và một cái oản lộc đem về cho có phúc có lộc. Cái oản lộc bọc giấy bóng đỏ giống y hệt cái oản lộc cách đây bốn, năm chục năm, khi tôi còn là một đứa bé con, theo ba đi lễ chùa, lễ đền, lễ Lăng Ông, luôn luôn được cho oản lộc. Cái oản lộc đỏ là một hình ảnh thân thiết của tuổi thơ tôi.
Trên sân đền nhộn nhịp lắm, tiếng hát chầu văn vang rất to, vì hôm nay có hội đền Thác Bà. Miền Bắc có rất nhiều đền và chùa, nhiều lễ hội. Nhưng tôi chỉ ham ngắm cảnh hồ Thác Bà, còn có tên là „Biển trên núi“, mom men ra tận rìa của sân đền nhìn xuống lòng hồ, đảo to, đảo nhỏ hiện ra mờ ảo trong màn sương trắng đục như là một cảnh Bồng Lai.
Nắng lên cao, chúng tôi bỏ lại sau lưng tiếng hát chầu văn nhịp nhàng đi tiếp đến thành phố Yên Bái.
Đường từ hồ Thác Bà đến Yên Bái dễ đi, ngang qua nhiều làng xóm, nhà cửa còn nghèo nàn, nhiều mái tôn, mái lá, vách tre, vách đất, vách gỗ…những mảnh ruộng lúa nho nhỏ, nhiều hồ ao nuôi vịt.
Chúng tôi nghỉ chân, tiện thể mua một quả bưởi, anh tài bảo là bưởi rất ngon, rất ngọt, tình cờ được xem hàng lái lợn (heo) bên cạnh hàng bưởi. Có đến mấy chục con heo nằm la liệt trên sân, ngay bên cạnh đường quốc lộ, mỗi con bị bỏ trong một cái rọ heo, nằm chèo queo. Bốn năm người đàn ông đang cho heo ăn, họ dựng đứng cái rọ lên, cấn rọ bằng hai đầu gối hai bên, hai người thọc hai cây gỗ dưới hai chân trước của con heo để nó đừng tụt xuống, một người dùng một khúc gỗ cấn miệng heo không cho nó ngậm miệng lại, rồi đổ vào miệng heo một cái ca to đựng nước và thức ăn, cũng khoảng 2 lít.
Con heo „ăn“ xong, được khiêng lên xe tải, để nằm chồng lên những con heo khác, đã được cho ăn, để chở đi bán. Khung cảnh vừa khôi hài vừa tội nghiệp vì đám heo linh cảm biết đời mình sắp tàn, kêu la eng ét.
Miền Trung du có nhiều ruộng mía, rừng kèo và măng. Cây kèo dễ trồng, chỉ chờ 5, 6 năm là đốn để làm bột gỗ, cây mía dùng để làm đường và bã mía cũng dùng làm bột gỗ. Riêng Yên Bái có thêm đá quí, gỗ quí, và vườn chè.
Thành phố Yên Bái rộng lớn, yên tĩnh, khang trang, cách Hà Nội 177 cây số đường bộ. Đường chính vào thành phố cũng rộng thênh thang, ít người, ít xe, nên càng thấy rộng hơn. Giữa thành phố có một cái hồ rộng, chung quanh có quán cà phê, mấy cây cổ thụ xòe tán rộng mát.
Chúng tôi dừng chân ăn trưa tại một quán phở bình dân, bên cạnh là hàng bánh cuốn nóng, vì không có một chỗ ăn nào khác. Ông hàng phở chỉ bán có phở gà, phở bò và cơm rang. Một tô phở bò, bánh phở tươi, rất dẻo, giá bán là 18.000 vnd, đĩa cơm rang với trứng và một ít thịt heo bằm cũng cùng giá, một lon bia lạnh 15.000 đồng.
Yên Bái là quê hương khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học. Nhưng đến tận Yên Bái rồi, phải tìm người có tuổi hỏi đường đi thì mới biết là đài tưởng niệm Nguyễn Thái Học nằm ở đâu. Anh tài cũng tìm ra đến nơi.
Đài tưởng niệm nằm trên đại lộ cũng mang tên Nguyễn Thái Học, cạnh một hồ nước, thiết kế như một công viên mang tên công viên Yên Hòa, trồng nhiều cây mang tên cây Hoàng Nam, gồm có khu vực tượng đài và khu vực mộ phần, đơn giản nhưng hoành tráng, trang nghiêm. Ngay cổng vào, vài người trốn nắng, nằm nghỉ trên ghế băng. Hôm nay trời cao trong xanh, nắng ấm chói chang, nhiệt độ ngoài xe lên đến 29°. Toàn khu vực tưởng niệm sạch sẽ, cây cối, thảm cỏ được cắt xén gọn gàng, chứng tỏ có bàn tay người chăm sóc.
Khu vực hai ngôi mộ, hình khối đá đen, ngay nơi Nguyễn Thái Học và các đồng bạn bị hành quyết bằng máy chém, được bao bọc bởi một kiến trúc hình bán nguyệt, biểu tượng cho vành khăn tang, có 17 trụ tượng trưng cho 17 người đã hi sinh. Trên vòng bán nguyệt có viết câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học „Không thành công cũng thành nhân“.
Một tấm bia bằng đá đen rất to, dựng trên cao, phía bên tay trái, ghi tên của các liệt sĩ bị xử tử trong hai ngày, bốn vị trong ngày 08.05.1930 và mười ba vị trong ngày 17.06.1930. Đó là các anh hùng liệt sĩ Phó Đức Chính, Bùi Tử Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạc, Đào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiểm, Đỗ Văn Xứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoàng và Nguyễn
Thái Học, người cuối cùng lên máy chém. Phía bên tay phải là một khối đá đen, trên khắc hàng chữ to: “CHẾT VÌ TỔ QUỐC CHẾT VINH QUANG”.
Khối tượng với năm nhân vật, người đứng giữa và đứng đầu là Nguyễn Thái Học, tạc rất đẹp, toát vẻ oai hùng. Yên Bái đã dành cho Nguyễn Thái Học và những người đã hy sinh một sự
tưởng niệm xứng đáng. Còn Cô Giang, Cô Bắc ?

Bên trái của đài tưởng niệm là khu lăng mộ, nơi 17 chiến sĩ của Việt Nam Quốc Dân đảng lên máy chém năm 1930 tại Yên Bái. Photo: Mathilde Tuyết Trần, Yên Bái 2011
Nếu không đến nơi đây thì tôi không biết Yên Bái cũng là quê hương của chè miền Bắc. Trên đường về lại Tuyên Quang, chúng tôi để ý tìm mua trà Suối Giàng, đặc sản của Yên Bái. Ngang qua cây số 17 trên tuyến đường Thịnh Hưng, Yên Bình, anh tài chợt thấy thoáng một tấm bảng đề „Đại lý chè Suối Giàng“, vội vàng thắng gấp, lùi lại, để tôi mua mấy gói trà đem về làm kỷ niệm. Cửa hàng của chị Nguyễn Thị Lập gồm nhiều quầy hàng hóa bầy ngay trước cửa nhà mở rộng, trên hiên nhà. Chị rất vui vẻ niềm nở mời chúng tôi uống trà. Tôi được dịp ngắm một ngôi nhà cổ, khang trang của chị chủ đại lý. Đó là một ngôi nhà mà kiến trúc và nội thất đều theo truyền thống.
Mái ngói âm dương, cột kèo bằng gỗ quí, chắc chắn, ba gian hai chái, thấp nhưng dài và rộng, trong nhà lại có cả trần nhà, vách ván gỗ quét sơn mầu xanh. Gian bên trái là phòng ngủ với giường có đình màn màu hồng, trên trải chiếu, không có nệm, chăn gối xếp gọn ở đầu giường, gian giữa có án thờ, hoành phi, câu đối và bàn ghế tiếp khách, gian bên phải là phòng ăn, có tủ búp phê, máy truyền hình, radio, máy nghe nhạc, một bộ bàn ghế ăn tám chỗ ngồi. Ở miền Việt Bắc, một ngôi nhà như thế là khá giả, lại sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, là ít thấy.
Trên đường về, xe lướt qua những đồi chè Yên Bái tròn tròn, thoai thoải, chưa hái, còn xanh mướt. Mầu xanh lá cây non của đồi chè nằm trên một độ cao hơn 1.700 mét so với mặt nước biển và mầu bầu trời xanh lơ, cộng thêm màu nắng chiều còn hanh hanh vàng đẹp như một bức tranh vẽ, dịu mắt. Khi qua cầu Trung Hà, nối hai bờ sông Đà của địa phận Phú Thọ với địa phận Ba Vì, anh tài kể là sông Đà xưa kia rất hung dữ, thường gây lụt lội, nhưng từ ngày có thủy điện Hòa Bình thì lòng sông hẹp lại, sông trở nên hiền hòa hơn, đỡ khổ cho dân. Không biết anh có còn nhớ sự tích Sơn Tinh – Thủy Tinh và núi Tản – sông Đà không?
„Núi cao sông hãy còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen“.
Trước khi trở về lại trung tâm thành phố Tuyên Quang, chúng tôi ghé cơ sở tắm nước suối khoáng nóng Mỹ Lâm, theo sự giới thiệu của công ty du lịch, phải đi tắm nước suối nóng trong bồn, trong nhà tắm, để thư giãn. Đến nơi, suối cũng không còn, không thấy suối đâu, hỏi thăm thì suối đã bị lấp, chỉ thấy có một cái nhà nhỏ trong chứa một cái máy bơm to đang gầm gừ ầm ầm, bơm nước từ lòng suối lên, và những nhà tắm, nhà cầu mà chúng tôi sợ hãi về tình trạng vệ sinh rất yếu kém, không dám bước vào…
PS: Thái Nguyên không nên dùng khái niệm “Chè Thái” vì ở nước ngoài người ta nhầm lẫn và liên tưởng ngay đến Thái Lan (người Thái, hàng Thái…đều ý chỉ gốc tích của Thái Lan) !
Bạn bấm vào hình để xem hình to theo nguyên bản đưa lên mạng !
Tôi nhất định phải xem tận mắt cột mốc số 0 nơi sông Lô chảy vào địa phận Việt Nam và ao ước đó đã được thực hiện. Dòng sông Lô nước xanh như ngọc ! Photo: Mathilde Tuyết Trần, sông Lô 2011
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.