Du lịch 2014-2030: Ngành kinh tế trọng điểm quốc gia của nước Pháp
Du lịch 2014-2030: Ngành kinh tế trọng điểm quốc gia của nước Pháp
© Mathilde Tuyết Trần, France 2014
Dù nước Pháp đã đi vào quỹ đạo thoái hóa kinh tế từ năm 2008, ngành du lịch luôn được đánh giá là một mũi nhọn kinh tế bậc nhất nước Pháp vì nó là đòn bẩy kinh tế cho nhiều lãnh vực khác như sản xuất/tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng, xa xí phẩm (nước hoa, thời trang, nữ trang, xe hơi, đồng hồ đeo tay…) hay kinh tế văn hóa (phim ảnh, kịch nghệ sân khấu, âm nhạc…), và tuy những nhà đầu tư nước ngoài tìm phương cách mua đứt những cơ sở kinh tế du lịch nổi tiếng của Pháp như khách sạn sang trọng, danh tiếng hay tiệm ăn, ruộng nho để đem lợi nhuận về cho nước của họ.
Năm 2007 doanh thu của ngành du lịch chiếm 6,2% tổng sản lượng quốc dân (PIB, produit intérieur brut), số lượt khách lên đến 82 triệu (đứng hạng nhất trên thế giới, dù so về doanh thu thì đứng hạng ba sau USA và Tây Ban Nha), 114 triệu khách du lịch nước ngoài theo dạng „transit“ (không ngủ lại đêm), gộp chung 196 triệu lượt người thăm nước Pháp (so với con số lượt người du lịch trên toàn thế giới là 900 triệu lượt), mua sắm và đem lại công ăn việc làm cho gần 900.000 người.
Trong thời gian này nước Pháp có khoảng 5,6 triệu giường cho khách du lịch, không tính đến những nơi cắm lều ngủ và những phòng cho thuê riêng lẻ của tư nhân. Nếu tính tất cả những khả năng „ngủ qua đêm“ cho du khách từ khách sạn loại „cung điện“, 5 sao, cho đến nhà trọ thanh niên (auberges de jeunesse), nơi cắm lều (campings), phòng trọ tư nhân (chambres d’hôtes)…thì con số này lên đến 18.458 chỗ ngủ trên toàn nước Pháp, đặc biệt dọc theo các vùng ven biển và vùng núi Alpes ! Hai tháng du lịch trọng điểm tại Pháp là tháng 7 và tháng 8 trong năm. 1
Cuối năm 2012, cơ quan Du lịch thế giới OMT (Organisation mondiale du tourisme) phấn khởi thông báo con số 1 tỷ lượt người đi du lịch đã được vượt qua, ngành du lịch thế giới tăng trưởng từ 3,5% lên 4% . 2
Báo chí Pháp đang phát huy một chương trình mới gồm 30 điểm của chính phủ Pháp công bố hôm nay (19.06.2014) để triển khai lãnh vực kinh tế „Du lịch“ được đánh giá là „ưu tiên quốc gia“, trong hy vọng sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng, với viễn tượng 2 tỷ lượt khách du lịch thế giới sẽ được thực hiện từ đây cho đến năm 2030. Mục đích của nước Pháp là cố gắng vượt mức doanh thâu du lịch của Tây Ban Nha (hàng thứ hai thế giới).
Doanh thu du lịch hiện đang chiếm 7,3% của tổng sản lượng quốc dân Pháp, một con số đáng kể, vì thống kê năm 2013 cho thấy tổng sản lượng quốc dân (PIB) của nước Pháp là 1.831, 7 tỷ euros (65,4 triệu dân) 3.
Các chính khách đã có nhận định rằng, ngành du lịch là một ngành không thể „dời“ đi đâu được (ai muốn ngắm tháp Eiffel thì phải đến tận Paris) và nếu nước Pháp thu hút được thêm 5% của sự tăng trưởng thêm một tỷ người đi du lịch cho đến năm 2030 thì sẽ tạo được thêm 500.000 công ăn việc làm, hầu có thể đưa con số người phục vụ trong ngành du lịch lên thành 2 triệu người.
Chương trình 30 điểm hành động, không chỉ nhắm đến việc tăng các hoạt động tiếp thị (marketing) đưa du khách vào Pháp, bán các chương trình du lịch, mà bao gồm thêm vấn đề đón tiếp du khách sao cho thuận lợi hơn, lịch sự hơn, vấn đề an ninh cho du khách và nhất là trợ giúp cho chính công dân Pháp có thêm khả năng „tiêu thụ“ du lịch.Cho đến giờ, phong cách tiếp đón khách du lịch tại nước Pháp được đánh giá là chuyên nghiệp nhưng khá lạnh lùng. Năm vừa qua, Paris cũng bị mang tai tiếng về những vụ cướp giật du khách, nhất là đối với du khách châu Á.
Tháng hai vừa qua, một liên kết mới trong lãnh vực du lịch đã được thành lập mang tên là „Alliance 46.2“ (ý chỉ tọa độ địa lý của nước Pháp), gồm có các cơ sở phục vụ du lịch như nhóm Accor, phi trường Paris, Club Méditerranée, Elior, Euro Disney, nhóm thương mại les Galeries Lafayette, Kering, Groupe Lucien Barrière, Pierre & Vacances-Center Parcs, công ty đường sắt quốc gia SNCF…sẽ tham dự vào chương trình hành động mới của chính phủ Pháp.
Những điểm đến hấp dẫn nhất nước Pháp theo thống kê sau cùng của năm 2012 là:
1. Disneyland Paris |
16,0 triệu khách |
2. Bảo tàng Louvre |
9,4 |
3. Lâu đài Versailles |
7,3 |
4. Tháp Eiffel |
6,3 |
5. Bảo tàng nghệ thuật đương đại Centre Pompidou |
3,8 |
6. Bảo tàng Orsay |
3,6 |
7. Trung tâm khoa học La Villette |
2,6 |
8. Bảo tàng quốc gia lịch sử thiên nhiên Paris |
2 |
9. Khu vườn tương lai Poitiers |
1,7 |
10. Triển lãm quốc gia Grand Palais, Paris |
1,5 |
Bảng xếp hạng trên đây nói lên hai yếu tố quan trọng, thứ nhất là các thành viên trẻ trong một gia đình (trẻ em, trẻ vị thành niên) có ảnh hưởng rất lớn lên cha mẹ trong việc chọn lựa điểm vui chơi giải trí, và thứ hai là sự khó khăn khá lớn của những điểm đến khác, không kém hấp dẫn về văn hóa, lịch sử và phong cảnh của nước Pháp, để đem khách du lịch về khu vực của mình. Khu vực Paris vẫn là khu vực thu hút khách du lịch nhiều nhất, thứ đến là vùng núi Alpes cho mục đích trượt tuyết mùa đông.
Tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất vẫn là mức giá cả. Tổng kết cuối năm 2013 cho thấy Disneyland Paris cũng bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, mất 7% số thâu và chỉ còn lại 14,9 triệu khách (giảm nặng trong thành phần khách du lịch nội địa và khách đến từ nước Ý và nước Tây Ban Nha). Thay vì giảm giá thì họ lại quyết định tăng giá, để lựa chọn thành phần du khách giầu có đến từ các nước Anh, Đức, Nga… Giá vé vào cửa rẻ nhất cho người lớn và trẻ con hiện nay là 46€/1 ngày. (Le Figaro, 07.11.2013).
Định nghĩa của chuyên gia du lịch Pháp rằng „một cuộc“ du lịch là những cuộc „di chuyển với một mục đích nào đó trong một thời gian tối thiểu là 24 giờ đồng hồ“, cho thấy rằng, khi nói đến du lịch là nói đến ba yếu tố quan trọng: yếu tố di chuyển, yếu tố mục đich, và yếu tố thời gian, nôm na là đi đâu/ở đâu, làm gì/muốn gì và bao lâu ?
Khai triển ý kiến này và kết hợp với tâm lý của người đi du lịch, thì sự lựa chọn của khách du lịch tùy thuộc nhất thiết vào ba ưu tiên sau đây, dẫn theo các vấn đề liên quan:
- Khu vực du lịch „điểm đến“: phương tiện chuyên chở và môi trường (an ninh, y tế sức khỏe, ngôn ngữ, tiếp đón, an toàn ẩm thực, ô nhiễm không khí, nước uống, tiếng động)
- Mục đích du lịch: mục đích du lịch chi phối các chủ đề du lịch, mà các chủ đề du lịch chính là những trọng điểm tiếp thị không thể bỏ qua, mỗi mục đích và chủ đề đòi hỏi những sự thiết kế khác biệt về cơ sở và dịch vụ. Các công ty thuộc lãnh vực du lịch tại Pháp đều cố gắng thăm dò ý kiến và yêu cầu của du khách để đầu tư cho đúng. Có thể kể ra: du lịch công vụ, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch núi, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch thể thao, du lịch đi bộ đường dài, du lịch xe đạp, du lịch xe mô tô, du lịch gia đình trẻ nhỏ, du lịch cưới, tuần trăng mật…
- Thời gian du lịch: trung bình du khách lưu lại một nơi ngắn nhất là 1 đêm, trung hạn là từ 1 đến 3 đêm, dài hạn là trên 4 đêm. Sự ấn định thời gian này chi phối đến việc thiết kế giá du lịch, cũng là một phương cách tiếp thị ưu tiên, giảm giá (khuyến mãi) tùy theo thời gian du lịch để đem khách về.
Nhìn về du lịch Việt Nam thì thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết là năm 2013 có 7.572.352 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong số này có luôn cả những chuyến về thăm nhà của thành phần gọi là „Việt kiều“, chỉ tiêu doanh thâu du lịch là 200 tỷ đồng, tương đương với 10 tỷ đô la Mỹ. So với thu nhập của nước Pháp trong lãnh vực du lịch thì thật là quá ít ỏi.
Việt Nam là một đất nước giầu đẹp về thiên nhiên, phong cảnh, có con người cần cù chịu thương chịu khó, còn nhiều khả năng khai thác, nhưng theo thiển ý và kinh nghiệm thu thập của tôi, những cố gắng hiện nay về du lịch còn có vài điểm cơ bản cần phải được sửa chữa rất cấp bách, thay vì đầu tư vô ich vào những gương mặt đại sứ du lịch đầy giả tạo và không chuyển tải được một sự thuyết phục nào đối với du khách:
- Vấn đề vệ sinh môi trường: cấp bách nhất là vệ sinh nhà cầu tại các nơi du lịch phải thật sạch sẽ, và thu dọn rác rưởi, không xả rác, không khạc nhổ bừa bãi.
- Vấn đề phong thái tiếp khách: không cãi nhau tay đôi, sừng sổ với khách du lịch, không tỏ vẻ khinh khi khách du lịch (phân biệt đối xử với khách đoàn, khách lẻ, khách đeo ba lô…), cần thiết nhất là sự giúp đỡ cấp tốc, cụ thể và kịp thời khi khách du lịch bị tai nạn, cướp giật, mất giấy tờ và mất tiền bạc, nhiễm trùng, đau ốm…
MTT.
Chú thích:
1. Marie-Anne Le Garrec: Le tourisme, un secteur économique porteur, Le tourisme en France, édition 2008
2. Reuters, La barre du milliard de touristes en 2012 franchie, ngày 12.12.2012
3. Thống kê của Banque de France, Ngân hàng quốc gia Pháp Sources : Eurostat, Commission européenne, ngày 12.06.2014
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.