Thái Bình xưa và nay
Thái Bình xưa và nay * – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2014
Tôi sinh ra và lớn lên ở Saigon hoa lệ, ra đi từ nơi ấy, tất nhiên vẫn nghĩ nơi ấy là quê mình, không bao giờ phai nhạt, về quê về nhà là về nơi ấy. Nhưng đến cuối đời, khi bước vào cái tuổi lục thập nhi nhĩ thuận, vào thế kỷ thứ hai mươi mốt, tôi mới khám phá ra là tôi còn quê mẹ quê cha quê ông quê bà ở những nơi khác trên mảnh đất Việt Nam rộng lớn. Một nơi ấy là Thái Bình.
Đầu tiên hết, nghe đến hai chữ Thái Bình là tôi nghĩ ngay đến Nguyễn Công Trứ mà tôi đã học thời trung học, người đã chiêu mộ dân nghèo đắp đất đắp đê lấn biển lập ra huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) vào đầu thế kỷ thứ 19. Nhưng tôi ngạc nhiên hơn hết khi biết quê tôi Thái Bình cũng chính là quê hương nhà vợ của Triệu Đà. Sau khi đã về thăm Cổ Loa hai lần, tôi mới chợt biết, đúng như cậu em tôi là một nhà giáo văn học đã nói vui, hóa ra “ông” An Dương Vương ở Cổ Loa đánh nhau với “ông” Triệu Đà ở Thái Bình, cách nhau chẳng bao xa, chỉ có mấy chục cây số! Lịch sử nước Việt từ thời rất xa xưa, hơn cả hai ngàn năm, trở nên rất gần gũi sau chuyến tôi đi thăm Cổ Loa và Thái Bình! Nghĩ lại, tôi “chê” các nhà viết sử ngày xưa “dở” quá, cứ làm cho hậu sinh tưởng là những nền đất lịch sử là ở đâu đâu, xa xôi ngàn dặm như không có thực, vì họ thường ấn định thời gian năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, còn không gian thì không có thước đo, đi bộ đeo tay nải qua khỏi cổng làng thì đã là đi xa ! Không gian nhà quê miền Bắc hôm nay vẫn còn đậm đà dấu ấn ngày xưa, ao, hồ, cầu nhỏ, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, đền, chùa, nhà thờ, thôn, xóm, gốc đa, cây si, bụi tre, khóm chuối, con đò cô đơn…Cậu em tôi kể, lần má tôi về quê lần thứ nhất sau khi đất nước lại được thống nhất, cả nhà, cả làng háo hức, sôi nổi, chờ đón bà bá từ Sài Gòn ra Bắc, xa cách nhau đã gần 50 năm, nửa thế kỷ ! Đừng nói chi đến việc một đứa con gái của gia đình từ Pháp với người chồng “Tây” về thăm !
Tết Giáp Ngọ cận kề, nên tôi phải tranh thủ thời gian, sợ kẹt xe kẹt người, về quê sớm. Trước Tết một tuần, sau Tết một tháng là không đi đâu được cả, phần thì xe cộ khó khăn, phần thì đầu năm có nhiều kiêng cữ. Làng quê tôi cách làng Đồng Xâm không xa chi mấy, nên không thể không về thăm Đồng Xâm, nổi tiếng về chạm bạc, đúc đồng. 1)
Đền Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) là nơi thờ bà Trình Thị hoàng hậu, vợ của Triệu Đà, và ông Nguyễn Kim Lâu, tổ nghề chạm bạc. Vậy, Triệu Đà (207-137 trước Công nguyên) là địch hay là ta ? là giặc ngoại xâm hay một ông vua có công lập quốc ở đất Thái Bình ? Triệu Đà đồng hóa ta, hay bị ta đồng hóa ?
Cuốn Tài liệu địa chí Thái Bình cho biết Triệu Đà là người gốc huyện Trực Định bên Tàu, được nhà Tần phong làm Nam Hải Úy, sau tự xưng là Nam Việt Vương. Đến khi vua nhà Hán lên ngôi, thì Triệu Đà tự xưng là Triệu Vũ Đế, được vua Hán ban cho một cái búa sắt (Thiết Việt) giao cho cai quản địa phận Giao Châu, lỵ sở đóng ở Quảng Đông. Khi đi tuần tra, đến xứ Cồn Bông thì lấy con gái nhà họ Trịnh, Trịnh Lan Nương, nhan sắc chim sa cá lặn, tài giỏi hát hay, làm vợ, rồi đổi tên Cồn Bông thành Đường Thám (hay Đồng Thám, Đường Thâm), đổi tên huyện theo tên quê gốc thành huyện Trực Định. Hiện nay ở xã Đồng Thám huyện Chân Định còn miếu thờ Triệu Vũ Đế. Ngôi đền Đồng Xâm do Triệu Vũ Đế xây dựng năm 214 trước Công nguyên, chiếc búa sắt còn được thờ ở đền, nhưng miếu là chính từ. Họ Triệu cai trị được gần một trăm năm (207-111 trước Công nguyên), trải qua 5 đời vua trị vì. Trong tâm thức dân gian, Triệu Đà, tương truyền mất năm 137 trước Công nguyên, thọ 120 tuổi, còn được dân tôn là “Thánh Ông” vì công đức chống lại nhà Hán, mở mang đất đai sinh sống, chăm lo cho dân, thờ ở nhiều đền khác như các đền Thụy Lũng, Mai Chử, Thịnh Quang, Văn Hanh, Vũ Đại, Trực Tầm (Thái Bình) và ở nhà thờ tổ dòng họ Triệu, Đồng Xâm.
Khu đền Đồng Xâm nằm bên bờ sông Vông (sông Đồng Giang), tương truyền khi xưa là nền hành cung của Triệu Vũ Đế, làm bằng gỗ đã bị hủy hoại theo thời gian, được xây dựng lại bởi nhân dân của 13 làng (1920-1925) theo kiến trúc của triều Nguyễn, là một quần thể đúng phong cách bậc đế vương gồm có nhà thủy tạ, tả vu, hữu vu, sân đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, điện hậu cung, tòa Các Lâu, chùa Kim Tiên, đền thờ Tổ Nguyễn Kim Lâu, đền thờ Bà, chùa Thượng Hòa. Hai bức tượng Triệu Vũ Đế và Trình thị hoàng hậu to bằng kích thước người thường đều được đúc bằng đồng khảm vàng, khảm bạc, đặt trong “khám” ở Hậu Cung.
Bà Trịnh thị được dân thần thánh hóa thành Thánh mẫu, có đền thờ riêng gọi là đền Bà bên cạnh chùa Thượng Hòa ở thôn Thượng Hòa, làng Đồng Xâm, ngày giỗ là ngày 20 tháng 12 âm lịch. Tương truyền bà là một ca nữ tài giỏi và đã “để lại một dấu ấn trong lễ tục hát ca trù đó là lễ Chầu Cừ ngày giỗ Triệu Đà, mồng 6 tháng 8 âm lịch hàng năm ở đền Đồng Xâm, một nghi lễ hát thờ rất trọng thể”. 2)
Về Đồng Xâm một ngày mưa dầm dã, khá lạnh, ai nấy đều kêu rên “rét quá! rét quá”. Tôi mặc áo len mà sương lạnh ẩm thấm ướt vào len buốt hết cả xương sống, vừa đi co ro, vừa tự bảo lần sau về miền Bắc là phải có cái áo chống ẩm.
Xưởng đúc đồng vẫn làm việc bình thường trong mưa rét. Những công nhân làm việc gần đống lửa đốt đồng thì được sưởi ấm. Tiếng búa gõ chạm vang lên vang rền trong xóm. So với làng đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) nơi tôi đã đến thăm hai lần, hay làng đúc đồng ở Huế, thì cơ sở ở làng Đồng Xâm có vẻ sung túc. Nghề chạm bạc ở Đồng Xâm cũng nổi tiếng, được ông tổ nghề Nguyễn Kim Lâu sáng lập từ năm 1429, sản xuất những sản phẩm tinh xảo như trâm, lược, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, hoa tai…, đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng. Gọi là làng nghề vì trong một làng có vài gia đình, thường là cha truyền con nối, làm chủ những “xưởng” nghề chế tạo những sản phẩm tương tự nhau, và mỗi làng đúc đồng có một loạt sản phẩm chủ yếu riêng biệt của mình, như ở Huế thì họ đúc chuông chùa, tượng Phật, ở Đại Bái thì song sắt cửa, ở Đồng Sâm thì hoành phi, phù điêu, mặt trống đồng, bình hoa, đỉnh vạc…các loại đồ đồng thờ cúng thì hầu như nơi nào cũng có đúc, nhưng mức độ tinh xảo khác nhau.
Tôi cũng đến thăm làng Nam Huân nơi chuyên làm vó lưới cá, một nghề truyền thống của làng biển Thái Bình. Cách đây khoảng 500 năm có một người phụ nữ quê ở Phú Xuyên, Hà Tây lấy chồng ở Kiến Xương, truyền nghề làm vó cá cho dân làng. Hiện nay bà vẫn còn được thờ cúng là “bà Tổ gai vó”. Thời xưa vó cá làm bằng sợi gai, phải trồng gai, tước sợi gai để đan vó cá. Bây giờ thì các ruộng gai đều không còn nữa, vó và lưới cá đều được làm bằng sợi ny lông. Ba, bốn gia đình họp nhau thành một “xưởng” sản xuất hoàn toàn thủ công. Các sản phẩm như vó, lưới, võng, giỏ đựng trứng vịt… đều hoàn toàn được đan, thắt, may bằng tay. Các ngón tay chai cứng vì đan vó lưới. Nhưng các gia đình cũng xây được nhà lầu bằng gạch, bê tông, sàn lát gạch hoa, có nhà tắm đặt máy nước nóng, sạch sẽ, tiện nghi hơn thời xưa. Tôi có cảm giác, nhà quê miền Bắc bây giờ có không khí giống như các quận vành biên Saigon thời tôi ra đi du học, hoạt động nhưng yên tĩnh, chòm xóm láng giềng giao lưu thân thiết với nhau. Đường đi trong các làng hầu hết đã là đường tráng xi măng hay lát gạch, ra đến ven ruộng mới là đường đất cỏ mọc. Các ao hồ thiên nhiên cũng được “nắn” lại, lấp bớt một ít để làm đường vào xóm, vì đường vào xóm từ xưa thì nhỏ hẹp, bây giờ bề ngang một xe hơi qua không lọt, các làng xóm ngày xưa thì tất nhiên được thành lập gần ao, hồ để có nước ăn uống, tắm rửa…, nhà nào cũng có thêm giếng nước riêng, bây giờ thì nhiều làng bắt đầu có ống dẫn nước sạch về làng.
Càng được đi thăm nhiều nơi, thăm nhiều làng nghề ở vùng nông thôn, xa hẳn các thành phố lớn, tôi mới được thấy là các làng nghề, trồng cây cỏ rau củ thực phẩm hay sản xuất một mặt hàng thực dụng nào đó…là các đơn vị kinh tế nhỏ nhất và tự lập tự túc nhất trong nền kinh tế chung của cả nước. Người làng nghề sống rất khiêm tốn, rất giản tiện, đến nỗi không dám có một chậu than hồng hay một cái quạt nóng để sưởi ấm cho mùa đông. “Bật một cái bóng điện cho sáng là đã xa xỉ lắm rồi”, họ thức với mặt trời, đi ngủ với mặt trăng, tiếng gà gáy báo hiệu giờ. Vốn liếng là đống vật liệu đã mua. Hầu như rất ít cơ sở làng nghề truyền thống được nhận trợ cấp để duy trì và phát triển thêm.
Tuy thế, mỗi khi tôi về thăm Nam Huân, đàn gà thấy tôi thì “hãi” lắm, vì thế nào cũng có một cô gà mái, một chú gà trống bị chủ nhà cắt cổ hóa kiếp để đãi khách. Gà nhà quê thả rong, ăn thóc, nên thịt đậm mầu, rất ngon, ngọt. Những bầy vịt trắng nuốt, bơi thong dong ngoài đồng làm cho những ai thèm ăn phải trầm trồ khen ngợi, ô, vịt, ngon quá, dù đang lướt băng băng trên đường.
Trên đường về tôi thầm nghĩ, cho dù các nhà sử học chân chính có cho rằng Triệu Đà là kẻ ngoại xâm, nhưng sự việc thờ cúng và tổ chức lễ hội Triệu Đà và Trình thị hoàng hậu hàng năm với đông đảo dân làng tham dự trải qua bao nhiêu là thời gian đến tận bây giờ là một việc làm tự nguyện, từ “lòng dân” mà ra, nên chính sử trên sách vở và ngoại sử, dã sử, truyền thuyết văn hóa dân gian trên thực tế lại là một việc khác. Lòng dân rộng rãi, khoan dung hơn. Sự kiện thờ cúng từ cả mấy trăm năm nay một người đã truyền dạy cho một nghề tay chân, tay làm hàm nhai, như thờ bà Tổ gai vó, hay ông Tổ Nguyễn Kim Lâu, một việc thờ cúng phổ biến ở miền Bắc, và cho dù được thêu dệt thêm vẻ hoang đường huyền bí để làm tăng thêm sự quan trọng của nhân vật được thờ cúng, nói lên lòng biết ơn sâu sắc, sự chứng nhận công lao của bao nhiêu thế hệ con cháu tiếp tục nghề ấy, mà không có cái „mảnh bằng“ giấy nào hiện nay sánh được. Trong lịch sử, thật không có gì bền hơn là được lòng dân, chính là mùa xuân của dân tộc. MTT
Chú thích:
* Bài viết này đã được dịch sang tiếng Anh, xuất bản bởi cơ quan Thông tấn Việt Nam, Outlook – Viet Nam News, số 124 tháng 2.2014.
1) Các đơn vị hành chính Việt Nam hiện nay gồm có các phân cấp: Cấp 1 là Tỉnh và thành phố, cấp 2 là quận, huyện, thị xã, cấp 3 là xã, thị trấn, phường. Dưới làng xã là thôn, xóm, có tính chất tự quản, dân bầu ra trưởng thôn để điều hành mọi việc hành chánh của thôn.
2) Theo Trần thị Vân Anh, Nhóm truyền thuyết và lễ hội Đồng Xâm, Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình, Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, Hà Nội 2008
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.