Quan Vũ, một vị thần đa dạng
Quan Vũ : một vị thần đa dạng
Nguyễn Phụng (Paris 2005)
Lời giới thiệu
Người viết những dòng chữ này có may mắn nhiều lần sang Trung Quốc và có dịp tham quan các miếu của Quan Vũ ở nhiều nơi như 2 miếu Giải Châu và Thường Bình ở Vận Thành tỉnh Sơn Tây, miếu Quan Lâm ở ngoại ô Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam, miếu Quan Lăng ở Đương Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ngoài ra, ông cũng có viếng thăm những nơi có thờ Quan Vũ ở Lhassa Tây Tạng, Gia Dụ quan tỉnh Cam Túc, Ðiền Trì ở Côn Minh tỉnh Vân Nam, miếu lão giáo Bạch Vân quan ở Bắc Kinh vv…
Ở Trung Quốc nếu Khổng Tử 孔子 được tôn thờ như một vĩ nhân trong văn hóa thì Quan Vũ 关 羽, 160-219 hay Quan Công được tôn thờ như một vị thần đa dạng trong dân gian. Quan Vũ không những được các vua chúa phong thánh đế vương mà còn được Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo tôn sùng ngưỡng mộ. Dân chúng theo đó tôn thờ Quan Vũ ở khắp nơi trong và ngoài nước. Nếu lòng trung tín thủy chung của Quan Vũ hay đúng hơn tư tưởng trung quân đặc biệt thích hợp cho nhu cầu trong thời kỳ phong kiến được đề cao thì trái lại ít người biết vì sao Quan Vũ cũng được tôn sùng như một thần bảo vệ Phật đường và cung điện vua chúa, thần giữ cửa trừ ma quỉ hay một thần tài cho giới thương buôn hoặc là một anh hùng trong các truyện.
Quan Vũ được xem là một tướng tài trong truyện Tam quốc chí nhưng không phải là một nhà mưu lược như Khổng Minh Gia Cát Lượng, 诸 葛 亮, 181-234. Việc Quan Vũ bỏ thành Kinh Châu 荆 州 đi đánh Phàn Thành 樊 城 của Tào Tháo, 曹操, 155-220 và bị Lữ Mông, 吕 蒙, 178-219, một tướng của Tôn Quyền, 孙 权, 182-252 phục kích bắt sống và giết sau đó chứng tỏ ông không có mưu trí.
Cái chết đột ngột của Quan Vũ cũng làm Lưu Bị, 刘 备, 161-223 buồn nản và sau đó không lâu cũng chết theo.
Chúng ta hãy thử làm môt giải thích đơn giản về việc hai người được dân chúng Trung Hoa tôn sùng ngưỡng mộ. Khổng Tử là một nhà hiền triết và một triết gia lớn. Tư tưởng của Khổng Tử không những là nền móng của lý thuyết về tổ chức xã hội theo thứ bậc mà còn là mô hình của nguyên tắc đạo lý của Trung Hoa phong kiến trong 25 thế kỷ. Những lời giáo huấn của Khổng Tử được các đệ tử làm canh tân lại và được nhiều nước Á Châu đem ra áp dụng. Trong khi đó, Quan Công chỉ được tôn sùng vì lòng chung thủy và tính can đảm. Nhưng lòng chung thủy của Quan Công được mô tả trong tiểu thuyết của La Quán Trung gắn liền với một vị vua phong kiến, không còn thích hợp với trào lưu hiện đại. Các mặt khác của Quan Công, đối với người phương Tây, chỉ thuộc về mê tín dị đoan.
Trong bài viết này, chúng ta hãy tìm hiểu lý do vì sao Quan Vũ được người Trung Hoa tôn thờ ngưỡng mộ như một thánh nhân.
Đời niên thiếu và binh nghiệp của Quan Vũ
Quan Vũ hay Quan Công sinh năm 160 vào thời vua Hoàn cuối đời Ðông Hán và chết năm 219 SCN. Quan Vũ sinh ở làng Thường Bình 常 平 trấn Giải Châu 解 州 thị xã Vận Thành 运 城 tỉnh Sơn Tây 山 西. Xuất thân từ người làm thợ rèn, Quan Vũ con người cao lớn, diện mạo uy nghi, có sức khoẻ phi thường và võ nghệ siêu cường. Nhưng cũng theo một truyền thuyết khác, Quan Vũ là người buôn bán đậu hũ hơn là người làm thợ rèn. Lúc Quan Vũ lên 8 tuổi, vua Hoàn băng hà, hoàng hậu họ Ðấu 窦 lên cầm quyền và năm sau đưa vua Linh đế 灵 帝 Lưu Hoành 刘 宏 lên ngôi. Năm 177, Quan Vũ kết hôn với Hồ Nguyệt 胡 玥 và năm sau sinh ra Quan Bình 关 平.
Lúc lên 19 tuổi, Quan Vũ nổi tiếng là người bảo vệ kẻ yếu và người nghèo chống lại bất công cường quyền. Tương truyền trong làng ông có một cường hào được mệnh danh là “hổ viên ngoại” thường hà hiếp dân gian nghèo khó, bắt buộc dân làng phải mua nước uống của ông ta. Có lần tên viên ngoại này bỏ bùn dơ bẩn vào nước. Quan Vũ lên cơn phẫn nộ liền giết tên viên ngoại và bỏ làng trốn đi lang thang đến huyện Trác Châu 涿 州 ở Hà Bắc. Chính tại nơi đây Quan Vũ đã gặp Lưu Bị và Trương Phi, 张 飞, ?-221 và ba người cùng kết nghĩa ở vườn đào.
Nhưng cũng theo một truyền thuyết khác, Quan Vũ, lúc 25 tuổi, giết Lữ Hùng, 吕熊 một quận trưởng ác ôn tác quái dân lành và bỏ trốn trong gần 5 năm ở Trác châu. Năm 188, Quan Vũ xin đầu quân chống giặc Hoàng Cân (giặc khăn vàng) và gặp Lưu Bị và Trương Phi. Từ đó trở đi, Quan Vũ theo Lưu Bị đi nhậm chức nhiều nơi và trở thành một trong năm tướng tài của Lưu Bị sau này.
Trong lịch sử huyền thoại của Trung Quốc, Quan Vũ được miêu tả, qua các thời đại, là một anh hùng trong các truyện và các bi kịch. Theo một truyền thuyết, trong những ngày cuối cùng của nhà Hán, khi liên quân của Viên Thiệu, 袁 绍, ?-202, Tào Tháo và Lưu Bị đem quân chinh phạt Đổng Trác, 董 卓). Hoa Hùng 华 雄, một tướng của Đổng Trác, đã thành công giết một số tướng lãnh của liên quân. Trước tình trạng nguy ngập, Quan Vũ được thỉnh mời xuất trận. Trước khi xuất trận, Tào Tháo tặng Quan Vũ một chén rượu nóng. Quan Vũ để chén rượu trong trướng, xung ra đánh một trận với Hoa Hùng. Khi Quan Vũ trở lại trại với thủ cấp của Hoa Hùng, rượu vẫn còn ấm. Câu truyện còn để lại trong dân gian được gọi là “Ôn tửu trảm Hoa Hùng, 温 酒 斩 华 雄”. Vào năm 200, Lưu Bị và Tào Tháo lại đánh nhau. Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại và Quan Vũ bị Tào Tháo bắt. Vì thán phục võ nghệ của Quan Vũ, Tào Tháo không những không giết mà còn chiêu dụ đầu hàng cùng biếu tặng phẩm. Để thuyết phục Quan Vũ từ bỏ lòng trung thành với Lưu Bị, Tào Tháo phong chức Hầu (marquis) cho Quan Vũ nhưng Quan Vũ vẫn một mực trung thành với Lưu Bị. Do đó có câu “Thân tại Tào doanh, tâm tại Thục Hán, 身 在 曹 营 心 在 蜀 汉” còn lưu truyền để ám chỉ lòng thủy chung của Quan Vũ với Lưu Bị. Sau đó, chiến tranh tái phát giữa Tào Tháo và Viên Thiệu, quân Tào ở thế yếu vì hai tướng Nhan Lương, 颜 良 và Văn Xú, 文 丑 của Viên Thiệu rất hùng mạnh. Để tỏ lòng biết ơn Tào Tháo, Quan Vũ xuất trận và chém hai tướng này. Khi quân sĩ cho biết Lưu Bị còn đang thất lạc, Quan Vũ lập tức trả tặng phẩm cho Tào Tháo và lên ngựa đi tìm Lưu Bị. Quan Vũ một mình đơn thân độc mã trên đất Tào, bốn bề bị vây chặt. Để tìm lối ra, Quan Vũ phải đánh bại sáu tướng thủ trấn.
Đây có thể nói là cuộc đời binh nghiệp vinh quang nhất của Quan Vũ và được lưu truyền về sau với câu truyện Thiên lý tẩu đơn kỳ hay truyện qua năm cửa chém sáu tướng. Nhưng khi Quan Vũ về tới cổ thành Kinh Châu, đất của Lưu Bị, ông ta bị Trương Phi chận cửa không cho vào vì tưởng rằng Quan Vũ đã về đầu Tào Tháo trong khi quân Tào đang đuổi kịp. Để tỏ sự trung thành với Lưu Bị, Quan Vũ giao tranh với tướng Thái Dương, 蔡 扬 và giết tướng này.
Ngoài ra, những chiến công khác về quân sự của Quan Vũ cũng được lưu truyền cho hậu thế. Trận Xích Bích 赤 壁 là một trận chiến nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc theo đó một quân đội kém về quân số có thể thắng địch thủ hùng mạnh. Trong trận này, liên quân của Lưu Bị và Tôn Quyền đánh bại 830.000 quân Tào. Tào Tháo bại tẩu tìm đường thoát nhưng bốn bề bị bao vây chặc. Đến Hoa Dung 华 容 đạo nơi phục kích của Quan Vũ, Tào Tháo chỉ còn hơn 10 quân mã hoàn toàn kiệt quệ. Quan Vũ nhớ lại ân huệ lúc còn ở doanh trại của Tào Tháo bèn để họ Tào chạy trốn. Ở đây, có người chê Quan Vũ đã phạm một sai lầm lớn về chiến lược chính trị. Tào Tháo sau khi đào thoát tập trung lại quân lực để sau đó trở thành vua trong ba triều đại phân chia Trung quốc trong 60 năm (220-280). Trong dân gian, câu truyện này được gọi là “Hoa Dung đạo nghĩa thích Tào Tháo, 华 容 道 义 释 曹 操”.
Khi Quan Vũ trấn thủ thành Kinh Châu, ông cho quân bao vây Phàn Thành do Tào Nhân, 曹 仁, người anh em họ của Tào Tháo trấn giữ. Tào Tháo gửi tướng Vu Cấm, 于 禁 với bảy đạo quân tới giải vây. Thêm một lần nữa, Quan Vũ với tài dụng binh thần tình, cho nước tràn ngập bảy đạo quân tới cứu viện và bắt sống tướng Vu Cấm. Tuy nhiên, Quan Vũ cũng có chổ yếu là quá tự tin và ngoan cố, bỏ thành Kinh Châu không để người trấn giữ khi đem quân đi đánh Tào Nhân. Tôn Quyền, trước đó không lâu là đồng minh với Lưu Bị, nhưng là người tham lam quyền lực, lợi dụng cơ hội tốt đánh chiếm thành Kinh Châu. Bị bại trận ở Mạch Thành 麦 城, Quan Vũ bị tướng Lữ Mông của Tôn Quyền bắt sống và bị chặt đầu ở Chương Hương 章 乡 nay là thị trấn Đương Dương 当 阳 thuộc tỉnh Hồ Bắc. Tôn Quyền sợ Lưu Bị trả thù, gửi đầu Quan Vũ cho Tào Tháo để Lưu Bị nghĩ rằng Tào Tháo là chủ mưu. Tuy vậy, Tào Tháo nghe lời Tư Mã Ý 司马 懿,179-251 sai quân tạc một hình gỗ trầm hương đem đầu Quan Vũ chấp vào và làm mai táng như một quận công ở ngoại ô của thành phố Lạc Dương 洛 阳, thuộc tỉnh Hà Nam (miếu Quan Lâm 关 林). Tôn Quyền cũng cho chôn thân Quan Vũ và làm mai táng lớn ở Ngọc Tuyền 玉 泉 Đương Dương (miếu Quan Lăng 关 陵). Gần đó, chùa Ngọc Tuyền được xây dựng vào thế kỷ VII để tưởng niệm Quan Vũ hiển thánh vẫn còn cho đến ngày nay mà người viết có dịp viếng thăm năm 2005.
[Về cách gọi mồ mả, người Trung Hoa có một hệ thống chữ viết để phân biệt cấp bực. Lăng 陵dành cho vua chúa, Lâm 林 dành cho thánh nhân hiền triết, Trủng 冢 dành cho vương công và hầu, mộ 墓 dành cho liệt sĩ và phần 坟 dành cho thường dân. Mộ của hai nhân vật Khổng Tử và Quan Vũ được gọi là Khổng Lâm và Quan Lâm].
Quan Vũ được phong thần
Như đã nói trên, vì tư tưởng trung quân của Quan Vũ đặc biệt thích hợp cho nhu cầu trong thời kỳ phong kiến nên Quan Vũ không những được Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo ngưỡng mộ mà còn được các vua chúa kế tiếp phong từ chức này đến chức khác qua các triều đại.
Thời Lưu Bị, Quan Vũ được phong Trung Vũ Hầu. Sang đời Tống, Quan Vũ được phong thêm công, vương và đến đời Minh và Thanh lại thêm ba chức đại đế. Từ một trong ngũ hổ đại tướng quân của đời Thục, Quan Vũ trở thành một thiên thần. Trong lịch sử Trung quốc, 16 vị vua kế tiếp xem Quan Vũ như thần bảo hộ hoàng cung và phong cho nhiều chức cao.
Năm 1096, hoàng đế Tống Thiệu Thánh, 宋 绍 圣, 1085-1100 hay Triết Tông phong Quan Vũ chức “Hiển Liệt Vương, 显 烈 王”, và viết một tấm biển treo ở miếu Ngọc Tuyền Đương Dương. Vua Tống Huy Tông, 宋 徽 宗, 1100-1125 phong Quan Vũ chức “Nghĩa Dũng Vũ An Vương, 义 勇 武 安 王” vì quí mến lòng Trung, Nghĩa, Dũng của ông ta. Khi Hốt Tất Liệt (Kubilay), người Mông Cổ trở thành hoàng đế Trung Hoa để lập nhà Nguyên năm 1277, họ đem Quan Vũ lên tôn thờ với ý đồ chinh phục sự ủng hộ của dân tộc Hán. Năm 1531, vua Gia Tĩnh, 嘉 靖, 1521-1566 nhà Minh phong Quan Vũ “Hán Quan Đế Thọ Đình Hầu, 汉 关 帝 寿 亭 侯”. Năm 1605, vua Thần Tông Vạn Lịch, 万 历, 1572-1619 phong Quan Vũ chức “Tam Giới Phục Ma Đại Đế Thần Uy Viễn Trấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân Hiệp Thiên Hộ Quốc Trung Nghĩa Đại Đế, 三 界 伏 魔 大 帝 神 威 远 震 天 尊 关 圣 帝 君, 协 天 护 国 忠 义 大 帝”. Năm 1614, vua Vạn Lịch làm lễ tế thần để tưởng niệm Quan Vũ ở hoàng cung. Dưới ảnh hưởng của vị vua này, nhiều đền thờ của Quan Vũ được xây cất.
Năm 1644, người Mãn Châu từ phía Vạn Lý Trường Thành đến thống trị đồng bằng Trung Quốc để thành lập nhà Thanh. Họ biết không thể thống trị đồng bằng trung nguyên nếu không tôn sùng văn hóa và tập tục của người Hán. Do đó, vua thế tổ Thuận Trị 顺 治, 1643-1661 phong Quan Vũ một chức rất dài với 26 chữ là : “Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Tuy Tĩnh Dực Tán Tuyên Đức Quan Thánh Đại Đế , 忠 义 神 武 灵 佑 仁 勇 威 显 护 国 保 民 精 诚 绥 靖 翊 赞 宣 德 关 圣 大 帝”. Năm 1725, vua Ung Chính, 雍 正, 1722-1735 phong Quan Vũ chức “Quan Đế Đại Công Tước, 关 帝 大 公 爵” và năm 1828 vua Đạo Quang, 道 光, 1820-1850 phong Quan Vũ chức “Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Quan Thánh Đại Đế, 忠 义 神 武 灵 佑 仁 勇 威 显 关 圣 大 帝”.
Ở Trung Quốc, Nho giáo và Phật giáo đôi khi chống đối nhau về lý thuyết và triết lý, nhưng họ đều kính phục Quan Vũ. Phật giáo được truyền nhập vào Trung Quốc vào đầu triều đại Đông Hán (25-220). Triết lý Phật giáo được Khổng giáo và Lão giáo hấp thụ sau một thời gian dài đấu tranh và Phật giáo trở thành nét chính của văn hóa Trung quốc. Quan Vũ được phong là thần bảo hộ luật pháp ở Phật đường. Tương truyền nói rằng một vị hòa thượng tên Trí Khải, 智 凯, 538-597 từ Nam Kinh vào Đương Dương, nơi Quan Vũ bị chặt đầu, để thị sát. Vào giữa đêm, vị hòa thượng này thấy một vị thần râu dài nói là Quan Vũ của triều đại Thục Hán, nay là người bảo hộ núi Đương Dương và muốn trở thành một đệ tử của Phật. Hòa thượng Trí Khải thuật lại cho Dương Quảng, 杨 广, hoàng tử nước Tấn. Dương Quảng sau này là Dạng Ðế, vua thái tổ nhà Tùy, 隋. Vị này phong Quan Vũ chức người bảo hộ luật pháp của miếu. Vua Tống Huy Tông nói trên ủy phái thầy đạo sĩ Trương Thiên, 张 天 thỉnh Quan Vũ vào Vận Thành tỉnh Sơn Tây để diệt trừ ma quỉ.
Từ đó, Quan Vũ được Lão giáo phong “Đảng Ma Chân Quân Phục Ma Đại Đế, 荡 魔 真 军 伏 魔 大 帝”(hoàng đế chế ngự ma quái).
Nho giáo không phong tước đạo giáo cho Quan Vũ. Họ chỉ gọi Quan Vũ là Phu tử và thánh nhân. La Quán Trung, 罗 贯 中, 1330-1400 là người thâm hiểu đời Minh đã viết Tam quốc chí, một bộ tiểu thuyết dã sử nổi tiếng. Trong quyển tiểu thuyết của ông, Quan Vũ được miêu tả là một thánh Khổng Nho và là hiện thân của Trung, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Nhân, Dũng. Quyển tiểu thuyết của La Quán Trung đã làm Quan Vũ trở thành một người bình dân trong dân gian. Ngoài ra, Quan Vũ còn là đặc tính chính trong kịch thuật và là một hình tượng bình dân trong môi trường du hí như phim ảnh và truyền hình.
Từ đời nhà Nguyên, Quan Vũ được giới thiệu, trên sân khấu, là người có bộ mặt đỏ. Từ đó, một bộ mặt được vẻ đỏ biểu tượng những nét chính của hý kịch (hát bội). Dưới triều đại nhà Minh, hý kịch Bắc Kinh thống trị sân khấu thủ đô trong đó có nhiều kịch thuật đề cao Quan Vũ. Ngày nay, Quan Vũ cũng còn được ngưỡng mộ ở đài truyền hình Bắc Kinh. Cũng cần nói thêm là một thành chuyên đóng phim về Quan Vũ chiếm 45 hecta trong đó có 8 hecta trang trí phong cảnh thời Tam quốc được xây cất vào năm 2000, cách miếu Quan Vũ ở Giải Châu độ 7 cây số. Thành này có tên là Hán thành. Vở Tam quốc diễn nghĩa có tới 84 kỳ được chiếu trên đài truyền hình trong và ngoài nước.
Một điều lạ lùng khác là Quan Vũ còn được tôn thờ như một vị tài thần. Trong tín ngưỡng dân gian của Trung Hoa, có hai loại tài thần : tài thần của văn học và tài thần của chiến tranh. Hai vị tài thần của văn học là Tỷ Can 比 干 và Phạm Lãi 范 蠡. Còn hai tài thần chiến tranh là Triệu Công Minh 赵 公 明 và Quan Vũ. Có hai truyền thuyết về việc này. Truyền thuyết thứ nhất cho rằng vì Quan Vũ trước đây là người bán đậu hũ nên được các thương buôn cho tôn thờ. Nhưng theo một truyền thuyết thứ hai còn lưu truyền trong dân gian, chức tài thần của Quan Vũ do hoàng đế Càn Long 乾 隆 nhà Thanh phong cho. Tương truyền vị vua này sau khi đăng cơ, sáng hôm sau khi nhập triều thường nghe có tiếng gót giày đi phía sau. Vua Càn Long lấy làm lạ, đem chuyện này nói với quan hầu Lưu Dung (Liu Yong). Vị quan này thỉnh mời nhà vua nên hỏi ai là người bảo gíá. Một hôm khi nhập triều, vua Càn Long vô tình đạp trên một chuông đồng, tiếng kêu giống như tiếng gót giày. Nhà vua kinh ngạc liền hỏi tả hữu ai là người bảo giá? Có tiếng trả lời:”đệ nhị Quan Vân Trường”. Vua Càn Long thuật lại chuyện này cho Lưu Dung. Vị quan này cho triệu em của vua về kinh cùng hưởng phú quí. Từ đó về sau, truyền thuyết nói vua Càn Long phong chức tài thần cho Quan Vũ.
Có lẽ vì lý do nói trên mà tượng của Quan Vũ được treo ở các chính đường nhà công cộng, các nhà buôn, nơi khách sạn, tửu quán. Điện tài thần ở miếu Lão giáo Bạch Vân Quan 白 云 关 ở Bắc Kinh có hai hình tượng: một tượng của Triệu Công Minh và một tượng của Quan Vũ.
Trong những năm gần đây, một điện tài thần khác được xây cất trên đình núi Vũ Đang ở Hồ Bắc trong đó tượng chính của điện là tượng Quan Vũ.
Cũng vì lý do đó mà các thương buôn Hoa kiều ở ngoài nước tôn thờ Quan Vũ như một tài thần hộ mạng hơn là một thần biểu tượng Trung, Nghĩa, Nhân, Dũng.
Những miếu nổi tiếng tôn thờ Quan Vũ trên thế giới
Quan Vũ được dân chúng tôn thờ từ đời Hán chính vì tính nghĩa khí bao gồm trung nghĩa và tín nghĩa của ông ta. Do đó, miếu của Quan Vũ được xây cất nhiều nơi trong và ngoài nước. Những ngôi miếu đầu tiên của Quan Vũ được xây cất ở Giải châu tỉnh Sơn Tây cách đây ngoài 1400 năm. Miếu Giải châu cách thị xã Vận Thành 20 cây số về phía tây nam, nơi sinh trưởng của Quan Vũ được xây cất vào cuối đời nhà Tùy (518-618) vào năm 589 và được trùng tu vào đời Tống. Miếu nằm phía bắc núi Trung Điều 中 条 trước mặt hồ Diêm Trì 盐 池 về phía tây gĩữa phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Với nhiều chức tước được phong qua nhiều triều đại, miếu nguyên thủy được nhiều lần nới rộng và tu bổ vào đời Minh và Thanh. Miếu được gọi là Vũ An vương vào đời Tống (960-1279), Hiễn Liệt vương đời nhà Nguyên (1277-1368), và Quan Đế và Quan Thánh đời Minh-Thanh (1368-1911). Lối xây cất miếu của Quan Vũ biến đổi tùy theo phong tục địa phương.
Ngoài miếu Giải châu, còn có hai miếu nổi tiếng khác. Miếu Quan Lăng 关 陵 xây cất năm 1467 trên 4,7 hecta ở Đương Dương tỉnh Hồ Bắc nơi chôn thân và miếu Quan Lâm 关 林 xây cất năm 1592 trên 13,3 hecta ở ngoại ô thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam, nơi chôn đầu của Quan Vũ. Hai miếu này được xây cất theo kiến trúc các lâu đài đế vương và ngày nay còn có di tích về văn hóa. Các miếu tôn thờ khác được tìm thấy ở những nơi Quan Vũ tham chiến từ đông sang tây. Lầu Xuân Thu ở Hứa Xương 许 昌 tỉnh Hà Nam được ghi chú là nơi Quan Vũ đọc sách ngoài sân trong khi hai vợ của Lưu Bị nằm ngủ bên trong (giai thoại Tào Tháo thử lòng Quan Vũ cho ba người ở chung). Miếu ở cầu Bá Lăng 霸 陵 ở Hứa Xương là nơi Quan Vũ nhận áo cẩm bào của Tào Tháo biếu đang ngồi trên lưng ngựa lúc giả từ. Cổ thành Kinh Châu thuộc tỉnh Hổ Bắc là nơi trấn thủ của Quan Vũ và nam thành Kinh Châu là nơi Quan Vũ đóng bản doanh. Một miếu khác được xây cất ở Trác Đao Tuyền 卓刀 泉 ở dưới núi Phục Hổ 伏 虎 thuộc thành phố Vũ Xương 武 昌 thuộc tỉnh Hồ Bắc. Cuối cùng, miếu tổ phụ của Quan Vũ ở Thường Bình (15 hecta) được xây cất 581-618 còn giữ được nhiều di tích văn hoá và lịch sử.
Ở Tây Tạng trước đây có ba miếu của Quan Vũ ở Dingye, Xigaze và Lhassa, đặc biệt là ở tu viện Lama Zhaxi Lhumbo ở Xigaze có ghi chú quân Thanh đã đánh bại loạn quân năm 1792 nhờ Quan Vũ lên hiển thánh. Ngày nay, chỉ còn có một miếu ở Lhassa và chẳng ai còn thấy Quan Vũ lên hiển thánh. Một miếu khác được tìm thấy ở phía tây Vạn lý trường thành ở Gia Dụ quan 嘉 峪 关 thuộc tỉnh Cam Túc 甘 肃 gần núi Thiên Sơn 天 山 và Y Lê 伊 犁 ở Tân Cương 新 疆. Miếu này được xây cất để nâng cao tinh thần quân sĩ đóng bản doanh nơi biên cương. Một miếu khác của Quan Vũ ở đảo Đông Sơn 东 山 nằm ở phía nam biển đông thuộc tỉnh Phúc Kiến 福 建 được quân sĩ nhà Minh xây cất. Một hình tượng Quan Vũ được khắc bên ngoài hầm đá ở phía tây của núi nằm trên hồ Điền Trì 滇 池 ở Côn Minh 昆 明 thủ phủ tỉnh Vân Nam 云 南.
Ở ngoài nước, Quan Vũ cũng được dân Đài Loan 台 湾, Hương Cảng 香 港, Ma Cao 奥. 门 yêu chuộng và tôn thờ. Ở Ðài Loan có hơn 460 miếu Quan Vũ được xây cất khắp nơi với ngoài 8 triệu tín đồ trên 23 triệu dân. Miếu đẹp nhất của Quan Vũ ở Đài Nam 台 南 được xây cất dưới triều đại vua Vạn Lịch và được xem là một trong 16 thắng cảnh lịch sử thượng hạng của Đài Loan. Một hình tượng của Quan Vũ cao 5 thước được xây cất ở điện Phổ Thiên 普 天 thuộc huyện Tân Trúc 新 竹. Các cung điện Hành Thiên 行 天 ở Đài Bắc 台 北, Thánh Thọ 圣 寿 ở Đài Trung 台 中, Văn Hoành 文 衡 ở Cao Hùng 高 雄, miếu Hiệp Thiên 协 天 ở Nghi Lan 宜 兰 và miếu Văn Vũ 文 武 ở Nhật Nguyệt Đàm 日 月 潭 cũng nổi tiếng. Người Đài Loan làm lễ long trọng vào những dịp lễ của Quan Vũ. Miếu Quan Vũ cũng được cộng đồng hoa kiều ngoài nước xây cất ở Mỹ, Nhật, Tân Gia Ba, Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Việt Nam, Úc Đại Lợi, v.v.
Ở Nhật có hai miếu lớn của Quan Vũ ở Kobe và Yokohama. Ða số người Hoa kiều di dân ở xứ này là các quan lại cũ, những thương nhân lấy đối tượng Quan Vũ để tập hợp và chủ xướng “Phản Thanh Phục Minh”. Họ cũng là những người tiền phong tôn thờ Quan Vũ như vị tài thần từ thế kỷ 17 đến nay.
Ở Việt Nam, miếu Quan Vũ được xây cất hầu hết ỏ các tỉnh nơi có người Hoa sinh sống nhất là ở miền Nam như Sài Gòn, Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phan Thiết, Bình Dương, Mỹ Tho, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau v v..Hai miếu lớn và đẹp là miếu Quan Công ở Sài Gòn và Hội An. Nhưng có lẽ bàn thờ của Quan Thánh ở Hà Nội là uy nghi nhất vì nằm trong đền Ngọc Sơn của hồ Hoàn Kiếm. Ở giữa điện của đền, một tượng của Quan Vũ ở chính gĩữa cùng với nhiều thần quân sự. Bên cạnh Quan Vũ còn có Châu Thương 周 仓 và Quan Bình 关 平 thị vệ.
Thay lời kết
Lịch sử Trung Hoa không thiếu vua chúa anh minh tài giỏi hay nhân tài để dân chúng tôn thờ ngưỡng mộ. Nhưng điều lạ kỳ là ngoài Khổng Phu Tử, ít có nhân vật nào như Quan Vũ có nhiều miếu được dân chúng tôn thờ trong và ngoài nước. Ngoài tính nghĩa khí được các vua chúa kế tiếp đề cao và phong thánh, khí phách anh hùng và khí tiết của kẻ trượng phu của Quan Vũ được quần chúng tôn sùng ái mộ. Chính vì hai đức tính sau cùng mà Quan Vũ trở thành một nhân vật bình dân trong dân gian và sách vở. Còn hơn Khổng Phu Tử, Quan Vũ là một vị thần đa dạng được đời đời truyền kiếp tôn vinh trong khi ông Khổng bị không ít người “chất vấn” và đả phá triết lý đã sống ngoài 25 thế kỷ. NP.
Les commentaires sont fermés, mais les trackbacks et pingbacks sont toujours ouverts.