Hà Nội tháng mười hai
Hà Nội tháng mười hai ©Mathilde Tuyết Trần, France 2013
Mùa đông năm nay Hà Nội ấm hơn những năm trước. Suốt cả tuần nay nắng lên, ấm áp ở khoảng 18° đến 23°, nhưng người Hà Nội ai cũng diện áo len, áo gió, áo măng tô, đội mũ đeo găng…, thích cái gọi là „se lạnh“ suýt soa. Mặt Hồ Tây buổi sáng mai còn bàng bạc sương trắng, nước hồ sóng sánh đầy ắp, xanh xanh, gió thổi hiu hiu…thật là đẹp thơ mộng. Người đang hối hả đi đường cũng phóng tầm mắt ghi nhận hạnh phúc của những ngày trời đẹp. Rời chùa Tảo Sách, một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội, xây bằng gỗ và đá, ngói, xe tôi lướt nhanh trên đường vòng quanh Hồ Tây, ngang qua chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh…về Hà Nội nhiều lần rồi, tôi vẫn chưa đi hết mọi di tích lịch sử của Hà Nội, nên vẫn còn những điều gì đó hấp dẫn về thăm lần tới.
Quanh Hồ Gươm cũng thế, người đi dạo, người đi tập thể dục, chút hơi nước mát bốc lên làm cho người ta quên khói xe, khói bụi chung quanh, không lúc nào ngơi nghỉ.
Hà Nội năm 2013 vẫn đẹp một cách ấm cúng với nhiều con đường bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ, tán lá vẫn xanh, đan vào nhau như là hàng lọng che nắng, che mưa. Nhiều ngôi nhà từ thời Pháp vẫn còn đấy, kín đáo sau những bức tường, những tán cây xanh, cổng có người gác. „Ấm cúng“, „gần gũi“ là tính cách của người nước ngoài dành cho Hà Nội, trong khi họ đều nhận định rằng Sài Gòn thì xa hoa, giầu có, không đồng nghĩa với sang trọng, giầu mà không sang!
Nhưng năm nay Hà Nội – sạch nhất trong những anh bẩn – bẩn hơn những năm trước, vì rác trên đường nhiều quá, bao nhiêu công nhân làm việc, hốt rác từ sáng đến tối mịt cũng không kịp. Các hàng quán ăn uống trên vỉa hè xả rác nhiều nhất, khăn giấy dơ, xương xẩu, lon bia…đầy trên vỉa hè, dưới những cái bàn nhỏ xíu, quanh những cái ghế đẩu bằng nhựa thấp chủm. Người đi bộ, không còn vỉa hè để đi, phải đi xuống mặt đường xe chạy, làm mồi cho những người lái xe hai bánh rất hung hăng. Họ lấn, họ thúc, họ ép người đi bộ. Ngay cả khi hai cái càng chống xe, hay càng gắn thêm để chở hàng, quẹt rách cả bắp chân người đi bộ, máu chảy ròng ròng ướt cả quần, người lái xe vẫn thản nhiên chạy tiếp, không cần ngó lại sau lưng. Khi thì bị thương ở chân, khi thì bị rách tay, bầm tay vì bị quẹt, bị chèn bởi tay lái xe hai bánh, khách bộ hành, thường là người nước ngoài thích đi dạo ngắm phố phường, đều kinh hãi Hà Nội. Hình như những người buôn bán, hành nghề trên vỉa hè được nhân nhượng một cách đặc biệt. Tôi đã viết rằng kinh tế vỉa hè là một kinh tế đặc trưng cơ bản của Việt Nam, có cái tích cực của nó, nhưng cũng có cái không hay ở những phố mà cả vỉa hè và lòng đường đều nhỏ hẹp, xe chạy hai chiều. Hay dù lòng đường có rộng hơn một chút như ở những phố chính Hàng Bồ, Hàng Đào, Hàng Bạc…thì giờ nào cũng là giờ kinh hãi cho người đi bộ. Xe máy đậu chồng chất hai, ba lớp cả hai bên lề, người bán hàng, người bán rong đông đúc, khiến cho mọi người đi bộ đều phải đem mạng sống ra „chen lấn“ với các loại xe từ xe hai bánh đến xe hơi, xe buýt. Ban ngày cũng thế mà buổi tối cũng thế. Phố Tạ Hiền rất ồn ào khách uống bia nhậu nhẹt, nhạc mở điếc tai, giống như đường Phạm Ngũ Lão dành cho „Tây Ba Lô“ trong Saigon. Nếu phải đi ngang qua phố Tạ Hiền, từ Hàng Bạc qua Hàng Buồm, thì phải ngó trước ngó sau rất cẩn thận để tránh những người lái xe hai bánh hung hăng, trai trẻ hung hăng và gái trẻ cũng hung hăng, chèn là chèn, ép là ép, không nhường ai cả. Hà Nội tháng mười hai là một tháng hối hả, gấp rút của mọi người dân thủ đô, hoặc phải làm cho xong mọi nhiệm vụ, hoặc phải kiếm tiền tiêu Tết, cuới vợ vào đầu xuân, dọn nhà, quà cáp, phong bì, lì xì…ai nấy đều chạy đua nước rút cho đến cận Tết, nên không khí Hà Nội khá căng thẳng, bực dọc, khác hẳn không khí thư giãn chậm hẳn lại ở châu Âu, khi mọi việc đều tổng kết xong xuôi từ giữa tháng 12, nghỉ ngơi cho đến qua Tết Tây, nên khi về thăm Hà Nội vào cuối năm dương lịch tôi không hề tự nghĩ ra được điều ấy. Một anh bạn đã chỉ cho là, thời gian về Hà Nội tốt nhất là cuối hè đầu thu, hay sau Tết một tháng, nhưng những khoản thời gian này lại không thích hợp với chu kỳ sinh hoạt ở châu Âu, thế mới “trật rơ” (hors jeu) nhau !
Một cô ca sĩ diva có lần đã phê một thí sinh thi hát rằng, không ở Hà Nội thì không thể hát một bài hát về Hà Nội, làm cho tôi cụt hứng, không nhâm nhi cái bài „Đêm nằm mơ phố“ nữa. Ban đêm, phố còn ồn ào, còi xe bấm không ngớt đến nửa khuya, nhiều cửa hàng vẫn sáng ánh đèn bán ban đêm, khách „ăn đêm“, ăn chè, ăn cháo…vẫn xì xụp, các „công trường“ xây nhà mới trong phố cổ đục đẽo khoan đập kêu la ơi ới đến nửa khuya. Các con phố Hà Nội chỉ im ắng từ nửa khuya đến bốn giờ sáng. Khi trở về Pháp, trong cái tĩnh mịch tuyệt đối ở nhà quê, không có một tiếng động, tôi mới „đêm nằm mơ phố“ của những thành phố ồn ào, nhộn nhịp trên quê hương.
Một trong những ấn tượng để lại là không khí ban đêm trong đình Hàng Buồm, ánh đènvàng sáng mờ mờ heo hắt càng làm tăng thêm vẻ huyền bí thâm nghiêm của đình làng cổ đã được bảo tồn một cách khá tốt. Ở đây, trong khung cảnh của đình hàng tuần có biểu diễn ca trù của nhóm ca trù Thăng Long, mỗi buổi trình diễn kéo dài một tiếng, và khách đến thưởng ngoạn hầu như đa số là người nước ngoài đi du lịch. Tôi đã nghe những nghệ nhân ca trù xuất sắc, nhất là chính “ba tôi”khi còn sống thường “ứ hư hồng hồng tuyết tuyết…”, nên tôi thấy buổi biểu diễn, tuy không xuất sắc, nhưng cũng gợi lên được tình cảm yêu mến một nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo của Việt Nam. Nét duyên dáng của buổi biểu diễn lại chính là cô giới thiệu chương trình (MC), rất dễ thương, cao người, nói tiếng Anh và Pháp khá chuẩn, rất trôi chảy, hỏi ra, mới biết cô ấy chỉ mới có…12 tuổi, tên là Xuân Dương, đang học lớp 5e tại Lycée française Hà Nội. Điểm lạ là hát ca trù, khi xưa còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu, toàn là do các ả đào, cô đầu, đào nương biểu diễn, nhưng những bài hát và âm điệu ca trù lại được các ông thuộc và hát lại nghêu ngao trong nhà, như ba tôi chẳng hạn.
Tối qua, tôi có dịp, lần đầu tiên trong đời, thưởng thức một vở cải lương, gọi là cải lương miền Bắc, tại Hà Nội. Rạp Hồng Hà, nằm trên Đường Thành, đối diện với chợ Hàng Da, đông kín không còn một chỗ ngồi, một số khán giả đến chậm phải đứng hai bên và phía sau. Cảm giác đầu tiên là tôi thấy nó ngồ ngộ là lạ, có vẻ nhạc kịch ép cải lương hơn là cải lương chính thống. Nhạc nền cho vở tuồng với các nhạc cụ cổ truyền dân tộc thì hay, nhưng đã mang âm hưởng rất „tân thời“ so với những vở cải lương tôi đã được theo má tôi đi xem từ hơn 40 năm trước. Giọng miền Bắc ca cải lương thì phải nói là ngộ và lạ, trơn tru như hát nhạc nhẹ, thiếu hẳn cái „luyến láy“, cái „mùi“, cái „ngọt“, cái „da diết“ của sáu câu vọng cổ miền Nam, nên các đào thương, kép hùng, kép độc không thể làm nổi bật vai đóng của mình. Tuy nhiên, vở tuồng chứa đựng những tình tiết rất dân gian như tình yêu ngang trái, éo le, không thành, nghèo chống giầu, dân chống bạo lực bất công, chung thủy đến chết, ghen tuông, nịnh bợ điêu ngoa, gian tà phản trắc, dâm đãng, thất vọng đau đớn, hạnh phúc vợ chồng, số phận, định mệnh…cả đến những yếu tố phù thủy như bà mo, tiên xuống trần, thần chú, nữ hài…, những điệu múa đông diễn viên, các em bé, trang phục sân khấu đẹp, hát cải lương tập thể đã làm cho khán giả thích thú theo dõi. Suốt buổi, các bà ngồi hàng ghế sau tôi, không ngớt bình phẩm một cách rất thích thú từng chi tiết của nội dung vở tuồng, cho là đã „đạt“ yêu cầu, dù kết cuộc của vở tuồng là kẻ gian ác thắng người chân chính, người yêu nhau không lấy được nhau, chết vì tình, để lại một huyền thoại. Chính cái „huyền thoại“ hò hẹn mỗi năm sẽ gặp lại nhau một lần, đã làm cho tình cảm và yêu cầu „công bằng“ của khán giả được thỏa mãn. Cảm giác cuối cùng của tôi, sau khi đã ngồi yên ba tiếng đồng hồ nghe và xem hát, là „vui“ ! Đặc biệt hơn cả, tôi thấy tình cảm yêu mến của người Hà Nội dành cho bộ môn cải lương miền Nam là rất đáng được trân trọng, dù cải lưong miền Bắc không thể so sánh với cải lưong miền Nam trên phương diện nghệ thuật ca hát.MTT.

Hai con gà trống gác cổng chùa Tảo Sách được che dù, có gương soi, nước uống. Chú gà trống gục ngủ trên cái đĩa đựng thóc ăn đã hết sạch. Photo: MTT, Hà Nội 2013

Ca trù Thăng Long ở đình Hàng Buồm, Hà Nội. (MC: Xuân Dương, 12 tuổi). Le chant traditionel “ca tru” dans le temple Hang Buom, Hanoi (MC: Xuân Dương, 12 ans) . Photo: MTT Ha Noi 2013
- Màn hát cải lương tập thể trên sân khấu cải lương miền Bắc. Photo: MTT, Hà Nội 2013