Mợ Hiên
Mợ Hiên © Mathilde Tuyết Trần, Thái Bình 2013
Trong một khung cảnh làng quê miền đồng bằng ven biển Bắc bộ rất thanh bình, không khí trong lành, ruộng xanh, trời xanh mây trắng như trong bưu ảnh, tôi gặp mợ Hiên.
Nhà mợ Hiên đã được xây bằng bê tông, mái ngói, sân tráng xi măng, nhưng đống rơm, hàng chuối, đàn gà…tất cả đều gọn gàng sạch sẽ, vẫn vẽ nên một khung cảnh miền quê vừa nên thơ, vừa khắc khổ. Cơn bão Hayen trước khi thổi qua đây đã làm cho nhiều người lo lắng, nhưng vệnh mạng quê hương còn nhiều phúc đức nên không có một viên ngói nào rơi xuống trong sân nhà.
Mợ Hiên có nước da thật trắng, đôi mắt lấp lánh tinh anh, một nụ cười tươi thân thiện khoe đôi hàm răng trắng, vẻ đẹp của một nữ diễn viên chèo miền Bắc, khả ái như thời mợ còn đứng trên sân khấu trong vai diễn chính, Thị Kính. Mợ Hiên bước đi còn nhanh nhẹn, thoắt nơi này, thoắt nơi kia. Nhưng cũng còn một mợ Hiên nữa, tròn trịa, mái tóc đen nhánh, với khuôn mặt hiền hậu, thanh thản, mỉm cười nhẹ nhàng, như một bóng một hình.
Mợ Hiên ngồi nhà trên, bên cạnh chồng tiếp khách, và mợ Hiên đứng trong bếp nấu nước sôi châm trà, không ra ngồi cùng. Trong một tấm ảnh phóng to của gia đình, mợ Hiên ngồi bên phải, mợ Hiên ngồi bên trái của chồng cùng cười rất tươi nhìn thẳng vào ống kính.
Mợ Hiên, sau một cơn bạo bệnh lâu dài, chồng bán hết những gì bán được, chỉ còn một manh chiếu nằm cạnh vợ trong nhà thương, để trả tiền chữa trị cho vợ, trở về mái ấm gia đình với một thân hình gầy yếu da bọc xương nhưng với một tình thương sâu sắc và một quyết tâm tìm vợ cho chồng. Hai vợ chồng chỉ mới có một đứa con gái. Cậu Hiên còn trẻ lắm mà, cậu phải có con trai nối dõi.
Mợ Hiên đến sau, trong một hạnh phúc đã có sẵn, lại cũng là người có tâm Phật, cũng rộng lượng như mợ Hiên đến trước. Dù sinh hạ được hai con, một trai một gái cho chồng, nhưng mợ Hiên biết vai chị vai em, biết hạnh phúc của mình cũng là hạnh phúc của người kia.
Đêm nằm bên cạnh chồng trong một gian nhà bên cạnh nhà mợ Hiên, tôi không ngủ. Ánh trăng sáng bạc qua cửa sổ chỉ có khung sắt, không có cánh cửa, không có màn che. Ễng ương, cóc nhái, tắc kè, dế và bọ…chúng đua nhau hòa tấu bản nhạc đồng quê rì rì rì rì một nhịp điệu, liên tục, không ngơi nghỉ. Chồng tôi cũng nhìn lên đỉnh cái mùng trắng, mông lung. Chồng tôi bảo, ở bên mình thì đã ly dị nhau từ tám đời.
Canh một, chú gà trống già trong vườn nhà trệu trạo cất tiếng gáy tuy đã lạc điệu nhưng vẫn đúng thời gian, làm cho những con gà trống khác, từ gần đến xa, cũng cất tiếng gáy theo. Canh hai, đến phiên con gà trống trẻ gáy Ò Ó O Ò O thật sắc, thật to, thật khỏe. Tiếng gà trống gáy nối đuôi nhau không ngớt, vang xa, tan loãng trong không gian. Canh ba, canh bốn, mới canh năm đã nghe thấy con gà mái cục tác cục tác rồi oác to một tiếng, thế là nó đã đẻ ra một trứng… Chưa bao giờ tôi nằm gối đầu lên vai chồng tôi đếm từng canh thao thức theo tiếng gà trống gáy trong đêm khuya chờ sáng, chờ trăng rụng để mặt trời lên, cho gà mái cục tác đẻ trứng, tôi sẽ không chia xẻ chồng tôi với ai cả. Hay biết đâu chừng ?!
Mợ Hiên, cả hai mợ Hiên đều làm tôi cảm động. MTT