Xã hội tiêu thụ và người trẻ
Xã hội tiêu thụ và người trẻ © Mathilde Tuyết Trần, France 2013
Khi viết bài này vào một trong những ngày cuối tháng 10, tôi không ngờ rằng ngày 01.11.2013 một cô bé gái sơ sinh mang tên Thùy Dung đã “cắm mốc” đạt con số 90 triệu người Việt Nam trong nước. Tuy nhiên việc sinh đẻ “tự chủ” cùng với việc “sàng lọc” thai nhi nam hay nữ, nam giữ nữ bỏ, trước khi tiếp tục mang thai và sinh đẻ không phải là một ý nghĩ tốt đẹp. MTT
Tuổi trẻ là tương lai của một dân tộc, một đất nước, vì thế gánh nặng hy vọng, bổn phận và trách nhiệm đặt lên tuổi trẻ không phải là nhỏ. Đó là một thế hệ gọi nôm na là thế hệ “sandwich” theo nghĩa kinh tế gia đình và xã hội, vừa phải lo cho cha mẹ già, vừa phải lo cho đàn con nhỏ. Nhưng chỗ đứng đó trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay thì đã bị thay đổi khá nhiều. Nhiều người trẻ, không lo được cho cha mẹ ngày một già đi, cũng không lập được gia đình, những khó khăn liên miên về công ăn việc làm khiến cho họ chỉ còn lo cho được mỗi sự sống còn của bản thân mình.
Nhìn chung, thế hệ trẻ hiện nay khác nhiều so với thế hệ đi trước, kể từ sau trận đại chiến thứ hai. Khác ở chỗ, có hiện tượng suy thoái về văn hóa, đạo đức trong phong cách sống, và suy thoái về cấu trúc gia đình.
Suy thoái về văn hóa, đạo đức trong phong cách sống
Một thời gian có thể gọi là thanh bình từ 1945 đến nay nói chung, làm cho người trẻ trên nhiều quốc gia có được cái hạnh phúc là họ sinh ra và lớn lên trong một môi trường không có chiến tranh. Nhưng những thăng trầm giai đoạn của các nền kinh tế, các xã hội tiêu thụ, nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra gây nhiều khó khăn, lo lắng khiến cho mỗi người phải bương trải trong một cuộc chiến kinh tế của chính bản thân mình để sống còn, âm thầm và thường nhật. Như ở Pháp, khác với những tuyên bố lạc quan của các nhà chính khách, năm 2013 vẫn là một năm khó khăn, hơn cả 2012, vì các loại thuế đều tăng, cộng thêm với những loại thuế mới (như Ecotaxes..).
Nhìn trên châu Âu, sau hai lần gây chiến và đem lại những hậu quả nặng nề cho thế giới, nước Đức hồi phục và người Đức chinh phục lại thế giới bằng phong cách kinh tế của mình, họ gây lại được một sự tín nhiệm với phong cách thẳng thắn, nói và làm đi đôi với nhau, họ nói được là được, không là không, có là có, cũng như một sự minh bạch trong quan hệ giữa người và người, không vòng vo tam quốc, không chạy lung tung đầu này mối kia, vì thế làm việc với người Đức đỡ căng thẳng hơn, ít sợ ngọn dáo, mũi dao đâm sau lưng. Nhưng bây giờ thì trong không khí khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người Đức cũng lộ ra mặt trái của mình, họ cũng vẫn kỳ thị người nước ngoài, thủ đoạn và lừa gạt, cộng thêm với sự cứng rắn, thẳng tay không thương tiếc. Trong khi, làm việc với người Pháp, người Ý, với phong cách “la tinh”, thì tùy việc, tùy đối tượng, có thể hôm nay thế này, ngày mai lại khác, cần một sự thích ứng linh động cao. Người Bỉ, sau hai lần bị chà đạp bởi hai trận đại chiến, thì hoặc là quá khích kỳ thị chủng tộc, hoặc rất cẩn thận, sợ sệt. Người Việt Nam thì trải qua một quá trình lịch sử chiến tranh nối tiếp liên miên nên phong cách “thời chiến” vẫn còn đó, bị mang tiếng là nghi kỵ, thủ đoạn và lợi dụng, không nên tin tưởng. Đó có thể là những thành kiến vô căn cứ nhưng hiện hữu trên thế giới về người này người kia, hay, có những sự kiện thực tế lại chứng minh rằng những thành kiến ấy là đúng.
Cuộc sống đầy xa hoa cám dỗ vẫn tiếp diễn, đầy rẫy trước mắt bằng vô số quảng cáo tiếp thị trên mạng, trên truyền hình, trên phim ảnh, báo chí…Sự lựa chọn vật chất ngày càng rộng, càng lớn, các sản phẩm ngày càng tinh vi, càng hấp dẫn từ điện thoại di động, máy tính, xe hơi, thời trang chưng diện, mỹ phẩm, nữ trang…. cho đến bếp núc, nồi niêu xoong chảo, biệt thự hồ tắm…đến cả những nấm mộ de luxe trong một khu vườn xinh đẹp như sân golf làm cho con người náo nức ham có.
Nhưng sự phát triển “rộng và nhiều” của thị trường tiêu thụ đi ngược lại sự phát triển “hẹp và ít” của thị trường lao động, nơi mà con người làm ra của cải, sản phẩm, cung cấp dịch vụ để đổi lấy một đồng lương cố định, vì trên cả hai thị trường này là thị trường tài chính đã thu tóm hầu hết mọi lợi nhuận và chi phối mọi hoạt động kinh tế qua những món nợ tốt, nợ xấu của cả nền kinh tế một xã hội.
Người tìm việc thì nhiều, việc làm thì ít. Bao nhiêu người trẻ bon chen, thủ đoạn để “có” được một chỗ làm (tốt), trước hết là chạy theo sự thỏa mãn các nhu cầu vật chất, chạy theo sự tiến thân của mình trên con đường sự nghiệp, tức là chạy theo tiền và danh vọng.
Thế hệ trẻ hiện nay lại thừa hưởng những điều kiện và kết quả giáo dục phát triển hơn, các ngành khoa học kỹ thuật, nhân văn tiến triển hơn, các rào cản đi lại cởi mở hơn, thuận lợi cho việc đi du học, đi tìm việc làm, đi định cư ở nhiều nước trên thế giới. Sự phổ biến rộng rãi mạng lưới Internet, các phương tiện vi tính trên toàn cầu khiến cho mọi thông tin dễ lưu chuyển, dễ cập nhật, một lợi thế rất lớn so với những thế hệ trước chỉ có cây bút và lá thư.
Cái quan niệm cố hữu của mỗi người khi ra đời là tìm những việc làm hợp sở thích cá nhân, đã phải thay đổi bằng sự chấp nhận những việc không hợp với sở thích, ham muốn của mình. Những yếu tố ấy làm cho người trẻ trở nên có một phong cách “quá khích”, tiềm ẩn “bạo lực”, đặt trên cơ bản ích kỷ, ganh tị, bon chen, thủ đoạn, lừa đảo, chèn ép, đua đòi, mạnh được yếu thua, ai sống ai chết mặc bay tiền thầy bỏ túi… đối với môi trường sống và những người chung quanh của mình.
Những giá trị đạo đức như “Tiên học lễ, hậu học văn”, hay “Kính lão đắc thọ”, “Kính trên nhường dưới”, “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” ….trở thành những cái cười nhếch mép kiêu ngạo, không biết, không hiểu, không làm. Khiến cho có người phải than lên: “một lũ tham, sân, si”, hay cay đắng hơn, gọi thời đại của mình là thời đại “đồ đểu”, cười nói trước mặt đâm dao sau lưng, nói dối và lừa gạt mà không hề chớp mắt.
Đó là tâm lý sống hối hả chụp giựt của một thành phần trẻ, khi họ nhìn quanh mình thấy sự nghèo giầu xa cách nhau quá rõ rệt, cha mẹ có của cải còn mình thì không, hay ngược lại, bạn bè đồng lứa đồng môn người thì “ăn nên làm ra” kẻ thì lận đận chỉ ngày càng xuống chó mà chưa hề có lần được lên voi.
Một hiện tượng khác cũng nổi lên là chưa khi nào thế giới trẻ “thành đạt” khoe của như trong thời đại này. Người già, vừa phải tự hạn chế mọi nhu cầu của đời sống với số lương hưu ít ỏi, vừa thông cảm cho người trẻ đang vật lộn với việc kiếm ăn hàng ngày, vừa nhìn “phong cách trẻ, hiện đại”, những mâu thuẫn, mà thấy sợ.
Thời chiến, chính vì những hậu quả đau thương như xa cách, chết chóc, thiếu thốn…con người lại sống với nhau tích cực hơn, yêu cầu về đoàn kết, nương dựa nhau, giúp đỡ nhau, gìn giữ tình gia đình, tình thân họ hàng làng xóm bạn bè, tôn trọng nhau, chia xẻ với nhau…lớn hơn.
Tuy nhiên, xã hội tiêu thụ không hẳn chỉ là một sân khấu hào nhoáng để tiến thân, mà nó cũng tạo ra những hậu quả tiêu cực đối nghịch, mà một thành phần trẻ bị hoàn cảnh bắt buộc trở thành nạn nhân thầm lặng. Sự cách biệt quá xa giữa người nghèo và người giầu, người thành đạt, người thất bại phân hóa và chia rẽ thế hệ trẻ. Họ là những người, vì khá nhiều nguyên nhân, từ mầu da, hình dáng, tiếng nói, tầng lớp xuất thân, hoàn cảnh gia đình, con đường học vấn, khả năng cá nhân, cá tính, bệnh tật bẩm sinh, di truyền…cho đến việc có hay không có may mắn, bị “lọt sàng” chọn lựa của giới chủ nhân, phải sống vất vưởng bên lề xã hội. Họ không có cái may mắn lập được gia đình và sinh đẻ con cái, dù họ hằng mơ ước mái ấm của một gia đình nhỏ.
Các chế độ quản lý, kiểm soát càng tinh vi ngày càng chặt chẽ bao nhiêu bằng những hệ thống giáo dục dạy nghề, không có bằng cấp thì không có công ăn việc làm, những hệ thống theo dõi bằng vi tính, lý lịch, thuế má, luật lệ…thì càng đẩy dần những người trẻ thiếu may mắn trong cuộc đời đến hai bờ vực cực đoan, một đạo quân thầm lặng bất mãn thường trực, hoặc làm liều, hoặc thoái hóa bệnh tật, rơi vào những căn bệnh tâm thần, trầm cảm, đi đến thảm cảnh tự tử, tự xử.
Suy thoái về cấu trúc gia đình
Thời xưa, không yêu nhau, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy mà nhiều khi cũng có hạnh phúc lâu dài. Thời đại “lãng mạn” một mái nhà tranh hai quả tim vàng cũng đã biến mất vĩnh viễn, nay chỉ còn là thực tế có tiền mua tiên.
Thời nay, các cô gái tươi trẻ, xinh đẹp chạy theo tiêu chuẩn 5 C (Cash, Credit Card, Car, Condominium, Country Club – Tiền, thẻ tín dụng, xe hơi, nhà đẹp sang trọng và club thể thao hạng sang) như ở Singapur là phổ biến khắp mọi nơi. Những chàng trai không tiền hay ít tiền thì không kiếm được vợ hay không có sự chọn lựa đúng theo ý mơ ước của mình.
Singapur vì thế hiện đang trong tình trạng báo động về sinh đẻ với tỷ số sinh thấp nhất thế giới, chỉ có 0,7. Theo các nhà thống kê thì tỷ số sinh lý tưởng của một dân tộc là 2,1 để sản sinh ra thế hệ tương lai nối tiếp. Nhưng năm 2011, dân của hòn đảo Singapor chỉ đẻ ra có 36.000 trẻ sơ sinh, ít hơn nhiều so với năm 1990 có 50.000 trẻ sơ sinh, vì 60% thiếu nữ trong khoảng tuổi từ 25 đến 29 chưa kén được chồng. Đến nỗi lời kêu gọi “Đêm nay hãy làm bổn phận yêu nước!” được phát trên đài truyền hình, và những lớp huấn luyện “tìm bạn” được mở ra, hầu hy vọng các chàng trai bớt nhút nhát. 1)
Sự kiện mất cân đối nam nữ và các hậu quả kế tiếp vì nguyên nhân trọng nam khinh nữ trong các nước châu Á (đặc biệt như ở Trung Quốc, Đại Hàn), sàng lọc thai nhi, nam giữ nữ bỏ, khiến cho cấu trúc xã hội mất cân bằng nghiêm trọng, phát sinh nhiều vấn đề xã hội tiêu cực mà nạn nhân vẫn chính là phụ nữ và trẻ con, cũng được ghi nhận.
Bức tranh dân số thế giới vẽ ra những sự khác biệt đáng chú ý. Sự giảm dân số trên nhiều quốc gia có nhiều nguyên nhân, như việc dùng thuốc ngừa thai của phụ nữ trẻ đang tuổi sinh đẻ, các biện pháp hành chánh hạn chế sinh đẻ như cấm kết hôn, cấm sinh nhiều con, phí tổn cho sức khỏe và phí tổn để nuôi và giáo dục trẻ con quá cao, thiếu các cơ sở nhà nước để trông giữ, chăm sóc trẻ con, bệnh dịch (AIDS)…cho đến tình trạng thất nghiệp, túng thiếu nghèo đói không thể lập gia đình, tình trạng chiến tranh, phụ nữ và trẻ em bị hãm hiếp, sát hại hàng loạt…, phụ nữ không có thì giờ để mang thai và sinh đẻ…
Tỷ lệ sinh đẻ cao nhất thế giới hiện nay là các nước ở châu Phi, ba nước đứng đầu là Nigeria 7, Sambia và Somalia 6,3, Mali 6,2 (tỷ lệ sinh đẻ có nghĩa là số trẻ trung bình được sinh ra bởi một người mẹ). Tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới là ở 3 nước châu Á: Singapur 0,79, Macao 0,93 và Taiwan/Hongkong 1,11.
Tại châu Âu tỷ số sinh trên nhiều nước giảm rõ rệt, trung bình của 28 nước châu Âu theo thống kê mới nhất năm 2012 là 1,57. Các nước giầu có như Đức chỉ đạt 1,36 tỷ lệ sinh, Áo: 1,42, Ý: 1,40, Hy Lạp:1,42, Bồ Đào Nha: 1,35, Tây Ban Nha: 1,36
Số sinh năm 2011 giảm xuống ở mức kỷ lục trong lịch sử nước Cộng Hòa Liên Bang Đức, chỉ có 663.000 trẻ sơ sinh, ít hơn năm 2010 những 15.000 trẻ, còn so với năm 1964 với 1,4 triệu trẻ sơ sinh thì thật là ít ỏi. Đồng thời, việc kết hôn cũng giảm, năm 2011 chỉ còn 378.000 đám cưới, ít hơn năm trước 4.000 cuộc hôn phối. 2)
Tại Pháp, chế độ bảo hiểm xã hội gồm có các phạm vi sức khỏe, hưu trí, trợ cấp xã hội cho người già, người tàn tật, gia đình đông con…một cách rộng rãi cho dân chúng được Hội đồng Kháng chiến quốc gia (Conseil national de la Résistance, CNR, chủ tịch đầu tiên được tướng Charles de Gaulle đề cử là Jean Moulin) thiết lập trong chương trình hành động kể từ tháng 11.1943 tại Alger và đưa vào thực hiện sau khi nước Pháp được giải phóng vào năm 1945. Chế độ bảo hiểm này hiện nay tuy có nhiều sửa đổi, bắt dân chúng phải đóng góp nhiều thêm, nhưng vẫn còn là một biện pháp bảo đảm an sinh tốt cho đại đa số dân chúng. Cũng nhờ vào chế độ bảo hiểm xã hội này mà dân số của nước Pháp không ngừng tăng trưởng, số sinh nhiều hơn số tử, tỷ số sinh là 2,08, mỗi năm dân số tăng từ 200.000 đến hơn 300.000 người. Thí dụ như năm 2011 nước Pháp có 827.000 trẻ sơ sinh (sống), so với số tử là 555.000 người qua đời thì dân số tăng 272.000 người.
Cũng từ cái nhìn lại lịch sử phát triển trên thế giới, mấy chục năm sau, người có đầu óc phân tích và tổng hợp mới thấy có những sự kiện, những biến động bắt đầu và kéo dài cả mươi năm mới có tác dụng rõ rệt, tốt hay xấu. Cho nên tình hình phát triển của thế hệ trẻ hiện nay, trong tuổi mà nhiều xã hội định nghĩa là tuổi lao động tích cực từ 14 đến 50 tuổi (lứa tuổi từ 1960 đến 1990), chứa đựng một tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội ngày mai.
Sau hai trận đại chiến với một sự tổn thất nhân mạng khủng khiếp, trên nhiều nước đều xuất hiện một giai đoạn “babyboom” với số sinh tăng vọt. Nhu cầu lập gia đình và có con của những người đã chịu đựng và chứng kiến bom đạn chết chóc đổ nát khác hẳn với nhu cầu lập gia đình và có con của những người sống trong thời bình, chưa hề biết chiến tranh là gì.
Hạn chế sinh đẻ là không tích cực làm bảo tồn văn hóa, bảo tồn đất nước ? một câu hỏi khiêu khích như thế hẳn làm cho độc giả không khỏi tự hỏi, sinh đẻ thì có liên quan gì đến bảo tồn văn hóa, và nhất là quân sự ? Tình hình phát triển dân số hiện nay của hai cường quốc châu Âu, Đức và Pháp, gợi lên vài suy nghĩ về sự liên quan trên. Một thí dụ lịch sử, tại sao cần có dân để giữ đất là một thí dụ nhìn trên khía cạnh quân sự, của chiến tranh và hòa bình.
Sau nhiều năm sửa soạn một cuộc chiến tranh lớn về nhân lực, vật lực và vũ khí, khi Hitler quyết định cho bắn tiếng súng đầu tiên mở màn một trận đại chiến thế giới lần thứ hai, thì dân số nước Đức có đến một con số 79.375.281 người 3) , trong đó có 48,83% là đàn ông, tổng cộng 38.761.645 thuộc nam giới đủ mọi lứa tuổi.
Nước Pháp, năm 1939, thì sau những mất mát khủng khiếp về nhân mạng và tài sản trong trận đại chiến thứ nhất 1914-1918 còn chưa vực lên được tầm cao, có một dân số rất yếu kém so với nước Đức, chỉ có tổng cộng 41.510.000 người. Trong độ tuổi từ 20 đến 64 (tuổi nhập ngũ) thì có tổng cộng 23,01 triệu người, mà thành phần nam giới gồm có 47,90%, tức là khoảng tròm trèm hơn 11 triệu người. 4).
Trong khi tướng trẻ de Gaulle muốn đi theo cách đánh linh động, dùng chiến xa, xe vận chuyển, vì quân số ít ỏi, thì tướng Pétain vẫn quen với lối đánh phòng thủ cố định bằng chiến lũy và hy sinh nhân mạng rất nhiều (chiến tuyến Marginot là một thất bại nặng nề) của trận đại chiến thứ nhất, nên hai vị tướng này hoàn toàn không đồng ý với nhau về chiến lược. Lại nữa, tướng Petain mê muội vì tham vọng ảo tưởng, cho rằng khi ông ta liên kết với Hitler thì sẽ được đứng cùng chung một địa vị với Hitler để cai quản châu Âu, nên ký hiệp ước đầu hàng vào ngày 22.06.1940 tại khu rừng Compiègne, bắt đầu sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã tại Pháp. Hitler thỏa mãn được ý đồ của mình, chiếm nước Pháp mà không tốn thêm một viên đạn !
Thoạt đầu, nước Pháp bị chia ra làm hai vùng, một vùng phía Đông-Bắc do Đức trấn đóng và kiểm soát, một vùng phía Tây-Nam do chính phủ Vichy của Petain kiểm soát, nhưng sau đó thì trên thực tế Đức Quốc Xã kiểm soát toàn thể nước Pháp. Guồng máy chiến tranh trên nhiều mặt trận làm cho quân đội Đức Quốc Xã cần nhân mạng và nhân sự ở khắp nơi, trên trận tuyến và trong mọi cơ xưởng sản xuất vũ khí, trên đồng ruộng sản xuất thực phẩm, trong các bệnh viện…Nước Pháp bị bắt buộc phải cung cấp cho Đức Quốc Xã nhân công phục dịch trên chiến trường và hậu phương. Từ giữa năm 1942 cho đến tháng 8 năm 1943, có tổng cộng khoảng 600.000 người đàn ông Pháp bị chính phủ Vichy của Pétain và Đức Quốc Xã bắt cưỡng ép và tải qua Đức. Họ được phân phối đi lao động bắt buộc trong những cơ sở sản xuất của Đức trong một điều kiện ăn ở sinh sống rất khổ cực. Nhưng khổ cực hơn nữa là những người Pháp lao động cưỡng bách mà có tinh thần kháng chiến chống Pháp thì bị đưa đi lao động chiến trường. Họ bị đưa đi đến các chiến trường xa, tận Ba Lan, Liên Xô. Cùng với hàng triệu tù binh, những người bị tù đày vì nhiều lý do khác, như chính trị chẳng hạn, người Pháp lao động cưỡng bách bị bắt làm đường, làm cầu, làm đường xe lửa, dọn xác chết, dọn sạch đường…ăn ở đó, ngủ ở đó, làm ở đó dù là trên nền tuyết lạnh âm -20 độ, nên không ít người đã bỏ lại mạng sống của mình nơi ấy. Trong số 600.000 lao động cưỡng bách có 60.000 người chết vì kiệt sức, bệnh tật, bom đạn, và 15.000 người phản kháng bị Đức Quốc Xã bắn chết, treo cổ… tại chỗ.
Trong thời đại của chúng ta, dù vũ khí hiện đại đến đâu đi nữa, cũng cần phải có con người sử dụng chúng. Càng chết nhiều sinh mạng đột ngột cùng một lúc vì hậu quả của việc sử dụng những vũ khí tối tân như vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí vi sinh học…lại càng cần nhiều sinh mạng để có thể nhanh chóng bù dắp, khắc phục, tiếp tục xây dựng đời sống của xã hội, của đất nước. Trường hợp của nước Nhật sau vụ nổ và hư hại ở nhà máy hạt nhân Fukushima là một thí dụ gần đây nhất. Sự đóng góp và hy sinh của phụ nữ lại cần phải tăng lên gấp bội, vừa đóng góp cho chiến trường, cho đời sống khổ cực trong chiến tranh, vừa phải gánh thêm sức nặng của xã hội hậu phương, vừa chịu đựng những mất mát đau thương lại còn phải sinh đẻ và nuôi nấng dạy dỗ thế hệ nối tiếp. Cho nên, định nghĩa và đánh giá sự sinh đẻ là bảo tồn nòi giống và bảo tồn văn hóa là không sai.
Khi nền kinh tế quốc dân suy sụp, và nhất là không có một sự phân phối tài sản, nguồn lợi sinh sống tương đối công bằng cho mọi thành phần dân chúng, thì nỗi lo sợ “đẻ ra rồi lấy gì mà ăn, nhà đâu mà ở ?!” lớn, nhà nghèo con đông, xã hội cảm thấy cần phải hạn chế sinh đẻ, thì đó chỉ có thể là một biện pháp có giai đoạn, tạm thời, không thể kéo dài mãi mãi được. Người lãnh đạo cần có một cái nhìn xa, nhìn rộng, có dân thì mới giữ được đất. Hai cái vế “dân trước, đất sau” là một tầm nhìn chiến lược lâu dài.
Khi nền kinh tế quốc dân phát triển thì các cơ cấu căn bản của xã hội như bệnh viện, trường học, mẫu giáo, nhà trẻ, tiêm chủng, thực phẩm dinh dưỡng, thuốc men…để săn sóc phụ nữ và các thế hệ trẻ cũng phải được xây dựng nhanh chóng, để bảo đảm một cấu trúc xã hội trẻ và khỏe. Vì, muốn bảo đảm hòa bình thì phải “lo” khi chiến tranh, phải có nhân sự cho quân đội.
Năm 2012 nước Việt Nam có một quy mô dân số là 88.526.883 người, trong đó tỷ lệ nam chiếm 49,5%, (43.792.120 người nam giới). Hiện tại thống kê dân số, thí dụ như về số sinh, số tử ở Việt Nam chỉ đưa ra các bảng tỷ lệ, không có những con số chính xác nên rất khó hình dung ra tầm mức cấu trúc. Tuy nhiên báo chí nêu ra các hiện tượng như giảm sinh mạnh suốt từ thập niên 1960 cho đến hiện nay, sự sàng lọc giới tính nam hay nữ khi thai nghén sinh đẻ, số tử cao vì thiên tai bão lụt, bệnh dịch, tai nạn giao thông…
Tại sao cần có dân để bảo tồn văn hóa ? Một trong những phương cách để thâm nhập, ảnh hưởng vào các nước khác trên thế giới của những cường quốc như Anh/Mỹ, Pháp, Đức, Trung quốc, Nga…là truyền bá ngôn ngữ của họ một cách rộng rãi nhất, dù dân họ ít hơn những nước khác. Cho nên, vấn đề dân số có liên quan đến việc truyền bá ngôn ngữ. Có bao nhiêu người biết/nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Hoa…trên thế giới ? Và có bao nhiêu người biết/nói tiếng Việt trên thế giới ? Mỗi cường quốc đều có một ngân khoản dành riêng cho việc “truyền bá và bảo vệ” ngôn ngữ của mình, khuyến khích người nước khác học tiếng của mình thông qua hoạt động của truyền hình, truyền thanh và các cơ sở trung tâm văn hóa, các cộng đồng người định cư… thiết lập ở khắp nơi trên thế giới, và họ cần nhân sự tiếng mẹ đẻ cho công việc này. Vì ngôn ngữ không chỉ là một đặc điểm, một công cụ văn hóa, mà ngôn ngữ chuyển tải và có ảnh hưởng đến tất cả: phát triển thương mại, thị trường, kỹ nghệ…luôn cả quân sự chính trị. Hiện nay tại Pháp, các sản phẩm có in nhãn hiệu “Made in France” xuất hiện ngày càng nhiều hơn trước, để khuyến khích dân Pháp và người tiêu thụ những nước khác mua hàng của Pháp sản xuất tại Pháp.
Hiện tại, không có một thống kê nào ghi nhận sự phát triển dân số của người Việt định cư ở nước ngoài, vì đa số trẻ được sinh ra, dù có cha mẹ, cả hai hay một người là người Việt, đều có quốc tịch nước ngoài. Thêm vào đó, số tăng trưởng người Việt ở nước ngoài không cao đột phá vì điều kiện sinh sống và làm việc của cả hai vợ chồng. Trung bình, một đôi vợ chồng trẻ “Việt kiều” đang trong lứa tuổi sinh đẻ thì thường chỉ có một, hay hai đứa con mà thôi, và không có sự kiện thực hiện việc “sàng lọc” giới tính, vì theo quan niệm chung ở nhiều nước sở tại, con gái cũng quí như con trai. Nếu các gia đình người Việt sinh sống rải rác trên khắp thế giới đều cố gắng truyền bá và bảo vệ tiếng Việt cho đời con, đời cháu mình, là sứ giả của tiếng Việt, thì tiềm năng đó cũng là một điểm tựa đáng kể. MTT.
Chú thích:
1) Theo báo Le Point số 56, 12.09.2013
2) Theo tạp chí Der Spiegel, ngày 02.07.2012, bài Zahl der Geburten sinkt auf Rekordtief.
3) Kiểm tra dân số đầu tiên của Đế quốc Đức (Deutscher Reich) được dự tính vào năm 1938, nhưng Đức chờ sát nhập với nước Áo, nên đến tháng 5.1939 mới được thực hiện. Dân số nước Áo được kiểm kê sát nhập với Đức gồm có 6.881.457 người.
4) Dữ liệu của Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE
3) Dân số nước Đức trong các năm: 2008 là 82,002 triệu, 2009 là 81,802 triệu, 2010 là 81,751 triệu, 2011 là 80 327, 2012 là 80.523.746. Giai đoạn “Baby-boom” (tăng trưởng bùng phát) về dân số của Đức tăng dần từ sau đệ nhị thế chiến (1946) đạt đỉnh cao nhất vào năm 1964 với con số sinh kỷ lục 1,4 triệu trẻ sơ sinh, rồi giảm dần liên tục và rõ rệt nhất từ đầu thập niên 1970. (Statistisches Bundesamt, Geburten in Deutschland, 2012)