Xã hội tiêu thụ và người già
Xã hội tiêu thụ và người già – ©Mathilde Tuyet Tran, France 2013
Ở Việt Nam, theo truyền thống đạo đức, văn hóa xã hội của người Việt, thì các thế hệ già trẻ cưu mang lẫn nhau để tồn tại từ đời này sang đời khác. Thế hệ người đi trước, như thế hệ cha mẹ, đặt hết niềm tin tưởng vào thế hệ con cái. “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, để nói lên niềm tin vào đứa con gái ấy, lớn lên, sẽ cáng đáng tiếp tục công việc kinh tế và săn sóc gia đình, săn sóc cha mẹ già nua. Hay ngay cả câu nói “một trăm đứa con gái không bằng hòn dái thằng con trai”, cũng để nói lên niềm tin, con trai thì đem con dâu về nhà lo toan giúp đỡ gia đình chồng, trong khi con gái lấy chồng thì lại phải về nhà chồng mà giúp nhà chồng. Một sự bù trừ, đổi dâu đổi rể, có cái hợp lý của nó.
Xã hội Việt Nam đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, còn đang trên đường phát triển, nên trong nhiều mặt còn chưa “giống” các xã hội tân tiến Âu Mỹ. Một cái may ? hay một cái dở của mình ? Nếu chỉ nói về phạm vi quan hệ gia đình của người Việt hiện tại thì đó còn là một cái may. Hiện nay, khi cha mẹ già yếu, bệnh tật, cần được nuôi nấng săn sóc thì con cái còn biết bổn phận cưu mang thế hệ đã sinh đẻ ra mình, nuôi cho mình lớn, cho mình ăn học thành tài, ăn nên làm ra, lấy vợ gả chồng cưới hỏi cho mình. Thế hệ cha mẹ đã thực hiện bổn phận và trách nhiệm của mình, thì thế hệ con cái phải báo hiếu lại cho cha mẹ. Đó còn là một việc tất nhiên trong xã hội Việt Nam, chỉ có những đứa con tham lam nhất, bội ơn nhất thì mới dám dẫm đạp lên luật lệ “báo hiếu” bất thành văn của người Việt.
Những bài hát thường làm động lòng người dân Việt nhất là những bài hát ca tụng công ơn và tình yêu thương của cha, của mẹ. Ở nước mình, còn ít có ai dám “tống khứ” cha mẹ vào nhà dưỡng lão cho rảnh nợ. Vợ già lo cho chồng già, hay ngược lại, cưu mang nhau cho đến khi một người đi trước, còn một người (tạm) ở lại, đi sau. Dù nghèo kém, dù giầu có, cha mẹ già được con, cháu săn sóc tại nhà cho đến khi qua đời. Cái viện dưỡng lão chứa đựng hình ảnh của một cái nơi chờ chết, dơ bẩn, hôi hám. Một hình ảnh nhẫn tâm, mà không ai nỡ như thế. Thêm một phần nữa, xã hội Việt Nam chưa xây dựng một cách đại trà, rộng rãi các viện dưỡng lão như một hình thức công ty tư kiếm lợi nhuận cao, kiếm tiền trên việc săn sóc người già.
Trong khi ấy, tại các xã hội tân tiến Âu Mỹ, việc đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão lại là một việc đương nhiên, vì nhiều lý do, cũng do một xã hội tân tiến gây ra, đưa đến. Lý do thực tiễn thứ nhất là sự phá vỡ gia đình lớn của các xã hội kỹ nghệ phát triển từ thế kỷ thứ 17, khi các nước tân tiến đưa cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lớn, xã hội quân chủ chuyển biến thành xã hội tư bản. Các nhà máy, hầm mỏ…rất to lớn được xây dựng nên, thu hút sức người lao động. Những người nông dân không có ruộng đất, không có tài sản, chỉ đi làm thuê cho các điền chủ thì từ bỏ nhà quê, lên thành phố. Từ nông dân không biết đọc, không biết viết, họ biến thành công nhân làm trong những chuỗi dây chuyền trong các nhà máy, hãng xưởng. Cha một việc, mẹ một việc, con một việc, mới 8 tuổi, 10 tuổi, đã đi làm trong các nhà máy dệt, chẳng hạn. Mỗi người đều phải làm việc kiếm sống, mỗi người có lương riêng của mình, đó chính là hai sự kiện kinh tế đã phá vỡ hệ thống xã hội gia đình lớn. Bị ràng buộc về thì giờ, bị ràng buộc vào địa điểm của nơi có công ăn việc làm, lại vừa có cảm giác độc lập kinh tế giữa người này và người kia…đã làm cho đơn vị gia đình lớn phân tán, chia rẽ.
Hậu quả của sự phân tán xã hội đó tất nhiên là những cuộc ly dị, và sự thành lập những gia đình nhỏ, cha mẹ ở riêng, con cái ở riêng. Cái ảo tưởng cá nhân độc lập là lý do thực tiễn thứ hai, thời còn trẻ còn sức lực đi làm, còn tiền bạc, có chỗ ăn chỗ ở, thì cho rằng mình sống chẳng cần ai, sống ích kỷ, cái Tôi là trên hết. Sau này, khi rơi vào tình trạng bệnh tật, hay tình trạng sâu lắng nhất, khổ tâm nhất của sự cô đơn khi về già thì đã muộn. Lối sống cá nhân, ích kỷ, bất cần đời, bất cần người, dẫn đến hậu quả tất nhiên là sự cô đơn cuối đời. Nhưng ít ai đo lường được mức độ sâu đậm của sự cô đơn này.
Từ những gia đình lớn khi xưa, có 8, 9, 10 hay nhiều hơn nữa người con, thì mức sinh đẻ tụt rất nhanh, chỉ còn sinh 1 hay 2 đứa con, gia đình nào có 3 con thì đã là “đông con”, làm cho nhiều người trợn mắt, sinh nhiều thế, lấy đâu ra mà nuôi, chỗ đâu mà ở ?! Mà thật thế, mức lương thấp, làm sao một người nuôi cả gia đình ? chỗ ở tại những nơi sản xuất, trong những thành phố mới to phình ra thì chật hẹp, làm sao dồn nhau ở chung với nhau được ?
Nền kinh tế tư bản, chủ đích xây dựng trên cơ bản một thị trường tiêu thụ lớn, cần có những đơn vị gia đình nhỏ như thế, vì họ sẽ tiêu thụ nhiều hơn. Và khi con người, sau mấy chục năm lao động cống hiến tuổi trẻ, tuổi thanh xuân, cống hiến sức khỏe đời mình, trở nên già yếu, kiệt quệ, không còn lao động được nữa, không còn tự sống một mình được nữa, thì làm gì với họ ? trong khi con cháu không nhận hay không thể cưu mang thế hệ đã sinh đẻ ra mình. Vì thế, các viện dưỡng lão tập thể được lập nên để giải quyết vấn đề người già cô đơn.
Trước đây, các viện dưỡng lão thường do các nữ tu Công giáo, đạo Thiên Chúa hay đạo Tin lành, sáng lập. Các bà sơ đảm nhiệm tất cả mọi công việc, từ nhiệm vụ y tá, cho đến bếp núc, săn sóc tinh thần. Nhưng tình hình đã thay đổi nhiều, phần thì thiếu các nữ tu, con số nữ tu giảm mạnh, phần thì các công ty bảo hiểm, khi đi tìm thị trường đầu tư, họ chú ý đến “thị trường người già” có khả năng trở thành một thị trường sinh lợi nhuận chắc chắn, ai cũng phải già yếu và chết đi, nên họ mua đứt những cơ sở trước giờ do các bộ phận tôn giáo thành lập và quản lý.
Ở Pháp, mỗi khi nói đến viện dưỡng lão, người ta thường lắc đầu, cho rằng trước nay vẫn là một “mouroir“, nơi để chết. Những người già không hề quen biết nhau, hoàn toàn không có tình cảm gì với nhau, nhiều người mang bệnh tật, bị tụ họp lại với nhau để chờ chết. Không khí trong viện dưỡng lão vì thế là một không khí tiêu cực, những người già không thích nhau, không trò chuyện với nhau, không thích ngồi cạnh nhau trong bữa ăn, không thích ở chung phòng với nhau, hay chửi rủa nhau, thậm chí đánh nhau, phá phách đồ đạc…
Nhưng một khi đã trở thành “thị trường” thì hệ thống giá cả được ấn định lại, tăng cao, phân chia thành nhiều hạng, tùy theo nhu cầu, tùy khu vực thiên nhiên, giá từ 3 hay 4 ngàn euro một chỗ/một người/một tháng, hay còn cao hơn nữa, cho đến thấp nhất, trong các viện dưỡng lão thuộc hạng “xã hội”, hạng bị coi là “mouroir“, cũng phải là 1 ngàn euro/một người/một tháng. Hạng bình thường thì một phòng có hai người già ở chung. Hạng sang, giá cao nhất, là một phòng đơn, chỉ có một người. Các viện dưỡng lão có bộ phận y tá, bác sĩ thường trực tất nhiên giá cao hơn là những nơi chỉ gọi bác sĩ ngoài viện đến khi cần thiết.
Bởi thế, khi về hưu, rất nhiều người đang già, đều lo sợ cho cái ngày mình phải vào viện dưỡng lão, nhất là khi thấy số lương hưu của mình không đủ để trả phí tổn hàng tháng cho một chỗ trong viện dưỡng lão.
Thời tôi còn là sinh viên, cuối tuần đi làm thêm trong viện dưỡng lão hai ngày thứ bẩy, chủ nhật trong hai năm trời, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh buồn, mà nhiều khi, tôi thấy mình giống như thái tử Sĩ Đạt Ta, đi qua khỏi cổng hoàng cung, mới chứng kiến được cảnh sinh, lão, bệnh, tử của một đời người, mà không ai thoát ra được cái vòng khép kín ấy.
Thường thì người già cố gắng tự sống một mình, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ…một mình, cho đến khi họ có dấu hiệu mất trí nhớ, nhất là quên đường về nhà, ra ngoài, đóng cửa rồi không mở cửa nhà được nữa vì quên chìa khóa…hay quên tên người, quên tên đường, quên trả tiền thuê nhà, quên trả tiền điện nước, điện thoại…thì hoặc là chủ nhà, bạn bè, hàng xóm láng giềng báo động, rồi gia đình con cháu hay cơ quan xã hội can thiệp, đưa họ vào viện dưỡng lão. Đã có nhiều trường hợp, các loại chi phí hàng tháng đều được rút tự động từ tài khoản ngân hàng, nên không ai biết họ đã chết từ nhiều tháng, nhiều năm trong nhà.
Nhiều người già ngồi khóc, dù không có nước mắt, nước mắt đã cạn, thôi không chảy nữa, họ khóc khô, nhất là vào những dịp lễ như Giáng sinh, Tết tây cuối năm. Con cái không ai vào thăm, dù chỉ một lần một năm. Đứa nào tử tế lắm, ở xa thì gửi đến một bó hoa hay một một hộp bánh kẹo, nhưng những thứ ấy làm sao thay thế được một cuộc thăm viếng, gặp gỡ , những cử chỉ thân tình, âu yếm giữa cha mẹ và con cái. Ngay cả những người còn trẻ, bị liệt do tai nạn xe hơi hay tai nạn lao động, cũng bị bỏ quên trong viện dưỡng lão. Người nào ở trong viện dưỡng lão cũng buồn và tủi thân, tủi phận. Rất ít người có phòng đơn, người già phải nằm cạnh nhau trong một phòng hai giường, ba, bốn giường, mùi hôi hám bốc lên nồng nặc, dù một ngày phải làm vệ sinh hai lần, sáng sớm và chiều tối. Họ cảm ơn nhiều lần, cảm ơn một cách chân thành những cử chỉ săn sóc nho nhỏ. Đã mấy lần, chỉ có tôi là duy nhất người vuốt mắt cho họ, thay quần áo, chải tóc, đặt vào tay họ một chuỗi thánh giá khi họ ra đi. Có người chết mà không một ai đến nhận xác đem chôn, cơ quan xã hội phải lo việc ấy.
Bởi thế, dù còn trẻ, và cũng nhờ đã quy y từ năm tôi 12 tuổi, tôi ngạc nhiên cho những ai sống chà đạp lên người khác, cười cợt châm biếm mỉa mai trên sự đau khổ, khó khăn của những người khác, sống ích kỷ, ngạo mạn, tham lam, tàn nhẫn, vơ vét lợi lộc, vô nhân, vô tâm mà cứ nhân danh cái vỏ đạo đức giả, không hề ý thức được rằng, chính bản thân họ cũng sẽ rơi vào cái vòng khép kín đó.
Người Việt Nam “kính lão đắc thọ”, nên 60 tuổi đã được lên “lão”, được gọi bằng cụ, cụ ông, cụ bà. Trong nhiều ngành nghề, người Việt ở trong nước được về hưu từ năm 50 tuổi. Thật là một hạnh phúc ! Còn có thể dùng thời gian sống còn lại để sống theo ý mình.
Trong khi đó, tại châu Âu, lại có nhiều mâu thuẫn, trên thị trường lao động thì 60 tuổi chưa được coi là “già”, bằng chứng là các cải cách về luật lao động, luật hưu trí…đã kéo dài thời gian lao động bắt buộc thêm nhiều năm, kéo tuổi phải lao động và chưa được về hưu lên đến ít nhất là 63, 65 tuổi. Họ lại còn gian lận thêm bằng cách ấn định tuổi được về hưu khác, còn bao giờ, năm nào được lãnh lương hưu, lãnh bao nhiêu, lại là một chuyện khác. Đã có chính khách đòi tăng tuổi về hưu lên thành 69 tuổi.
Tại Pháp, năm tôi 60 tuổi, tôi được làng chính thức cho vào ngồi “chiếu lão”, tức là cuối năm được một phần quà “người cao tuổi”, người lên lão. Mua vé xe, vé tầu…đều được giảm giá cho người “già” (tôi đã già đâu nào ?!).
Tình hình mức tuổi thọ tại Pháp cũng tương tự như nước Đức. Thống kê Pháp cho thấy từ năm 1891 cho đến năm 2011, tuổi thọ đàn ông tăng lên 8 năm, tức là khoảng 79 tuổi, tuổi thọ phụ nữ trung bình tăng lên 6,5 năm, tức là khoảng 85 tuổi.
Vào ngày 01.01.2013 tổng dân số Pháp có 65,8 triệu, so với 10 năm trước, năm 2003, dân số chỉ có xấp xỉ hơn 61 triệu thì dân số Pháp đã tăng hơn được 4 triệu người. Tuy số sinh trong năm 2012 không tăng, nhưng số sinh đạt 822.000 trẻ (sống), vẫn nhiều hơn số tử (571.000 tử vong) là 251.000 người. (Đặc biệt năm 2012 con số người chết tăng cao so với những năm trước, có đến 571.000 người qua đời, vì cơn lạnh giá buốt mùa đông 2012 và dịch cảm cúm trong năm đó.)
Trong khi đó, con số người nhập cư chỉ tăng thêm có 54.000 người vào Pháp năm 2012.
Theo thống kê Insee năm 2013, tỷ lệ người già trên 60 tuổi tại Pháp lên đến 23,8%. Dự đoán năm 2060 dân số Pháp sẽ tăng lên đến 74 triệu, tỷ lệ người già trên 60 tuổi sẽ là 32,10%.
Tình hình phát triển “lên” của dân số nước Pháp khả quan hơn tình hình phát triển “lùi” của dân số nước Đức. Số sinh tại Pháp cao hơn, xã hội Pháp trẻ hơn.
Hiện nay, năm 2013, dân số nước Đức nhiều hơn nước Pháp đến khoảng 15 triệu, nhưng theo đà tụt dốc dân số thì đến mốc thống kê năm 2060, dân số nước Đức sẽ ít hơn nước Pháp.
Thống kê của nước Đức cho rằng, suốt từ năm 1871, sự tiến bộ của nền y khoa và điều kiện chung của môi trường, sự dồi dào nguồn thực phẩm, sự vệ sinh tối thiểu, cũng như tiện nghi của nhà ở, khiến cho tuổi thọ tăng, người già ngày sống lâu hơn.
Một thống kê năm 2009 của nước Đức liệt kê tuổi thọ tính từ năm 1959, khi ấy tuổi thọ của phụ nữ khoảng 70 tuổi, đàn ông khoảng 65 tuổi, năm 2009 (tức 50 năm sau) tuổi thọ phụ nữ tăng lên thành trên 80 tuổi, đàn ông tăng lên thành trên 75 tuổi, và cứ theo đà tăng tuổi thọ này thì năm 2060 phụ nữ sẽ sống đến hơn 90 tuổi, đàn ông hơn 85 tuổi.
Thống kê chính thức cũng cho biết là năm 2011, số sinh là 662.685 trẻ (sống), số tử là 852.328 người, tức là dân số năm 2011 giảm 189.643 người. Năm 2012 thì số trẻ mới sinh là 673.544 trẻ, số tử là 869.582 người, giảm 196.038 người. Tuy nhiên, các bảng thống kê đều đưa ra một viễn ảnh không mấy tốt đẹp cho nước Đức là số sinh giảm, số tử tăng, và xã hội Đức sẽ già đi, và theo đà phát triển tiêu cực này dân số nước Đức tổng cộng sẽ giảm xuống còn khoảng 65 đến 70 triệu người vào năm 2060.
Năm 2008 con số người già trên 65 tuổi chiếm tỷ lệ 20% tổng dân số, dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 34% năm 2060. Đặc biệt, con số người già trên 80 tuổi, năm 2008 có 4 triệu (5% dân số), thì năm 2050 con số người già trên 80 tuổi sẽ tăng lên thành trên 10 triệu, nói một cách khác, cứ 7 người dân thì có 1 cụ già trên 80 tuổi trên nước Đức.
Khi 1/3 dân số của một xã hội là người già trên 60 tuổi, thì “thị trường người già” quả là một thị trường đặc biệt. Người già có những nhu cầu khác hơn người trẻ và họ tiêu thụ ít hơn. Nhu cầu lớn nhất của họ là sức khỏe, nên các thị trường cung cấp dược phẩm chữa bệnh, dược phẩm hỗ trợ sức khỏe, các dụng cụ như gậy chống, xe lăn, ghế bành, giầy dép, quần áo đặc biệt…dịch vụ nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng, viện dưỡng lão, ngay cả đến việc tống táng, xây hầm mộ…là những thị trường kinh tế chắc chắn.
Một thành phần quá khích, cực đoan, vô lương tâm, dã man, muốn “giải quyết” người già mau chóng vì mục đích thừa kế và giảm tốn kém thì họ yêu cầu, và nhất là họ đòi thực hiện việc “Euthanasie” (tiếng Pháp), tiếng Đức là “Sterbehilfe” (người Đức hiện nay tránh dùng từ Euthanasie vì lịch sử thủ tiêu người Do Thái, người tàn tật, người già và tù nhân chính trị của họ trong trận đại chiến thứ hai), tiếng Việt là “an tử” hay “trợ tử”. Các tôn giáo như đạo Phật, đạo Thiên Chúa đều chống lại sự kiện trợ giúp tích cực cho cái chết.
Trên bình diện pháp luật, đa số các quốc gia trên thế giới đều không cho phép, ngăn cấm việc “trợ tử” thúc đẩy cái chết, hoặc xem đó là một vi phạm hình sự (crime). Đặc biệt tại châu Âu, nước Thụy Sĩ cho phép việc “tự tử có giúp đỡ”, tức là người muốn tự tử được tự tử bằng thuốc độc có người theo dõi việc tự tử để họ chết cho êm thấm, không bị hành hạ đau đớn, và tại Lục Xâm Bảo, kể từ năm 2009, cả hai việc “trợ tử” và “tự tử có giúp đỡ” đều được pháp luật cho phép. “Trợ tử” theo yêu cầu của người muốn chết trở thành một thị trường cao giá, theo lợi nhuận, từ 6 đến 7 ngàn euro cho một cuộc tự tử có giúp đỡ tại Thụy Sĩ. “Trợ tử” trở thành một cái “nghề”, mà tiếng Đức gọi là “Sterbebegleitung.”
Tại Pháp, theo các đạo luật hình sự thì trợ tử là một án giết người, án tù là 30 năm, hay bị án “không cứu người lâm nạn” theo luật 223-6 hình sự, hay bị án đầu độc người còn sống, cũng là một án hình sự với án tù 30 năm. Trên thực tế, tùy tình hình sức khỏe và sức chịu đựng của bệnh nhân mà các bác sĩ bệnh viện và gia đình đều cố gắng tận dụng mọi biện pháp y khoa để giúp cho người bệnh không bị hành xác một cách đau đớn, nhẫn tâm trong những trường hợp bệnh nặng thí dụ như ung thư giai đoạn cuối, tai nạn thương tích nặng nề… .
Những cái chết chậm, bị bỏ rơi, bỏ quên trên chiến trường là những sự đau đớn tột cùng của thân xác, cũng giống như cái chết của những người già bị con cháu, gia đình bỏ đói, bỏ khát, không có bác sĩ, không thuốc men giảm đau cho đến phút cuối cùng là một cái chết dần mòn trong sự delirium rất đau đớn, thực sự là một việc giết người không dao, súng. Nhưng tại Đức, thì hình thức “bỏ cho chết” (passive Sterbehilfe, hay nói cách khác: sterben lassen) này không vi phạm hình sự. Họ đã quen tàn nhẫn theo lịch sử ?
Xã hội tiêu thụ khiến cho người già, dù đã cống hiến hết cả đời cho gia đình, con cháu, cho xã hội, đến những ngày cuối cùng lại trở thành một “gánh nặng”, phải chết mau mau cho rảnh nợ, cho các quỹ bảo hiểm, quỹ lương hưu bớt tốn kém, cho con cháu mau mau chia của cải người chết để lại. Xã hội nào, và bản thân ai, muốn giải quyết người già như thế, thật là vô ơn, vô nhân nghĩa và rất nhẫn tâm. MTT.