Cắt cỏ
Cắt cỏ © Mathilde Tuyet Tran, France 2013
Thời tiết có lúc thất thường như tâm tình con người. Đang đẹp, nóng thì trở lạnh, mưa gió. Đang ẩm ướt lạnh lẽo thì trở đẹp, nắng nóng. Tuần trước, tôi phải lục tục lôi ra mấy cái áo len, lên nóc nhà lục ra đem xuống mấy đôi giầy mùa đông, áo khoác ngoài phải đem giặt cho thơm. Giữa tuần này, bỗng dưng thôi không mưa nữa. Sáng sớm sương mù che kín tầm mắt, cây cối mờ ảo như trong các phim kiếm hiệp, ma quái. Gần trưa nắng mới lên, sưởi ấm bầu không khí, tôi phải cởi chiếc áo len vì thấy nóng nực rồi. Thế là trời đẹp cho đến tám giờ tối nắng vẫn chưa tắt, ông mặt trời một mầu trắng đục như bạc còn lơ lửng trên tầng không. Người ta dự báo, con người sẽ được một cuối tuần rất đẹp. Tôi rủ chồng tôi ra biển, hưởng nắng gió, và ăn cá, ăn nghêu bên bờ biển. Không thì ông ấy cứ ngồi đọc tư liệu cũ mãi, không buồn đứng lên.
Trưa nay trời đang sáng, có chút nắng, nhiệt độ rất dễ chịu, khoảng 18°. Cơm nước xong, tôi vội vã “hét” chồng, kẻo anh ấy lại quên, đem máy cắt cỏ ra hoạt động, cỏ xanh đã mọc lên cao cả hai tấc. Cái máy cũ, cũng lười biếng, kéo dây mấy lần mới chịu nổ. Tôi đẩy máy, kéo tới, kéo lui, đi lòng vòng cả hơn hai tiếng đồng hồ mới tạm xong được một nửa vườn. Cỏ còn ướt, đất cũng ướt, máy kéo nặng nề, không như mùa hè cỏ khô, đất khô, máy đẩy chạy lươn lướt.
Ông hàng xóm chế nhạo tôi nghèo, không mua được một cái xe cắt cỏ, ngồi lái như lái xe hơi cho nhẹ nhàng, mà cứ phải vất vả, đánh vật với cái máy cắt cỏ kéo đẩy bằng tay, bằng sức. Chồng tôi tự ái, sao lại không mua nổi một cái xe cắt cỏ cho vợ, nên cứ mỗi lần đi chợ thì cứ thích đi một vòng khu triển lãm máy cắt cỏ, xem có kiểu nào mới, kiểu nào rẻ. Lần nào tôi cũng gạt đi không mua, không cần. Ngày nào tôi còn kéo được cái máy cắt cỏ, thì ngày ấy sức khỏe tôi chưa đến nỗi rệu rạo, đẩy máy cắt cỏ hai ba tiếng là toát mồ hôi ướt đầm như đi tắm sauna, đi lòng vòng như thế là cũng đi được cả hai cây số chẳng chơi. Lao động chân tay ngoài vườn hai ba tiếng đồng hồ, xong đi tắm mát, sạch sẽ từ chân tóc đến ngón chân là thấy mình khỏe. Mỗi lần cắt cỏ là tôi lại bị nhện, bọ vườn cắn, ngứa ngáy cả tuần lễ mới hết, nhất là vào tháng tám, tháng khô nhất, bọ, nhện bay cao, bay xa…cắn từ trên đầu tôi cắn xuống. Nhưng tôi dành việc cắt cỏ với chồng, anh ấy chỉ cần kéo cho máy nổ thôi, vì tôi rất sợ là một hôm nào đó, tôi không còn sức để tự cắt cỏ mảnh vườn nhà được nữa, hay phải ngồi trên cái xe lái lòng vòng trong vườn, một sự xuống cấp sức khỏe thê thảm !
Lũ chim đi hoang từ đầu hè, vừa kéo nhau trở về vườn xưa nhà cũ vào tối qua. Sáng nay, tôi vừa thức dậy mở cửa ra vườn, chợt nghe chúng hót vang, mừng rỡ. Tôi gọi chồng tôi, anh ơi, chim đã về. Chúng đi hoang, vì từ cuối xuân thiên nhiên đã cho chúng thêm nhiều nguồn sống, trong rừng, trên đồng…đâu đâu cũng có thức ăn, vừa đi tìm bạn kết đôi. Khi chúng trở về, cùng với bạn mới, bắt đầu tìm chỗ làm tổ ấm trong vườn xưa, là dấu hiệu mùa thu đã quyết định trở về. Các tán cây còn rất rậm rạp, lũ chim nào về sớm thì tha hồ chọn chỗ ở, hay xây lại tổ cũ thành mới. Vợ chồng con sóc mầu nâu vàng chăm chỉ suốt mùa hè, chúng không đi hoang, đi xa, vẫn ở trong vườn, ngày nào cũng đi lượm hạt về cất dấu, để dành cho mùa đông.
Khi trồng cây tôi vô tình không nghĩ đến việc trồng những cây còn tán lá suốt mùa đông cho lũ chim ẩn náu. Đa số cây đều rụng lá trơ cành khô. Chỉ có vài cây vẫn xanh cho chim làm tổ. Con gái tôi tặng tôi một cái nhà làm chuồng chim đóng bằng gỗ, sơn phết rất đẹp, công phu, mỹ thuật, chồng tôi đem treo trong một tán lá xanh rậm, nhưng mấy mùa thu rồi, chẳng có con chim nào lại thích chui vào trong ấy ở. Chúng cất công lượm cành thật nhuyễn, thật mềm, lông trắng dài của con chó, hay cả tóc của chồng tôi, bạc trắng để xây tổ. Mỗi năm mấy lần tôi cắt tóc cho anh ấy, thì anh ấy cứ nhắc, đừng quét tóc đổ thùng rác, đem tóc ra vườn đổ, cho chim nó nhặt về lót tổ. Thật đấy. Một lần, nhặt được một cái tổ chim bỏ hoang, gió thổi trên cành rơi xuống, anh ấy khoe, thấy không, chúng nó xếp từng cành một đan vào nhau rất kiên nhẫn, rất đẹp, lại còn có cả tóc anh lót tổ đây này.
Mùa đông năm trước, lạnh lẽo, dài lê thê, tuyết rơi xuống cao cả thước, vậy mà cây cối lại có một mùa nghỉ, ngủ dài, lấy sức. Khi xuân về, cây nào cũng phủ đầy những hoa là hoa. Khi hè về, mỗi hoa là một quả. Hoa được ong bướm đậu thành quả, nhiều đến nỗi mà một cây táo nặng trĩu quã nghiêng hẳn sang một bên, cành gẫy gục xuống, quả không rụng, cứ nhất định ngày càng to thêm. Cuối hè, chồng tôi hái bao nhiêu là táo, mận, đào, lê…làm cho tôi nhiều lần bận rộn trong bếp, để làm bánh, làm mứt…, quả nào đẹp nhất thì đem lên nóc nhà cất giữ.
Những cây dâm bụt trong vườn, có từ trắng nhụy đỏ đến, hồng nhạt, hồng thẫm và xanh tím, mầu đẹp nhất và hiếm nhất, nở từ tháng bẩy đến đầu tháng chín thì hết mùa hoa. Kế tiếp sau mùa hoa dâm bụt, thì một cái bụi cây nở hoa mầu tím nhạt, nhụy vàng, hoa không có mùi cho tôi ngửi thấy, nghĩ là một loài hoa không hương, nhưng từ đâu, kéo về hàng đàn bướm hoa cải trắng (tên nó là như thế) và ong bay lượn rất tấp nập từ sáng sớm cho đến khi chiều buông. Cứ mỗi hoa là có một con ong rù rì trong nhụy. Vậy là loài hoa này phải có gì hấp dẫn ong bướm đến thế.
Trên mặt đất, cúc mùa thu đang mọc lên, loại cúc vàng hoa nhỏ, mùi khá nồng nặc.
Kể từ tháng chín, thảm cỏ mọc chậm hơn trước, nên thay vì cứ hai tuần thì một tháng tôi mới cắt cỏ một lần, cho đến khi có tuyết rơi xuống, phủ đầy không gian thì được nghỉ khỏe, khỏi phải lo lắng việc cắt cỏ nữa, chờ mùa xuân về. Kể cả khi lá thu vàng úa muôn mầu sắc rơi xuống đầy vườn, chồng tôi cứ bảo, để đấy, không hốt, không đổ, để làm phân bón. Lá thu úa rữa, bên trên là sương rơi, tuyết trắng, giá băng, thành một lớp che thảm cỏ xanh bên dưới qua suốt mùa đông. Chờ mùa xuân đem nắng về, tôi lại “hét” chồng tôi, anh ơi, đem máy em cắt cỏ. Lớp lá úa mùa thu đã rữa thành phân bón thiên nhiên, thảm cỏ hiện ra rất xanh, khiến ông hàng xóm, không chê bai nữa, mà ghen tuông, sao thảm cỏ nhà tôi xanh mướt là xanh. MTT.