Bầu cử quốc hội và tình hình xã hội Đức năm 2013
Bầu cử quốc hội và tình hình xã hội Đức năm 2013 ©Mathilde Tuyết Trần, France 2013
Nước Đức năm nay có vẻ ít sôi động về bầu cử. Một người Đức tôi quen, khoảng 40, cha của hai đứa con, nhún vai, bầu đảng nào thì cũng thế, nói một đằng làm một nẻo. Anh ấy vẫn còn than sự kiện phải trả những 700€ một tháng cho nhà giữ trẻ, một ngân khoản to lớn cho gia đình hai vợ chồng, hai con, trong khi tiền thuê nhà 1.100€ một tháng được anh cho là rẻ, rất may mắn. Mỗi tháng anh ấy phải kiếm ra bao nhiêu tiền để trang trải mọi chi phí cho vợ, con mình ? Mới có 40 mà tóc anh ấy đã bạc nhiều vì lo lắng.
Lần bầu cử quốc hội Đức và thủ tướng vừa qua năm 2009, thì liên minh đen/vàng của CDU/CSU và FDP đã nắm quyền chính trong tay với kết quả CDU đạt 27,3%, CSU đạt 6,5% và FDP đạt 14,6%.
Đảng Xã hội Đức SPD chỉ đạt được 23%, tức là bị mất 11,2% so với lần bầu cử trước, mà sự bất mãn về chính sách Hartz IV của thủ tướng Gerhard Schröder là lý do chính yếu. (Tổng số cử tri là 62.168.489 người, số người đi bầu là 44.005.575, tức là 70,8%.)
Theo kết quả trên, quốc hội liên bang Đức nhiệm kỳ 2009-2013 gồm có 622 ghế, đảng SPD mất 76 ghế chỉ còn lại 146 ghế, đảng CDU chiếm 194 ghế (thắng thêm 14 ghế), đảng CSU mất một ghế, còn 45 ghế, đảng FDP đạt 93 ghế, Die Linke 76 ghế, Die Grüne 68 ghế.
Ngày 28.10.2009 bà Angela Merkel được bầu làm thủ tướng lần thứ hai với 323 phiếu thuận, 285 phiếu chống, 4 phiếu trắng, đúng ra liên minh đen/vàng có tổng cộng 332 phiếu, tức là bà bị mất 9 phiếu trong liên minh của chính bà.
Trước ngày bỏ phiếu, nhiều cuộc thăm dò ý kiến cũng được thực hiện. Trong số 38 đề tài chính mùa bầu cử này, thí dụ như ấn định mức lương tối thiểu, trợ cấp cho cha mẹ phải trông con ở nhà, hạn chế tốc độ trên xa lộ, giá điện, cắt trợ cấp Hartz-IV nếu từ chối nhận việc đề nghị viêc làm, chính phủ tiếp tục trực thu thuế nhà thờ, những người đồng tính luyến ái được nhận con nuôi…thì không có chủ đề nào nổi bật là “con bài chủ”.
Đúng 18 giờ chiều ngày chủ nhật 22.09.2013, sau khi các phòng phiếu đóng cửa, báo chí đua nhau công bố kết quả sơ khởi. Sáng thứ hai, kết quả chính thức được công bố. Theo đó, đảng CDU đạt 34,1% và CSU đạt 7,4%, (tăng tổng cộng 7,7%) đảng SPD chỉ có 25,7%, đảng Xanh 8,4%, đảng cánh tả die Linke đoạt 8,6% và đảng vàng FDP mất phiếu nhiều nhất, mất 9,8% và chỉ còn có 4,8%. Như thế, nữ thủ tướng Angela Merkel đang có lợi thế tiếp tục nắm quyền lực thêm một nhiệm kỳ thứ ba 2013-2017 nữa. Đảng SPD Đức, có lẽ bị ảnh hưởng bởi sự mất tín nhiệm vào đảng Xã hội (PS) nước Pháp từ khi tổng thống François Hollande lên cầm quyền, nên không đột phá lên nổi. Còn đảng FDP thì không được có mặt trong quốc hội Đức 2013-2017, một cú “choc” khá lớn trong lịch sử của đảng này, và cho 93 dân biểu của nhiệm kỳ vừa qua. Một sự “trừng phạt” của cử tri về yêu cầu “đồng tính luyến ái” của đảng FDP, trong khi nước Đức sinh đẻ ít, tử vong nhiều ?
Trong nhiệm kỳ mới này quốc hội Đức có 630 ghế, được phân chia theo tỷ lệ như sau: CDU 255 ghế, CSU 56 ghế, SPD 192 ghế, đảng Xanh die Grüne 63 ghế, và die Linke 64 ghế. Đảng CDU/CSU dù đã đạt thêm 62 ghế trong kỳ bầu cử này, nhưng tổng số mới là 311 ghế, cần phải liên kết với một đảng khác nữa để chiếm thế đa số trong quốc hội (absolute Mehrheit: 315 ghế). Tỷ lệ tham dự bầu cử lần này tưởng là có tăng thêm so với lần trước: 71,5% của 61,8 triệu cử tri đi bầu, nhưng trên thực tế là tổng số cử tri lần này ít hơn lần bầu cử trước gần 370.000 người có quyền tham gia bầu cử.
Xã hội Đức năm 2013 bộc lộ một số vấn đề cơ bản, mà trong những năm tới có lẽ cũng không có đổi thay nhiều, hay đổi thay bộc phá, vì đó là những yếu điểm mang tính chất dài hạn.
Vấn đề dân số
Cuối tháng năm 2013 báo chí Đức đều có bài về dân số, vừa ngạc nhiên vừa báo động về kết quả của cuộc thống kê dân số năm 2011 mà hai năm sau, đến bây giờ mới được cơ quan thống kê quốc gia Statistisches Bundesamt thông báo chi tiết.
Theo đó, khác với những dự đoán trước đây, dân số nước Đức không phải là khoảng 82 triệu dân mà trên thực tế chỉ có 80,2 triệu dân. Kết quả này đã đem đến những hậu quả rất thực tế, vì các tiểu bang đều nhận trợ cấp của liên bang theo đầu dân số,
Theo thống kê của Viện thống kê liên bang Đức thì năm 2001, năm đổi từ đồng Đức mã (Deutsche Mark) sang hệ thống đồng Euro, và ngay cả năm 2004 khi chính phủ liên kết đỏ/xanh của thủ tướng Gerhard Schröder (SPD) và Joschka Fischer (Bündnis90/Die Grünen) đưa chính sách cải tạo thị trường lao động Hartz IV vào thực hiện thì dân số nước Đức có 82,44 triệu.
Bốn năm sau, năm 2008, dân số nước Đức chỉ còn có 82 triệu…rồi giảm dần liên tục xuống còn khoảng 80,52 triệu là con số của thống kê chính thức năm 2012 (tính đến ngày cuối năm 31.12 mỗi năm), sau đợt Kiểm tra dân số vào năm 2011. ( Dữ liệu của Statista- Das Statistik-Portal.)
Dưới đây là bảng tổng kết dân số sau đợt kiểm tra dân số 2011 của Viện thống kê liên bang Đức (Bevölkerung und Erwerbstätigkeit – Vorläufige Ergebnisse der Bevölkerungsfortschreibung auf Grundlage des Zensus 2011)
1990 ………. 79 753 dân
1991 ………. 80 274
1992 ………. 80 974
1993 ………. 81 338
1994 ………. 81 538
1995 ………. 81 817
1996 ………. 82 012
1997 ………. 82 057
1998 ………. 82 037
1999 ………. 82 163
2000 ………. 82 259
2001 ………. 82 440
2002 ………. 82 536
2003 ………. 82 531
2004 ………. 82 500
2005 ………. 82 437
2006 ………. 82 314
2007 ………. 82 217
2008 ………. 82 002
2009 ………. 81 802
2010 ………. 81 751
2011 …. 80 327
2012 …. 80 523 746
Các con số thống kê dân số ở Đức là khá chính xác, tuy là có sự khác biệt giữa các bảng thống kê vì lý do thời gian lập và phương pháp tổng hợp, bởi nước Đức có các đạo luật khai báo cư trú, tạm trú, cấp phép cư trú, tạm trú trên lãnh thổ của Đức khá nghiêm ngặt, vi phạm bị trừng phạt. Tuy thế các thống kê này cũng chứa đựng ít nhiều xác xuất sai lạc, thí dụ như trường hợp của những người có nhiều chỗ ở, nhà cửa, hoặc trong nước Đức hay luôn cả ngoài nước Đức, họ không sinh sống làm việc trên nước Đức, mà trên thực tế họ sinh sống ở những quốc gia khác.
Từ 82 triệu dân số năm 2008 giảm còn 80 triệu dân số, mà đỉnh cao là sự giảm đột ngột vào năm 2011, năm kiểm tra dân số, vậy khoảng 2 triệu người giảm đi đâu, vì đâu ?
Trên nguyên tắc, ba câu trả lời có thể là: số tử cao, số sinh kém và con số những người rời khỏi nước Đức.
Thống kê chính thức cũng cho biết là năm 2011, số sinh là 662.685 trẻ (sống), số tử là 852.328 người, tức là dân số năm 2011 giảm 189.643 người. Năm 2012 thì số trẻ mới sinh là 673.544 trẻ, số tử là 869.582 người, giảm 196.038 người.
Giai đoạn “Baby-boom” tăng dần từ sau đệ nhị thế chiến (1946) đạt đỉnh cao nhất vào năm 1964 với con số sinh kỷ lục 1,4 triệu trẻ sơ sinh, rồi giảm dần liên tục và rõ rệt nhất từ đầu thập niên 1970. (Statistisches Bundesamt, Geburten in Deutschland, 2012)
Các con số thống kê chính thức cung cấp bởi Viện thống kê liên bang Đức không cắt nghĩa đầy đủ và rõ ràng sự kiệm giảm dân số nghiêm trọng tại Đức. Tuy nhiên, các bảng thống kê đều đưa ra một viễn ảnh không mấy tốt đẹp cho nước Đức là số sinh giảm, số tử tăng, và xã hội Đức sẽ già đi, và theo đà phát triển tiêu cực này dân số nước Đức tổng cộng sẽ giảm xuống còn khoảng 65 đến 70 triệu người vào năm 2060. Giảm dân số cũng có nghĩa là giảm sức mua, sức tiêu thụ của thị trường nội địa.
Năm 2008 con số người già trên 65 tuổi chiếm tỷ lệ 20% tổng dân số, dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 34% năm 2060. Đặc biệt, con số người già trên 80 tuổi, năm 2008 có 4 triệu (5% dân số), thì năm 2050 con số người già trên 80 tuổi sẽ tăng lên thành trên 10 triệu, nói một cách khác, cứ 7 người dân thì có 1 cụ già trên 80 tuổi.
Vấn đề nhập cư
Một trong số những biện pháp bù đắp cho việc giảm dân số là nới lỏng các biện pháp hành chính và công việc kiểm soát biên giới ngăn chặn nhập cư.
Người Đức có tinh thần kỳ thị người nước ngoài thường nêu lý do rằng người nước ngoài nhập cư để cướp đi công ăn việc làm của họ và hưởng các phúc lợi xã hội mà không có đóng góp, nếu họ không muốn nói đến những khác biệt khác như vấn đề tôn giáo, đã có khi trở nên khá sôi bỏng. Những người nhập cư phải có giấy tờ hợp lệ của chính quyền Đức cấp cho như giấy phép cư trú, giấy phép lao động thì mới được sinh sống và làm việc tại Đức.
Trên thực tế, xã hội Đức cần nhiều lao động lương thấp cho những công việc hạ tầng, nhưng những công việc trung cấp và cao cấp họ vẫn ưu tiên cho dân của họ. Người nước ngoài, dù là sinh đẻ và lớn lên ở Đức, trong thời đi học thường bị bạn bè cùng lớp chế diễu, bắt nạt, đánh đập, chèn ép, khi đi tìm việc làm cũng gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn, cho nên họ phải tìm kế sinh nhai bằng những việc làm mang tính chất “tự do” như buôn bán, nhà hàng ăn, lái xe, nhận làm việc theo giờ, theo đề án, một công việc cụ thể, con số người gặp khó khăn to, nhỏ trong đời sống tất nhiều hơn con số thành đạt. Nhiều khi, chỉ cần một tai nạn, một cơn bệnh nặng, nan y thì sự xuống cấp nấc thang xã hội rất nhanh, từ đang có trở thành không có, lâm vào cảnh túng quẫn.
Con số nhập cư vào nước Đức năm 2011 là 958.299 người, trong khi con số rời khỏi nước Đức là 678.969 người, tức là tăng dân số Đức lên 279.330 người. Đây là đợt tăng dân nhập cư cao nhất kể từ năm 2004 (là năm nước Đức bắt đầu áp dụng chính sách Hartz-IV, cắt giảm tối đa trợ cấp thất nghiệp và xã hội), đặc biệt trong hai năm 2008 và 2009 con số kết quả nhập cư giảm rõ rệt so với con số rời khỏi nước Đức.
Năm 2011 có một sự kiện đặc biệt là bắt đầu từ tháng 5.2011 dân của các nước mới gia nhập EU năm 2004 là Estland, Lettland, Litauen, Malta, Polen, Slowakei, Slowenien, Tschechien, Ungarn và Zypern được hưởng luật lao động tự do trên nước Đức, nên họ sang Đức nhập cư khá đông, dẫn đầu là Ba Lan (Polen) với 172.676 người, Rumänien với 95.479 người và Bulgarien với 51.612 người.
Con số người Mỹ nhập cư ở Đức năm 2011 là 32.089 người.
Con số người Việt nhập cư năm 2011 chính xác là 3.904 người, trong khi con số người Việt rời nước Đức là 3.062 người (Statistisches Bundesamt – Außenwanderung – 3.2 Wanderungen über die Grenzen Deutschlands 2011 nach Herkunfts- bzw. Zielgebieten ).
Theo thống kê từ năm 1950 cho đến năm 2012, giai đoạn người nhập cư ồ ạt vào nước Đức kéo dài từ 1989 cho đến 1995, đỉnh cao nhất là 1992, lên đến 1.502.198 người nhập cư. Cũng theo thống kê nói trên, năm 1993 có con số người rời nước Đức cao nhất là 815.312 người, và kể từ đó đến nay, mỗi năm có ít nhất trên 600.000 người khăn gói rời khỏi nước Đức.
Tùy theo tình hình dân số và xã hội, chính phủ Đức nới rộng hay hạn chế việc cấp quốc tịch Đức cho người nước ngoài định cư tại Đức. Thống kê chính thức cung cấp những con số nhập tịch Đức của người nước ngoài như sau: năm 2003 có 140.731 (1,87% dân số), năm 2004 có 127.153 (1,83% dân số), năm 2005 có 117.241 (1,68% dân số), năm 2006 có 124.566 (1,77% dân số), năm 2007 có 113.030 (1,56% dân số), năm 2008 có 94.470 (1,31% dân số), năm 2009 có 96.122 (1,35% dân số), năm 2010 có 101.570 (1,41% dân số), năm 2011 có 106.897 người nhập tịch, năm 2012 có 112.348 người nhập tịch.
Nhóm người nhập tịch Đức đông nhất là người Thổ Nhĩ Kỳ (Türkei), từ mười năm nay (2002-2012) con số này lên đến gần 400.000 người (396.887 người) và riêng trong năm 2012 có 33.246 người Thổ Nhĩ Kỳ nhập tịch Đức. Từ năm 2004 cho đến 2011 chỉ có vẻn vẹn 1.371 người Việt Nam được nhập tịch Đức (đàn ông 701, đàn bà 670 người). Nhưng thống kê mới nhất cho năm 2012 cho thấy con số người Việt Nam được nhập tịch Đức tăng hơn gấp đôi con số tổng cộng của 8 năm trước: 3.299 người Việt nhập tịch Đức trong năm 2012.
Vấn đề thất nghiệp
Các thay đổi dân số trên bình diện số sinh, số tử và thành phần nhập cư tất nhiên có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động / thất nghiệp và các quỹ xã hội như quỹ lương hưu, bảo hiểm bệnh tật, phúc lợi xã hội…Hiện nay nước Đức có gần 50 triệu dân trong tuổi lao động từ 20 đến 65 tuổi. Con số này sẽ giảm dần, nhất là bắt đầu từ năm 2020, và cũng theo dự đoán cho năm 2060, thành phần tuổi lao động 20-65 sẽ giảm còn 33 triệu người, trong điều kiện mỗi năm có thêm khoảng 100.000 người nhập cư mới, tức là thành phần dân số lao động giảm 34% so với năm 2008, một con số đáng chú ý.
Thống kê chính thức của Bộ Lao động (Bundesagenture für Arbeit) về thất nghiệp nêu lên con số hiện thời vào tháng 8 năm 2013 là 2.946.000 người (6,8%) đang có quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp (mới thất nghiệp dưới 12 tháng), còn con số đăng ký chính thức không có việc làm lên đến 3.868.000 người (8,8%). Trên thực tế, có một thành phần không ít người thất nghiệp, nhưng họ không đăng ký thất nghiệp nữa, nên con số người thất nghiệp thực tế luôn luôn cao hơn là các con số thống kê chính thức. Con số thất nghiệp chính thức dưới 4 triệu kể từ năm 2007, có phải là bị giảm vì số người lao động rời nước Đức ồ ạt trong hai năm 2008 và 2009 ? (có tổng cộng 1.471.685 người rời khỏi nước Đức.)
Trong bảng thống kê thất nghiệp dưới đây, chỉ được đưa ra thành phần của những người mới thất nghiệp và đang còn quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng. Sau một năm thất nghiệp mà không tìm được việc làm mới thì họ sẽ bị chuyển hành chính sang thành phần lãnh trợ cấp xã hội Hartz-IV. Cả những người đang thất nghiệp, phải đi học một ngành nghề mới, cũng không có trong thống kê thất nghiệp chính thức.
Năm Số thất nghiệp chính thức Tỷ lệ thất nghiệp
2012 2.896.985 người 7,6%
2011 2.975.836 7,9
2010 3.238.421 8,6
2009 3.414.531 9,1
2008 3.258.453 8,7
2007 3.760.076 10,1
2006 4.487.305 12,0
2005 4.860.909 13,0
2004 4.381.281 11,7
2003 4.376.795 11,6
2002 4.061.345 10,8
2001 3.852.564 10,3
2000 3.889.695 10,7
So với những con số này là một con số khác, một thí dụ, năm 2013 nền kinh tế Đức chỉ tạo ra có 445.000 chỗ làm ?!. Cũng trên thực tế, một phần của con số này là số ảo, các công ty hãng xưởng cố tình đưa ra việc làm ảo vì những toan tính về “image” của công ty, và để tăng giá trị cổ phần của họ trên thị trường chứng khoán, mà thực ra họ không cần thêm người thêm việc.
Vấn đề quyền con người của phụ nữ
Cho đến giờ chưa hề có ai dám lên tiếng là nhân quyền bị chà đạp trên nước Đức, vì châu Âu và thế giới nhìn nước Đức với một con mắt ngưỡng mộ, một quốc gia quyền lực nhất châu Âu với một vị nữ thủ tướng quyền lực nhất thế giới. Tuy thế, vào ngày 29.07.2013 tạp chí chính trị xã hội Der Spiegel đã đưa lên ba tập phim với đề tài đọc mà giật mình “Europas Hurenhaus – Prostitution und Frauenhandel in Deutschland” ( Ngôi nhà đĩ điếm của châu Âu – Mãi dâm và buôn bán phụ nữ ở Đức ).
Bộ phim nói về đạo luật của chính phủ liên kết đỏ /xanh của cựu thủ tướng Gerharrd Schröder và Joschka Fischer đã được công bố ngày 20.12.2001 và có hiệu lực từ 01.01.2002 mang tên “Das Prostitutionsgesetz (Gesetz zur Regelung der Rechtsverhältnisse der Prostituierten – ProstG , BGBl. I 2001, S. 3983; FNA 402–39), luật quy định quan hệ pháp lý của những người làm điếm, và sự việc hai đạo hình luật về việc bóc lột gái mãi dâm và nghề “Tú Bà Sở Khanh” bị bãi bỏ hiệu lực (§ 180a và § 181a StGB), mà người giới thiệu tập phim đã nhận định đó là “một cái nhìn ngây thơ của các chính khách“.
Chính vì nghề mãi dâm đã chính thức được luật pháp Đức công nhân là một “nghề nghiệp” thực sự có đóng bảo hiểm, có nộp thuế như mọi ngày nghề khác, nên phụ nữ thất nghiệp, dù là thuộc thành phần trí thức thất nghiệp, bị nhân viên quản lý lao động/thất nghiệp “đề nghị” vào nhà chứa hành nghề đĩ điếm, với lời nhắn nhủ, từ chối đề nghị của cơ quan quản lý thất nghiệp thì sẽ bị cắt trợ cấp Hartz-IV (khoảng 400€ mỗi tháng), hoặc đi tìm một “người” nào đó mà cưới, để khỏi phải đi làm, hay đi xin trợ cấp thất nghiệp. Có thể, họ dọa, dùng một biện pháp “trấn áp, khủng bố tinh thần” để phụ nữ tự tìm phương cách thoát thân, giảm lực yêu cầu lao động của phụ nữ trên thị trường lao động, giảm thống kê thất nghiệp cũng như giảm chi tiêu của ngân sách thất nghiệp. Vì thế, cũng có thể nói, đây là một biện pháp bóc lột, ăn cắp. Bao nhiêu phụ nữ đã đóng vào quỹ thất nghiệp, quỹ bảo hiểm sức khỏe, quỹ lương hưu, đóng thuế lương, đóng thuế nhà thờ, đóng thuế đoàn kết cho Đông Đức cũ trong mấy chục năm trời, mà khi đến phiên họ thất nghiệp thì bị chính quyền bóc lột công khai và đương nhiên như thế ?
Trong ba tập phim, hình ảnh trong những nhà chứa, trên đường phố, và những sáng kiến mới như những lán ngăn bằng vách gỗ, nứa để khách mua dâm và người bán dâm hành lạc trên xe, và những con số được đưa ra. Phóng sự nêu ra tên của những thành phố trọng điểm như Berlin, Hamburg, Stuttgart, Dortmund…Nghề mãi dâm tạo thành một thị trường đáng kể cho nền kinh tế Đức với con số thu nhập 14,5 tỷ euro một năm, có khoảng 400.000 phụ nữ hành nghề, 70% gái mãi dâm là người ngoại quốc, đa số đến từ các nước Đông Âu, 30% là phụ nữ Đức. Mỗi ngày có 1,2 triệu người đi mua dâm, họ đến thành đoàn bằng xe bus, xe ca như khách du lịch. Mỗi phụ nữ bán dâm “phục vụ” ít nhất 30 khách một ngày. Gái mãi dâm đứng đường bị đặt chỉ tiêu là mỗi ngày phải kiếm được 450€, mỗi lần phục dịch giá là 20€ (có bao cao su), hay 130€ (không có bao cao su), họ phải lao động 13, 14 tiếng đồng hồ một ngày mới kiếm được số tiền đó. Giá trong các nhà chứa thì cao hơn, bắt đầu bằng 30€, mọi “yêu cầu” của khách được tính thêm. Một nhà chứa áp dụng kiểu “Sex-flat-rate”, khách mua dâm trả 99€ một lần vào nhà chứa, được quyền lựa chọn tự do trong số 7, 8 gái mãi dâm, và được quyền đòi phục dịch nhiều lần theo nhu cầu.
Chính sách ép buộc người thất nghiệp phải nhận bất cứ một công việc nào thì mới được tiếp tục lãnh trợ cấp thất nghiệp cho đến khi nhận việc đi làm, sẽ còn ép buộc phụ nữ hơn nữa, dồn họ vào đường cùng, nếu người phụ nữ thất nghiệp không tự tìm ra được lối thoát, tự tìm ra một sự giúp đỡ nào khác. Một nước Đức công bằng và dân chủ, bảo vệ nhân quyền ? MTT
Chú thích:
Đây là đường dẫn của 3 tập phim với đề tài:”Europas Hurenhaus – Prostitution und Frauenhandel in Deutschland” ( Ngôi nhà đĩ điếm của châu Âu – Mãi dâm và buôn bán phụ nữ ở Đức) của tạp chí Der Spiegel Online:
http://www.spiegel.de/video/das-prostitutionsgesetz-hat-die-lage-vieler-huren-verschlechtert-video-1286772.html#ref=vee
http://www.spiegel.de/video/mit-prostitution-werden-in-deutschland-14-5-milliarden-euro-umgesetzt-video-1286781.html
http://www.spiegel.de/video/aus-osteuropa-kommen-die-meisten-prostituierten-in-deutschland-video-1286783.html