Du lịch Việt Nam: đẹp và xấu
Du lịch Việt Nam: đẹp và xấu
©Mathilde Tuyet Tran, France 2013
Chương trình bình luận “Du lịch: đẹp và xấu” của đài truyền hình Việt Nam VTV 1 ngày 20.01.2013 đề cập về sự chặt chém du khách của người dân trong nước đang nổi lên khắp nơi một cách đáng lo ngại. Các nhận xét đưa ra có điểm đúng của nó nhưng cũng chưa bao quát hết mọi cái nhìn và thiếu biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, sự việc nhận ra vấn đề, đặt vấn đề để thông tin và thảo luận đã là một dấu hiệu tốt, tích cực.
Nhận xét rằng những người đã đi du lịch VN về đều có trao đổi với bạn bè, người thân…hay rộng rãi hơn trên mạng về những trải nghiệm của mình trong chuyến đi, là thực tế.
Hiện nay, chính người Việt Nam đi du lịch nước ngoài khá nhiều, trên khắp mọi lục địa thế giới, khi về, tất nhiên họ cũng đem theo nhiều ấn tượng, kinh nghiệm và kể cho nhau nghe, từ việc bị móc túi, cướp giật cho đến bị thương tật…. Một điều tất nhiên, và không phải chỉ có ở Việt Nam mới có hiện tượng xấu.
Vấn đề là những hiện tượng xấu đó có quy mô như thế nào và phương hại như thế nào đến danh tiếng, danh dự của một quốc gia và tình hình kinh tế phát triển du lịch. Cứ xem các điểm du lịch khác trên thế giới như Hy Lạp, Ai Cập, Tunisie…, những nơi đang có khủng hoảng về quân sự, chính trị và kinh tế, đều bị mất một phần lớn nguồn lợi thu nhập từ du lịch, cho dù giá có rẻ đến đâu, người có khả năng đi du lịch đều ngại không muốn đến. So với những lục địa khác thì chính ra các nước châu Á đang yên ổn, đang có được cảm tình, là đang có thời cơ để phất lên trong lãnh vực du lịch, đem du khách, đem nguồn lợi thu nhập về cho xã hội mình.
Thủ đô Paris hiện nay đang có một vấn nạn đối với du khách, nhất là du khách đến từ châu Á, cụ thể là móc túi, cướp giật và đối xử không tốt. Bọn gian biết là người châu Á đi du lịch thường mang theo khá nhiều tiền mặt, nữ trang vàng ròng, kim cương, nên du khách châu Á là điểm nhắm của bọn họ. Ngược lại, ở trọng điểm du lịch như thành phố HCM, nạn móc túi, cướp giật cũng là phổ biến, và du khách không hề được chính quyền giúp đỡ.
Người đi du lịch có tâm trạng khác hẳn người đi thăm ai đó, bạn bè hay người thân, vì họ chưa đoán ra, chưa hình dung ra những gì sẽ chờ đợi họ ở điểm đến. Vì thế, nói chung, người đi du lịch có hai cái lo lớn nhất là bị mắc bệnh, lâm bệnh, bị tai nạn và bị móc túi, cướp giật, lừa đảo. Tâm lý của người đi du lịch, trước nhất là hồ hởi, phấn khởi, vui vẻ, vì sau những tháng dài làm việc mệt nhọc, để dành dụm được một số tiền, họ lên đường với một tâm trạng chờ đợi thoải mái, tốt đẹp ở nơi mình đến, nơi mình có cảm tình nhất. Không có cảm tình với một nơi nào đó thì tốn tiền đi đến đấy làm chi ? Cho nên, những thất vọng ở điểm đến lại càng to lớn hơn khi xẩy ra những chuyện mất vui, làm lo sợ.
Tâm lý của người dân trong nước thấy có người nước ngoài đến nước mình đi chơi đó đây thì là kiếm tiền, còn mọi việc khác thì không để ý, không nghĩ đến.
Người nước ngoài, không phải họ hoàn toàn vô tâm, họ cũng biết suy nghĩ, thông cảm cho việc người dân phải kiếm ăn, kiếm sống, và họ cũng ý thức rõ rệt rằng họ là người đem tiền đến để “mua” dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, chuyên chở, hàng hóa…) đem lại lợi nhuận và công ăn việc làm cho xã hội Việt Nam.
Ngược lại, một số người dân trong nước thiếu ý thức về sự hãnh diện Việt Nam, họ xả rác, khạc nhổ, chặt chém, ăn nói thiếu lịch sự, hỗn hào, tàn phá môi trường như đốt rừng…làm cho du khách rất ngạc nhiên, bức xúc và khinh bỉ dân mình, nước mình.
Bán ba củ khoai đòi 50.000 đồng, chở khách từ Hàng Quạt đến bệnh viện Pháp-Việt đòi 400.000 đồng, đi từ bảo tàng quân đội về bờ hồ đòi 260.000 đồng, nhà hàng tính đội giá lên gấp hai ba lần để tài xế, phụ tài cùng đi ăn uống không mất tiền, lại còn nhận thêm phần trăm hoa hồng, khách sạn thì có hai luồng giá, cho người Việt và người nước ngoài hay Việt kiều, thậm chí có nhân viên tiếp tân đòi ăn hoa hồng trực tiếp của khách vì đã giảm giá phòng cho khách (thí dụ họ nói họ sẽ giảm giá từ 45 đô la một đêm nghỉ xuống còn 40 đô la, nếu khách cho riêng họ 300.000 hay 500.000 đồng tiền mặt), ở Hồ Hoàn Kiếm thì có những phụ nữ đặt quang gánh lên vai du khách, ra dấu cho họ chụp hình rồi xin 5 đô, 10 đô, ở Ninh Bình Hoa Lư du khách bị nài nỉ đổi tiền euros giả, bán tiền “cổ” giả, bao vây, gây áp lưc để xin tiền….những thí dụ ấy thì có rất nhiều và không phải là du khách không biết, nhất là họ có tinh thần đoàn kết, truyền cho nhau nghe gấp những thông tin ấy, xem như một cách tự vệ. Kêu ca ở đâu ? ai giúp đỡ giải quyết ?
Những chuyến bay của hàng không Việt Nam cũng là một đại diện, một tiêu biểu cho đất nước và con người Việt Nam, nên phong cách tiếp khách, phẩm chất các bữa ăn, an toàn của máy bay, đường bay, sự sạch sẽ của máy bay đã là những niềm vui bắt đầu hay những ngán ngẩm bắt đầu. Có nên “thích kiêu căng”, “thích hợm hĩnh” khi mình ở trong tư thế và bổn phận phục vụ khách hàng ?! hay là cũng không cần khách luôn, vì khách cần mình ?!
Khó chịu hơn là những thái độ đụng chạm đến thân thể của du khách, một điều tối kỵ, vì đụng chạm vào thân thể người khác một cách khiếm nhã vừa chứng tỏ thiếu văn hóa vừa phạm tội hình sự, thí dụ như níu cánh tay, kéo áo, xoa lên bụng, vỗ bụng, bám vai, ngả đầu…để bán hàng, hay dùng khách ngoại để chụp hình (không biết là có dụng ý gì ?!)
Bởi thế, vấn đề giáo dục cho những người hoạt động trong lãnh vực du lịch, kể cả những người bán rong riêng lẻ, là điều rất cần thiết.
Làm sao để cho người dân thấy rằng, vấn đề đặt ra ở đây, cho họ và cho nền du lịch Việt Nam, không phải chỉ là kiếm thêm tiền, nhiều tiền một cách ngắn hạn cho gia đình, con cái, mà vấn đề còn rộng hơn nữa vì mỗi người cần có ý thức rằng mình là một thành viên phải có trách nhiệm và bổn phận giữ gìn sĩ diện và văn hóa cho chính mình, cho đất nước. Mỗi người đều phải có một sự tự trọng đúng chỗ và cần thiết.
Chắc chắn rằng, người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, sẽ nhận xét là thái độ của những người làm việc trong lãnh vực du lịch ở nhiều nơi trên thế giới là lạnh lùng, nhưng họ thi hành phận sự của họ một cách chuyên nghiệp. Cái chuyên nghiệp còn yếu kém ở nước ta. Không chào hỏi, không cám ơn, ngồi ngáp, tán chuyện gẫu với nhau, nhưng khách vào thì dửng dưng, lười biếng không tích cực, không vui vẻ cung cấp thông tin, hay quan liêu, hách dịch, trình độ ngoại ngữ yếu kém, tài xế và người hướng dẫn tự ý cắt chương trình tham quan chở khách về cho mau để còn kịp coi đá banh trên truyền hình, đưa khách đến những nhà hàng không sạch sẽ, rất dơ bẩn chỉ vì họ được ăn phần trăm ở nhà hàng đó….
Chính quyền cần phải có biện pháp xử lý, can thiệp tại chỗ, giúp đỡ du khách khi bị nạn như bị móc túi, cướp giật, phải trả quá nhiều tiền cho một bữa ăn…Mất tiền, mất giấy tờ…rồi còn phải ngồi chờ 3, 4 tiếng đồng hồ mới nhận được một giấy chứng nhận viết bằng tiếng Việt, du khách lại phải đem đi dịch ra tiếng nước ngoài, rồi mới đến các cơ quan lãnh sự khai báo.
Khi bị chính quyền sở tại bỏ qua, không giúp đỡ, thì ấn tượng xấu cho du khách còn trở thành nặng nề hơn nữa. Du khách sẽ trở về đa mang ấn tượng rằng, từ trên xuống dưới là như thế, cả Việt Nam là như thế. Cho rằng, không cần du khách, họ chỉ đến một lần mà thôi, không sao cả, người này không đến thì sẽ có người khác đến là một sự chủ quan sai lầm, một đánh giá về tình hình kinh tế du lịch rất tai hại. Cho rằng, du khách có bảo hiểm, khi bị cướp giật, mất tiền thì họ sẽ được bảo hiểm trả số tiền đã bị cướp giật, không cần phải giúp đỡ, là một quan niệm rất sai lầm. Không có bảo hiểm nào trả lại những số tiền đã bị móc túi, cướp giật khi đi du lịch.
Thêm một điểm nữa thường ít được nói đến, đó là mức độ vệ sinh ở trong nước rất thấp. Các nhà cầu, nhà xí thường rất dơ bẩn, hôi hám, sàn đầy nước tiểu, nhện giăng đầy trần, bàn ăn đầy mỡ, ghế ngồi đầy cáu ghét, sàn đầy rác, thùng đựng rác rất dơ bẩn…một số em nhỏ phục vụ hàng quán thì ốm tong ốm teo, chân cáu đen lê dép cao su xền xệt, làm cho khách vào ăn vừa thương vừa ngại.
Thiển ý của tôi là, Việt Nam có cái đẹp trong phong cảnh, có cái đẹp trong con người, có cái đẹp trong lịch sử, có những cá nhân, công ty rất cố gắng phục vụ khách cho tốt đẹp, nhưng trong lãnh vực du lịch Việt Nam thì có ba điều hệ trọng nhất cần phải được thực hiện gấp rút và đồng bộ, đó là giáo dục văn hóa cùng với giáo dục vệ sinh môi trường, sự sạch sẽ và ứng xử cho người dân giữ được sự tự trọng, thể diện và văn hóa; giáo dục nghề nghiệp chuyên môn cho nhân viên phục vụ trong ngành du lịch, và chính quyền phải tích cực giúp đỡ người bị nạn và phòng chống tội phạm hình sự mà nạn nhân là du khách. MTT