Vất đổ thức ăn là nhẫn tâm, vô nhân

Vất đổ thức ăn là nhẫn tâm, vô nhân – ©Mathilde Tuyết Trần, France 2013

Một trong những thói quen hàng ngày gây cãi cọ xào xáo trong gia đình giữa vợ chồng con cái là thói quen ăn uống. Cãi nhau về ăn uống là một dấu hiệu nghiêm trọng cho một sự đổ vỡ hạnh phúc đang và sắp xẩy ra, vì nó vừa là ngòi nổ lại vừa chứa đựng một ý nghĩ về bản chất. Người thích ăn món này, người thích ăn món kia…còn gọi là có “hợp gu” (goût) với nhau không. Có khi, chồng bỏ vợ, vợ bỏ chồng vì không chịu nổi thói quen ăn uống của nhau: quá cay, quá mặn, quá ngọt, quá chua, quá đắng, quá chín, quá sống, quá nóng, quá lạnh, quá mỡ, quá khô, quá nhão …”gu” nào thì cũng có thể trở thành một trận cãi nhau long trời lở đất ngay tại bàn ăn. Có khi cha mẹ chiều con cái quá đáng, mua cho con ăn những món ngoại theo thị hiếu, quảng cáo mà không bổ dưỡng, không có lợi cho sức khỏe…như hăm buộc gơ, quích chích cần, bích xà…đông lạnh, chứa nhiều chất hóa học bảo quản và “gu” nhân tạo.

Nhiều người thích ăn ngon, bắt phải nấu cho đúng kiểu, đúng cách, chê lên chê xuống, không đúng là không ngon, không ăn. Trong đời tôi, tôi đã từng thấy, từng nghe, có đấng ông chồng đổ luôn cái đĩa vợ vừa dọn lên xuống đất vì không phải món ăn mà ông ta chờ đợi khi đi làm về, có ông thì chộp luôn con gà quay trên đĩa vất ra ngoài ban công vì hôm nay ông ta không thèm ăn thịt gà, có ông thì chỉ đòi ăn thịt “phi lê” toàn nạc, không đúng “phi lê” thì không ăn, cáu gắt….Nếu cơm lành canh ngọt, vợ chiều chuộng chồng con hết mức, lại vừa có tiền của dư giả, thì chớ có dọn lên bàn ăn cơm hâm, cơm thừa còn lại của bữa trước hay của ngày hôm qua. Cái gì chê không ăn, cái gì dư cũng không ăn, đổ hết vào thùng rác, vất đi. Chính bản thân tôi, trong nhiều năm trước, đã tốn nhiều nước mắt khóc âm thầm sau những bữa cơm, gọi là gia đình. Sự việc vất đổ thức ăn thực ra là một việc rất nghiêm trọng, nó xúc phạm đến tình cảm yêu thương lo lắng của người nấu ăn hàng ngày, xúc phạm đến sự tôn trọng công lao người vợ đã lao động kiếm tiền, đi chợ, làm bếp, rửa chén bát nồi niêu, dọn dẹp sạch sẽ, nó xúc phạm đến đạo đức xã hội lành mạnh, đến những người thiếu ăn, chết vì đói, nên nó là một hành động nhẫn tâm và vô nhân.

Đó là chưa kể đến một cái nhìn rộng hơn, xa hơn về môi trường, sự sống của cộng đồng con người. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ăn cây nào rào cây ấy. Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Tôi ở nhà quê, chung quanh là những cánh đồng rất rộng, trong vùng này người dân trồng hầu như toàn là thực vật dành cho thực phẩm, thỉnh thoảng mới thấy đồng hoa gai dành cho công nghiệp. Thời nay và ở đây, công việc đồng áng đã được cơ giới hóa đến mức tối đa, nhưng tôi vẫn còn thấy người (Pháp) làm việc không kể ngày đêm, cuối tuần hay đầu tuần, họ vẫn làm việc theo thời vụ của giống thực vật và theo thời tiết mưa nắng.

Một năm trôi qua theo nhịp sinh trưởng của cây trồng, khi nào gieo hạt lúa mì, chờ lúa lên, săn sóc đồng ruộng, gặt hái…cũng là mấy tháng, nửa năm, vừa là thời gian, vừa là công sức, vừa là đầu tư tiền bạc mới làm ra được hạt lúa mì. Ở bên mình thì là lúa gạo, là ngô bắp, khoai sắn…Hàng xóm của tôi nuôi gà thịt, bán trứng…họ chăm sóc đàn gà hàng ngày như đời này qua đời khác vẫn làm, biết từng con gà trống gà mái, lại còn đặt tên cho nó để gọi nó như là gọi một người thân, thịt gà nhà quê, nuôi thả rong, phẩm chất vẫn tốt hơn là những loại gà nuôi công nghiệp.

Người nhà quê bên Pháp rất quý trọng thực phẩm. Họ dọn ăn, mỗi người một phần, mỗi người một đĩa, và họ ăn sạch đĩa, cầm miếng bánh mì “quét” sạch nước sốt đến nỗi cái đĩa sạch boong, khỏi cần phải rửa. Như thế cũng là một cách họ khen nấu ngon. Khác với ở Việt Nam, thói quen ăn chung, cùng gắp, cùng múc trong các đĩa thức ăn trên bàn, mang tính cách thân mật, chia sẻ, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” nhưng thật ra là thiếu vệ sinh và dễ truyền bệnh truyền nhiễm, nên du khách châu Âu rất ngại khi phải ăn chung như thế ở Việt Nam. Họ lại có thói quen, một bữa ăn là một món thôi. Thí dụ như họ gọi một món vịt xào thơm, thì họ chỉ ăn món ấy, và ăn cho hết. Trong khi mình thì phải có cơm, canh, món mặn, món xào…chấm mút mỗi món một chút và đặc biệt là ăn không hết, ăn phải để dư, để thừa, vì sợ mang tiếng là người hà tiện bủn xỉn hay đói ăn, uống gì cũng thế, nước, rượu…cũng đều phải chừa lại một ít trong ly, không uống cạn. Hai thói quen khác nhau, đối nghịch với nhau, xuất phát từ hai nguyên nhân khác nhau.

Kiểu ăn “búp phê” là thể loại ăn uống phung phí vung vãi thực phẩm nhất, vì ai cũng no cái bụng đói con mắt, ăn không hết mà cứ múc chất đầy ngộn một đĩa, rồi lại để cái đĩa còn dư thừa thức ăn đó, đi lấy một cái đĩa khác múc đầy những món khác. Chúng tôi không thích ăn kiểu búp phê, ai cũng hấp tấp nhanh tay nhanh chân chen vào, múc trước, vì cái cảm giác phải ăn thừa của bao nhiêu người khác, và nhất là bao nhiêu tay người cầm vào cái muỗng để múc thức ăn. Tôi vẫn tự hỏi, tay họ có sạch không ?

Những lần du lịch ở Việt Nam chúng tôi thuê xe có tài xế, thì có bác tài tử tế và ý nhị, ăn riêng, để “hai bác tự do”, có người thì thoải mái ăn chung, có người thì giận vì chồng tôi chỉ ăn có mỗi một món…cũng từ thói quen ăn uống mà ra.

Người Đức, cũng cùng trải qua hai trận Đại chiến thế giới khủng khiếp đẫm máu thiếu thốn đủ mọi thứ, nên họ cũng rất tôn trọng, quý trọng thực phẩm, lại có tiếng là tần tiện hơn dân Pháp, họ chỉ ăn nóng một lần trong ngày. Buổi sáng họ ăn bánh mì, thịt nguội, trứng, cà chua, mứt, yaourt, trái cây, bơ, sữa…cho no, cho ấm người để đi làm. Buổi trưa họ ăn nóng trong sở làm, hay ở nhà, cũng chỉ một món, một đĩa. Nếu sở làm không có dịch vụ ăn trưa thì họ lại cũng làm bánh mì gói mang theo để ăn trong sở. Buổi chiều tối, thường thì họ lại ăn bánh mì, nhưng ít hơn buổi sáng, cho dễ ngủ. Người già thì ăn súp đặc nấu bằng khoai tây và các loại rau củ.

Dù ở châu Âu, một bữa ăn chính có nhiều món được dọn lần lượt theo thứ tự từ món vui miệng, ăn chơi (amuse-gueule), món nhập đề (entrée), món chính (plat), món sà lách, món phô mai, cho đến món tráng miệng (dessert) và sau cùng là món “ăn tham” (gourmandises, mignardises, thường là bánh ngọt, chocolat…), nhưng hàng ngày ít ai lại có thì giờ và khả năng để ăn như thế. Mỗi bữa ăn thường nhật chỉ gồm có món nhập đề/món chính hay món chính/tráng miệng. Chỉ khi có tiệc tùng, đãi bạn bè…thì người ta mới bầy ra ăn uống như thế, vì nó kéo dài cả bốn, năm tiếng đồng hồ, ăn no quá thì sau đó không làm được gì nữa cả, cơ thể dồn hết sức vào việc tiêu hóa thực phẩm.

Thường khi nấu cơm cho chồng tôi ăn, tôi canh lượng theo phần, để ăn hai, ba bữa, hoặc là cứ hâm lại, ăn cho hết, hoặc là đóng gói đông lạnh, tuần sau lôi ra, hâm lại, ăn. Xương xẩu thì có con chó “xử lý”. Vụn bánh mì thì có chim chóc đến ăn. Vỏ, rác thực vật, cành cây gẫy, khô… thì tôi đổ trong một góc vườn để đốt với rác giấy, làm trở lại phân bón tự nhiên. Những nơi đông dân cư bị cấm đốt rác thì người dân mua một cái thùng nhựa cao, được chế tạo đặc biệt để đựng rác thực vật, cho nó tự hủy hoại, tạo thành đất rơi xuống cái ngăn ở dưới.

Hiện nay ở Pháp, hay Đức, người dân được kêu gọi tự phân loại rác riêng rẽ như rác giấy, rác nhựa, rác thủy tinh, rác hữu cơ (thực vật, thức ăn thừa…)…để gói rác, đựng rác và vất rác riêng rẽ. Mỗi nhà có hai thùng rác, một thùng dành cho rác hữu cơ, và một thùng dành cho rác các loại. Những loại rác đặc biệt như rác kim loại, đồ cũ (máy tính, màn hình, đồ gỗ….) thì phải đem đến trung tâm thu rác thuộc khu vực mình cư ngụ, ở đó, họ có những công tơ nơ đựng từng loại rác riêng rẽ. Rất nhiều công ty, nhờ làm những dịch vụ gom rác, thu rác, xử lý rác, đốt rác tạo nhiệt liệu, tái tạo nguyên liệu như giấy, thủy tinh, phân bón, nhựa….mà thâu được lợi nhuận đều đặn, thường xuyên, trở nên giầu có.

Thủ đô Paris, tuy đẹp và hoành tráng như thế, nhưng cũng vì rác rưởi mà vẫn có nhiều chuột, nhiều dán, con nào con nấy to phát khiếp.

Khi má tôi còn sống, gia đình có một cái thùng sắt tây, loại thùng sắt để gánh nước, đặt ở sau nhà, để đựng các loại rác thực vật, cơm ẩm, cơm hiu…Cái thùng ấy có tên là thùng cơm heo, vì một tuần hai lần có người nuôi heo đi gom lại đem về nấu thành cơm heo cho heo ăn. Những món ăn thừa, dư còn sạch sẽ, ngon lành như lúc mới dọn lên bàn ăn, thì má tôi bỏ vào một cái bao ny lông, treo lên cành cây me trước nhà. Người ăn xin đi ngang qua, lấy cái bao đựng thức ăn ấy để dùng.

Du khách đến Việt Nam, khi thấy hình ảnh người Việt thản nhiên và rất tự do vất tất cả xương xẩu, thịt, da…khăn giấy, chai bia, lon nước ngọt….các thứ… xuống dưới sàn nhà hàng, chân bàn ăn thành đống, chó mèo quanh quẩn đến gặm nhấm thì họ rất sợ, rất kinh hoàng về phong cách vừa thiếu vệ sinh, vừa không tôn trọng thực phẩm, môi trường của người mình, một dân tộc rất hãnh diện vì văn hóa ngàn năm. Chó rông, mèo hoang là những con vật truyền mầm bệnh, chúng lại gần gũi người nhất, nên ai cũng sợ. Con số du khách đi thăm Việt Nam về bị rệp cắn, nhiễm giun sán, nhiễm ghẻ lở, nhiễm độc thuốc tẩy rửa hóa học, nhiễm bệnh sốt rét v.v….thì không có thống kê nào ghi chép, nhưng nó làm tổn hại đến hình ảnh tuyệt đẹp của mình quảng cáo trên thế giới và ảnh hưởng đến ngành du lịch. Cộng thêm với sự bóp chẹt, chặt chém của những người lái xe du lịch, lái xe taxi, lái xe xích lô, cửa hàng bán gấp đôi gấp ba giá bán cho người Việt, tính dư trội trên hóa đơn ăn uống, nài nỉ dai ngoẳng níu kéo của hàng rong…. Cộng thêm với việc móc túi, cướp giật trên đường phố. Ở bên nhà lại có sự hiểu lầm là du khách mất tiền thì về nước được bảo hiểm trả lại, nên không một ai thèm giúp đỡ. Tôi xin nói rõ là không có bảo hiểm nào hoàn trả lại những số tiền bị móc túi, cướp giật trong thời gian đi du lịch. Cộng thêm phong cách ăn nói thô lỗ, hách dịch, trịch thượng, lạnh lùng, nhạt nhẽo, lười biếng của một thành phần những người làm dịch vụ du lịch…. thì mỗi người Việt Nam đều phải có góp phần bài trừ những hình ảnh tiêu cực ấy, không nên quay lưng nhắm mắt làm ngơ, để cho những cố gắng tích cực nhiều hơn lên, để cho mình còn có thể tiếp tục hãnh diện về văn hóa của mình, văn hóa Việt Nam. MTT